(Dân trí) - Gần một tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moscow và Kiev đã triển khai nhiều hệ thống vũ khí hiện đại vào thực chiến, cho thấy cuộc đối đầu trực diện giữa vũ khí Nga và phương Tây.
CHIẾN SỰ NGA - UKRAINE: NƠI "THỬ LỬA" VŨ KHÍ CỦA CÁC CƯỜNG QUỐC QUÂN SỰ
Gần một tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moscow và Kiev đã triển khai nhiều hệ thống vũ khí hiện đại vào thực chiến, cho thấy cuộc đối đầu trực diện giữa vũ khí Nga với vũ khí của Ukraine và phương Tây.
Sáng sớm ngày 19/3, Bộ Quốc phòng Nga đăng một đoạn video mô tả là cảnh tên lửa siêu vượt âm Kinzhal bắn vào một kho đạn dưới lòng đất của Ukraine.
Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Nga triển khai tên lửa hiện đại này trong chiến dịch quân sự ở nước láng giềng, và cũng là lần đầu tiên mà một tên lửa siêu vượt âm được triển khai trong thực chiến.
Trước đó vài ngày, Mỹ thông báo sẽ gửi máy bay không người lái "sát thủ cảm tử" Switchblade 600 tới Ukraine với kỳ vọng rằng đây sẽ là khí tài có thể giúp "thay đổi cuộc chơi".
Sau gần một tháng chiến dịch quân sự của Nga diễn ra ở nước láng giềng, cả Moscow và phương Tây đã đưa hàng loạt khí tài quân sự tới Ukraine nhằm "khắc chế" phía còn lại.
UAV - "SÁT THỦ" TRÊN KHÔNG
Sau một vài cuộc xung đột diễn ra trong thời gian trước chiến dịch quân sự của Nga, giới chuyên gia quân sự đã nhiều lần đánh giá máy bay không người lái (UAV) sẽ trở thành một phần quan trọng trong hoạt động tác chiến tương lai.
Những diễn biến thực tế tại Ukraine trong hơn 3 tuần qua cho thấy nhận định này khá chính xác.
Walter Dorn, giáo sư nghiên cứu quốc phòng tại Trường Quân sự Hoàng gia ở Kingston, Canada nói với CTV News rằng, một trong những vũ khí nổi bật trong chiến sự ở Ukraine là UAV Bayraktar TB2, sản phẩm được xem là niềm tự hào của ngành công nghiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Ukraine đã mua TB2 từ Ankara vài năm trước.
Điểm mạnh của TB2 là khả năng bay ở tốc độ 200 km/h, với sải cánh 12 m. UAV này có thể bắn ra vũ khí từ tầm thấp để nhằm vào mục tiêu với độ chính xác cao hơn, trước khi di chuyển lên cao để tăng khả năng sống sót trước lá chắn phòng không đối thủ.
TB2 có giá thành thấp so với một UAV có thể tái sử dụng, với khoảng 2 triệu USD/chiếc. Nó có thể mang các loại bom hạng nhẹ, dẫn đường bằng laser, và giúp Ukraine thực hiện các vụ tấn công chính xác và bất ngờ. Sky News ước tính, Ukraine có từ 20-50 chiếc TB2 trong kho vũ khí.
UAV này không mang tới rủi ro gây thiệt hại tới binh sĩ, có thể tái sử dụng và di chuyển linh hoạt. Nó tạo ra không ít thiệt hại cho Moscow khi Ukraine sở hữu năng lực quân sự bất đối xứng so với Nga.
Tuy nhiên, chuyên gia Jack Watling từ Viện Royal United Services (Anh), nhận định rằng TB2 chỉ hoạt động hiệu quả ở giai đoạn đầu chiến sự, trước khi Nga đẩy mạnh triển khai mạng lưới phòng thủ ở Ukraine. Với việc Nga đưa các lá chắn phòng không và tác chiến điện tử tới Ukraine, vai trò của TB2 có thể sẽ bị giảm nhẹ. Trên thực tế, Nga trong những ngày qua đã bắn rơi khá nhiều chiếc UAV, trong đó có TB2 của Ukraine. Tổng cộng từ đầu chiến dịch, Nga thông báo đã bắn hạ 230 UAV của Ukraine.
