DNews

Từ căn hầm bí mật có tủ chống đạn, giải mã cơn sốt gom vàng trên toàn cầu

Phương Liên

(Dân trí) - Dưới một căn hầm bí mật ở Mayfair (Anh) là những chiếc tủ kính dày chống đạn và 4 vòng bảo vệ canh gác nghiêm ngặt. Đây chính là nơi những tỷ phú giàu có nhất thế giới đến để cất giữ vàng.

Từ căn hầm bí mật có tủ chống đạn, giải mã cơn sốt gom vàng trên toàn cầu

Lạm phát ở mức cao cùng với những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới nhanh chóng gom vàng.

Dưới một căn hầm bí mật ở Mayfair (Anh) là những chiếc tủ kính dày chống đạn và 4 vòng bảo vệ canh gác nghiêm ngặt suốt ngày đêm. Đây chính là nơi những tỷ phú giàu có nhất thế giới đến để cất giữ vàng.

Một chiếc két sắt nhỏ nơi đây có giá thuê lên đến 12.000 bảng/năm và được dự kiến sẽ được lấp đầy vào cuối năm nay khi ngày càng nhiều khách hàng đến để trữ vàng. Đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo sự khó khăn trong thời gian tới.

Căn hầm này thuộc sở hữu của IBV International Vaults, ngân hàng chỉ dành cho các tỷ phú với những chiếc két sắt đặc biệt có phí thuê cao nhất thế giới

Từ căn hầm bí mật có tủ chống đạn, giải mã cơn sốt gom vàng trên toàn cầu - 1

Một két lưu trữ vàng ở căn hầm của IBV International Vaults (Ảnh: Getty).

Ông Ashok Sewnarain, Giám đốc ngân hàng này cho biết các khách hàng của ông đang ngày càng cảnh giác với tình hình kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng và lạm phát cao như hiện nay.

Cơn sốt gom vàng

Cơn sốt mua vàng của giới thượng lưu toàn cầu được thể hiện rõ hơn ở động thái của các ngân hàng trung ương. Năm ngoái, các ngân hàng đã tiến hành mua vào 1.079 tấn vàng thỏi, mức cao nhất kể từ năm 1950. Điều này khiến giá vàng giao dịch gần mức cao kỷ lục lên mức 2.072 USD/ounce kể từ cuối tháng 3. Nhiều nhà đầu tư đang nín thở chờ đợi mức đỉnh mới sẽ được thiết lập.

Từ căn hầm bí mật có tủ chống đạn, giải mã cơn sốt gom vàng trên toàn cầu - 2

Giá vàng tăng lên mức kỉ lục (Ảnh: FT).

Từ lâu, vàng đã là tài sản trú ẩn an toàn khi thị trường có nhiều biến động và điều đó vẫn đúng cho đến tận ngày hôm nay. Khi đại dịch bùng phát, mâu thuẫn Nga - Ukraine nổ ra, lo ngại lạm phát, nợ toàn cầu gia tăng, lãi suất cao và cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng đã khiến giới đầu tư lại tìm đến vàng như một loại tài sản an toàn.

Ngoài ra, một yếu tố địa chính trị khác cũng được giới đầu tư quan tâm đó là việc các nước đang phát triển cảnh giác với sức mạnh của đồng USD. Sau khi phương Tây trừng phạt Nga bằng cách đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga. Nhiều quốc gia nắm giữ USD đã lo ngại và ngay lập tức mua thêm vàng đề đa dạng hóa tài sản dự trữ của mình.

Các chuyên gia đánh giá rằng thế giới đang chuẩn bị bước vào thời kỳ "mạ vàng" mới và giá vàng có thể tăng lên mức kỷ lục là 3.300 USD/ounce, tương đương năm 1980 khi lạm phát tăng phi mã do ảnh hưởng của giá dầu và bất ổn ở Trung Đông.

Thước đo của nỗi sợ

Động lực chính thúc đẩy giá vàng chính là mối lo ngại với các tài sản khác. Khi thị trường biến động mạnh trong vài tháng gần đây, nhà đầu tư có xu hướng quay trở lại với vàng. Tính từ tháng 11 năm ngoái đến nay, vàng đã tăng 20% và giao dịch ở gần mốc 2.000 USD sau khi 3 ngân hàng của Mỹ liên tục sụp đổ. Ông Ross Norman, Giám đốc của công ty đá quý Metals Daily (Anh), cho rằng vàng thể hiện tâm lý sợ hãi trên thị trường tài chính.

Nhưng đối với một số người, đây là thời điểm họ thể hiện niềm tin về nền kinh tế toàn cầu. David Franks, một chủ nhà hàng ở Anh, nắm giữ hơn 2 triệu bảng Anh dưới dạng vàng thỏi, vàng xu nhưng không đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Ông cho rằng, đến một lúc nào đó, thế giới sẽ thức tỉnh trước việc Mỹ vỡ nợ. "Tôi không nhận thấy câu trả lời nào khác cho vấn đề này ngoài vàng và bạc. Nếu nắm giữ từ năm 2008 mà thấy không hiệu quả, thì cứ yên tâm, một ngày nào đó nó sẽ tăng giá trị", Franks nói.

Đồng thời, Franks lo sợ rằng thị trường sẽ thiếu các loại tài sản có thể đầu tư ngoài vàng khi mối lo về khủng hoảng bùng lên. Tâm lý này càng được thể hiện rõ ràng hơn khi các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ vẫn rơi vào bế tắc.

