(Dân trí) - Môi trường làm việc thay đổi buộc chị Hồ Thanh Nga rời vị trí ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Cơ hội kinh doanh thôi thúc, anh Nguyễn Trọng Hoàng bỏ lại suất viên chức, cả việc được quy hoạch, cất nhắc…
…Những bước ngoặt đó đưa chị Nga, anh Hoàng vào cuộc cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường lao động.
Tốt nghiệp một trường đại học lớn tại Hà Nội, chị Thanh Nga từng 3 năm vật lộn với nhiều công việc văn phòng ở thủ đô. Sau khi kết hôn, chị quyết định về quê (một huyện ở miền Trung) và quyết tâm tìm một chỗ đứng trong cơ quan nhà nước.
"Hồi đấy những người như tôi luôn mơ ước một vị trí như thế. May mắn lúc đó có một vị trí trống nên tôi được cân nhắc", chị Nga kể.
Thi thố, vào được hệ thống không dễ, bù lại, công việc của một công chức ở vị trí như chị ổn định, cũng không quá căng thẳng. Mỗi tháng lương cơ bản của chị dao động trong khoảng 5-6 triệu đồng. Tuy nhiên, công việc có nhiều lợi thế vô hình khiến chị chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời bỏ.
5 năm trở lại đây, tình hình thay đổi, chị Nga cảm thấy môi trường làm việc không còn dễ thở như trước. Chị nói: "Sự cạnh tranh gay gắt hơn, áp lực từ cấp trên lớn hơn, những người không có nhiều mối quan hệ và không thật sự xuất sắc như tôi luôn bị nằm trong tầm ngắm có thể bật ra bất cứ lúc nào".
Trong suốt 5 năm, chị Nga luôn trong trạng thái bất an và luôn đặt câu hỏi có nên nghỉ việc nhà nước để ra làm tự do không? Cũng trong những năm chông chênh ấy, chị vẫn cố gắng làm tiếp vì để có được vị trí đó không phải điều dễ dàng.
Chị nhớ lại, mỗi sáng đi làm vẫn luôn tự nhủ mình đã cố gắng rất nhiều để đi đến được ngày hôm nay nên không thể từ bỏ. Hơn nữa, ở tuổi trung niên như chị, một lần nữa bước ra khỏi nhà nước và hòa nhập vào thị trường lao động ngoài kia là điều không dễ dàng.
"Đi làm công nhân cũng không được vì mình vốn không làm chân tay nhiều năm rồi. Còn những công việc văn phòng thì cần nhiều kỹ năng, chuyên môn mà mình đã không có cơ hội rèn luyện suốt nhiều năm. Việc chăm sóc con cái cũng sẽ không được chu toàn như trước nếu như mình bắt đầu một công việc mới", nữ công chức suy nghĩ.
Và rồi khi thông tin về việc tinh giản bộ máy đến tai, chị Nga cảm thấy hoang mang. Một số người trẻ tuổi xin nghỉ việc để tìm cơ hội mới, những người không chịu được áp lực cũng đã rời bỏ cuộc đua. Theo chị, chuyện nhân sự rời cơ quan nhà nước ngày càng phổ biến. Điều đó cũng thôi thúc chị chuẩn bị một hướng đi khác cho bản thân.
Giữa năm 2024, sau khi trả xong nợ xây nhà, chị quyết định xin nghỉ việc. "Thật ra đến bây giờ nghĩ lại tôi thấy đúng là không còn cách nào khác. Tôi không nghỉ trước thì cũng đến lúc bị sa thải thôi", chị Nga thẳng thắn nhìn nhận.
Khác với chị Nga, anh Nguyễn Trọng Hoàng (42 tuổi), nguyên Trưởng phòng hỗ trợ đời sống thuộc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên, Thành đoàn TPHCM rời cơ quan, bỏ cả viên chức khi đang ở những bước phát triển, thăng tiến thuận lợi. Dù lương chỉ 7-8 triệu đồng/tháng ở nơi thành phố lớn nhưng anh hài lòng vì tâm huyết cống hiến được ghi nhận, anh dần được cất nhắc, quy hoạch cho những vị trí cao hơn (từ năm 2007 tới hết 2018).
"Tại cơ quan tôi trước đó cũng có một số nhân sự không đáp ứng được công việc nên tự rời đi khi còn trẻ, còn nhiều cơ hội, còn Thành đoàn, trong hơn 10 năm tôi công tác tại đây thì chưa thấy trường hợp nào cho nghỉ việc, tinh giản cả. Làm Chủ tịch công đoàn từ 2010 đến khi rời cơ quan nên tôi biết", anh Hoàng quả quyết.
Bản thân anh trước đó cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc rời tổ chức vì vị trí có được là cả một quá trình phấn đấu, từ khi còn ngồi trên giảng đường, để trở thành một Đảng viên, rồi thành viên chức, dần lên tới Trưởng phòng.