Trong một diễn biến khác, trong gói hỗ trợ an ninh 800 triệu USD Mỹ cấp cho Ukraine tuần trước, có 100 chiếc UAV Switchblade hay còn được gọi là "sát thủ cảm tử".
Switchblade có kích thước nhỏ gọn, chiều dài chỉ khoảng 61 cm, trọng lượng 2,7 kg, giá khoảng 6.000 USD/chiếc. Nó có thể bay với tốc độ 101 km/h, liên tục trong 40 phút và cự ly hoạt động khoảng 80 km.
Switchblade rất khó bị radar đối phương phát hiện và có thể sử dụng để tấn công chính xác mục tiêu ở cách xa tới 11 km, thậm chí có thể phá hủy xe bọc thép và xe tăng. Switchblade được xem như một "quả bom thông minh tự hành" có thể bay xung quanh mục tiêu để chờ thời cơ tấn công.
Ngoài ra, UAV này có thể thu thập thông tin tình báo chiến lược, giám sát, thu thập mục tiêu và cung cấp khả năng trinh sát cho người điều khiển và giúp mang lại bức tranh toàn cảnh của chiến trường.
Trước các lá chắn phòng không của Nga, Switchblade có thể trở thành vũ khí làm "thay đổi cuộc chơi", gây trở ngại cho dàn thiết giáp của Nga, chuyên gia quân sự Stavros Atlamazoglou nhận định với Business Insider.
Tuy nhiên, chuyên gia Robert Abrams nói với ABC News rằng, Switchblade dù là một UAV có uy lực, nhưng lại là UAV dạng cảm tử, không thể tái sử dụng sau khi tấn công và đây là nhược điểm lớn của thiết bị này.
Về phía Nga, họ cũng triển khai kho UAV hiện đại trong chiến sự ở Ukraine một cách hiệu quả. Các đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga đăng tải trong thời gian qua cho thấy UAV Forpost của nước này phóng tên lửa và phá hủy các mục tiêu quân sự có giá trị của Ukraine.
Forpost là UAV đặc biệt khi nó là kết quả của sự hợp tác giữa một công ty Nga và bản quyền sản xuất từ một nhà thầu Israel. Tuy nhiên, sau khi quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi, vào năm 2016, Israel được cho đã chịu áp lực của đồng minh Mỹ và đã dừng hợp tác sản xuất Forpost với Nga.
Nga đã không bỏ rơi chương trình này, mà tiếp tục phát triển nó từ một UAV trinh thám ban đầu biến thành UAV tấn công. Nga đã "trình làng" biến thể Forpost-R do họ tự hoàn thiện vào năm 2019 với các hệ thống "cây nhà lá vườn" như động cơ nội địa, hệ thống điện quang, điện tử, liên kết dữ liệu và các tên lửa uy lực.
Forpost-R cũng được trang bị phần thân máy bay kiên cố để tăng cường khả năng sống sót trên chiến trường. UAV này bay được 18 giờ đồng hồ với trọng lượng cất cánh 500 kg, tầm hoạt động 400 km và lên được độ cao 6 km.
Ngoài Forpost, một UAV cũng được giới quan sát chú ý trên chiến trường Ukraine là Orlan-10. UAV này hiện đã trong biên chế Nga 7 năm. Đây được xem là "đôi mắt" trên không trung của pháo binh Nga khi chức năng chính của UAV này là tìm kiếm và định vị mục tiêu. Nó được trang bị hệ thống camera ngày và đêm, và bay lơ lửng tối đa 16h đồng hồ ở khoảng cách tối đa 160km so với người điều khiển.
Orlan-10 đóng vai trò như "hoa tiêu" cho các đoàn xe quân sự, nó sẽ quét mục tiêu dưới đất để phát hiện ra các điểm bất thường.
