Bức tranh thế giới năm 2023 và triển vọng năm 2024
Tình hình kinh tế ảm đạm, cạnh tranh địa chính trị gay gắt và nhiều điểm nóng mới xuất hiện, cùng với sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là những đặc điểm lớn nhất của cục diện thế giới năm 2023.
Bước sang năm 2024, cục diện thế giới sẽ không chỉ tiếp tục mang theo những đặc điểm nói trên mà còn trở nên phức tạp khó lường hơn do hàng chục cuộc cầu cử sẽ diễn ra, có thể thay thế gần một nửa số lãnh đạo các quốc gia trên thế giới.
Kinh tế toàn cầu trì trệ
Chu kỳ tăng trưởng cao của kinh tế thế giới đã chấm dứt bởi đại dịch Covid-19 và đang bước vào chu kỳ tăng trưởng thấp và trì trệ. Thế giới năm 2023 tuy tránh được một cuộc suy thoái được dự báo trước, nhưng vẫn phải chịu nhiều cú sốc như lạm phát tăng cao, khủng hoảng ngân hàng, suy giảm sản xuất công nghiệp thương mại toàn cầu.
Tất cả làm suy kiệt khả năng phục hồi sau đại dịch và làm cho đồ thị tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục theo chiều đi xuống, từ tốc độ 2,8% năm ngoái xuống còn 2,4% trong năm nay và ước tính chỉ còn trên dưới 2% trong năm sau, theo nhiều dự báo của các tổ chức tài chính thế giới.
Sự gia tăng bất ngờ về số lượng việc làm tại Mỹ góp phần trì hoãn nhưng khó có thể tránh khỏi một cuộc suy thoái nhẹ trong năm 2024. Kinh tế khu vực đồng Euro không còn phải chịu nhiều áp lực lạm phát do giá năng lượng đã giảm, nhưng cũng chỉ có thể tăng trưởng 0,6% vào năm 2023 và 0,9% vào năm 2024.
Kinh tế Anh cũng được dự báo sẽ tránh được suy thoái, nhưng vẫn trì trệ trong phần lớn thời gian của năm nay trước khi cải thiện lên mức 0,9% vào năm 2024.
Điều đáng lo ngại là một sự giảm tốc rõ ràng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, khi mà xuất khẩu của nước này giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp cao nhất từ trước tới nay.
Trừ điểm sáng Ấn Độ với tốc độ tăng trưởng năm 2023 vẫn đạt trên 6%, hầu hết các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn khác đang phải đối mặt với thời kỳ tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 4,4% vào năm 2023 và dự báo chỉ còn 3,9% vào năm 2024.
Chạy đua công nghệ và chuyển đổi năng lượng xanh
Đi ngược chiều với sự giảm tốc kinh tế toàn cầu là sự phát triển dường như không ngăn cản nổi của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, mà nổi bật trong năm 2023 là sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo AI với sự ra đời và phát triển thần tốc của ứng dụng ChatGPT.
Trí tuệ nhân tạo AI mở ra một kỷ nguyên mới cho sự sáng tạo và thịnh vượng của con người, làm cơ sở cho những đột phá khoa học trên nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên cũng có cảnh báo rằng, công nghệ này sẽ tạo ra thất nghiệp hàng loạt và bất bình đẳng xã hội, cũng như việc sử dụng AI theo cách không mong muốn, kể cả việc can thiệp vào các cuộc bầu cử.
Do vậy, cần có khung pháp lý nhằm cân bằng giữa việc phát triển AI với những lo ngại về tác động của công nghệ đối với người dùng, thông tin sai lệch, bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và kiểm duyệt nội dung. Hơn 30 quốc gia đã thông qua luật về AI và hàng chục quốc gia khác đang tranh luận về các quy định đối với AI trong năm tới.
Cuộc chạy đua công nghệ còn lan lên cả vũ trụ. Hiện 77 quốc gia có cơ quan vũ trụ và 16 quốc gia có thể phóng tàu vũ trụ vào không gian.
Trong năm 2023, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ không người lái gần vùng cực Nam của mặt trăng và đang chuẩn bị cho một sứ mệnh nghiên cứu mặt trời. Trung Quốc và Mỹ cũng có các chương trình mặt trăng đầy tham vọng, trong đó NASA đặt mục tiêu đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những phát triển này có thể dấy lên nguy cơ cuộc cạnh tranh địa chính trị lan lên cả mặt trăng và các hành tinh khác.
Năm qua cũng chứng kiến bản đồ năng lượng toàn cầu được vẽ lại bởi quá trình chuyển đổi nhanh sang năng lượng sạch. Các kim loại như lithium, đồng và niken đang ngày càng trở nên quan trọng, trong khi dầu và khí đốt đang mất đi giá trị.
