Thị trường Đông Nam Á - phép thử khốc liệt cho các hãng xe điện Trung Quốc
(Dân trí) - Sau những thành công ban đầu, các hãng xe Trung Quốc đang phải đối diện với những thực tế khắc nghiệt ở Đông Nam Á.

Vào một buổi sáng gần đây tại Hà Nội, showroom của "ông lớn" xe điện Trung Quốc BYD thưa vắng khách. Cách đó chỉ vài km, một đại lý của hãng xe điện non trẻ nội địa lại nhộn nhịp với những khách hàng tiềm năng đang háo hức xem các mẫu xe mới.
"Chúng tôi đón trung bình 20 khách hàng mỗi ngày trong tuần. Vào cuối tuần, lượng khách có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba", Trần Trung Hiếu, một nhân viên bán hàng mặc vest đen và đeo cà vạt của thương hiệu này, cho biết.
Việc BYD gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 7 năm ngoái phản ánh cả cơ hội lẫn thách thức mà các công ty Trung Quốc phải đối mặt khi cố gắng mở rộng sang Đông Nam Á.
Cơ hội lớn nhưng cũng đầy thách thức
Với hàng trăm triệu người tiêu dùng có thu nhập khá, Đông Nam Á là một điểm đến hấp dẫn cho các hãng xe Trung Quốc, đặc biệt khi họ bị hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ và gặp bất lợi cạnh tranh tại châu Âu do thuế quan.
Tuy nhiên, sau những thành công ban đầu, các hãng xe Trung Quốc đang phải đối diện với những thực tế khắc nghiệt.

Thương hiệu BYD của Trung Quốc gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 7/2024 với hệ thống showroom được đồng bộ theo tiêu chuẩn toàn cầu (Ảnh: BYD Việt Nam).
Mặc dù tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á có xu hướng muốn sở hữu ô tô điện, giá xe vẫn còn khá cao so với thu nhập của nhiều người. Hơn nữa, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng được tiếp cận nguồn điện ổn định, và ngay cả khi có điện, hệ thống trạm sạc vẫn còn rất hạn chế. Trong khi đó, tại một số quốc gia như Việt Nam, người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn các thương hiệu quen thuộc hơn.
Theo ông Ron Zheng, chuyên gia của công ty tư vấn toàn cầu Roland Berger GmbH, Đông Nam Á - nơi có khoảng 5 triệu ô tô so với 250 triệu xe máy - là một thị trường phức tạp hơn nhiều so với Trung Quốc. Để thành công tại đây, các hãng xe Trung Quốc cần phải thích nghi với sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và hệ thống pháp lý.
"Xe điện thông minh rồi sẽ thay thế xe động cơ đốt trong truyền thống. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, chính phủ phải mất khoảng 5 năm áp dụng chính sách ưu đãi trước khi người tiêu dùng chủ động chuyển sang xe điện, và Đông Nam Á cũng có thể mất một khoảng thời gian tương tự", ông Zheng nói.
Người tiêu dùng trong khu vực vốn đã quen thuộc với các thương hiệu nước ngoài, điển hình là các hãng xe Nhật như Toyota. Dù thị phần đang suy giảm, các thương hiệu Nhật Bản như Nissan và Honda vẫn chiếm khoảng 68% doanh số xe du lịch tại Đông Nam Á vào năm 2023. Theo dự báo của Roland Berger, thị phần của các hãng xe Trung Quốc sẽ tăng từ 6% năm 2023 lên khoảng 13% vào năm 2030.
Tuy nhiên, khi xem xét từng quốc gia, con đường phía trước vẫn còn rất dài.
Tại Indonesia, doanh số xe điện năm ngoái đạt 43.188 chiếc, tăng đáng kể so với chỉ 125 chiếc vào năm 2020 nhưng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số khoảng 860.000 xe bán ra. Với tốc độ đó, rất khó để đạt được mục tiêu 2 triệu xe điện lưu thông trên đường phố Indonesia vào năm 2030 mà chính phủ nước này đề ra.
"Có thể giới thượng lưu nhận thức rõ hơn về xe điện, nhưng với người bình thường thì chưa", Hairayani, một giáo viên tại Jakarta, cho biết. Anh chưa có kế hoạch chuyển sang xe điện mà vẫn trung thành với xe xăng.

