DNews

TPHCM vắng dần tiếng hô "cướp"

An Huy Lê Trai

(Dân trí) - "Cảnh sát hình sự tuần tra cả ngày lẫn đêm, phát hiện người nghi vấn liền kiểm tra, nên tội phạm không dám manh động. Cuộc sống người dân bình yên hơn, đó là điều đáng mừng", ông Hoàng nói.

TPHCM vắng dần tiếng hô "cướp"

Anh Bùi Duy Phát (32 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) ngồi trên vỉa hè Hương lộ 3, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. Trong lúc chờ khách ghé mua nước mía, anh cầm chiếc điện thoại iPhone 15 lướt mạng, cập nhật tin tức một cách thoải mái.

Trong cơn gió thoảng cuối chiều, dòng xe chạy trên đường tấp nập. Đã từ rất lâu rồi, anh Phát không còn nghe tiếng hét thất thanh của người đi đường bị cướp điện thoại, dây chuyền…

Anh và người dân địa phương cũng không còn cái cảm giác lo lắng, đề phòng cướp mỗi khi cầm điện thoại, ngồi trên vỉa hè. "Riêng khu vực này, 2 năm trở lại đây, tình trạng cướp giật giảm rất nhanh", anh Phát nói.

Từ những "điểm nóng" về cướp

Hương lộ 3 nối dài đến Bình Long là tuyến đường giáp ranh giữa quận Tân Phú và Bình Tân. 5 năm trước, đây là nơi được xem là "điểm nóng" về an ninh trật tự khi bên trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) xuất hiện nhiều tụ điểm hút, chích ma túy.

Tình trạng người vô gia cư sống lang thang, cướp giật điện thoại, trang sức, trộm xe máy… của người dân tại khu vực diễn ra thường xuyên.

TPHCM vắng dần tiếng hô cướp - 1

Anh Phát, chủ quán nước mía trên Hương lộ 3, quận Tân Phú (Ảnh: An Huy).

Theo anh Phát, khoảng 5 năm trước, cứ vài ngày anh lại nghe tiếng la thất thanh "cướp, cướp"… của người đi đường. Âm thanh này xuất hiện có khi ban ngày, lúc ban đêm, ám ảnh. Mọi người ngồi trên vỉa hè cũng không dám cầm điện thoại sử dụng một cách tự nhiên mà phải đảo mắt dè chừng, có trang sức cũng không dám đeo.

Hai năm trở lại đây, anh Phát bất ngờ vì khu vực không còn xảy ra tình trạng mất xe máy, giật điện thoại... "Tôi bán nước mía trên vỉa hè từ 8h đến 21h mỗi ngày, ở suốt ngoài đường, nhưng hiếm khi nghe ai truy hô cướp hoặc trộm xe máy. Lúc trước, mỗi tháng xảy ra hàng chục vụ cướp, giờ bình yên hơn", anh Phát nói.

Anh Phát cho biết lúc nghĩa trang Bình Hưng Hòa chưa được giải tỏa, bên trong hàng nghìn ngôi mộ, xuất hiện nhiều ổ hút, chích ma túy. Khi nghĩa trang này được cải táng, nhóm con nghiện này cũng không còn.

Hiện nay, khoảng 22h mỗi ngày, anh thường thấy lực lượng công an phường, trinh sát hình sự đi tuần tra trên đường Bình Long, Hương lộ 3. "Công an tuần tra thường xuyên, quản lý địa bàn tốt nên cướp không dám lộng hành. Anh thấy đó, tôi ngồi trên vỉa hè sử dụng điện thoại bình thường, có lo sợ gì đâu", anh Phát nói.

Ông Hồ Văn Nghĩa (70 tuổi, ngụ quận 4) có thâm niên 8 năm làm bảo vệ tại phòng khám răng trên đường Cách Mạng Tháng 8, phường 10 (quận 3), cũng nhìn nhận vài năm trở lại đây, tình trạng cướp giật trên đường giảm rất nhiều.

