DNews

Mẹ bỉm "dám" bỏ việc nhà nước ổn định, mở tiệm bánh doanh thu 4 tỷ đồng/năm

Tô Sa Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Một thập kỷ trước, quyết định nghỉ việc nhà nước của Thu Hạnh bị cho là đi ngược với suy nghĩ của nhiều người về sự ổn định. Cô mở tiệm bánh, kiên định với đam mê, gặt hái doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm.

Mẹ bỉm "dám" bỏ việc nhà nước ổn định, mở tiệm bánh doanh thu 4 tỷ đồng/năm

"Quyết định bỏ việc nhà nước đi ngược với suy nghĩ về sự ổn định"

Hơn 10 năm trước, chị Võ Thị Thu Hạnh (36 tuổi, ở Đắk Nông) quyết định nghỉ việc tại một trung tâm thuộc Sở xây dựng của tỉnh, về mở một tiệm bánh nhỏ. Thu Hạnh tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, ra trường liền thử sức ở môi trường nhà nước. Nhưng cuộc sống và công việc hoàn toàn đảo lộn kể từ khi cô sinh con.

Hai vợ chồng ở riêng với cha mẹ nên sau khi Hạnh sinh con thì không có người hỗ trợ, cô cũng không đành lòng cho con đi học sớm nên mạo hiểm khởi nghiệp.

Đa phần đồng nghiệp ngạc nhiên và tiếc nuối khi Hạnh từ bỏ một công việc ổn định. Một số người khuyên cô nên suy nghĩ lại, nhưng cũng có nhiều người động viên, chúc cô thành công.

Nghĩ đến chuyện rời bộ máy công, nữ nhân viên văn phòng đắn đo nhiều đêm. Cô luôn cảm thấy bản thân có thể làm nhiều hơn, thử sức ở những lĩnh vực mới mẻ, nhưng khuôn khổ công việc nhà nước đôi khi không cho phép phát huy tối đa khả năng đó.

Thu Hạnh nhận thấy bản thân muốn tự chủ, không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống. Việc ra ngoài khởi nghiệp là một quyết định mạo hiểm, nhưng cho phép cô tự do xây dựng mọi thứ theo cách mình mong muốn, từ quy trình làm việc đến giá trị mình tạo ra.

"Thời điểm rời bỏ khu vực công, tôi nghĩ rằng mình còn trẻ, còn cơ hội để sai lầm và học hỏi. Nếu không thử bước ra khỏi vùng an toàn, tôi sợ mình sẽ hối tiếc về sau", cô tâm sự.

Mẹ bỉm dám bỏ việc nhà nước ổn định, mở tiệm bánh doanh thu 4 tỷ đồng/năm - 1
Mẹ bỉm dám bỏ việc nhà nước ổn định, mở tiệm bánh doanh thu 4 tỷ đồng/năm - 2

Thu Hạnh bỏ việc nhà nước, về mở tiệm bánh với doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trước hành trình mới, Thu Hạnh đã hình dung nhiều thách thức, như việc phải bắt đầu lại từ con số 0, đối mặt với áp lực tài chính, phải học hỏi rất nhiều kỹ năng mới mà trước đây chưa từng tiếp xúc. Song cô nhận thấy đây cũng là cơ hội lớn để bản thân tự do sáng tạo, làm chủ công việc và tìm cách biến đam mê thành sự nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế luôn khác với dự đoán. Có những thách thức cô không lường trước được, như sự cô đơn khi phải tự quyết định mọi thứ, những thất bại ban đầu vì thiếu kinh nghiệm thực tế và cả áp lực từ sự kỳ vọng của những người xung quanh.

Thời điểm Hạnh bắt đầu sự nghiệp làm bánh là lúc bánh mì hoa cúc được thị trường quan tâm. Đây là loại bánh khó làm vì hỗn hợp ướt và nhiều bơ nên khâu nhồi bột phải cực kỳ cẩn thận. Nhiều người cũng làm món bánh này nhưng không đủ cầu kỳ và kiên nhẫn nên khó có thể ngon như bánh nguyên bản chuẩn vị Pháp.

Lúc mới làm bánh hoa cúc, Hạnh chỉ có chiếc lò nướng nhỏ nên nhận làm 50 chiếc/ngày. Khách hàng khởi điểm là các chị em trong một hội nhóm dành cho các bà mẹ nuôi con nhỏ. Nhưng cũng từ ấy, cô tiếp cận được với nguồn khách hàng "khổng lồ" từ bạn bè, người thân.

"Khách hàng từng so sánh giá bán của tôi đắt hơn thị trường, nhưng tôi tin vào chất lượng sản phẩm. Tôi tự tay chọn nguyên liệu hữu cơ, trứng gà ta nuôi tự nhiên, bột thuộc loại tuyển chọn, men bánh tự nuôi, không có phẩm màu, hương liệu hay chất bảo quản", Hạnh kể.

Khi đã nghiêm túc theo đuổi con đường này, người phụ nữ bỏ ra gần 200 triệu đồng học nghề từ hai đầu bếp chuyên nghiệp đến từ châu Âu và người Hoa. Cô xem đây là khoản đầu tư xứng đáng vì bản thân vẫn giữ lại được kiến thức cũng như bí quyết cho riêng mình.

