61 người nhiễm virus corona, du thuyền Nhật Bản thành “nhà tù nổi”
(Dân trí) - Những hành khách trên du thuyền ở Nhật Bản đang trải nghiệm cuộc sống bị cách ly như “nhà tù nổi”, khi 61 người bị phát hiện nhiễm virus corona.
Chuyến đi trên du thuyền xa hoa nhân kỷ niệm 50 năm ngày cưới của David Abel bắt đầu bằng bữa ăn no nê và thưởng ngoạn cảnh đẹp của vùng Đông Á.
Tuy nhiên, chuyến đi này rốt cuộc kết thúc bằng việc ông bị cách ly trên du thuyền Diamond Princess thêm 2 tuần, ăn một chiếc sandwich với ít thịt gà và dõi theo hàng chục người bị nhiễm virus corona được đưa ra khỏi tàu để tới bệnh viện điều trị.
Abel là một trong hàng trăm hành khách trên hai du thuyền tại Nhật Bản và Hong Kong bị mắc kẹt trong lúc dịch bệnh bùng phát và lo sợ về một chủng virus corona mới đang lây lan rất nhanh. Các xét nghiệm vẫn đang được tiến hành đối với một số hành khách và thành viên thủy thủ đoàn - những người có triệu chứng phát bệnh hoặc từng tiếp xúc với những người nhiễm virus trên du thuyền.
“Đây không còn là một du thuyền xa hoa nữa, nó sắp trở thành một nhà tù nổi”, ông Abel bình luận trên Facebook từ trên con tàu neo đậu tại cảng Yokohama, ngoại ô Tokyo.
61 người nhiễm virus
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 6/2 cho biết, giới chức nước này đã phát hiện thêm 41 hành khách dương tính với virus corona chủng mới (nCoV) trên du thuyền Diamond Princess, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên con tàu lên 61 người.
Trước đó, 20 bệnh nhân đã được chuyển đến các bệnh viện trên đất liền của Nhật Bản để cách ly và điều trị trong khi du thuyền Diamond Princess tiếp tục bị cách ly ngoài khơi Yokohama từ ngày 3/2.
Giới chức Nhật Bản đã xét nghiệm nCoV cho tổng cộng 273 hành khách trên tàu sau khi một người đàn ông 80 tuổi từng lên con tàu được xác định dương tính với virus gây viêm phổi. Người đàn ông này lên tàu tại Nhật Bản hôm 20/1 và xuống tàu tại Hong Kong hôm 25/1.
"Trong số 273 mẫu xét nghiệm, có 61 trường hợp dương tính", Bộ trưởng Kato cho biết với các phóng viên và nói thêm toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn của tàu sẽ bị cách ly trong 14 ngày.
Nỗi sợ hãi bủa vây
Những bức ảnh và video được chia sẻ cho thấy du thuyền Diamond Princess từng chở 3.711 hành khách và thủy thủ đoàn nay trở thành một con tàu ma vắng vẻ. Những đứa trẻ trên du thuyền ở Hong Kong được cho là không còn bỉm và sữa.
“Tôi nghĩ đối với nhiều hành khách, đó là sự chán nản vô cùng”, ông Abel chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, đồng thời nói rằng ông nhận thấy bản thân vẫn còn may mắn khi được ở trong phòng có ban công.
“Tôi cảm thấy thực sự đáng thương cho những người phải ở trong những căn phòng không có ánh sáng tự nhiên, không có không khí ngoài trời. Đó là nỗi sợ hãi đối với họ trong suốt hai tuần”, ông Abel nói.
Sợ hãi cũng là từ được dùng để mô tả về những gì đang diễn ra liên quan tới virus corona chủng mới. Trung Quốc đã ghi nhận hơn 28.000 ca nhiễm bệnh và virus này đã lan ra hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy vậy, nỗi sợ hãi còn lan nhanh hơn dịch bệnh. Khẩu trang và dung dịch rửa tay cháy hàng tại nhiều nơi ở Seoul, Tokyo và Bangkok. Các nhân viên y tế đình công tại Hong Kong, trong khi làn sóng tẩy chay người Trung Quốc ngày càng lan rộng trên toàn châu Á. Đài Loan cũng cấm các du thuyền quốc tế tới hòn đảo này.
