Xe Trung Quốc đua lập "giá sàn" phân khúc B-SUV, có mẫu chưa tới 500 triệu

Nguyễn Lâm

(Dân trí) - Phân khúc SUV cỡ B và B+ có hơn 10 sản phẩm tham gia cạnh tranh và hiện nay 3 mẫu xe trong nhóm rẻ nhất đều đến từ thương hiệu Trung Quốc.

Là một trong những nhóm xe "hot" nhất Việt Nam, phân khúc SUV cỡ B và B+ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt sản phẩm. Thị trường hiện ghi nhận hơn 10 mẫu xe "tham chiến", từ các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Trong đó, các mẫu xe Nhật, Hàn thường có giá khởi điểm quanh mức 600 triệu đồng. Vị thế xe rẻ nhất nhóm xe này vốn thuộc về MG ZS, với giá niêm yết dao động 518-588 triệu đồng.

Xe Trung Quốc đua lập giá sàn phân khúc B-SUV, có mẫu chưa tới 500 triệu - 1

MG ZS được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan (Ảnh: Nguyễn Duy Tân).

Thế nhưng ngay cả MG ZS giờ đây cũng có áp lực mới, khi hai đồng hương Trung Quốc liên tục "công phá" thị trường bằng giá bán. Geely Coolray mới gia nhập nước ta được chốt giá niêm yết khởi điểm 538 triệu và bản cao nhất là 628 triệu đồng.

Khoảng giá trên nhỉnh hơn một chút so với MG ZS, nhưng Coolray có lợi thế là sản phẩm mới. Trong khi đó, MG ZS lần cuối được nâng cấp vào năm 2021, trang bị và thiết kế đã có phần "tụt hậu" so với xu thế chung của thị trường, buộc đại lý phải giảm giá thêm trên thực tế.

Xe Trung Quốc đua lập giá sàn phân khúc B-SUV, có mẫu chưa tới 500 triệu - 2

Ngay từ bản tiêu chuẩn, Geely Coolray đã có hệ thống đèn LED, mâm hợp kim 17 inch, điều hòa tự động, cụm đồng hồ điện tử 7 inch, màn hình giải trí 10,25 inch (Ảnh: Đại lý Geely).

Ngoài Coolray, Omoda C5 cũng gây chú ý khi giới thiệu phiên bản mới, có tên gọi Luxury. Biến thể này được chốt giá 539 triệu đồng, nhưng áp dụng giá bán ưu đãi 499 triệu đồng cho 555 khách hàng đầu tiên; mức giá này rẻ ngang một mẫu SUV hạng A như Hyundai Venue (từ 499 triệu đồng).

Như vậy, Omoda C5 Luxury sau khi được ưu đãi đang là mẫu xe rẻ nhất phân khúc SUV đô thị cỡ B và B+. Để có được giá bán trên, trang bị của mẫu crossover cỡ B+ này phải đánh đổi.

Xe Trung Quốc đua lập giá sàn phân khúc B-SUV, có mẫu chưa tới 500 triệu - 3

Omoda C5 ra mắt Việt Nam từ cuối năm 2024. Xe đang được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, dự kiến chuyển sang lắp ráp trong nước tại nhà máy ở Thái Bình vào năm 2026 (Ảnh: Omoda & Jaecoo).

Dù vẫn có dải đèn LED định vị ban ngày, song đèn pha của C5 Luxury là halogen projector, thay vì LED như hai phiên bản cao cấp hơn. Bên cạnh đó, gương chiếu hậu của xe chỉ còn tính năng chỉnh điện, la-zăng "hạ" xuống loại có kích cỡ 17 inch (mâm 18 inch trên hai bản cao).

Đáng chú ý, Omoda C5 Luxury thậm chí còn sở hữu trang bị tiện nghi nổi bật hơn bản tiêu chuẩn của Geely Coolray. Cụ thể, C5 Luxury sở hữu cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau, ghế bọc da pha nỉ, màn hình giải trí tuy cũng có kích cỡ 10,25 inch nhưng sở hữu kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây.

Xe Trung Quốc đua lập giá sàn phân khúc B-SUV, có mẫu chưa tới 500 triệu - 4

Omoda C5 Luxury chỉ được trang bị cần số truyền thống, không phải cần số điện tử như hai bản cao cấp hơn (Ảnh: Omoda & Jaecoo).

Không chỉ MG ZS, các mẫu xe Nhật Bản, Hàn Quốc trong phân khúc SUV đô thị cỡ B và B+ như Mitsubishi Xforce hay Kia Seltos cũng sẽ gặp thêm áp lực cạnh tranh từ Geely Coolray hay Omoda C5 Luxury. Yếu tố giá rẻ nhưng nhiều trang bị sẽ thu hút được những khách hàng trẻ ưa công nghệ và không quan tâm nhiều đến yếu tố thương hiệu.

Bên cạnh đó, Geely Coolray còn có điểm mạnh là khối động cơ xăng, tăng áp, dung tích 1.5L. Cỗ máy này tạo ra 177 mã lực và 255Nm, dễ "ghi điểm" với những người dùng tìm kiếm một mẫu SUV cỡ B đem lại cảm giác thích thú khi đạp ga.

Xe Trung Quốc đua lập giá sàn phân khúc B-SUV, có mẫu chưa tới 500 triệu - 5

Sức mạnh động cơ của Geely Coolray nổi bật hơn phần lớn các mẫu xe sử dụng máy 1.5L hút khí tự nhiên tại phân khúc SUV cỡ B và B+. Chỉ sản phẩm được trang bị động cơ 1.5L tăng áp như Honda HR-V RS hay Lynk & Co 06 có thể xem là đối trọng của "tân binh" này (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Tất nhiên, MG ZS vẫn có khả năng cạnh tranh với các "đồng hương" do tại đại lý, sản phẩm này thường xuyên có khuyến mại giảm giá từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng. Những sản phẩm Trung Quốc thường không được công bố doanh số hàng tháng, nên cũng khó đánh giá chính xác sức tiêu thụ.

Nhìn vào dữ liệu bán hàng, Mitsubishi Xforce là sản phẩm bán chạy nhất phân khúc SUV cỡ B và B+ ở năm 2024, với tổng cộng 14.407 chiếc được tiêu thụ. Bước sang năm 2025, VinFast VF 6 đang là cái tên gây chú ý, khi bán được gần 2.000 xe trong tháng 2, áp đảo toàn bộ các đối thủ chạy xăng.

Phân khúc SUV cỡ B/B+ tại Việt Nam thời gian tới hứa hẹn tiếp tục "nóng bỏng". Hyundai Creta 2025 với phiên bản thể thao N Line là một trong những cái tên được chờ đợi. Xforce tại thị trường nước ngoài có tùy chọn động cơ hybrid, có thể sẽ được đưa về Việt Nam.