(Dân trí) - Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển thị trường lao động thể hiện tính cấp bách, thiết thực của yêu cầu tạo công ăn việc làm, góp phần hấp thu số nhân lực rời khu vực nhà nước sau tinh giản.
Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ đầu năm nay, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu 8 nội dung trọng tâm, định hướng. Trong đó, ở nội dung thứ 8, Tổng Bí thư đã đặt hàng loạt câu hỏi về việc cơ cấu lại việc làm, thúc đẩy thị trường lao động phát triển trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
"Chúng ta đã nói rất nhiều về việc chuẩn bị "tổ" cho "đại bàng", điều này rất đúng, rất nên làm. Nhưng tại sao chúng ta ít đề cập tới kế hoạch chuẩn bị những "cánh rừng", những "cánh đồng" cho các "đàn ong" lấy hoa làm mật?
Tại sao chúng ta chưa đưa ra các chỉ tiêu tạo ra việc làm mới cho từng giai đoạn, cho từng lĩnh vực? Giai đoạn tới sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và 100.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Vậy Chính phủ có chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó? Chính sách gì để phát triển thị trường lao động, thị trường việc làm?", Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở.
Tổng Bí thư nhấn mạnh "cơ cấu lại nền kinh tế phải có cơ cấu việc làm".
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định gợi ý hướng "chuẩn bị những "cánh rừng", những "cánh đồng" cho các "đàn ong" lấy hoa làm mật" của Tổng Bí thư rất sắc và thực tế.
Theo ông Hoàng Văn Cường, việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, thể chế tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư là rất cần thiết. Nền kinh tế phải đa dạng hóa các lĩnh vực, mở ra nhiều lĩnh vực mới mang chuỗi giá trị cao, đẩy mạnh vai trò của nghiên cứu, đổi mới để bắt kịp xu hướng toàn cầu.
"Trước sự phát triển như vũ bão của kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, nếu đất nước nào đặt chân nhanh vào nền kinh tế này sẽ nắm bắt được những cơ hội phát triển lĩnh vực mới. Các ngành nghề này đều yêu cầu nhân lực trình độ cao, đây cũng là cách để nâng cao tay nghề của lao động", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu.
Bên cạnh khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mới, ngành có giá trị cao, Chính phủ phải có những giải pháp, chính sách để hỗ trợ nền kinh tế làm mới những ngành nghề đang tồn tại.
Với sự phát triển đa dạng như trên, nền kinh tế sẽ có thêm nhiều nguồn lực để phát triển như câu hỏi gợi mở của Tổng Bí thư: "Chuẩn bị những "cánh rừng", những "cánh đồng" cho các "đàn ong" lấy hoa làm mật".
"Nếu làm tốt được vấn đề trên, thu hút được lao động có trình độ cao, có khả năng sáng tạo giá trị mới sẽ tạo sự gia tăng vượt bậc về năng suất lao động", đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho hay.
Về lâu dài, có thêm nhiều "đàn ong" thì thị trường lao động được mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm mới hấp thu nguồn lao động dồi dào của đất nước có lợi thế dân số vàng như Việt Nam hiện nay.
Trước mắt, những vị trí việc làm mới này sẽ góp phần hấp thu "khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và 100.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương", giải quyết câu hỏi "chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó?" mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến.
"Chính sách gì để phát triển thị trường lao động, thị trường việc làm?" là câu hỏi mở, tuy ngắn nhưng đề cập đến vấn đề rất lớn, đặt ra bài toán phát triển toàn diện thị trường lao động một cách hiệu quả.
Các chuyên gia đánh giá cao những thành tựu của ngành lao động trong thời gian qua. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn còn tồn tại nhiều "nút thắt" như chênh lệch cung cầu, năng suất lao động thấp, chất lượng chưa đạt yêu cầu...
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, 3 yếu tố cấu thành thị trường là nguồn cung lao động, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và tiền lương (giá cả sức lao động). Trình độ phát triển của nền sản xuất sẽ quyết định đến nhu cầu lao động của nền kinh tế.
Ông lấy ví dụ: "Khu vực sản xuất nông nghiệp, lao động là người làm nông nghiệp. Nền kinh tế sản xuất công nghiệp, dịch vụ thì người lao động sẽ chuyển sang lĩnh vực đó".
Nhìn vào cơ cấu lao động nước ta đang có, ông nhận thấy 60% lao động ở khu vực phi chính thức, không yêu cầu chuẩn mực, trình độ lao động, quy mô sử dụng linh hoạt... Điều này dẫn đến việc chúng ta chưa có được khu vực sản xuất định hình để xác định nguồn lực lao động.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được xem là trụ cột tăng trưởng kinh tế nhiều năm nay cũng "không khỏe mạnh". Theo ông, khu vực này chủ yếu là lắp ráp, gia công chứ chưa phải chế tạo sản phẩm mang giá trị cao. Vì vậy, khu vực này cũng không đòi hỏi lao động có trình độ cao mà chủ yếu ở mức thành thạo tay nghề.
"Trong đường cong phát triển, việc gia công, lắp ráp mang lại giá trị thấp nhất. Trình độ lao động không cao dẫn đến năng suất, giá trị mà họ tạo ra thấp. Như vậy, tiền lương họ nhận về cũng không cao", ông Cường nêu thực tiễn.
GS.TS Hoàng Văn Cường nhắc lại đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế làm mới những ngành nghề đang có, phát triển ngành nghề mới, chuẩn bị "những cánh rừng" cho các "đàn ong"...