Theo Forbes, việc sử dụng Orlan-10 cho phép Nga có thể linh hoạt trong việc phòng thủ trước mối đe dọa từ đối phương và quan trọng hơn là chỉ điểm cho phía Nga các mục tiêu quân sự để họ nhằm vũ khí chính xác vào như đúng mục tiêu ban đầu mà Nga đề ra. Trong một vụ việc, Orlan-10 đã bám đuôi các xe BM-21 của Ukraine đến tận căn cứ và truyền tin cho hệ thống tên lửa Iskander. Nga sau đó đã nhằm trúng mục tiêu với một quả tên lửa làm nhiều thành viên lực lượng Ukraine thiệt mạng.
DÀN TÊN LỬA UY LỰC
Trên chiến trường, cả Nga và Ukraine đều triển khai dàn tên lửa uy lực đáng gờm, nhưng nếu như Ukraine thiên về các tên lửa phòng thủ, nhằm phá hủy xe tăng, xe thiết giáp và bắn rơi máy bay, thì Nga thiên về các tên lửa chính xác cao nhằm trúng các mục tiêu có giá trị của đối thủ.
Phương Tây đã gửi cho Ukraine dàn vũ khí chống tăng có thể giúp "thay đổi cuộc chơi", theo Pavel Felgenhauer, chuyên gia về quân sự Nga tại Jamestown Foundation (Mỹ). Những vũ khí nổi bật nhất có thể kể tới là tên lửa Javelin và tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới NLAW.
Cả Javelin và NLAW đều có khả năng tấn công xe tăng từ trên cao, nơi lớp giáp của khí tài này yếu nhất. Các tên lửa này còn cho phép người sử dụng di chuyển ra xa sau khi bắn, từ đó làm giảm nguy cơ bị phản công khi vị trí của họ bị lộ. Theo các chuyên gia, ngay cả những siêu tăng "đình đám" của Nga như T-90 cũng có thể tổn thương trước Javelin vì tên lửa này có 2 đầu đạn được xem "khắc tinh" của giáp phản ứng nổ trên các thiết giáp hiện đại với khả năng xuyên thủng cả 2 lớp bảo vệ xe tăng.
Một điểm mạnh khác của Javelin là nó sử dụng hệ thống hồng ngoại để khóa mục tiêu ở khoảng cách lên tới 4.750 m. Quả đạn sau khi phóng ra khỏi ống sẽ tự đi tìm mục tiêu, cho khả năng đánh trúng cao vượt trội. Khả năng tấn công ở khoảng cách xa giúp người vận hành Javelin có thể an toàn hơn trước các đòn đáp trả của đối thủ.
NLAW dù không có nhiều tính năng hiện đại như Javelin nhưng ưu điểm của nó là kết hợp giữa hệ thống chống tăng tiên tiến và súng chống tăng vác vai. NLAW được mệnh danh là "Javelin tầm gần" khi nó có cơ chế đặc biệt giúp nó có thể tăng tốc độ lên khoảng 200 m/s khi được phóng ra. Sau đó, nó sẽ dùng hệ thống dẫn đường quán tính để bay tới phương tiện mục tiêu.
Trên thực tế, Ukraine đã sử dụng cả Javelin và NLAW, cùng với các vũ khí chống tăng khác gây không ít tổn thất tới dàn thiết giáp của Nga. Hai vũ khí này được xem là một trong những vũ khí của phương Tây có khả năng làm chậm đà tiến của Nga.
Ngoài 2 loại tên lửa nhằm vào tăng thiết giáp Nga, phương Tây cũng gửi cho Ukraine tên lửa Stinger. Đây là tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) sử dụng công nghệ dẫn đường bằng tia hồng ngoại để tìm kiếm và tấn công các mục tiêu đang bay. Tên lửa này rất hiệu quả trong việc bắn hạ trực thăng và máy bay di chuyển ở tầm thấp.
