1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Rủi ro từ kịch bản "mèo vờn chuột" sau vụ UAV Mỹ rơi ở Biển Đen

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc một máy bay không người lái của Mỹ rơi ở Biển Đen sau vụ va chạm được cho là với một máy bay chiến đấu của Nga đã cho thấy kịch bản "mèo vờn chuột" đầy rủi ro trên bầu trời châu Âu.

Rủi ro từ kịch bản mèo vờn chuột sau vụ UAV Mỹ rơi ở Biển Đen - 1

UAV MQ-9 Reaper (Ảnh: Getty).

Sáng 14/3, một máy bay không người lái (UAV) trinh sát MQ-9 Reaper của Mỹ đã lao xuống Biển Đen. Washington cáo buộc máy bay chiến đấu Su-27 của Nga áp sát nguy hiểm, xả thẳng nhiên liệu lên chiếc UAV nhiều lần. Chiếc Su-27 sau đó va chạm với động cơ cánh quạt của MQ-9 khiến UAV của Mỹ rơi xuống biển.

Trong khi đó, Moscow nói rằng không xảy ra vụ va chạm và UAV của Mỹ rơi do thay đổi hướng đột ngột khiến thiết bị này mất lái. Nga cũng cáo buộc UAV của Mỹ không bật hệ thống hồi đáp tín hiệu nhận dạng và "vi phạm ranh giới của không phận tạm thời được thiết lập cho chiến dịch quân sự đặc biệt".

Vụ việc đánh dấu lần đầu tiên máy bay quân sự Nga và Mỹ đối đầu trực tiếp kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cách đây hơn một năm và có nguy cơ làm leo thang hơn nữa quan hệ Moscow - Washington. Đây dường như cũng là lần đầu tiên kể từ thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, một máy bay Mỹ đã rơi sau khi chạm trán với một máy bay chiến đấu của Nga.

Hãng tin AFP dẫn lời một chuyên gia Pháp nhận định, vụ việc trên được xem là "bất thường" và "ngoại lệ", tuy nhiên chưa thể hiện sự thay đổi rõ ràng về lập trường.

"Đây là sự trở lại tình hình vào thời điểm cuối Chiến tranh Lạnh khi các thiết bị bay của phương Tây thỉnh thoảng bị phá hủy", chuyên gia Pháp nói thêm, đồng thời đề cập đến việc Liên Xô thường xuyên bắn vào khinh khí cầu của Mỹ trong những năm 1980.

Theo CNN, các chuyến bay trinh sát của Mỹ diễn ra thường xuyên ở không phận quốc tế trên Biển Đen trong vài năm qua và khu vực này đã quân sự hóa mạnh mẽ kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Do vậy, việc một máy bay không người lái của Mỹ bị phát hiện trên vùng biển này không phải là chuyện lạ.

Rủi ro từ kịch bản mèo vờn chuột sau vụ UAV Mỹ rơi ở Biển Đen - 2

Vị trí Biển Đen (Ảnh: Sky).

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, các quốc gia thành viên NATO vẫn điều máy bay qua Biển Đen hàng ngày, nhưng luôn cẩn trọng để không xâm phạm không phận của Nga. Động thái này một phần nhằm thu thập thông tin tình báo, nhưng cũng gửi một thông điệp tới Nga rằng NATO vẫn luôn cảnh giác cao độ khi cuộc xung đột diễn ra khốc liệt ở sườn phía đông.

"NATO giám sát mọi thứ xảy ra ở Biển Đen, không có gì xảy ra ở đó mà chúng tôi không biết. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Nga biết rõ về sự hiện diện của chúng tôi dọc theo biên giới, cũng như chúng tôi biết rõ về sự hiện diện của họ", Đại tá Italy Michele Morelli cho biết hồi tháng 12 năm ngoái.

Trong những năm gần đây, Nga cũng không do dự khi gửi thông điệp tới NATO bằng cách điều máy bay quân sự đến gần không phận của các nước châu Âu.

Hôm 14/3, Bộ Quốc phòng Anh cho biết các máy bay chiến đấu của lực lượng không quân Anh và Đức đã xuất kích để chặn một máy bay Nga gần không phận Estonia. Anh và Đức đang tiến hành các nhiệm vụ trinh sát chung trên không ở Estonia như một phần trong nỗ lực củng cố sườn phía đông của NATO.

Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, các quốc gia thành viên ở sườn phía đông của NATO gồm 3 nước Baltic, Ba Lan, Bulgaria và Romania, đã được hưởng lợi từ hoạt động trinh sát trên không được tăng cường từ NATO. Theo NATO, vào năm 2022, các lực lượng không quân của NATO trên khắp châu Âu đã xuất kích khoảng 570 lần để chặn máy bay quân sự Nga tiếp cận không phận của liên minh. Tuy nhiên, hầu hết các vụ ngăn chặn diễn ra trên Biển Baltic, thay vì Biển Đen.

"Phần lớn các cuộc chạm trán trên không diễn ra an toàn và chuyên nghiệp. Trong một số trường hợp, máy bay quân sự Nga đã tiến hành các hành động mạo hiểm gần các máy bay trinh sát không vũ trang của đồng minh đang bay trong không phận quốc tế", một quan chức NATO cho biết.

"Các máy bay quân sự của Nga thường không gửi mã cho biết vị trí và độ cao, không lập kế hoạch bay hoặc không liên lạc với các kiểm soát viên không lưu, gây ra rủi ro tiềm ẩn cho các máy bay dân dụng", theo NATO. Các máy bay chiến đấu của NATO sau đó sẽ được xuất kích để chặn máy bay Nga và hộ tống nếu cần thiết.

Cuộc xung đột tại Ukraine, với sự tập trung đáng kể của các lực lượng vũ trang trong không phận khu vực, đã làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố có thể châm ngòi cho kịch bản leo thang.

Anh từng cáo buộc lực lượng không quân Nga phóng tên lửa gần một máy bay của lực lượng không quân Anh vào cuối tháng 9 năm ngoái khi máy bay này đang tuần tra trên Biển Đen. Quan chức NATO cũng cáo buộc máy bay quân sự của Nga từng bay qua các tàu của NATO tuần tra định kỳ ở Biển Baltic một cách không an toàn vào tháng 11.

"Việc một máy bay bay qua lãnh thổ một quốc gia là cực kỳ hiếm. Kịch bản thường xảy ra là quá cảnh trên vùng biển quốc tế, bên ngoài lãnh thổ có chủ quyền, nhưng trong không phận mà các nhà kiểm soát không lưu ở vùng Baltic hoạt động để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay", một sĩ quan không quân Pháp cho biết.

Ngay sau khi vụ rơi UAV Mỹ xảy ra, Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ cảnh báo hành động "gây hấn" của Nga là nguy hiểm và có thể dẫn đến những tính toán sai lần cũng như rủi ro leo thang ngoài ý muốn. Các nghị sĩ Mỹ cũng chỉ trích gay gắt động thái của Nga và yêu cầu đáp trả.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng vụ việc khó có thể đẩy căng thẳng Mỹ - Nga vượt tầm kiểm soát.

Theo Becca Wasser, chuyên gia tại viện nghiên cứu Trung tâm An ninh Mỹ Mới, mặc dù trước đây đã xảy ra một số sự cố va chạm với máy bay Nga, nhưng vụ việc lần này có liên quan đến máy bay không người lái của Mỹ, do vậy căng thẳng khó có nguy cơ bùng nổ.

"Vụ việc gây lo ngại sâu sắc trong bối cảnh diễn ra như vậy, nhưng đó là một máy bay không người lái nên cũng giảm nguy cơ bùng phát căng thẳng", bà Wasser nói, đề cập đến một sự cố tương tự vào năm 2019 khi Iran bắn hạ một chiếc UAV RQ-4 Global Hawk mà Mỹ không có phản ứng quân sự trực tiếp nào.

Mary Ellen O'Connell, chuyên gia về luật pháp quốc tế và sử dụng vũ lực, cho biết Mỹ không nên đáp trả Nga bằng vũ lực trực tiếp. "Trong khi máy bay không người lái (Mỹ) có thể đang tiến hành hoạt động trinh sát cho Ukraine, Nga có thể làm gián đoạn hoạt động của (UAV) Reaper theo luật xung đột vũ trang, mặc dù Nga có thể chọn cách tốt hơn để thực hiện. Cho đến nay, Mỹ đã thành công trong việc hỗ trợ Ukraine mà không phải đối đầu trực tiếp với Nga. Cách tiếp cận đó cần phải tiếp tục", chuyên gia O'Connell nói.

Theo AFP, Hill