Ngồi giữ xe trên vỉa hè 11 giờ mỗi ngày, 2 năm trở lại đây, ông Nghĩa cho biết chưa chứng kiến vụ cướp giật hay trộm xe nào xảy ra tại khu vực. "Cướp giật giảm nhiều lắm rồi, không còn lộng hành như trước nữa", nam bảo vệ nói.

TPHCM vắng dần tiếng hô cướp - 2

Ông Hồ Văn Nghĩa từng bị cướp cầm dao đe dọa (Ảnh: An Huy).

Ông Nghĩa kể một ngày 4 năm trước, có 4 nam thanh niên đi trên 2 xe máy đến đậu sát lề đường, cách phòng khám khoảng 5m. Một người tiếp cận lấy nón bảo hiểm đắt tiền của khách liền bị ông phát hiện, hô hoán.

Tên này móc trong túi áo ra một con dao bấm, chĩa về phía ông dọa đâm chết. "Bị phát hiện nhưng tên này không hoảng sợ mà móc dao ra đe dọa. Khi tôi kéo áo lên lộ phần bụng và dùng nghiệp vụ, chúng vội bỏ lại nón bảo hiểm lên xe máy cùng đồng bọn rời đi", ông Nghĩa kể.

Một lần khác, người đàn ông 70 tuổi chứng kiến cô gái khoảng 20 tuổi dừng xe máy sát lề đường trước phòng khám, móc điện thoại ra nghe. Nạn nhân bất ngờ bị hai nam thanh niên đi chung xe máy lao đến áp sát, giật điện thoại rồi bỏ chạy hướng về ngã tư Bảy Hiền. Cô gái lập tức lái xe đuổi theo và truy hô, nhưng ông không rõ nạn nhân có lấy lại được tài sản hay không.

Theo ông Nghĩa, vài năm trở lại đây, đường Cách Mạng Tháng 8 hiếm khi xảy ra cướp giật tài sản vì công an phường và cảnh sát hình sự mặc thường phục đi tuần tra liên tục cả ngày lẫn đêm.

"Tôi nhìn cảnh sát hình sự tuần tra là biết liền, thậm chí quen mặt. Cảnh sát hình sự phát hiện người nào khả nghi trên đường sẽ dừng phương tiện kiểm tra nên cướp cũng sợ, không dám manh động", ông Nghĩa nói.

TPHCM vắng dần tiếng hô cướp - 3

Khoảnh khắc trộm cắt xích, lấy xe máy tại tiệm áo cưới của anh Toàn (Ảnh: Cắt từ clip).

Bên cạnh đó, anh Trần Văn Toàn (chủ tiệm áo cưới trên đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12) từng bị trộm cắt xích lấy 2 xe máy cũng nhìn nhận 2 năm trở lại đây khu vực không còn trộm xe.

"Vừa qua, công an triệt phá một số điểm tiêu thụ xe gian, đồng thời cảnh sát tuần tra liên tục, lắp nhiều camera, có thể điều này khiến tình trạng cướp giật giảm mạnh", anh Toàn chia sẻ.

Cướp giật giảm dần

Ngồi bấm điện thoại trên vỉa hè trong lúc chờ khách, ông Nguyễn Văn Hùng (56 tuổi) cho biết bản thân hành nghề sửa xe gần khu vực ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, đã mấy chục năm. Ông cho biết khu vực này trước đây xảy ra nhiều vụ cướp giật, nhưng gần đây đã giảm hẳn.

Trong ký ức ông Hùng, ông từng chứng kiến đôi nam nữ đang dắt xe máy sang đường. Khi đó, một tên cướp chạy xe máy ngang qua, thấy đôi nam nữ treo chiếc túi chứa laptop trước xe liền quay lại giật phăng rồi bỏ chạy.

