DMagazine

Tín hiệu từ chuyện không dám nhập hàng Tết, xoay xỏa sống của tiểu thương

(Dân trí) - Trong khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn vươn mình. Còn nhiều thách thức, còn nhiều tín hiệu kém sáng nhưng trên hết là nỗ lực của mọi thành tố của nền kinh tế để bớt đi những khó khăn...

Tín hiệu từ chuyện không dám nhập hàng Tết, xoay xỏa sống của tiểu thương - 1

"Không biết khách đi đâu hết", bà Loan, chủ sạp rau tại chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội), lo lắng đến không ngủ được vì cửa hàng ế quá.

Trước đây, cứ tới chiều là bà Loan đã bán hết hàng. Bây giờ, bà nhập hàng ít hơn nhưng vẫn ế, có hôm phải ngồi đến tối muộn. "Nhiều khi tôi còn phải bán thiếu cho khách quen, tính ra chả lời lãi được bao nhiêu", bà Loan thở dài.

Khách của bà Loan chủ yếu là công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng, sinh viên. Với nhóm này, bà nhận thấy mức chi tiêu cho các thực phẩm cơ bản đã bị cắt xén.

Tan tầm một ngày trong tuần, thường là khung giờ cao điểm nhưng chợ Ngã Tư Sở vẫn đìu hiu, lác đác khách mua hàng. Các tiểu thương nặng gánh lo âu, cắt giảm mọi chi phí để duy trì kinh doanh.

Tín hiệu từ chuyện không dám nhập hàng Tết, xoay xỏa sống của tiểu thương - 3

Bên trong chợ, các quầy bán áo quần ngập tràn đồ đông với áo phao, áo dạ, áo len… nhưng lượng khách đến xem thưa thớt.

Bà Nga, tiểu thương bán quần áo tại chợ, nói 3 năm nay, nhất là sau dịch Covid-19, khách ít hẳn. Vào thời hoàng kim, cứ mỗi dịp cuối tuần, giao mùa khách vào nườm nượp, bà cũng phải thuê thêm nhân viên vì bán không xuể. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhân viên sạp nào cũng ngồi bấm điện thoại, buôn chuyện hết ngày.

Vắng khách, buôn bán ế ẩm ngay trong mùa mua sắm, tại nhiều chợ truyền thống đang treo bảng "sang sạp", "cho thuê sạp" hoặc thậm chí đóng cửa sạp để cắt giảm chi phí điện, nước, nhân công. Không những vậy, từ chỗ cho thuê hiện nhiều người đã quyết định bán luôn do không thấy tình hình sáng hơn.

Tín hiệu từ chuyện không dám nhập hàng Tết, xoay xỏa sống của tiểu thương - 5

Tại các chuỗi siêu thị lớn, vào giờ cao điểm người dân vẫn ghé đến mua sắm. Tuy nhiên, họ chủ yếu lựa chọn mua sắm thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu. Ngoài các gian hàng hoa quả, thực phẩm tươi sống là sôi động người mua bán, các gian hàng khác vẫn khá hiu hắt, vắng lặng.

Bích Hằng, nhân viên văn phòng (Đống Đa, Hà Nội), kể vài năm trở lại đây, chị hiếm khi đi chợ. Thay vào đó, chị thường đặt các loại thực phẩm khô, bột giặt, sữa tắm qua các sàn thương mại điện tử.

Chị cho rằng đồ khô chỗ nào cũng như nhau, đặt qua mạng có khi vừa được giảm giá lại miễn phí vận chuyển, tính ra rẻ và tiện hơn đi chợ hay siêu thị nhiều. "Tại nhiều chợ lẻ vẫn còn tình trạng người bán nói thách, thái độ không tốt nên tôi ngại mua", chị Hằng nói.