Tuy nhiên, quá trình này cũng tạo ra "kẻ thắng, người thua" không ngờ tới, khiến cuộc cạnh tranh giành tài nguyên xanh ngày càng gay gắt. Điều này phản ảnh rõ qua sự chia rẽ giữa các nước trong cuộc thảo luận tại Hội nghị Biến đổi khí hậu COP28 của Liên hợp quốc về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Kết quả là thỏa thuận của Hội nghị chỉ là "giảm thiểu" sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu khí và than đá, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trật tự thế giới và cạnh tranh nước lớn
Sự trì trệ kinh tế ở các nước phát triển tiếp tục thúc đẩy xu hướng chuyển dịch quyền lực toàn cầu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và rút ngắn khoảng cách giữa các nước với Mỹ, quốc gia vẫn còn tạm thời giữ vị trí siêu cường số một, có sức mạnh kinh tế, quân sự và khoa học công nghệ lớn nhất thế giới.
Điều này làm cho trật tự thế giới ngày càng trở nên đa cực - đa trung tâm hơn.
Quá trình hình thành trật tự mới cũng phần nào được thể hiện qua việc nhóm BRICS vừa quyết định kết nạp Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Tuy nhiên, xu hướng đa cực cũng làm phân tán quyền lực và tạo nên những khoảng trống quyền lực tại nhiều nơi trên thế giới mà các nước cường quốc, kể cả các cường quốc khu vực đều cố gắng lấp đầy. Cùng với đó, các nỗ lực trái chiều của một số cường quốc muốn duy trì trật tự cũ, trong khi một số khác muốn xây dựng một trật tự mới đã đẩy các nước này vào thế cạnh tranh ngày càng gay gắt trên mọi lĩnh vực kinh tế, quân sự và đặc biệt là công nghệ, lĩnh vực mang tính quyết định đối với sức mạnh quốc gia hiện nay.
Cạnh tranh và tranh giành ảnh hưởng diễn ra tại hầu hết khu vực trên thế giới, nhưng trọng tâm vẫn là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tập trung cả hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc cùng các cường quốc lớn như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và thu hút sự quan tâm của các nước và trung tâm lớn của thế giới. Trong đó, cạnh tranh Trung - Mỹ vẫn nổi trội nhất.
Trung Quốc đã có những nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ sau vụ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời nước Mỹ và bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.
Tuy nhiên, cuộc đối thoại giữa hai bên đã không ngăn được Washington áp đặt các hạn chế thương mại bổ sung đối với Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh giảm bớt sự quấy rối đối với Đài Loan, Philippines hoặc lực lượng quân sự của Mỹ ở châu Á.
Cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 bên lề Diễn đàn các nhà lãnh đạo APEC 2023 ở San Francisco, đạt được một số thỏa thuận nhỏ nhưng không tạo được đột phá nào để cải thiện quan hệ giữa hai bên.
Triển vọng quan hệ Mỹ - Trung càng khó được cải thiện khi đây chính là chủ đề nóng nhất trong cuộc vận động tranh cử tại Mỹ trong năm tới. Với mục tiêu được bầu lại trong nhiệm kỳ 2, Tổng thống Biden đã nâng Trung Quốc lên thành mối quan tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Nguy cơ một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" ngày càng gia tăng, nhưng khả năng đối đầu trực tiếp giữa Mỹ với Trung Quốc cũng như với Nga vẫn có thể loại trừ, do không bên nào có thể áp đảo được bên kia và do những thiệt hại khủng khiếp mà cả các bên khó có thể chịu đựng nếu xảy ra xung đột trực tiếp và bùng phát thành một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Các điểm nóng trên toàn cầu
Một đặc điểm đáng báo động của tình hình chính trị thế giới hiện nay là các cuộc xung đột vũ trang và bạo lực đang gia tăng nhanh chóng với số lượng gần mức cao nhất từ trước tới nay. Trong khi các điểm nóng cũ ở châu Âu, châu Á ngày càng phức tạp, các điểm nóng mới ở Trung Đông và Tây Phi bùng nổ thêm.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã lâm vào bế tắc và chuyển thành một cuộc chiến tiêu hao đối với cả hai bên, bất chấp nỗ lực phản công của Ukraine trong mấy tháng qua.
Nga dường như chưa muốn ngừng giao tranh vì tin rằng thời gian đang đứng về phía mình, do khả năng chống chịu tốt hơn và nền kinh tế cũng như dân số lớn hơn đáng kể, đồng thời đang chờ đợi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11/2024 với hy vọng có thể đưa lại kết quả bất lợi cho Ukraine nếu ông Donald Trump được tái cử.
Trong khi thái độ "do dự" bắt đầu xuất hiện ở phương Tây có thể cản trở dòng chảy vũ khí và viện trợ cho Kiev, phía Nga cũng có những hạn chế về trang thiết bị. Do vậy, cả hai bên đều khó có thể có một bước đột phá quân sự nào trong thời gian tới.
Sự bế tắc về quân sự này có thể là tiền đề cho hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia lại bùng phát, trong khi căng thẳng giữa Serbia và Kosovo lại sôi sục, đe dọa dẫn tới một cuộc chiến tranh mới tại châu Âu.
Tại Trung Đông, những nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả rập bị đảo chiều đột ngột bởi cuộc tấn công bất ngờ của Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10 và cuộc tấn công trả đũa dữ dội chưa từng có của Israel vào Dải Gaza.