Lần khác, một người đàn ông đậu xe máy trên vỉa hè thì bị một đối tượng áp sát, giật sợi dây chuyền. Tuy nhiên, nạn nhân giằng lại khiến sợi dây chuyền bị đứt, rơi xuống đường và tên cướp bỏ chạy.

TPHCM vắng dần tiếng hô cướp - 4

Một nhóm dàn cảnh cướp tài sản người đi đường tại quận Bình Tân (Ảnh: Cắt từ clip).

"Ngày trước nhiều lắm, tôi sửa xe ở đây thấy cướp như "cơm bữa". Có ngày xảy ra 2-3 vụ cướp là bình thường. Thời gian này, cướp giật giảm đi rõ rệt, lâu rồi tôi không còn nghe thấy tiếng truy hô "cướp" nữa", ông Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Tiến (53 tuổi) có nhà trên đường Phạm Văn Đồng chia sẻ, đại lộ này cách đây khoảng 3 năm xảy ra cướp giật rất nhiều. Các đối tượng thường lợi dụng lúc người dân chạy bộ, đạp xe tập thể dục hay đi làm lúc sáng sớm để gây án. Bọn cướp thường nhắm đến điện thoại hoặc túi xách để ra tay.

"Có lần tôi đang đứng tập thể dục trước nhà thì thấy một cô gái mặt mũi trầy xước, chạy đến chỗ tôi khóc lóc. Cô gái kể đang trên đường đi học thì bị giật túi xách, ngã xuống đường Phạm Văn Đồng", ông Tiến nhớ lại.

Từng nhiều lần vào tù về tội trộm cắp, cướp giật, ông Năm (62 tuổi) hiện nay đã "rửa tay gác kiếm" và hành nghề đạp xe xích lô để kiếm sống. Hàng ngày, ông đậu xe ở khu vực ngã 3 Chú Ía (nay là ngã 6 Nguyễn Thái Sơn) - cạnh Công viên Gia Định để chờ khách.

Ông cho biết khu vực này ngày trước rất phức tạp về tệ nạn ma túy và cướp giật. Con nghiện lảng vảng khắp nơi, bên trong công viên người dân đi tập thể dục bị giật đồ thường xuyên. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã tổ chức truy quét, đến nay tình hình ổn định hơn, lâu rồi ông không còn thấy cảnh người dân khóc lóc vì mất tài sản.

TPHCM vắng dần tiếng hô cướp - 5

Ông Năm nhớ lại khu vực thường xảy ra cướp giật ở ngã ba Chú Ía (Ảnh: Lê Trai).

"Thời còn đi trộm cướp, nói thật là tôi chẳng sung sướng gì. Sống mà lúc nào cũng nơm nớp lo bị bắt. Khi thực hiện xong "phi vụ", có tiền thì cũng đổ vào mấy thứ tệ nạn chứ chẳng giữ được. Bây giờ, tôi đạp xích lô ngày 50.000-100.000 đồng, nhưng tự do, thoải mái, vui vẻ hơn rất nhiều", ông Năm chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Văn Hoàng (58 tuổi, thuộc nhóm Phòng chống tội phạm đường phố quận Tân Bình) cho biết, 5-7 năm trước, khu vực Bàu Cát, Trường Chinh, Âu Cơ… xảy ra cướp giật rất nhiều. Có thời điểm một tháng, ông và anh em trong đội phá được hơn 10 vụ cướp.

Vài năm trở lại đây, Công an TPHCM và các quận, huyện đồng loạt trấn áp nên tội phạm giảm rất nhiều (khoảng 70%). Ông và các thành viên trong đội thời gian qua hiếm khi nhận được lời cầu cứu từ người dân. Tội phạm đường phố cũng giảm dần qua các năm.

"Cảnh sát hình sự tuần tra cả ngày lẫn đêm, phát hiện người nghi vấn liền kiểm tra, nên tội phạm không dám manh động. Cuộc sống người dân bình yên hơn, đó là điều đáng mừng", ông Hoàng bày tỏ.