TPHCM không còn là "miền đất hứa" của tội phạm đường phố
(Dân trí) - Chính sự trăn trở của lãnh đạo thành phố cùng với nỗ lực của Ban giám đốc, tập thể cán bộ Công an TPHCM, sự hỗ trợ và đồng lòng của người dân đã góp phần kéo giảm tội phạm đường phố.
"Không thể để cướp giật trở thành đặc sản của TPHCM", đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại hội trường Công an TPHCM hồi tháng 10/2020. Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM, cho rằng chính câu nói đó của Bí thư Thành ủy TPHCM đã thôi thúc, nhắc nhở lực lượng cảnh sát hình sự.
Từ đó, lực lượng công an đã tham mưu Ban thường vụ Thành ủy, ban hành chỉ thị về phòng chống tội phạm, triển khai rất quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp. "Đến nay, Công an TPHCM đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, tội phạm đường phố giảm sâu", Trung tướng Lê Hồng Nam đánh giá tại hội nghị do Công an TPHCM tổ chức hồi tháng cuối tháng 4.
Đầu tư con người, phương tiện
Nêu lý do tội phạm đường phố được kéo giảm, Trung tá Nguyễn Thành Hưng (tại thời điểm trao đổi với phóng viên, Trung tá Hưng là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, ông vừa được giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM) cho rằng chính sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Ban giám đốc Công an TPHCM trong việc đầu tư con người và phương tiện cho lực lượng hình sự toàn thành phố.
Đặc biệt, Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo tăng cường thực hiện nghiêm công tác nghiệp vụ, trong đó xác định phòng ngừa là chính, chủ động đề ra chỉ tiêu bắt buộc với lực lượng công an, quyết tâm khám phá 100% án cướp, cướp giật tài sản. Xác định rõ việc kéo giảm tội phạm đường phố là mục tiêu quan trọng, góp phần kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát hình sự tuân thủ theo chỉ đạo, quán triệt khẩu hiệu "một vụ cướp giật tài sản là một vụ trọng án" của Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM.
Từ đó, Phòng Cảnh sát hình sự làm chủ công, tiên phong, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hình sự toàn thành phố, đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận tin báo, truy xét, bắt giữ các đối tượng, không để phát sinh các vụ việc phức tạp gây hoang mang cho quần chúng nhân dân.
Công an TPHCM cũng phối hợp chặt chẽ với công an các tỉnh giáp ranh, chủ động trong công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm đường phố; công tác kiểm tra hành chính, trao đổi nhanh thông tin tội phạm, qua đó điều tra truy xét nhanh các vụ án đã xảy ra.
Một trong những lý do tội phạm xâm phạm tài sản giảm mạnh theo Trung tá Hưng chính là việc nhận diện chính xác tình hình, đánh trúng vào nơi tiêu thụ tài sản của các đối tượng phạm tội để "cắt cầu, chặn cung". Trong những năm qua, Công an TPHCM đã xử lý rất nhiều đối tượng tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, trong đó có các chủ cửa hàng điện thoại, tiệm vàng, tiệm cầm đồ…
Ngoài ra, Trung tá Hưng cho rằng sự hỗ trợ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân cũng góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này. Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM mong muốn người dân tiếp tục nâng cao ý thức trong việc bảo vệ tài sản; trường hợp bị cướp, cướp giật phải báo ngay cho công an nơi gần nhất để các lực lượng sớm triển khai truy bắt.
Tội phạm đường phố giảm mạnh
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Đoàn Văn Báu - chuyên gia tâm lý tội phạm, cho biết cướp giật tài sản là hành vi phạm tội nghiêm trọng được quy định trong Bộ luật Hình sự. Cá nhân có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi được xem là cướp tài sản. Những kẻ cướp giật thường có tiền án tiền sự, nghiện ngập hoặc không có công việc ổn định, kiếm tiền một cách bất chấp.
Theo TS Đoàn Văn Báu, TPHCM là nơi đông dân, có nhiều con đường, ngõ hẻm. Những kẻ có ý định thực hiện hành vi cướp giật đều nghĩ đến TPHCM. Bởi ở các tỉnh, thành khác, hoạt động này không phổ biến, việc truy tìm trộm cướp cũng dễ dàng hơn. Các đối tượng tin rằng khi ra tay ở TPHCM sẽ thành công, khó bị bắt giữ, vì cơ quan chức năng không thể tung tất cả lực lượng để bắt hết tội phạm cướp giật.
