(Dân trí) - Để hơn 100.000 nhân sự rời khu vực nhà nước thích nghi với môi trường tư, rất cần "bàn tay" điều tiết của nhà nước để thị trường lao động vận hành trơn tru, tận dụng tối đa nguồn nhân lực mới.
Là chuyên gia có hơn 40 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực lao động - việc làm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM đặc biệt chú ý, quan tâm chỉ đạo liên quan đến việc phát triển thị trường lao động của Tổng Bí thư Tô Lâm dịp đầu năm nay.
Ông Tuấn lưu tâm về thông tin nhóm lao động sắp rời khu vực nhà nước với quy mô khoảng 100.000 người và những tác động tới thị trường việc làm.
Nêu nhận định khả quan, ông Tuấn cho rằng thị trường lao động Việt Nam có quy mô đủ lớn (hơn 53 triệu người, trung bình mỗi năm gia tăng thêm trên 500.000 người) để hấp thụ số nhân lực nói trên. Quan trọng là phải có kế hoạch, chính sách phù hợp để điều tiết thị trường hiệu quả.
Ông Tuấn cho rằng: "Năm 2025 được nhận định có nhiều thuận lợi về kinh tế - xã hội để thị trường lao động tiếp tục phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng cao hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm… Những dự báo cho thấy thị trường lao động Việt Nam đang có sự tiến triển nhất định. Nhiều ngành, lĩnh vực đang tạo ra thêm công ăn việc làm và có thể hấp thụ nhiều lao động".
Theo ông Trần Anh Tuấn, trên thị trường lao động, biến động lực lượng là thường xuyên, có người ra có người vào, nhân lực chuyển từ nơi này sang nơi khác. Nhất là ở các doanh nghiệp tư nhân, bình quân hằng năm, cứ 3 lao động được tuyển mới tại doanh nghiệp thì có 2 người làm việc trước đó di chuyển đến nơi khác. Tỷ lệ lao động thôi việc, bỏ việc, chuyển chỗ làm việc và tỷ lệ tuyển dụng lao động mới rất cao, bình quân 18%-20% mỗi năm.
Do đó, việc thay đổi công việc đối với người lao động là chuyện rất bình thường. Người làm việc ở khu vực nhà nước cũng phải làm quen với việc thay đổi, với biến động và cần có nhận thức rõ ràng để định hướng con đường sau này của mình.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 53,2 triệu người, tăng hơn 625.000 người so với năm 2023. Thị trường lao động trong năm 2024 rất ổn định với 51,9 triệu lao động có việc làm, tăng 585.000 nghìn người (tương đương tỷ lệ tăng 1,14%) so với năm trước.
"Thực tế, mỗi năm cả nước có thêm cả triệu vị trí việc làm mới. Riêng TPHCM mỗi năm đã giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người, tạo ra khoảng 150.000 vị trí việc làm mới. So sánh những con số đó với 100.000 cán bộ tinh giản đợt này thì thấy không cần lo về khả năng hấp thụ số lao động rời khỏi khu vực nhà nước", ông Trần Anh Tuấn đánh giá.
Điều ông Tuấn nghi ngại là thị trường sẽ hấp thụ nguồn nhân lực này như thế nào, phân bổ ra sao cho hợp lý cung cầu về khu vực làm việc, trình độ chuyên môn, ngành nghề, tiền lương… Muốn điều tiết tốt, nhà nước phải có thống kê chi tiết về nguồn cung, thông tin chính xác về nhu cầu lao động của từng địa phương trong từng giai đoạn và công tác kết nối việc làm phải hiệu quả.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), lợi thế của người Việt là khả năng thích ứng linh hoạt nên không lo lắng người lao động rời khỏi khu vực nhà nước sẽ thất nghiệp. Tuy nhiên, bản thân người tinh giản phải hiểu là suốt quá trình lao động đương nhiên cần học kỹ năng mới để thích ứng với thị trường, với sự thay đổi.
Theo ông, ngoài nhóm nhân sự cao tuổi được hỗ trợ để nghỉ hưu sớm thì những người dưới 50 tuổi đều còn thời gian làm việc rất dài. Họ cần thích ứng với thị trường lao động mới để tiếp tục phát triển.