Khi được hỗ trợ và định hướng, thay vì chỉ gia công, doanh nghiệp chuyển sang thiết kế sản phẩm, làm chủ chuỗi sản xuất. Thay vì nhập linh kiện về lắp ráp, doanh nghiệp nghiên cứu chế tạo linh kiện mới, tăng giá trị của sản phẩm…
"Việc đặt chân vào chuỗi giá trị cao là bước tái cấu trúc quan trọng để tạo ra công ăn, việc làm mới và thu hút lao động. Đòi hỏi của công việc cao hơn cũng yêu cầu lao động phải tự cải thiện trình độ của mình", ông Cường nhấn mạnh.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, khi cung, cầu thay đổi bản chất như trên dẫn đến việc nâng cao chất lượng nguồn lao động. Từ đó, nâng cao năng suất, tiền lương tăng lên, những nút thắt của thị trường được giải quyết, phát triển hiệu quả hơn, nguồn nhân lực sẽ giúp nền kinh tế "cất cánh".
Ở chiều ngược lại, để doanh nghiệp có thể thay đổi, cơ cấu kinh tế chuyển dịch thì thị trường cũng phải chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực thích hợp, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc nhở: "Cơ cấu lại nền kinh tế phải có cơ cấu việc làm".
GS.TS Hoàng Văn Cường đánh giá khoảng 100.000 lao động sắp rời khu vực Nhà nước trong đợt tinh giản lần này là một nguồn nhân lực tốt. Ngoài một bộ phận nghỉ hưu sớm, những người lựa chọn tiếp tục gia nhập thị trường lao động là nhóm nhân lực có trình độ, kiến thức tốt…
Ông Cường tin một phần trong đó sẽ có biện pháp thích ứng khi rời khu vực nhà nước và đóng góp vào quá trình cơ cấu thị trường việc làm, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Cơ cấu kinh tế cần chuyển dịch để mở rộng thị trường hấp thu nhóm lao động trên. Đồng thời, nhóm lao động trên cũng là nguồn nhân lực chuẩn bị cho nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khẳng định tạo việc làm là một chỉ tiêu kinh tế - xã hội rất quan trọng.
Làm tốt chỉ tiêu này sẽ phát triển được nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, mở rộng thị trường, tạo ra công ăn việc làm là nhiệm vụ quan trọng của nền kinh tế.
Do đó, ông tâm đắc với chỉ đạo phát triển thị trường lao động, đưa ra các chỉ tiêu tạo việc làm mới cho từng giai đoạn, cho từng lĩnh vực của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ông Lê Quang Trung đề nghị các địa phương phải có chính sách để thúc đẩy tạo việc làm mới. Bên cạnh chính sách về vốn, đất đai, ông đề xuất đưa thêm chỉ tiêu về tạo việc làm khi phê duyệt các dự án mới.
"Chúng ta nên đặt ra và coi đây là chỉ tiêu quan trọng để xét duyệt dự án, thực hiện ở địa phương và cả Trung ương", nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm đề xuất.
Tuy nhiên, để thị trường hoạt động hiệu quả thì không chỉ cần có nhiều vị trí việc làm, nhiều lao động chất lượng cao mà còn cần sự điều tiết hợp lý để cung cầu cân bằng.
Thời gian qua, thị trường lao động tồn tại nhiều nghịch lý như: "Thừa thầy thiếu thợ"; ở các đô thị lớn như TPHCM thừa lao động có trình độ đại học nhưng thiếu lao động phổ thông; ngành cần lao động trình độ cao thì không có, ngành có nhiều thì doanh nghiệp lại không cần...
Chính vì vậy, câu hỏi "sao chưa đưa ra các chỉ tiêu tạo ra việc làm mới cho từng giai đoạn, cho từng lĩnh vực?" của Tổng Bí thư Tô Lâm rất sát với thực tế.
Bởi khi có được các chỉ tiêu trên thì công tác đào tạo mới có thể bám sát nhu cầu thị trường, xóa bỏ tình trạng mất cân đối cung cầu...
Theo ông Lê Quang Trung, vấn đề được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến ở trên là yếu tố tiên quyết để thúc đẩy thị trường lao động chuyển mình.
"Đây là đòi hỏi cấp bách, thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Một đất nước tạo ra được nhiều việc làm mới, vận hành hiệu quả và bền vững là điều kiện tốt để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư", ông Trung nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng tâm đắc với nhắc nhở trên của Tổng Bí thư Tô Lâm.
"Đây là những định hướng đúng và trúng, bức thiết mà Chính phủ, cơ quan quản lý về lao động cần nghiên cứu triển khai chính sách gỡ vướng. Bởi đa dạng hóa thị trường, tạo việc làm mới là chìa khóa then chốt để tăng năng suất lao động. Nếu không nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì tăng trưởng kinh tế hằng năm khó đạt được như kỳ vọng", đại biểu Nga nhấn mạnh.
Để xây dựng được chỉ tiêu việc làm cho từng giai đoạn, cho từng ngành, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề cập đến tầm quan trọng của công tác dự báo và đào tạo.
Theo bà Việt Nga, dự báo phải chính xác và đào tạo phải phù hợp với dự báo. Dự báo và đào tạo là 2 điểm yếu lâu nay của thị trường lao động.
Nếu làm tốt công tác dự báo sẽ giải được bài toán mà Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra trong câu hỏi "Tại sao chúng ta chưa đưa ra các chỉ tiêu tạo ra việc làm mới cho từng giai đoạn, cho từng lĩnh vực?".
Khi có chỉ tiêu việc làm cho từng ngành cụ thể trong từng giai đoạn, cơ quan quản lý sẽ thuận lợi hơn trong việc vận hành, điều tiết thị trường để hấp thu lao động trong những đợt chuyển đổi lớn như tinh giản bộ máy nhà nước lần này.