Tội phạm này thường nhắm đến những người yếu thế như: Phụ nữ, trẻ em, khách du lịch và người đi bộ có tài sản, nhưng bảo vệ không kỹ. Với những đối tượng này chúng dễ ra tay, không sợ bị truy đuổi. Tài sản cướp giật chủ yếu là điện thoại, trang sức. Những đồ vật này có thể tiêu thụ dễ dàng ở các khu vực chợ dân sinh ở TPHCM.
Tội phạm thường hoạt động theo băng nhóm, một người ra tay cướp giật, những kẻ còn lại "cản địa" khi bị người dân hoặc công an truy đuổi. Có nhóm dàn cảnh để trộm cắp tài sản. Cũng có trường hợp vì túng thiếu hoạt động đơn độc.
Theo đánh giá của TS Đoàn Văn Báu, tội phạm đường phố thời gian qua ở TPHCM giảm mạnh không phải ngẫu nhiên, mà nhờ sự nỗ lực của cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an đã làm trong sạch địa bàn, quản lý được các đối tượng.
"Cảnh sát khu vực sẽ nắm được ở địa phương có bao nhiêu người thường trú, tạm trú, làm nghề gì để quản lý. Có bao nhiêu người tiêu thụ hàng gian, tài sản do người khác phạm tội mà có để vận động, tuyên truyền từ bỏ hoạt động đó", ông Báu nói.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến phố để phòng chống cướp giật. Đồng thời, ý thức phòng chống cướp giật tài sản của người dân cũng được nâng cao, kẻ xấu khó ra tay. Những điều đó cộng hưởng dẫn đến các loại tội phạm đường phố giảm mạnh thời gian qua.
"Cuộc sống người dân ở TPHCM hiện nay khá bình yên. Trước đây, có những người ngồi trong quán ăn cũng bị kẻ gian vào tận nơi giật đồ. Tình trạng đó hiện nay tôi thấy không còn và người dân đi ra đường cũng khá thoải mái, không lo sợ mất tài sản như trước đây. Để có được điều này, phải nói là ghi nhận sự cố gắng của lực lượng Công an TPHCM", TS Đoàn Văn Báu chia sẻ.
Phòng ngừa tội phạm từ cơ sở
Dù tội phạm xâm phạm tài sản đã được kéo giảm, Trung tá Nguyễn Thành Hưng cho rằng TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, thu hút lượng lớn dân cư từ các tỉnh, thành đến cư ngụ, làm ăn, sinh sống. Bên cạnh những mặt tích cực, cũng kéo theo phát sinh nhiều tiêu cực xã hội làm tình hình tội phạm gia tăng, trong đó có nhóm tội phạm đường phố, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.
Các đối tượng thường thuê khách sạn, nhà trọ để tụ tập và thường xuyên thay đổi chỗ ở, hoạt động lưu động với thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn trong công tác xác minh, giám sát, quản lý. Khi gây án, các đối tượng sẵn sàng sử dụng vũ khí, hung khí chống trả lại lực lượng truy bắt.
Để có thể ngăn chặn, kìm hãm loại tội phạm này, Trung tá Nguyễn Thành Hưng cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuần tra, mật phục, chốt chặn tại các địa bàn trọng điểm thường xảy ra các vụ án kể cả ban ngày lẫn ban đêm, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác 363 trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm đường phố.
Bên cạnh đó, lực lượng công an phải thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm từ cơ sở, đặc biệt là vai trò của lực lượng cảnh sát khu vực, trong quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, chú ý số đối tượng nghiện ma túy, không có việc làm; số đối tượng có tiền án, tiền sự; số thanh niên bỏ học, tụ tập, bất minh về thời gian.
Ngoài ra, công an phải tập trung làm rõ, xử lý triệt để các đối tượng tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Thực hiện tốt công tác quản lý, tái hòa nhập cộng đồng, dạy nghề, tạo công ăn việc làm để ổn định cuộc sống cho số đối tượng được ra tù để phòng ngừa việc tái phạm.