DNews

Hé lộ cách vàng Nga được tiêu thụ: Nung chảy, đúc lại rồi bán sang Mỹ và EU

Phương Liên

(Dân trí) - 3 quốc gia đang tích cực mua vàng của Nga với mức giá chiết khấu. Nhiều chuyên gia cho rằng kim loại này sẽ được nung chảy và đúc lại để đưa đến Mỹ, EU.

Hé lộ cách vàng Nga được tiêu thụ: Nung chảy, đúc lại rồi bán sang Mỹ và EU

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã trở thành trung tâm thương mại quan trọng đối với vàng của Nga, kể từ khi phương Tây thực hiện các lệnh trừng phạt gây xáo trộn cho "con đường" xuất khẩu truyền thống của nước này.

Hồ sơ hải quan của Nga có thông tin chi tiết về gần 1.000 lô hàng vàng kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra đến tháng 3 năm nay. Theo hồ sơ này, UAE đã nhập khẩu 75,7 tấn vàng của Nga, trị giá 4,3 tỷ USD, tăng từ mức chỉ 1,3 tấn trong năm 2021.

Trong khi đó, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là 2 thị trường lớn tiếp theo của vàng Nga. Mỗi quốc gia nhập khẩu khoảng 20 tấn trong khoảng thời gian từ ngày 24/2/2022 đến 3/3/2023. Cùng UAE, 3 quốc gia đã mua 99,8% lượng vàng xuất khẩu của Nga trong giai đoạn này.

Trung tâm giao dịch vàng mới

Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, nhiều ngân hàng đa quốc gia, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và tinh chế kim loại quý đã ngừng tiếp nhận vàng Nga. Trước đó, kim loại quý này thường được chuyển đến London, trung tâm lưu trữ và giao dịch vàng của thế giới.

Hiệp hội Thị trường Vàng Bạc London đã ngừng nhập vàng sản xuất tại Nga từ tháng 3/2022. Đến cuối tháng 8 năm ngoái, Anh, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Mỹ, Canada và EU đều đã cấm nhập khẩu mặt hàng này từ Nga.

Tuy nhiên, số liệu xuất khẩu lại cho thấy các nhà sản xuất vàng Nga đã nhanh chóng tìm thấy thị trường mới ở các quốc gia chưa áp lệnh trừng phạt với Moscow, như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Hé lộ cách vàng Nga được tiêu thụ: Nung chảy, đúc lại rồi bán sang Mỹ và EU - 1

UAE, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã mua 99,8% lượng vàng xuất khẩu của Nga (Ảnh: NYT).

Ông Louis Marechal, chuyên gia tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, cho biết có khả năng vàng của Nga đã bị nấu chảy và đúc lại, sau đó "tìm đường" trở lại thị trường Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, Ủy ban Vàng thỏi của UAE khẳng định họ hoạt động theo quy trình rõ ràng và không giao thương hàng hóa bất hợp pháp.

"UAE sẽ tiếp tục giao thương cởi mở và trung thực với các nước trên thế giới, tuân thủ quy tắc hiện hành của Liên hợp quốc đặt ra", cơ quan này tuyên bố.

Trước động thái đó, Washington đã cảnh báo các quốc gia, bao gồm UAE và Thổ Nhĩ Kỳ có thể không được tiếp cận thị trường G7 nếu tiếp tục giao thương với các nước chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, theo Reuters, 2 quốc gia này không vi phạm lệnh trừng phạt nào của Washington.

Dữ liệu hải quan cho thấy Nga đã xuất khẩu 116,3 tấn vàng trong khoảng 1 năm nay. Trong khi đó, nhà tư vấn Metals Focus ước tính nước này đã sản xuất 325 tấn vàng trong năm 2022.

Theo Reuters, phần còn lại của số vàng được sản xuất ở Nga có thể đã lưu hành trong nước hoặc được xuất khẩu qua các giao dịch không được ghi nhận trong hồ sơ.

Hồ sơ cũng cho biết hầu hết lô hàng vàng của Nga xuất khẩu sang Trung Quốc đều cập cảng Hong Kong. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định mối quan hệ hợp tác này sẽ không bị gián đoạn hoặc ép buộc bởi bất kỳ bên thứ ba nào.

Còn UAE từ lâu đã nổi tiếng với ngành công nghiệp vàng phát triển mạnh mẽ. Dữ liệu thương mại cho thấy tính đến hết năm 2021, nước này đã nhập khoảng 750 tấn vàng/năm. Điều này đồng nghĩa với việc các lô hàng của Nga chỉ chiếm khoảng 10% lượng nhập khẩu của nước này.

Vàng được bán với mức giá chiết khấu

Giám đốc một hãng vận chuyển lượng lớn vàng của Nga đến UAE tiết lộ rằng các doanh nghiệp Nga đã bán vàng ở mức giá chiết khấu khoảng 1% so với giá tham chiếu toàn cầu. Người này cho biết, phần lớn số vàng công ty ông vận chuyển đến UAE đều đến các nhà máy, nơi vàng sẽ được nấu chảy và đúc lại.

Theo các chuyên gia, trong nhiều trường hợp, hồ sơ hải quan chỉ hiển thị người gửi hàng hoặc bên trung gian tham gia vào giao dịch chứ không có người mua cuối cùng.

Dữ liệu hải quan cho thấy công ty xử lý vàng lớn nhất của Nga xuất khẩu sang UAE là Temis Luxury Middle East, công ty con của Temis Luxury (Pháp) đã tham gia vận chuyển 15,6 tấn trị giá 863 triệu USD từ tháng 4/2022 đến ngày 3/3 năm nay.

Broca Houy, người đứng đầu bộ phận tuân thủ của Temis, cho biết công ty hoàn toàn tuân thủ luật pháp và quy định của UAE về kinh doanh giao nhận vận tải. Ông cho biết công ty không mua vàng của Nga và chỉ chấp nhận các đơn đặt hàng vận chuyển từ các quốc gia không chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ông Tan Albayrak, luật sư tại Reed Smith (London), cho biết các biện pháp trừng phạt của châu Âu thường không áp dụng với các công ty con ở nước ngoài. Do đó, các công ty châu Âu có công ty con liên quan đến việc vận chuyển vàng Nga đến UAE, Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc đều không vi phạm quy định.

Hé lộ cách vàng Nga được tiêu thụ: Nung chảy, đúc lại rồi bán sang Mỹ và EU - 2

Các doanh nghiệp Nga đã bán vàng ở mức giá chiết khấu khoảng 1% so với giá tham chiếu toàn cầu (Ảnh: Reuters).

Nga cũng tích cực khuyến khích người dân từ bỏ USD để sở hữu vàng. Từ đầu tháng 4 năm nay, các nhà máy luyện vàng và các ngân hàng của nước này đã được phép bán vàng miếng cho các cá nhân mà không áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT).

Hay ngay từ tháng 3 năm ngoái, nước này đã bỏ thuế VAT 20% đối với cá nhân thực hiện giao dịch vàng, nhằm khuyến khích người dân từ bỏ việc nắm giữ đồng USD như một cách tiết kiệm tiền phổ biến.

Tính đến tháng 11/2022, người Nga đã mua hơn 50 tấn vàng miếng, gấp 10 lần so với khoảng thời gian được ghi nhận trước đó. Loại được tìm kiếm nhiều nhất là vàng thỏi nặng 1 kg, chiếm khoảng 60% tổng lượng mua.

Nội dung: Phương Liên (tổng hợp)