Trong gần một tháng mở chiến dịch quân sự, Nga thông báo rằng các tên lửa chính xác cao của họ đã thực hiện hàng loạt các vụ tấn công nhằm vào mục tiêu quân sự có giá trị của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga trong 2-3 tuần qua liên tục đăng các video ghi từ UAV cảnh mà tên lửa của nước này phóng từ trực thăng, máy bay, chiến hạm vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine như kho vũ khí, kho nhiên liệu, căn cứ quân sự, xe quân sự, tổ hợp pháo và tên lửa.
Một trong những tên lửa được Nga tin cậy sử dụng là Kalibr để nhằm vào các mục tiêu quân sự của Ukraine. Đây chính là tên lửa đã mở màn chiến dịch của Nga ở Ukraine, khi họ phóng 30 quả Kalibr vào các mục tiêu của Kiev.
Một số phiên bản của tên lửa Kalibr có thể đạt tới tốc độ siêu thanh (gấp từ 1,2 tới dưới 5 lần tốc độ âm thanh) vào giai đoạn cuối nhằm tránh việc bị hệ thống phòng không đối phương hạ gục.
Năm 2019, Nga đã từng phô diễn màn tấn công ấn tượng của Kalibr trong một vụ thử khi nó đã đánh trúng mục tiêu ven biển ở khoảng cách 250 km trong khoảng thời gian 137 giây. Dòng tên lửa Kalibr mà Nga từng sử dụng ở Syria có hiệu suất tương đương tên lửa "sát thủ" Tomahawk do Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên, để nhằm vào các mục tiêu chủ chốt, có giá trị cao, Nga sử dụng tên lửa Iskander có tầm bay khoảng 500 km và đầu đạn uy lực hơn Kalibr, có thể phá hủy các công trình lớn và những cứ điểm kiên cố của quân đội Ukraine.
Iskander-M có thể khai hỏa vào 2 mục tiêu khác nhau trong vòng một phút. Điểm đặc biệt của dòng tên lửa này là khả năng bay không theo đạn đạo thông thường nên rất khó bị đánh chặn và đạn tên lửa được điều khiển trong toàn bộ quá trình bay.
Mặt khác, khí tài thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông trong những ngày qua chính là tên lửa siêu vượt âm Kinzhal. Nga xác nhận rằng, họ vào cuối tuần qua đã triển khai 2 quả tên lửa có khả năng bay nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh nhằm vào kho đạn và kho nhiên liệu của Ukraine.
Mỹ xác nhận vụ việc và thừa nhận với tốc độ và đường bay như vậy, Kinzhal được xem là "gần như không thể bị đánh chặn".
Mỹ cho rằng, Nga sử dụng Kinzhal để nâng cao tinh thần cho quân đội trước những bước tiến chưa có nhiều đột phá ở Ukraine. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, đó có thể không phải là mục tiêu lớn nhất của Moscow.
Trên thực tế, với các mục tiêu như kho đạn ngầm hay kho nhiên liệu, Nga có thể chỉ cần Iskander-M hay Kalibr là có thể phá hủy được, nhưng việc đưa một khí tài rất mới, tiên tiến và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân triển khai ở Ukraine là thông điệp tới Mỹ về sức mạnh quân sự của Nga.
Chuyên gia về Nga Rebekah Koffler nói với Fox News rằng, việc sử dụng Kinzhal như một "lời nhắc nhở" của Nga tới Mỹ rằng, Moscow đang sở hữu vũ khí siêu vượt âm mà Mỹ chưa phát triển được. Bản thân Washington nhiều lần thừa nhận họ đang chậm chân hơn Nga trong cuộc đua phát triển loại khí tài có thể bay nhanh hơn tối thiểu 5 lần tốc độ âm thanh.
CÔNG NGHỆ MỚI LỘ DIỆN
Chiến sự Ukraine cũng được xem là nơi Nga và phương Tây thử nghiệm những công nghệ mới trong hệ thống vũ khí của họ. Ngoài tên lửa Kinzhal hay UAV Switchblade, các bên cũng mang tới Ukraine những hệ thống và thiết bị tối tân.