Anh Hoàng khẳng định: "Tôi quyết định thay đổi, rời bỏ cơ quan đầu năm 2019 chỉ vì yếu tố gia đình, không vì bất trắc, trở ngại nào khác. Xung quanh tôi cũng thấy nhiều anh em như mình, luôn xác định gắn bó và cống hiến cho tổ chức và sự cống hiến được tổ chức ghi nhận nên chưa bao giờ nghĩ sẽ rời đi".
Vậy nên, để đi đến quyết định này, anh Hoàng phải đấu tranh tư tưởng, cân nhắc, suy nghĩ trong 3 năm, kể từ khi có ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh cùng vợ năm 2016.
Dù đã chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng cho những khó khăn khi rời khỏi bộ máy nhà nước, chị Hồ Thanh Nga vẫn thấy sốc với mọi diễn biến thực tế. Ban đầu chị quyết định sử dụng mảnh đất mua được ở trung tâm huyện làm tiệm bán đồ ăn vặt nhưng thu nhập không đáng kể. Chị đi tìm việc văn phòng nhưng không có nơi nào tuyển dụng vị trí có kinh nghiệm giống như chị, kỹ năng tin học gần như bằng "0", ngoại ngữ sau nhiều năm không sử dụng cũng dần mai một.
"Tôi biết là khó rồi nhưng không nghĩ mình lạc hậu như vậy. Những năm qua tôi cũng đi làm, cũng cố gắng từng ngày, nhưng đó là cố gắng ở trong môi trường nhà nước. Kinh nghiệm tiếp xúc và nói chuyện với lãnh đạo không giúp tôi ghi điểm với nhà tuyển dụng. Đặc biệt, ở quê thì không có nhiều cơ hội như thành phố để tôi bắt đầu học việc từ đầu", chị Nga nhớ lại thời gian sau khi nghỉ làm nhà nước.
Thất nghiệp 4 tháng, thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải học phí cho hai con, chị gần như rơi vào bế tắc. Vốn là một công chức, làm tuyên giáo, chị Nga quen cảm giác ổn định và được người khác tôn trọng. Chị không quen với việc bị từ chối, phải chờ đợi để làm các thủ tục hành chính và hàng tá các bất lợi khác trong cuộc sống hàng ngày. Đó là điều khó khăn nhất với chị khi thay đổi công việc.
"Cái mác "người nhà nước" giống như một lợi thế vô hình vậy. Còn có chức, có quyền thì làm việc gì cũng dễ dàng. Mọi thứ thay đổi 180 độ khi tôi không có cái mác đấy nữa. Điều đó thực sự khiến tôi suy sụp", chị Nga thổ lộ.
Không tiền, không quyền, không còn sự ưu tiên, chị Nga đối diện với áp lực nặng nề từ phía gia đình. Chị cho biết, cũng có người thân không thực sự thấu hiểu cho quyết định của chị nên thường trách móc, than phiền chị đã bỏ lỡ cơ hội, khiến kinh tế gia đình rơi vào khó khăn. Chị thoáng nhăn mặt: "Áp lực kinh tế, tôi cảm giác như mình là kẻ ăn bám. Mâu thuẫn phát sinh là điều tôi khó hình dung nhất bởi phải cùng đường tôi mới phải rời bỏ nơi yên ổn, lăn lộn với những công việc bấp bênh khác".
Chủ động hơn và có nền tảng cơ bản hơn để khởi nghiệp khi vợ đã vận hành được công ty gia đình (doanh nghiệp sản xuất bao bì) một thời gian nhưng nguyên Trưởng phòng Nguyễn Trọng Hoàng (Thành đoàn TPHCM) cũng vẫn rất khó khăn khi thay đổi môi trường làm việc ở tuổi gần 40. Ngoài vợ thì gần như không có người thân, bạn bè, đồng nghiệp nào ủng hộ quyết định của anh. Gần như 100% những lời khuyên dành cho anh lúc đó là… can gián.
Từ vị thế một viên chức nhà nước trở thành nhân viên của vợ, về chạy việc nhà, với anh Hoàng chính là… đánh cược. Làm ở một đơn vị sản xuất khác hẳn công tác tại Thành đoàn, anh Hoàng chấp nhận vị trí nhân viên kinh doanh, đi khắp các chợ trong thành phố để chào bán sản phẩm, vì chỉ có lợi thế là kinh nghiệm giao tiếp, nói chuyện đã tích lũy hơn 10 năm ở cơ quan nhà nước.
Nỗ lực "học việc từ đầu", cộng với sự hậu thuẫn của vợ, của tập thể trong công ty gia đình, sau cùng anh Hoàng cũng thích nghi, bắt nhịp được với guồng vận hành của doanh nghiệp và nhận thấy môi trường làm việc hiện tại thậm chí có nhiều điểm thú vị, thoải mái, linh hoạt hơn nhiều so với đơn vị trước đây. Khi khẳng định được bản thân, chính thức nhận ghế Giám đốc điều hành doanh nghiệp, anh lại có nguồn lực làm thiện nguyện, đóng góp, tài trợ cho hoạt động phong trào vốn là đam mê trước đây của mình.