Mẫu Wuling Mini EV ra mắt tại Indonesia vào giữa năm 2022 (Ảnh: Paultan).
Tại Thái Lan, dù chính phủ hỗ trợ 100.000 baht (khoảng 2.700 USD) cho mỗi xe điện, doanh số năm 2024 lại giảm 9,3% so với năm trước, chỉ đạt 66.732 chiếc, thấp hơn mục tiêu 80.000 xe mà Hiệp hội Xe điện Thái Lan đặt ra. Quốc gia này cũng có mức nợ hộ gia đình cao nhất Đông Nam Á, khiến nhiều người tiêu dùng gặp khó khăn hơn khi vay mua xe.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào tháng 1, khi doanh số xe điện giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan.
Việt Nam - Thị trường khó khăn nhất của xe điện Trung Quốc
Tại những quốc gia có hãng xe trong nước mạnh như Việt Nam, các công ty Trung Quốc còn gặp khó khăn lớn hơn.
VinFast, với mạng lưới trạm sạc riêng và dòng xe mini giá khoảng 11.700 USD (khoảng 300 triệu đồng), đang dễ dàng vượt mặt các đối thủ Trung Quốc. Trong gần 91.500 xe điện bán ra tại Việt Nam năm ngoái, hơn 87.000 chiếc là xe VinFast.
Dù vậy, một khảo sát của KPMG vào tháng 7 cho thấy gần 70% trong số khoảng 1.100 người Việt sống tại các thành phố giàu có sẵn sàng chuyển sang xe điện hoặc hybrid, mở ra cơ hội cho các hãng xe khác.
BYD đã ra mắt nhiều mẫu xe tại Việt Nam với giá từ 659 triệu đồng đến 1,36 tỷ đồng. Nhưng việc chinh phục khách hàng vẫn là một thách thức.

Thiếu trạm sạc công cộng đang là một thách thức lớn đối với ô tô Trung Quốc tại Việt Nam (Ảnh: BYD).
"Sở hữu một chiếc xe điện Trung Quốc ở Việt Nam không thực tế", chị Hạnh, 41 tuổi, sống tại một cư dân Hà Nội, nhận xét khi cùng anh trai đến showroom VinFast để xem mẫu VF 6. Anh đã lái một chiếc VF 9 từ năm 2023 và thích khả năng cá nhân hóa cao của nó - điều mà xe chạy xăng không thể mang lại. Việt Nam đang thiếu cơ sở hạ tầng sạc dành cho xe Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có tâm lý e dè với hàng Trung Quốc. "Nhiều người vẫn có định kiến với thương hiệu Trung Quốc", Đ.H., nhân viên bán hàng tại showroom Chery Automobile ở Hà Nội, cho biết. Chery hiện chưa bán xe điện tại Việt Nam nhưng có kế hoạch ra mắt vào quý hai năm nay.
Để thay đổi nhận thức và thúc đẩy sự chấp nhận của người tiêu dùng, các hãng xe Trung Quốc đang đẩy mạnh quảng bá tại Đông Nam Á.
GAC Aion đã đặt quảng cáo trên các biển hiệu khổng lồ chào đón du khách đến Bangkok từ sân bay Suvarnabhumi, trong khi BYD vừa khai trương một showroom rộng bằng một sân bóng đá tại trung tâm Jakarta.
Bên cạnh đó, các hãng xe Trung Quốc cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất trong khu vực. BYD đầu tư 1,3 tỷ USD vào một nhà máy ở Java (Indonesia), dự kiến hoạt động vào tháng 1 năm sau. Chery cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy tại tỉnh Rayong (Thái Lan) với công suất 50.000 xe/năm, dự kiến đi vào sản xuất trong năm nay.
Theo chuyên gia Zheng từ Roland Berger, các hãng xe Trung Quốc sẽ gặp nhiều "biến động ngắn hạn" tại Đông Nam Á. "Khu vực này đặt ra thách thức rất lớn về vận hành, từ logistics đến sản xuất hàng loạt", ông nói.
Theo Bloomberg