Ông Trần Anh Tuấn thì cho rằng: "Công việc mới đủ để hấp thu số lao động rời khỏi khu vực nhà nước nhưng cũng có sự cạnh tranh. Cán bộ, công chức, viên chức làm ở khu vực nhà nước cũng là người lao động, phải chuẩn bị sẵn sàng với sự cạnh tranh. Khi rời khỏi khu vực nhà nước, gia nhập thị trường lao động tư nhân cũng phải cạnh tranh, cần học kỹ năng làm việc phù hợp".
"Với sự bùng nổ công nghệ số hiện nay, nhiều việc làm mất đi nhưng cũng có nhiều công việc mới sẽ xuất hiện nên quan trọng nhất là người lao động phải tự chuyển đổi để thích ứng chứ không lo hết việc để làm", ông Tuấn chia sẻ.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng quan tâm nhiều tới khả năng thích ứng của nhóm nhân sự sắp rời khu vực nhà nước. Theo ông, một bộ phận nhân sự có trình độ chuyên môn tốt, tầm nhìn rộng và quen thuộc công việc khu vực nhà nước có thể trở thành lao động chất lượng cao khi gia nhập khối tư nhân, các tổ chức "săn đầu người" sẽ mời gọi họ về làm.
Ông nói: "Tôi còn hy vọng từ đó sẽ xuất hiện những chủ thể kinh doanh mới, tạo thêm nhiều việc làm, thu hút được người lao động mới. Họ sẽ không phát triển những công việc bình thường mà đi vào những chuỗi phát triển có trình độ cao".
TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng kỳ vọng về khả năng thích ứng của những cán bộ, công chức sắp rời khu vực nhà nước. Theo ông, bản thân những người rời khỏi khu vực nhà nước không chỉ đi làm thuê mà còn có thể lập công ty, mở ra nhiều hình thức làm kinh tế dựa vào nền tảng số hóa, phát triển kinh tế gia đình...
Ông nêu thực tế lâu nay, có nhiều cán bộ, công chức, viên chức chủ động xin thôi công tác sớm, trước tuổi nghỉ hưu để nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, gia đình. Còn với người có sức khỏe, trí tuệ, khi quyết định rời bỏ chắc chắn đều đã tính trước về làm gì, thậm chí có nơi có chốn sắp sẵn.
Để làm tốt công tác vận hành thị trường lao động trong những lần chuyển đổi như đợt sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước đợt này, theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, nhà nước cần làm tốt hơn công tác dự báo và có công cụ điều tiết thị trường hiệu quả hơn.
Ông Lộc lập luận, cơ quan dự báo phải nghiên cứu thị trường chính xác, đưa ra kế hoạch ngắn hạn 1-2 năm, dài hạn 5-10 năm để thấy được tổng thể bức tranh nhân lực của cả nước cũng như từng khu vực trọng điểm, xác định chỉ tiêu việc làm của từng ngành theo thời gian và không gian cụ thể. Theo ông, dự báo được vậy mới có thể làm các bước tiếp theo như xây dựng kế hoạch đào tạo, tăng ngành thiếu, siết ngành dư; hỗ trợ đào tạo lại cho lao động có kỹ năng không còn phù hợp; vận dụng chính sách ưu tiên để thu hút nhân sự đúng nghề đến nơi đang cần…
Với công cụ điều tiết "tối ưu" như vậy, việc xử lý thị trường để tiếp nhận số lượng lớn lao động chuyển dịch là hoàn toàn khả thi, không chỉ dừng ở con số 100.000 người của đợt tinh giản này.
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đồng tình với quan điểm này. Là chuyên gia theo dõi lĩnh vực lao động lâu năm, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều tiết chỉ tiêu đào tạo từng ngành theo nhu cầu thị trường, căn cứ vào các dự báo chính xác.
