Ám hiệu bí mật và những cách nhận tiền hối lộ trong đại án đăng kiểm
(Dân trí) - Khi vào Trung tâm đăng kiểm, nếu xe có để sẵn tiền thì sẽ bật đèn chiếu sáng trước và mở đèn cảnh báo nguy hiểm. Tiếp đó, đăng kiểm viên sẽ tắt đèn nhận tiền.
Sau hơn 1 tháng xét xử, ngày mai (23/8), TAND TPHCM sẽ đưa ra phán quyết đối với 254 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm.
Trong vụ án này, ông Trần Kỳ Hình (nguyên Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021) bị xét xử về tội danh Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Đặng Việt Hà (nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) và 132 đồng phạm bị xét xử về tội Nhận hối lộ.
Những cách nhận tiền hối lộ
Quá trình xét xử, ông Hình, ông Hà thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. Đồng thời, 2 người này cũng trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ mong HĐXX xem xét khoan hồng.
Các đồng phạm của 2 người này cũng thừa nhận tội danh và "hé lộ" những cách thức nhận tiền hối lộ từ các chủ phương tiện có xe đi đăng kiểm.
Theo đó, tại trung tâm Đăng kiểm 50-06V, cơ quan công tố xác định, Nguyễn Thanh Long (giám đốc) cùng hai cấp phó đã thống nhất chủ trương, chỉ đạo đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi của các phương tiện đăng kiểm từ khoảng tháng 8/2016.
Các bị cáo thống nhất số tiền nhận hối lộ đối với các phương tiện đưa vào trung tâm cụ thể là: ôtô con dưới 9 chỗ lấy từ 100.000 đến 150.000 đồng/xe/lượt kiểm định; xe 16 đến 45 chỗ số tiền là 200.000 đồng/xe/lượt kiểm định; xe tải trên 5 tấn và xe đầu kéo số tiền nhận hối lộ là 300.000 đồng/xe/lượt.
Khi vào Trung tâm đăng kiểm, nếu xe có để sẵn tiền thì sẽ bật đèn chiếu sáng trước và mở đèn cảnh báo nguy hiểm. Đến công đoạn 3, đăng kiểm viên sẽ tắt đèn cảnh báo nguy hiểm nhận tiền rồi đưa lại cho trưởng chuyền hoặc trưởng chuyền trực tiếp nhận. Nếu trên xe không để sẵn tiền hối lộ thì đăng kiểm viên vẫn để đèn cảnh báo nguy hiểm để các đăng kiểm viên trong chuyền biết nếu có lỗi sẽ không kiểm định đạt.
Trong thời gian này, tiền nhận hối lộ từ các chủ xe được những bị cáo chi sử dụng cho hoạt động của trung tâm, còn lại chia nhau chiếm hưởng. Đến tháng 8/2018, để có tiền tiếp khách và đưa hối lộ cho hai đời Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, Long chỉ đạo trích một phần "tiền cứng" hàng tháng chi cho cấp trên và giao chỉ tiêu cho các chuyền.
Tổng cộng, từ tháng 8/2018 đến tháng 10/2022, Trung tâm đã nhận hối lộ tổng cộng hơn 18,8 tỷ đồng; trong đó, chi cho Cục trưởng Đặng Việt Hà 234 triệu đồng, Trần Kỳ Hình hơn 250 triệu đồng (tương đương 11.000 USD). Hàng tháng khi ra Cục Đăng kiểm Việt Nam dự họp giao ban, ông Long đổi tiền ra USD bỏ sẵn vào phong bì đưa trực tiếp cho Đặng Việt Hà tại phòng làm việc.
Tương tự, tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V, từ năm 2014, khi ông Nguyễn Đình Quân đưa ra chủ trương nhận hối lộ thì các đăng kiểm viên tại mỗi chuyền kiểm định thống nhất phân công cho nhóm phụ trách công đoạn một sẽ nhận tiền từ người đi đăng kiểm.
Cụ thể, đăng kiểm viên công đoạn một sẽ lên cabin kiểm tra người đi đăng kiểm có bỏ tiền vào vị trí như: cần gạt số, hộc đựng đồ, trong bao thuốc lá... hay không. Nếu có thì đăng kiểm công đoạn một sẽ lấy hoặc nhận trực tiếp từ người đi đăng kiểm. Sau đó, các đăng kiểm viên sẽ thông báo cho nhau biết quá trình kiểm định bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn của phương tiện.