Thỏa thuận ngừng bắn ngắn ngủi đạt được giữa 2 bên thông qua trung gian hòa giải của Mỹ và Qata vào cuối tháng 11 chỉ giúp giải thoát khoảng một trăm con tin, nhưng không làm chấm dứt được cuộc xung đột này.
Những lo ngại về một cuộc chiến tranh Trung Đông rộng lớn hơn, làm gián đoạn nguồn cung dầu lửa từ Trung Đông đã giảm bớt, nhưng bao giờ cuộc xung đột sẽ kết thúc và kết thúc như thế nào vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Châu Phi trong năm 2023 xảy ra hàng loạt cuộc đảo chính. Vào tháng 7, quân đội Niger đã lật đổ tổng thống được bầu cử dân chủ. Vào tháng 8, quân đội Gabon tiến hành đảo chính và nắm quyền với lời hứa mơ hồ sẽ tổ chức bầu cử. Trước đó vào tháng 4, tại Sudan, nội chiến xảy ra giữa quân đội nước này và Lực lượng dân quân SAF trên khắp đất nước.
Việc Chính phủ Mali đã yêu cầu Liên hợp quốc rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi lãnh thổ Mali, cùng với việc Pháp bắt đầu rút lui khỏi khu vực, làm dấy lên lo ngại về một khoảng trống an ninh có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra bạo lực mới tại châu Phi.
Tại khu vực Đông Á, căng thẳng trên eo biển Đài Loan được đẩy cao do sự gia tăng áp lực quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan, nhưng đó cũng là lý do khiến Mỹ mở rộng hoạt động tại các khu vực xung quanh Đài Loan.
Vấn đề Đài Loan được dự đoán sẽ còn nóng hơn nữa vào năm tới, khi diễn ra cuộc bầu cử ở cả Đài Loan và Mỹ và sẽ có tác động mạnh đối với thế giới bởi Đài Loan là nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới.
Căng thẳng tại Biển Đông năm 2023 chủ yếu xoay quanh các va chạm, mâu thuẫn giữa Philippines và Trung Quốc, "va chạm" giữa Trung Quốc và Mỹ trên biển cũng như trên không ở Biển Đông. Nhưng điều đáng chú ý là căng thẳng Philippines - Trung Quốc đang làm thay đổi cấu trúc quyền lực ở khu vực này, với việc Philippines đồng ý cho Mỹ sử dụng thêm 5 căn cứ quân sự và tạo ra các liên kết "tiểu đa phương" với Mỹ, Nhật Bản, Australia.
Mặc dù căng thẳng xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines chưa phát triển lên thành xung đột, nhưng trong thời gian tới nhiều khả năng Trung Quốc sẽ có những biện pháp đối ứng, gia tăng các hoạt động trên Biển Đông, nên mức độ nguy hiểm trong các va chạm cũng như quy mô căng thẳng đang có xu hướng tăng cường và mở rộng.
Trong bối cảnh đó, khó có thể mong đợi một bước tiến đột phá nào trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc nói riêng và Biển Đông nói chung trong năm 2024.
Một điểm nóng đáng chú ý nữa trong khu vực là những diễn biến mới đây tại Myanmar, khi chính quyền dân sự bị phía quân sự lật đổ năm 2012 đã liên kết với các nhóm sắc tộc giáng một đòn quân sự bất ngờ vào lực lượng quân đội Myanmar và nắm được quyền kiểm soát một số khu vực dọc biên giới với Trung Quốc, bao gồm thị trấn Kawlin chỉ cách cố đô Mandalay vài trăm km về phía nam.
Đây có thể là một bước ngoặt không chỉ về quân sự mà còn có thể mở ra khả năng đối thoại giữa hai bên thông qua trung gian hòa giải của ASEAN.
Triển vọng thế giới năm 2024
Tình hình thế giới năm 2024 được dự đoán còn nhiều biến động khó lường hơn năm 2023, do các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức tại hơn 70 quốc gia với tổng số cử tri lên tới 4,2 tỷ người, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử có hơn một nửa dân số thế giới đi bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới.
Các cuộc bầu cử đáng chú ý nhất sẽ diễn ra ở Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, EU và Indonesia. Trong đó, cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11/2024 được dự báo sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến xu hướng chính sách đối ngoại của nước này cũng như cục diện địa chính trị thế giới trong năm tới.
Kết quả các cuộc bầu cử có thể sẽ đẩy nhanh hoặc làm chậm lại, nhưng khó có thể ngăn cản được những đột phá mới về khoa học - công nghệ cũng như quá trình toàn cầu hóa, cùng sự thay đổi tương quan lực lượng và chuyển dịch thế giới sang trật tự đa cực - đa trung tâm.
Thế giới có thể sẽ trở nên mong manh hơn do những tác động đan xen của cạnh tranh nước lớn, bất ổn địa chính trị và sự trì trệ kinh tế, nhưng sẽ không có suy thoái kinh tế toàn cầu và cũng không có xung đột quy mô lớn. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo.
Đại sứ Tôn Sinh Thành
Đại sứ Tôn Sinh Thành nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan nhiệm kỳ 2014 - 2018. Ông hiện là giảng viên cao cấp tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.