Ông Lợi đánh giá, công tác dự báo rất quan trọng trong xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trước mắt đáp ứng ngắn hạn, sau là dài hạn. Cần đi trước đón đầu trong dài hạn, tránh tình trạng đào tạo rồi lại không sử dụng được.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc bổ sung thêm: "Một điểm quan trọng nữa để vận hành thị trường lao động thành công là chính sách điều tiết gắn liền với quyền lợi của người lao động. Ngành nào càng cần người thì càng có nhiều ưu đãi chính sách".
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội khái quát, thị trường cần một "bàn tay" điều tiết đủ quyền hạn để thực hiện được đồng bộ các chính sách, đảm bảo cuộc chuyển dịch lao động thành công, êm thuận.
Đợt tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy nhà nước lần này, ông Lộc nhìn nhận, có thể xem như cơ hội tập dượt việc vận hành thị trường lao động, chuẩn bị cho những bước phát triển trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc chỉ rõ, việc tinh gọn bộ máy không chỉ là chuyện giảm nhân sự để tiết kiệm ngân sách mà còn cần sắp xếp, tổ chức để bộ máy hoạt động chất lượng, hiệu quả hơn dưới tác động của tiến trình số hóa.
Cuộc cách mạng này đã được đặt ra 5-10 năm trước nhưng khi đó dù ý chí chính trị cao cũng khó thực hiện được việc tinh gọn mạnh mẽ như hiện nay. Chính tiến trình số hóa, áp dụng công nghệ vào quản lý để thay thế sức người mới giúp những người hoạch định nhìn thấy những phần dôi dư trong hệ thống và xác định thời cơ tinh gọn bộ máy đã đến.
Trên cơ sở thực tế, ông Lộc phân tích, trong lĩnh vực chuyển đổi số, Chính phủ vẫn đi đầu nhờ nguồn lực lớn. Khu vực nhà nước có cơ hội trước hết khi thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, để tổ chức lại cả bộ máy sau quá trình này.
"Nhìn như vậy sẽ thấy việc tinh gọn đợt này là tất yếu. Cá nhân tôi nhìn nhận, đợt tinh gọn lần này là một cuộc sắp xếp mang đến cơ hội thay đổi cho cả quốc gia và cá nhân", ông Lộc nhận định.
Với cá nhân, đây là cuộc sàng lọc để người ở lại làm đúng việc, phát huy được năng lực. Còn những người thuộc diện tinh giản cũng thấy được vị trí công việc đang đảm nhiệm không phù hợp, không hiệu quả, cần chuyển đổi để tìm kiếm công việc phù hợp hơn, tìm tới cơ hội mà lâu nay họ không nghĩ tới.
Về góc độ quốc gia, khi bộ máy tinh gọn, giảm đúng người, người ở lại được "ngồi đúng chỗ" thì năng suất, chất lượng hoạt động của bộ máy công quyền sẽ tăng cao, công việc được giải quyết hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn.
"Đợt chuyển dịch này có thể được xem là điển hình hóa về thực hành trách nhiệm xã hội của cơ quan quản lý ngành lao động, một cuộc tập dượt ứng phó với biến động, đổi thay. Cơ quan quản lý lao động phải có kịch bản ứng phó cho phù hợp", PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đánh giá.
Ông còn phán đoán, việc tinh gọn bộ máy sẽ còn những đợt, những lần rốt ráo khác nữa, sẽ lan từ khu vực nhà nước sang cả khu vực tư nhân. Cuộc tập dượt lần này, theo đó, là trải nghiệm quý chuẩn bị cho những đợt chuyển đổi sau, sẽ mang lại nhiều bài học quý giá ở quy mô quốc gia.
So với tiến trình nhiều nước phát triển đã đi qua, Viện trưởng Social Life cho biết, mỗi lần chuyển đổi, hệ thống đào tạo lại được vận hành để hỗ trợ nhóm nhân lực không còn phù hợp dịch chuyển sang khu vực việc làm khác. Vận hành tốt hệ thống đó, cuộc chuyển đổi dễ thành công, êm thuận, hạn chế tác động tiêu cực, để thị trường ổn thỏa hơn, thứ mang lại cho lượng nhân lực dư thừa ít nhất cũng tốt hơn cảnh "cắp ô", "sống mòn" trước đó.