Hai cựu Cục trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, ngày 6/8, đại diện VKS TPHCM phát biểu quan điểm về vụ án và đề nghị mức án cho ông Hình cùng 253 đồng phạm.
Theo đại diện VKS, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa.
Xuất phát từ quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TPHCM phát hiện hai ô tô có dấu hiệu cơi nới thành thùng so với quy chuẩn nên tiến hành dừng phương tiện để kiểm tra.
Kết quả kiểm tra xác định số đo kích thước thành, thùng xe trùng khớp với giấy chứng nhận kiểm định, nhưng làm sai lệch so với thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu của Cục đăng kiểm Việt Nam. Vụ việc sau đó được chuyển CQĐT để xác minh.
Từ dấu hiệu tội phạm này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã tiến hành điều tra, xác định hành vi phạm tội có tổ chức xuyên suốt từ Cục đăng kiểm Việt Nam đến các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TPHCM và nhiều địa phương trên cả nước.
Qua quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra và truy tố tổng cộng 254 bị can về 11 tội danh. Trong đó, hai bị cáo Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà là hai cựu cục trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất vì đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
VKS luận tội, xác định ông Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền nhận hối lộ là hơn 40 tỷ đồng và hưởng lợi gần 8,8 tỷ đồng và 13.000 USD.
Đối với ông Trần Kỳ Hình bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi cá nhân đã nhận tiền hối lộ tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD của doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm, bỏ qua sai phạm.
Ngoài ra, ông Hình còn lợi dụng chức vụ quyền hạn vị trí công tác làm trái quy định, duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà mức án 20 năm tù về tội Nhận hối lộ. Bị cáo Trần Kỳ Hình bị đề nghị 18-19 năm tù tội Nhận hối lộ và 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 1 năm tù cho hưởng án treo đến 30 năm tù.
Quá trình tranh luận, phần lớn các luật sư trình bày tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ và đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án dưới khung. Sau khi nghe luật sư bào chữa cũng như lời tự bào chữa của 254 bị cáo, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và qua diễn biến tại phiên tòa, đại diện VKS đã thay đổi mức đề nghị án đối với một số bị cáo.
Theo đó, bị cáo Đặng Việt Hà được đại diện VKS xem xét và đề nghị mức án giảm còn 18-19 năm tù về tội nhận hối lộ. Tương tự, 41 bị cáo đồng phạm trong vụ án cũng được đại diện cơ quan công tố đề nghị giảm 1-3 năm tù so với mức đề nghị ban đầu.
Bên cạnh đó, có 10 bị cáo được VKS xem xét thay đổi mức đề nghị từ án tù giam sang án treo.
Hai cựu Cục trưởng tỏ ra ân hận
Trước khi HĐXX vào tuyên án, ông Hình cùng đồng phạm được nói lời sau cùng. Đây là vụ án có số lượng bị cáo lớn nên phải mất 1 buổi làm việc thì các bị cáo mới thực hiện xong quyền này của mình.
Là người đầu tiên thực hiện quyền của bị cáo, ông Trần Kỳ Hình tỏ ra mất bình tĩnh, nói trong 37 năm công tác, từ đăng kiểm viên đến làm quản lý, đều tâm huyết với công việc, không nghỉ phép một ngày nào. Nhưng vào những năm cuối, khi sắp nghỉ hưu, thì bị cáo không giữ được mình, đã phạm tội dẫn đến phải trả giá bằng bản án cuối đời.
Ông Hình bày tỏ, sau những ngày bị xét xử, bản thân "đã nhận thức rất rõ hành vi phạm tội, vô cùng ăn năn hối cải". Ông xin lỗi gia đình, Đảng, Nhà nước cùng toàn bộ cán bộ ngành đăng kiểm. "Bị cáo vô cùng đau xót, ân hận khi không làm tròn trách nhiệm được giao phó, mong mọi người tha thứ..., đến cuối đời không biết còn đủ sức khỏe để chờ mãn hạn tù hay không", ông Hình nói.
Là người tiếp theo được nói lời sau cùng, cựu cục trưởng Đặng Việt Hà trình bày ngắn, gãy gọn về sự ăn năn hối hận. Lời cuối, ông nói: "Bị cáo biết mình đã sai. Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân; xin lỗi các cán bộ công nhân viên chức ngành đăng kiểm. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo mức án nhẹ nhất".
Các bị cáo sau đó cũng bày tỏ ăn năn hối hận, xin tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ, hoàn cảnh gia đình... để giảm nhẹ hình phạt.