Manh mối phát hiện ra đại án đăng kiểm
(Dân trí) - Cảnh sát giao thông phát hiện 2 xe tải cơi nới thành thùng, thông số kỹ thuật không đúng quy chuẩn vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định... nên chuyển cơ quan điều tra.
Sau hơn 3 tuần làm việc, phiên tòa xét xử hai cựu Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình cùng 252 bị cáo về hàng loạt tội danh tham nhũng đã đi được hơn nửa chặng đường. Nhiều vấn đề của vụ án đang được các cơ quan tố tụng làm rõ.
Hai cựu Cục trưởng nhận hối lộ với số tiền lớn
Hồ sơ vụ án thể hiện, Cảnh sát giao thông phát hiện 2 xe tải cơi nới thành thùng, thông số kỹ thuật không đúng quy chuẩn vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định nên chuyển cơ quan điều tra.
Từ manh mối này, Công an TPHCM lần ra sai phạm của Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà, người tiền nhiệm Trần Kỳ Hình, cùng hơn 200 người khác tại 14 trung tâm đăng kiểm ở thành phố, tỉnh Long An, Bến Tre và Sóc Trăng.
Vào các ngày 26-28/10/2022, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tổ công tác Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM phát hiện 2 ô tô cơi nới thành thùng khác với quy chuẩn nên dừng phương tiện kiểm tra.
Kết quả xác định, số đo kích thước thành, thùng xe trùng khớp với số đo kích thước trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ, song sai lệch so với thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Từ dấu hiệu tội phạm này, Công an TPHCM đã điều tra, xác định đây là hành vi phạm tội có tổ chức xuyên suốt từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, Chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TPHCM và nhiều địa phương trên cả nước.
Theo cáo buộc, trong thời gian giữ chức Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, ông Hà đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để các Phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong suốt thời gian dài.
Khi phát hiện, ông này không chấn chỉnh, xử lý mà vì vụ lợi cá nhân tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các Trung tâm Đăng kiểm nhận hối lộ.
Cơ quan công tố xác định, ông Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền nhận hối lộ là hơn 40 tỷ đồng và được hưởng lợi gần 8,8 tỷ đồng và 13.000 USD.
Ông Trần Kỳ Hình cũng bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi cá nhân đã nhận tiền hối lộ tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD của các doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm, bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động Trung tâm Đăng kiểm, sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện.
Ngoài ra, ông Hình còn lợi dụng chức vụ quyền hạn vị trí công tác làm trái quy định, duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật.
Xét xử bị cáo đang bị truy nã là đúng luật
Phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình cùng 252 đồng phạm là phiên tòa lớn, có số lượng bị cáo đông nên phải mất 4 ngày làm việc để HĐXX hoàn tất phần thủ tục và đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng.
Trong phần xét hỏi, ông Đặng Việt Hà thừa nhận hành vi nhận hối lộ và đã hưởng lợi hơn 8,5 tỷ đồng, song bị cáo cho rằng "không đưa ra chủ trương nhận hối lộ và ăn chia". Các sai phạm tại Cục Đăng kiểm đã xảy ra từ năm 2019, khi đó ông giữ chức Cục phó.
Cựu cục trưởng Trần Kỳ Hình tỏ ra ăn năn hối hận về các sai phạm trong thời kỳ đương chức. Tuy nhiên, ông này cho rằng số tiền hưởng lợi chỉ có 2,85 tỷ đồng và 12.000 USD, không nhiều như con số bị quy buộc.
Phần lớn các bị cáo còn lại trong vụ án thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết, xin HĐXX xem xét số tiền hưởng lợi và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Trung Học (63 tuổi, cựu Trưởng phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) là người duy nhất đang bị truy nã. Ông ta bị cáo buộc nhận hối lộ 2,8 tỷ đồng để đề xuất ký duyệt hồ sơ năng lực cho 38 cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.
Qua xác minh, Đỗ Trung Học đã xuất cảnh ra nước ngoài trước thời điểm khởi tố bị can nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định truy nã. Trường hợp bị cáo Học không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt.
