(Dân trí) - Hàng nghìn hành khách tiếp tục mắc kẹt trên 3 du thuyền ở châu Á bị phong tỏa do sự lây lan của virus corona mới (Covid-19).
Lênh đênh trên biển trên du thuyền hạng sang lẽ ra sẽ là một chuyến đi thỏa mơ ước với cặp vợ chồng mới cưới người Mỹ Kent và Rebecca Frasure. Tuy nhiên, mọi chuyện lại diễn ra không như mong đợi, họ mắc kẹt trên du thuyền Diamond Princess ngoài khơi Nhật Bản vì dịch bệnh đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại Trung Quốc và 28 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Vào sáng 7/2, Rebecca, 35 tuổi, phát hiện ra cô là một trong hơn 60 trường hợp dương tính với Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess mặc dù cô chỉ có triệu chứng ho. Cô lập tức được chuyển đến cách ly tại bệnh viện trong đất liền Nhật Bản, trong khi chồng cô tiếp tục bị cách ly trên tàu.
“Thật khủng khiếp, tôi không bao giờ nghĩ chuyện này có thể xảy ra. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa”, Rebecca trả lời phỏng vấn trước khi rời tàu. Kent cũng cho rằng, sớm hay muộn anh cũng sẽ nhiễm Covid-19.
Đó là trải nghiệm tồi tệ không chỉ với các hành khách trên Diamond Princess mà còn với hàng nghìn hành khách trên 2 du thuyền nữa gặp rắc rối ở châu Á giữa "bão" dịch Covid-19.
“Như sống trong địa ngục”
Du thuyền Diamond Princess chở hơn 3.700 người, trong đó có hơn 2.600 hành khách, còn lại là thủy thủ đoàn. Kể từ khi bị cách ly hôm 3/2, số ca nhiễm Covid-19 trên tàu Diamond Princess liên tục tăng và đã lên 175 người tính đến ngày hết ngày 11/2.
Để trấn an và xoa dịu hàng nghìn hành khách bị cách ly, công ty điều hành Diamond Princess cho biết sẽ hoàn trả toàn bộ tiền vé cho hành khách. Tuy nhiên, điều đó cũng không khiến các hành khách cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
"Các cabin hầu như không được dọn dẹp, khăn trải giường đã không được thay suốt 1 tuần qua", một hành khách cho biết. Một hành khách khác nói: "Mọi người rất bức xúc. Tôi nghĩ căng thẳng đang gia tăng, mọi người bị cách ly trên tàu 7 ngày qua trong tình trạng không biết chuyện gì đang xảy ra”.
Với những hành khách ở các khoang thường, mọi thứ dường như còn tồi tệ hơn khi phòng không có cửa sổ. "Các bạn có hình dung nổi không. Giống như thể bị nhốt trong tủ quần áo. Không có khí trời. Không có ánh sáng tự nhiên. Thực sự giống như đang sống ở địa ngục vậy”, một hành khách có tên David Abel chia sẻ với The Washington Post.
Gay Courter, một nhà văn người Mỹ, tỏ ra bức xúc: “Tôi và chồng tôi đã 75 và 77 tuổi, với sức khỏe hiện tại chúng tôi rất dễ nhiễm bệnh… Chúng tôi không an toàn ngay trong chính căn phòng của mình”. Courter cho biết bà đã liên hệ với công ty bảo hiểm Medjet và họ nói sẵn sàng cử người tới để sơ tán vợ chồng bà. Lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo, bà Couter cho rằng, chính phủ Mỹ có thể đưa họ tới căn cứ quân sự Okinawa để sơ tán.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ và Nhật Bản đều không cho phép điều này. Giới y tế Nhật Bản cho biết, bất cứ hành khách nào của Diamond Princess đều phải trải qua thời gian cách ly tối thiểu trước khi được phép vào đất liền. Trong một động thái mới nhất, chính phủ Nhật Bản dự kiến sớm cho phép những người già và hành khách bị bệnh mãn tính rời du thuyền Diamond Princess hôm nay 11/2, hãng tin Kyodo cho biết.
Lênh đênh không bến đỗ
Hành trình vòng quanh châu Á của hơn 2.200 người trên du thuyền MS Westerdam của hãng Holland American cũng bỗng chốc trở thành “ác mộng” khi con tàu lênh đênh trên biển kể từ ngày 16/1 vì liên tục bị từ chối cập cảng.