Từ căn hầm bí mật có tủ chống đạn, giải mã cơn sốt gom vàng trên toàn cầu - 3

Ngân hàng trung ương các nước đẩy mạnh mua vàng (Ảnh: FT).

Đồng quan điểm, ông Mark Bristow, Giám đốc Barrick Gold, nhà sản xuất vàng lớn thứ 2 thế giới cũng lập luận rằng, các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện không còn lựa chọn, "ông thần" lạm phát đã thoát ra khỏi chiếc bình và các quốc gia mới nổi sẽ phải đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy nợ USD.

Nỗ lực giảm phụ thuộc vào đồng USD

Ngoài nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc vàng tăng giá cũng được thúc đẩy một phần bởi xu hướng giảm phụ thuộc vào đồng USD. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều nước đã phải nỗ lực đa dạng hóa kho dự trữ của mình. Theo đó, tỷ lệ dự trữ ngoại hối toàn cầu đối với đồng bạc xanh đã giảm từ hơn 70% trong năm 2000 xuống dưới 60% hiện nay. Dẫn đầu trong sự thay đổi này là Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

Với Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chỉ khiến họ càng thêm phụ thuộc vào vàng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Tổng thống Vladimir Putin đã đánh giá dự trữ vàng cũng như kho dự trữ ngoại tệ vững chắc của Nga là "tấm đệm an toàn". Sau 3 năm, ngân hàng trung ương đã âm thầm gia tăng tỷ trọng của vàng trong kho dự trữ quốc tế của mình. Hiện tại, trong số 600 tỷ USD dự trữ của Nga, vàng chiếm khoảng 25%, tăng gần gấp 6 lần kể từ năm 2007.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với khoảng 3.200 tỷ USD và thông báo sẽ tiếp tục mua thêm vàng trong 6 tháng tới. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành cho biết PBOC mua nhiều hơn so với số liệu được công bố chính thức.

Theo Oliver Ramsbottom, thành viên ban lãnh đạo của McKinsey nhận định, việc này có thể giúp Trung Quốc thách thức đồng USD.

"Việc Trung Quốc liên tục mua vàng là một phần trong chính sách dài hạn nhằm nới lỏng việc kiểm soát vốn, theo đó tăng sức cạnh tranh của đồng Nhân dân tệ với đồng USD", ông chia sẻ.

Các nền kinh tế gặp khó khăn, thường nợ nhiều bằng đồng USD cũng đã chuyển sang "gom" vàng. Trước khi bị vỡ nợ vào tháng 12 năm ngoái, Ghana, quốc gia xuất khẩu vàng lớn thứ 6 thế giới đã đề xuất thanh toán hàng hóa nhập khẩu vàng thỏi.

Một số quốc gia khai thác khác như Zimbabwe cũng đang cho ra mắt đồng tiền số mới được hỗ trợ bằng vàng để ứng phó với tình trạng đồng nội tệ mất giá.

Từ căn hầm bí mật có tủ chống đạn, giải mã cơn sốt gom vàng trên toàn cầu - 4

Các quỹ đầu tư chuyển sang nắm giữ vàng (Ảnh: FT).

Sau cơn sốt vàng, tài sản nào sẽ lên ngôi?

Rất khó có thể dự đoán được đà tăng này sẽ kéo dài trong bao lâu. Nguyên nhân là do 12.000 tỷ USD vàng đã được khai thác, với nguồn cung tăng 2% vào năm ngoái khi khiến giá vàng biến động phức tạp hơn. Giá kim loại quý này đã giảm từ mức 1.920 USD xuống chỉ còn 1.200 USD vào năm 2013, 2 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Trong ngắn hạn, yếu tố chính quyết định giá vàng sẽ là lộ trình cân bằng giữa việc duy trì nền kinh tế và kiểm soát lạm phát của Fed. Đây sẽ là điểm mấu chốt cho việc liệu các nhà quản lý tài sản có đổ xô mua vàng giống như nhà đầu tư nhỏ lẻ và ngân hàng trung ương hay không.

Tuần trước, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã phát tín hiệu rằng họ sẽ không ngại tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Động thái này khiến giá vàng giảm xuống khoảng 1.970 USD. Thỏa thuận về trần nợ của Mỹ nếu được thông qua cũng có thể gây áp lực cho giá vàng.

Về lâu dài, nhu cầu với kim loại quý này có thể giảm do tình hình tài chính của ngành khai thác vàng, đặc biệt là lĩnh vực này đang chịu áp lực lớn trong việc giảm lượng khí thải, tác động đến môi trường cũng như phải minh bạch hơn.

Hiện chỉ có 8% vàng được sử dụng trong các ứng dụng như công nghệ, y học và công nghiệp, phần còn lại là dành cho trang sức và đầu tư. Ngoài ra, xu hướng giảm khí thải carbon cũng gây khó khăn cho các công ty khai thác vàng, khi nhiều nhà nghiên cứu đang kêu gọi hạn chế hoạt động này vì tác động xấu đến môi trường.

Hội đồng vàng thế giới đang lên kế hoạch cho một đồng tiền điện tử được hỗ trợ bởi vàng. Tuy nhiên, ông Andreas Habluetzel, Giám đốc của cửa hàng vàng Degussa Goldhandel, nhận định rằng những thách thức về số hóa và thế hệ có thể hạn chế đà tăng giá của vàng.

Dù vậy, khi nhiều mối rủi ro vẫn hiện hữu trong nền kinh tế toàn cầu cùng với việc cổ phiếu và trái phiếu có xu hướng giảm mạnh, thì nhiều người vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào kim loại quý này.

Nội dung: Phương Liên (tổng hợp)