Những cơ hội cũng dần rộng mở với thợ bánh tay ngang như Hạnh. Cô được gặp gỡ những người bạn đồng hành tuyệt vời, học hỏi từ thị trường, khách hàng và quan trọng nhất là cảm giác hạnh phúc khi thấy thành quả tạo ra được đón nhận.

"Quyết định nghỉ việc nhà nước lúc đó không hề dễ dàng, bởi điều này đi ngược với suy nghĩ của nhiều người về sự ổn định. Gia đình ban đầu khá lo lắng, sợ rằng tôi sẽ vất vả, gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Nhưng khi thấy tôi quyết tâm và có kế hoạch rõ ràng, họ dần chuyển sang ủng hộ, đặc biệt là khi xuất hiện những kết quả đầu tiên", Hạnh nói.

Mẹ bỉm dám bỏ việc nhà nước ổn định, mở tiệm bánh doanh thu 4 tỷ đồng/năm - 3

Liều lĩnh nghỉ việc nhà nước mà theo nhiều người là sự ổn định, Thu Hạnh thành công với tiệm bánh nhỏ của mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm, phát triển vượt xa những gì từng hình dung

Sau gần một thập kỷ nỗ lực, Thu Hạnh xây dựng thành công cơ sở sản xuất bánh có doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm. Không chỉ bánh mì, tiệm bánh của cô còn sản xuất các mặt hàng như: Sốt đa dụng, bánh quy, mứt, kẹo, đồ khô, trà túi lọc, socola, cà phê...

"Tôi thấy bản thân đã phát triển vượt xa những gì mình từng hình dung", nữ thợ bánh tâm sự.

Trước đây, cô chỉ nghĩ đơn giản là sau khi nghỉ việc nhà nước sẽ mở tiệm bánh nhỏ, nhưng sau đó lại có cơ hội học cách quản lý doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu và hợp tác với những đối tác lớn. Đây đều là những điều cô chưa từng nghĩ đến.

Người phụ nữ tin rằng quyết định thay đổi năm ấy là đúng đắn. Dù có nhiều khó khăn nhưng cô cảm thấy tự do, hạnh phúc hơn và khám phá được nhiều khả năng của bản thân mà nếu không thay đổi thì sẽ không bao giờ biết đến.

"Tôi nghĩ mọi người hãy tự hỏi mình thực sự muốn gì. Nếu còn đam mê công việc hiện tại, hãy tiếp tục. Nhưng nếu không còn động lực, đừng ngại thử sức. Quan trọng là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tin vào bản thân và sẵn sàng học hỏi từ thất bại", cô chia sẻ.

Mẹ bỉm dám bỏ việc nhà nước ổn định, mở tiệm bánh doanh thu 4 tỷ đồng/năm - 4
Mẹ bỉm dám bỏ việc nhà nước ổn định, mở tiệm bánh doanh thu 4 tỷ đồng/năm - 5

Theo nữ thợ bánh, chỉ khi dám bước ra ngoài, học hỏi và dấn thân, chúng ta mới có thể khai phá hết tiềm năng của mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Khi nghe chủ trương tinh giản biên chế của nhà nước, Thu Hạnh thấy đây là một chính sách cần thiết để tối ưu hóa nguồn nhân lực và cải thiện hiệu quả hoạt động. Theo cô, với những người thuộc diện tinh giản, đây không phải là thử thách mà là cơ hội để bước ra khỏi vùng an toàn và tìm kiếm những hướng đi mới.

Bản thân Hạnh khi quyết định nghỉ việc nhà nước để khởi nghiệp cũng đã đối mặt với rất nhiều lo lắng. Nhưng sau thời gian chứng minh bản thân, cô nhận ra sự ổn định không đồng nghĩa với sự phát triển.

"Chỉ khi dám bước ra ngoài, học hỏi và dấn thân, chúng ta mới có thể khai phá hết tiềm năng của mình", cô cho hay.

Với đội ngũ nhân lực bị tinh giản, Hạnh nhận thấy cơ hội luôn hiện hữu với họ, nhất là trong thời đại mà công nghệ và thị trường ngày càng mở rộng.

Chỉ cần họ chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, không ngừng nâng cao kỹ năng và kiên định với con đường mình chọn, thì chắc chắn sẽ tìm thấy hướng đi phù hợp. Chính sách hỗ trợ từ nhà nước hiện nay cũng tạo điều kiện thuận lợi để họ bắt đầu lại từ đầu một cách bền vững.

Theo nữ thợ bánh, các chính sách khuyến khích khởi nghiệp cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, thương mại điện tử đã tác động rất tích cực đến thị trường lao động. Nhờ đó, cô đã có cơ hội tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, xây dựng thương hiệu hiệu quả và hiện thực hóa ước mơ kinh doanh.

"Tôi nghĩ Chính phủ nên tập trung đào tạo kỹ năng thực tế, đặc biệt kỹ năng quản lý, công nghệ và khởi nghiệp, để giúp những người thuộc diện tinh giản nhanh chóng thích nghi với khu vực tư. Đồng thời, cần có các chương trình hỗ trợ vốn vay, tư vấn khởi nghiệp và kết nối họ với các doanh nghiệp để tạo thêm cơ hội việc làm phù hợp", cô cho hay.