Tại phần xét hỏi, HĐXX cho biết, bị cáo Đỗ Trung Học đã bỏ trốn nhưng căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác có liên quan, có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Việc đưa bị cáo Học ra xét xử vắng mặt theo truy tố của VKS là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.
Sau nhiều ngày làm việc, ngày 6/8, phiên tòa này bước vào phần tranh luận, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS đánh giá đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa.
Theo đại diện VKS, quá trình xét hỏi công khai và tài liệu trong hồ sơ xác định, trong thời gian giữ chức Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, ông Đặng Việt Hà đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để các Phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm, Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong suốt thời gian dài.
Khi phát hiện, ông Hà không chấn chỉnh, xử lý mà "vì vụ lợi cá nhân" tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các Trung tâm Đăng kiểm nhận hối lộ. Số tiền này sẽ được chia mức hưởng lợi theo nguyên tắc "phải đảm bảo lợi ích của ông Hà là cao nhất".
Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, phân hóa vai trò của từng bị cáo, đại diện cơ quan công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà 20 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Tương tự, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình 18-19 năm tù về tội Nhận hối lộ, 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp hình phạt là từ 23 đến 25 năm tù.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 1 năm tù cho hưởng án treo đến 30 năm tù.
VKS: Cựu Cục trưởng chối bỏ trách nhiệm
Tại phiên tranh luận, bị cáo Hình chỉ thừa nhận tội Nhận hối lộ, và cho rằng không phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ; việc ký duyệt cấp đủ năng lực cho một số cơ sở chưa đủ điều kiện chỉ là "vô tình". VKS cho biết, các bị cáo liên quan đến sai phạm của các cơ sở đóng tàu đều thừa nhận hành vi của mình. Trong số các xưởng đóng tàu không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp duyệt, có những chủ xưởng phải chung chi một khoản tiền rất lớn mới được cấp năng lực cho xưởng hoạt động.
"Bị cáo cũng biết, việc cấp thông báo năng lực cho các xưởng hoạt động, nhà nước không thu bất kỳ khoản phí nào. Do đó, bị cáo cho rằng việc cấp thông báo cho những xưởng không đủ điều kiện chỉ là những sai sót nhỏ hay không biết mình sai là cố tình chối bỏ trách nhiệm", đại diện VKS nhận định.
VKS phân tích thêm, việc các chủ xưởng phải chung tiền cho đăng kiểm viên và những người này đã bị khởi tố về tội Nhận hối lộ. Các đăng kiểm viên khai phải đưa tiền cho lãnh đạo phụ trách về tàu sông. Do chưa đủ căn cứ chứng minh có sự việc đưa tiền, nên các cơ quan tố tụng đã không xử lý bị cáo về tội danh khác, nặng hơn.
Lời khai của bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất để kết tội, nhưng nhiều người, ở nhiều địa phương, cùng khai nhận nội dung giống nhau, thì những lời khai đó lại trở thành chứng cứ", VKS nêu quan điểm.
Do ông Hà và luật sư không tranh luận về tội danh và số tiền hưởng lợi nên VKS không đối đáp lại. Tuy nhiên, trước đó, VKS dẫn chứng việc ông Hà đã thẳng thắn đối mặt với sự thật, thẳng thắn nhận tội để đánh giá về nhận thức và thái độ thành khẩn của bị cáo Hình.
Cụ thể, ông Hà và luật sư nói rằng luôn ý thức được trách nhiệm quản lý của người đứng đầu, là thủ lĩnh ngành đã để xảy ra những tiêu cực như vụ án này. Bị cáo Hà không đổ lỗi cho bất kỳ ai, chủ động khai nhận chức trách nhiệm vụ của mình và khai nhận về những vi phạm của cá nhân mình.
Các bị cáo khác đã tranh luận, chủ yếu trình bày các tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX cho hưởng mức án nhẹ hơn mức đề nghị của VKS.
Ngày 12/8, phiên tòa tiếp tục tranh luận và dự kiến kéo dài hết ngày 18/10.