"Chúng tôi được khuyến mại thêm hai tuần đi du thuyền, mặc dù đây là du thuyền bị giam cầm. Chúng tôi luôn phải lạc quan trong mọi tình huống, phải không? Nhưng tôi chắc rằng chỉ sau 10-12 ngày, tôi sẽ phải vò đầu bứt tai”, ông David Abel, 74 tuổi, chia sẻ với Washington Post.
Đối với những người còn ở lại trên du thuyền, họ không có việc gì để làm ngoài ngồi trong phòng, chờ bữa ăn được mang tới, xem tivi và lựa chọn một vài bộ phim. Những người may mắn ở trong phòng có ban công ít nhất còn có thể ngồi ngắm mặt trời, đại dương và nói chuyện với những người phòng kế bên.
"Bạn có thể tưởng tượng nổi không. Giống như bạn bị nhốt trong tủ quần áo. Không có không khí trong lành, không có ánh sáng tự nhiên. Thực sư giống như một địa ngục ngoài đời thực vậy", ông Abel môt tả.
Alan Steele, một hành khách bị mắc kẹt trên du thuyền, cũng chia sẻ về những trải nghiệm không mấy thú vị của ông.
“Chúng tôi về cơ bản đang bị đối xử như tù nhân hay tội phạm, đó là những gì chúng tôi nhận thấy lúc này. Hệ thống âm thanh không thông báo khi nào chúng tôi được trả tự do khỏi tàu", Alan cho biết.
Thích nghi với hoàn cảnh
Ngày 6/2, các nhà chức trách Nhật Bản vẫn tìm cách cung cấp đồ tiếp tế, giúp cuộc sống bị cách ly trên tàu trở nên dễ chịu nhất có thể. Trong khi đó, các hành khách tiếp tục chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, khen ngợi lòng tốt của thủy thủ đoàn, nhưng cũng phàn nàn về số thuốc men ít ỏi, chất lượng đồ ăn cũng như việc họ không thể tập thể dục hay thậm chí rời khỏi phòng.
Trên du thuyền Diamond Princess, các hành khách khác đang cố gắng thích nghi với hoàn cảnh.
Yardley Wong, một hành khách từ Hong Kong đi cùng chồng, con trai và bố mẹ, chia sẻ trên Twitter rằng, thủy thủ đoàn đã đưa cho con trai của cô bộ bài, bút màu và những món quà khác để “tiêu diệt sự buồn chán”.
Cặp đôi người Australia, Paul và Coralie Williamson, cho biết phòng của họ trên tàu nhỏ hơn phòng nhà nghỉ. Họ nghe thấy những lời than phiền từ những người khác về việc không có đủ thuốc men hay thông tin về dịch bệnh.
Nhưng sau 34 năm kết hôn, Coralie Williamson vẫn nói rằng: “Nếu tôi bị mắc kẹt trong một căn phòng với bất kỳ ai, tôi muốn đó là Paul chứ không phải ai khác. Ổn thôi. Chúng tôi cần đi bộ lâu trên bãi biển khi chúng tôi trở về nhà”.
Các hành khách cũng đăng những bức ảnh chụp bữa sáng, tô salad hoa quả, trứng luộc, nước ép hoa quả và bánh sừng bò. Một hành khách đã kỷ niệm đám cưới lần thứ 9 và nhận được thiệp chúc mừng hạnh phúc từ các nhân viên trên tàu.
Trên du thuyền World Dream bị cách ly ở Hong Kong, 3.600 hành khách và thủy thủ đoàn đều đã được kiểm tra sức khỏe vì có tới 8 hành khách trên tàu bị phát hiện nhiễm virus. Nghị sĩ Hong Kong Jeremy Tan cho biết một phụ nữ trên tàu đã gọi cho ông vào tối 5/2 để thông báo rằng, cô cùng một số bà mẹ khác không còn sữa và bỉm cho con.
Giới chức y tế Nhật Bản nói với các phóng viên rằng một đội ngũ y tế và đồ tiếp tế đang được đưa lên tàu. Tại cảng, nơi con tàu đưa người nhiễm bệnh vào bờ, đồng thời chuyển lương thực và đồ tiếp tế lên tàu, nhân viên mặc đồ bảo hộ bước lên tàu, mang theo hai hộp được gắn nhãn “nhiệt kế”.
Thành Đạt
Theo SCMP, Washington Post