Một ví dụ điển hình chính là, cộng đồng tình báo Mỹ đã phát hiện một thiết bị bí ẩn nằm bên trong tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga. Đây là thiết bị được mô tả là rất bí ẩn, chưa bao giờ xuất hiện.
Sau khi phân tích, các chuyên gia kết luận đây là một thiết bị "mồi nhử" đánh lừa radar phòng không và đánh lừa tên lửa phòng thủ tầm nhiệt tuyệt mật của quân đội Nga.
Mỗi thiết bị được lắp các bộ phận điện tử có thể tạo ra các tín hiệu vô tuyến để gây nhiễu hoặc đánh lừa các radar của đối phương, đồng thời chứa một nguồn nhiệt để thu hút các tên lửa phòng không đang lao tới.
Theo New York Times, mồi nhử này có thể giúp giải thích tại sao hệ thống phòng không Ukraine gặp khó khăn trong việc đánh chặn tên lửa Iskander-M của Nga. Việc kết hợp thiết bị mồi nhử vào vũ khí sử dụng đầu đạn thông thường như Iskander-M là chưa từng được ghi nhận trước đó trong các tài liệu quân sự.
Tiến sĩ Jeffrey Lewis, giáo sư về không phổ biến vũ khí tại Viện Middlebury (Mỹ), nhận định rằng các thiết bị mồi nhử như của Nga được xem là tuyệt mật vì nếu đối thủ giải mã được cơ chế của thiết bị, họ sẽ ra tìm cách khắc chế nó trong tương lai.
Chiều 22/3, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận họ đã đưa hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 tới Ukraine. Đây là một trong những lá chắn mới nhất Nga phát triển và đưa vào biên chế.
Dù mang tên giống hệ thống tên lửa Buk đã có từ những năm 1980, nhưng Nga đã có nhiều cải tiến trên Buk-M3 giúp cho hệ thống này hoạt động một cách "thông minh" hơn hẳn phiên bản trước. Theo giới quan sát quân sự, với những nâng cấp, Buk-M3 hiện tại hoàn toàn có khả năng ngăn chặn các tên lửa hành trình hiện đại, trong đó có Tomahawk của Mỹ.
Một hệ thống Buk-M3 có thể tạo ra một "lá chắn trên không" ngăn cản mục tiêu ở khoảng cách tối đa 70 km và độ cao tối đa 40 km.
Phần cứng của Buk-M3 có thể hoạt động trong khoảng nhiệt độ từ âm 50 cho tới 50 độ C. Theo RBTH, Buk-M3 có thể chống lại các thiết bị làm nhiễu sóng vô tuyến. Hệ thống này có khả năng dò tối đa 48 mục tiêu và khai hỏa tiêu diệt 4 mục tiêu cùng lúc.
Với Buk-M3, Nga được cho muốn tiếp tục duy trì thế áp đảo trên không của họ tại Ukraine. Lá chắn này sẽ có giúp Nga khóa bầu trời, và có thể thực hiện các đòn tấn công từ xa nhằm vào tiêm kích, UAV, tên lửa...
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, một điểm hạn chế của phía Ukraine là họ chưa thực sự được đào tạo tương thích để sử dụng các khí tài hạng nặng và tiên tiến của phương Tây. Trước khi bắt tay với phương Tây mạnh mẽ hơn trong vài năm qua, Ukraine chủ yếu vẫn sử dụng các hệ thống vũ khí có từ thời Liên Xô. Điều này làm hạn chế tận dụng khí tài được viện trợ và khiến Mỹ và đồng minh phải cố gắng tìm kiếm những hệ thống từ thời Liên Xô để tương thích với tình hình thực tế của Ukraine ví dụ như lá chắn S-300 hay trước đó là tiêm kích MiG-29.
Đức Hoàng
Theo CTV News, ABC News, RBTH, NYT