Khắc tinh của tội phạm đường phố ở TPHCM
(Dân trí) - Tội phạm đường phố trong thời gian qua giảm mạnh nhờ sự đồng lòng của chính quyền và người dân TPHCM, một phần công sức không nhỏ ở sự nỗ lực của Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm Công an TPHCM.
Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 2) thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM được thành lập từ năm 2008, theo quyết định của Giám đốc Công an TPHCM. Quân số đơn vị hiện tại được biên chế 48 người, trong đó có một đội trưởng cùng 2 phó đội trưởng.
Đội 2 được giao chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Đảng ủy - Ban lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, chủ động đề ra các kế hoạch biện pháp đấu tranh phòng ngừa tội phạm hình sự, nhất là cướp, cướp giật, tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông và nơi công cộng, còn gọi là "tội phạm đường phố".
Bên cạnh đó, Đội 2 thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống "tội phạm đường phố" trên địa bàn TPHCM.
"Cú đấm thép" của Công an TPHCM
Với quân số ít ỏi, phải bao quát địa bàn rộng lớn, Đội 2 đã phân công lực lượng, chia thành nhiều tổ công tác vừa chủ động đấu tranh với tội phạm cướp, cướp giật tài sản, vừa kịp thời phối hợp, hỗ trợ công an các địa phương khám phá, truy xét nóng các vụ án, truy bắt nhanh các đối tượng. Đặc biệt, trong các đợt cao điểm, các kỳ nghỉ lễ, đơn vị có khối lượng và cường độ công việc cao, liên tục nhiều tuần.
"Có những thời điểm, cán bộ chiến sĩ Đội 2 "không ăn, không ngủ" để hoàn thành nhiệm vụ. Chuyện dầm mưa hay dãi nắng dưới thời tiết 40 độ C là việc rất bình thường với chúng tôi. Giờ anh em nào da cũng cháy đen cả, nhưng ai cũng hăng say làm nhiệm vụ, bởi "nghề hình sự" là đam mê, đã ăn sâu vào máu của mỗi người lính", một cán bộ Đội 2 chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Thời gian qua, với sự đồng lòng của tập thể cán bộ chiến sĩ, đơn vị đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần, trách nhiệm, tạo thành "cú đấm thép" của Công an TPHCM, qua đó đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, gìn giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Trong gần 6 tháng đầu năm 2024, Đội 2 đã xử lý 19 vụ án, bắt 39 đối tượng, trong đó có 13 nhóm hoạt động theo băng nhóm, hoạt động có tổ chức bị triệt phá. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với công an các địa phương khám phá 76 vụ việc bắt giữ 139 đối tượng. Bên cạnh đó, Đội 2 còn phối hợp phường, xã vận động đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú.
Dấu ấn "đặc nhiệm hình sự"
Tháng 2/2023, tại huyện Bình Chánh xảy ra các vụ dàn cảnh cướp tài sản của tài xế xe ôm công nghệ do một nhóm gồm 3 đối tượng gây ra. Thủ đoạn của nhóm này cực kỳ manh động, liều lĩnh, thường gây án vào ban đêm.
Nhóm này phân công đối tượng nữ dùng điện thoại đặt xe qua ứng dụng và nhắm đến tài xế là những người lớn tuổi, lộ trình đi đến những đoạn đường vắng do các đối tượng xác định trước.
Khi đến chỗ vắng, 2 thanh niên sẽ chạy lên chặn đầu xe, dùng dao đe dọa và cướp tài sản của tài xế. Nhóm cướp ra tay táo tợn để chiếm đoạt bằng được tài sản, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân, gây bức xúc, hoang mang cho người dân ở huyện Bình Chánh và vùng giáp ranh, làm mất an ninh trật tự.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự đã trực tiếp chỉ đạo Đội 2 phối hợp cùng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Bình Chánh nhanh chóng xác minh nguồn tin, rà soát đối tượng, lập chuyên án đấu tranh. Dù các vụ cướp xảy ra vào ban đêm, ở khu vực vắng vẻ, nạn nhân không nhìn rõ kẻ gây án, tuy nhiên trinh sát hình sự đặc nhiệm vẫn không ngại khó khăn phá án.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, Đội 2 đã bắt giữ các nghi phạm trong băng cướp này gồm: Trần Minh Hậu (SN 2004) cầm đầu, trực tiếp cướp tài sản; Mai Anh Tiến (SN 2001) và Lê Thị Ngọc Hân (SN 2007, cùng ngụ huyện Bình Chánh). Ngoài ra, cảnh sát cũng bắt giữ Nguyễn Văn Thành (SN 1988) và Phan Thanh Thống (SN 1988) vì tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Ngoài ra, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8/2023, ở các quận 5, 10, Tân Phú, Bình Tân, xảy ra nhiều vụ cướp giật tài sản. Thủ đoạn của nhóm cướp là chạy xe máy đảo qua nhiều tuyến đường, khi thấy người dân sơ hở thì ra tay cướp giật, gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân.
Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đề xuất lãnh đạo các cấp xác lập chuyên án để đấu tranh. Ban chuyên án đã phân công Đội 2 phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 5, Tân Phú, tiến hành xác minh, sàng lọc các nghi can, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu thập tài liệu, chứng cứ và truy bắt các đối tượng gây án gồm: Đinh Văn Hưng (Hưng "Nhóc", SN 1988, 4 tiền án cướp giật tài sản) và Lê Thanh Tiến (SN 1994, 2 tiền án cướp giật tài sản). Qua đấu tranh, Hưng và Tiến khai đã gây ra 6 vụ cướp giật tài sản.
Một vụ án khác mang đậm dấu ấn của Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm là vụ bắt nhóm cướp biệt thự hồi cuối tháng 4, tại quận 12. Thời điểm đó, Công an TPHCM nắm thông tin 3 đối tượng thuộc "Hội những người vỡ nợ thích làm liều" hẹn nhau chuẩn bị công cụ, phương tiện và khảo sát đột nhập vào căn biệt thự trên đường Lê Thị Riêng để cướp tài sản.
Đội 2 đã phối hợp Công an quận 12 tổ chức họp bàn lên phương án, triển khai lực lượng bí mật phục kích bao vây, lắp đặt camera giám sát xung quanh địa điểm các đối tượng định gây án.
Sau 3 ngày đêm mật phục, đến ngày 30/4, các lực lượng bắt quả tang Lê Văn Sỉ (SN 1998, quê Kiên Giang) và Nguyễn Đức Tiến (SN 1993, quê Quảng Ngãi). Quá trình đấu tranh, khai thác, đơn vị tiến hành truy xét bắt đối tượng có liên quan đến vụ việc là Đỗ Văn Tuấn (SN 1996, ngụ tỉnh Đồng Nai).
"Sống ở thành phố bây giờ không còn bất an như lúc trước nữa, cướp giật đã giảm nhiều. Công lao lớn là nhờ các chiến sĩ cảnh sát hình sự, các anh như là khắc tinh của tội phạm đường phố", bà Nguyễn Thị Mai (52 tuổi, ngụ quận 4) bày tỏ.