Tàu MS Westerdam chở 1.455 hành khách và 802 thủy thủ đoàn. Tàu rời Singapore vào ngày 16/1 để bắt đầu hải trình kéo dài 30 ngày vòng quanh châu Á. Tuy nhiên, con tàu đã bị một số quốc gia, vùng lãnh thổ từ chối cho cập cảng, trong đó có Philippines, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan do lo ngại dịch Covid-19 mặc dù trên tàu chưa xác nhận bất cứ ca nhiễm bệnh nào.
"Không ai muốn tiếp đón chúng tôi”, David Holst, 63 tuổi, một du khách người Úc trên tàu, cho biết. Holst cho biết vợ chồng ông đã dành hơn 20.000 USD cho chuyến đi này, nhưng với họ, 6-7 ngày qua thực sự là “ác mộng”.
“Mọi thứ ngày càng tệ hơn, mọi người trên tàu sống trong sợ hãi rằng một lúc nào đó chuông reo lên và thuyền trưởng thông báo “Vui lòng trở lại cabin, chúng ta đang bị cách ly, chúng ta có một ca nhiễm virus corona trên tàu”, ông Holst nói.
“Công ty Holland America nói họ đang liên hệ với Bộ Ngoại giao và Hải quân Mỹ, cũng như chính phủ Hà Lan để tìm ra giải pháp cho tình trạng hiện nay. Tôi không biết mọi chuyện sẽ thế nào”, du khách người Úc cho biết.
Về phần mình, công ty Holland America trong thông cáo phát đi cho biết, họ hiểu những lo ngại của hành khách và sẽ làm mọi việc có thể để bảo vệ sức khỏe của hành khách.
“Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau. Các nhân viên y tế của chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với giới chức y tế quốc tế để thực hiện các biện pháp như quét thân nhiệt, các biện pháp phòng và kiểm soát dịch trên tàu. Không có lý do gì để cho rằng có các trường hợp nhiễm virus corona trên tàu”.
Mắc kẹt ở Hong Kong
Trước khi được rời đi hôm 9/2, khoảng 3.600 hành khách và thủy thủ đoàn của du thuyền World Dream đã bị cách ly tại chỗ 4 ngày vì 8 hành khách trên chuyến đi trước đó dương tính với virus corona.
Chuang Shuk-kwan, người đứng đầu cơ quan y tế Hong Kong, khi đó cho biết tất cả hành khách của World Dream sẽ ở lại tàu cho tới khi “hoàn tất công tác cách ly”. Ông Chuang cho biết, 33 thành viên thủy thủ đoàn có các triệu chứng nhiễm bệnh mặc dù hầu hết đều âm tính với virus corona mới.
Một số hành khách người Hong Kong trên du thuyền đã bày tỏ sự bức xúc của họ về việc không được cập nhật thông tin đầy đủ, thiếu thuốc men và lo ngại nguy cơ lây chéo khi tất cả vẫn được tự do đi lại trên tàu trong thời gian cách ly.
Helena Wong, một nhà làm luật ở Hong Kong, cho biết: “Họ (hành khách World Dream) nhận được rất ít thông tin từ phía đơn vị vận hành tàu cũng như từ chính phủ. Giữ họ trên tàu mà không thực hiện cách ly là điều không thể chấp nhận được. Nếu may mắn sẽ không có ca lây nhiễm nào, còn không đó sẽ là điều khủng khiếp với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân”.
Daniel Lam có mặt trên chuyến tàu cùng với bố mẹ và bạn gái. Anh cho rằng con tàu quá đông đúc khi hành khách tụ tập ở các khu sinh hoạt chung để ăn uống giữa lúc dịch bệnh bùng phát. “Điều khiến tôi lo ngại nhất là chúng tôi phải đọc tin tức để biết chuyện gì đang xảy ra trên tàu. Không ai cho chúng tôi biết con tàu từng chở các bệnh nhân nhiễm virus corona. Không ai cho chúng tôi biết, thủy thủ đoàn trong chuyến đi của chúng tôi cũng là thủy thủ đoàn đã phục vụ trên chuyến đi của các bệnh nhân kia. Và giờ đây, không ai cho chúng tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra”, hành khách 26 tuổi cho biết.
Minh Phương
Theo AFP, NYTimes, Business Insider