"Đến thời điểm hiện tại nhìn lại, tôi thấy bản thân đã có được những thành công nhất định khi khởi nghiệp. Và kết quả một phần đến từ những kinh nghiệm, kỹ năng tôi tích lũy được trong quá trình làm cơ quan nhà nước, những công cụ đó áp dụng tốt tới tận lúc này như cách sử dụng nhân sự, lên kế hoạch, xây dựng chính sách phúc lợi, gắn kết người lao động…", anh Hoàng đúc kết "không có gì phải ân hận về quyết định mạo hiểm hồi 36 tuổi nữa".
Trong cuộc vật lộn khắc nghiệt, tâm lý ngày càng bất ổn khi kinh tế gia đình đi xuống, chị Hồ Thanh Nga nhận ra, nếu vẫn giữ tâm thế của một công chức đi tìm việc thì không bao giờ làm lại được. Chị quyết tâm hạ thấp cái tôi, học hỏi lại những kỹ năng cơ bản nhất.
"Chưa bao giờ tôi nghĩ mình phải dùng facebook cá nhân để bán hàng. Tôi học cách nói chuyện và tương tác với khách hàng. Lúc này tôi không còn là cán bộ nhà nước nữa mà là một người làm dịch vụ. Tôi biết mình phải học cách hiểu và làm hài lòng khách hàng", chị Nga chiêm nghiệm.
Chị tự mày mò học cách viết bài trên mạng, xây kênh facebook, tiktok bán hàng và dần kiếm được những khách hàng đầu tiên mà không phải dựa vào vị trí mặt bằng. Dù kinh tế hiện tại vẫn chưa hết khó khăn, chị Nga dần chấp nhận thực tế và biết được mình cần phải làm những gì tiếp theo.
So với tâm trạng những tháng đầu tiên sau khi nghỉ việc, chị đã dần cởi mở hơn, dễ chịu hơn: "Tôi nhận ra có quá nhiều thứ cần phải học. Tôi không còn xấu hổ về những gì mình đang làm nữa".
Vài tháng qua, lợi nhuận từ việc kinh doanh của chị đã tăng dần lên mức 6-8 triệu đồng. Với chị, đây là một biến chuyển tích cực, đáng mừng vì đã lại kiếm ra tiền bằng chính sức lao động của mình, không còn phải mang tiếng ăn bám nữa.
Chị bộc bạch: "Học được một thứ rồi người ta sẽ có cảm giác và động lực muốn học thêm nhiều thứ khác. Bởi vì thật ra không phải tôi không học được mà là quên cảm giác học thú vị như thế nào và không tin rằng mình có thể học. Bây giờ tôi đang học thêm về Đông y để có thể bán các loại thuốc. Tôi nghĩ phải có kiến thức, phải thực sự am hiểu về thứ mình theo đuổi mới có thể bán được nó, thương mại hóa nó".
Nhìn lại 8 tháng rời khỏi môi trường nhà nước và lao vào thị trường lao động tự do, chị Nga miêu tả quãng đường đã qua với những từ "bất ngờ", "sốc", "cay đắng", "đôi khi cảm thấy tuyệt vọng" nhưng rồi cựu công chức nhận ra vẫn luôn có cơ hội cho những người nỗ lực. "Điều quan trọng vẫn là phải biết mình là ai, mình đang ở đâu. Nếu vẫn cứ giữ cái tôi, giữ sự ngạo mạn của một người đã từng có tiếng nói, có vị thế để không xem những công việc khác ra gì thì không bao giờ tiến lên được", chị ngẫm lại.
Còn với anh Hoàng, điều đúc kết là việc bước ra môi trường ngoài nhà nước sẽ lợi thế với nhân sự đủ cứng cáp, có kinh nghiệm. Khi đó, chọn đúng ngành, doanh nghiệp phù hợp với năng lực thì những "người nhà nước" sẽ ổn thỏa vượt qua thách thức, sống khỏe. Chuyển sang môi trường mới, ai cũng sẽ gặp khó khăn, áp lực nên cần sự chuẩn bị tinh thần chiến đấu, chấp nhận mạo hiểm và tài chính vững trong giai đoạn đầu thử sức.
Các doanh nghiệp sản xuất như công ty của anh Hoàng luôn thiếu người, từ nhân viên văn phòng, kế toán, bộ phận kinh doanh, vận hành máy móc, kỹ thuật đều tuyển dụng liên tục… Suy rộng ra, anh Hoàng cho rằng nhu cầu, cơ hội trên thị trường lao động luôn có, dư địa hấp thụ nguồn nhân lực khả quan nhất nằm ở khu vực sản xuất.