Tín hiệu từ chuyện không dám nhập hàng Tết, xoay xỏa sống của tiểu thương - 7

Bà Mai, bán quần áo tại chợ Ngã Tư Sở, chia sẻ bà đã kinh doanh tại chợ nhiều năm nhưng bà chưa năm nào thấy khó như năm nay, buôn bán ế ẩm, nên bà phải tìm mọi cách để duy trì.

Để vượt khó, bà Mai học cách bán hàng trên mạng. Thời gian đầu, với bà, mọi chuyện rất khó khăn khi đăng bán lên Zalo, Facebook đều không ăn thua. "Nghe bọn trẻ nói phải đăng trong các hội nhóm, rồi bán đa kênh gì đó phức tạp quá tôi cũng định thôi", bà kể. Nói vậy nhưng bà vẫn học thêm, dần dần cũng có vài đơn.

Nhiều tiểu thương thừa nhận thói quen mua sắm qua kênh thương mại điện tử đã phá vỡ kênh kinh doanh truyền thống, hoạt động mua bán tại các chợ ngày càng bị thu hẹp. Thêm vào đó, kinh tế khó khăn khiến sức mua sụt giảm, tình trạng ế ẩm kéo dài.

Bà Nga, bán vải, cũng chia sẻ sạp bà chủ yếu bỏ sỉ cho khách hàng. Kinh doanh tại chợ bao năm nay, chưa bao giờ bà thấy cảnh chợ khó thế này. Khách đến lấy hàng ngày càng ít, mối quen cũng mất dần.

Tín hiệu từ chuyện không dám nhập hàng Tết, xoay xỏa sống của tiểu thương - 9

Mặc dù vậy, bà Nga cũng cố gắng thay đổi để theo kịp xu hướng mua bán thời điểm hiện tại. "Tôi bán mấy chục năm rồi, giờ chuyển nghề cũng không biết làm gì. Công nghệ phát triển thì tôi cũng bắt buộc phải học theo", bà Nga chia sẻ.

Bà tâm sự rằng đã muốn học bán hàng online từ lâu dù tuổi cao, học chậm, nhiều khi sử dụng điện thoại thông minh cũng phải mò mẫm nhưng bà cũng cố gắng nhờ con cháu dạy đi dạy lại.

Sau nhiều video được đăng tải lên mạng xã hội, số lượng hàng bán được cũng có chút cải thiện. Do tiền thuê mặt bằng cao, hàng hóa còn tồn đọng nhiều nên dù không có người mua, bà cùng nhiều tiểu thương vẫn buộc phải bám trụ.

Tại các siêu thị lớn, nhiều mặt hàng đa dạng cũng được sắp xếp bắt mắt ngay lối vào giúp người dân dễ dàng lựa chọn. Để kích cầu, nhiều siêu thị và trung tâm thương mại liên tục tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu nhằm tăng doanh số bán hàng cũng như kích cầu mua sắm.

Tuy nhiên, hiện tại người tiêu dùng không chỉ cắt giảm chi tiêu những mặt hàng xa xỉ, mà còn tiết kiệm trong mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hằng ngày.

Chị Trà My (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết khoảng 5 tháng gần đây, thu nhập từ công việc chăm sóc khách hàng của chị bị giảm mạnh chỉ còn khoảng 6,5 triệu đồng. Để cân đối chi tiêu của gia đình nhỏ 4 người, chị đã phải cắt giảm các chi tiêu cho giải trí cuối tuần, giày dép, quần áo...

Chị cho biết ngoài việc bỏ luôn thói quen ăn ngoài hàng để tiết kiệm, chị cũng chọn mua các sản phẩm có khuyến mãi hoặc cùng loại nhưng giá rẻ hơn. Chị My phải cắt giảm tối đa chi tiêu cho ăn uống, tiêu dùng để đảm bảo các khoản cố định, nhất là tiền ăn, học của các con.

Tín hiệu từ chuyện không dám nhập hàng Tết, xoay xỏa sống của tiểu thương - 11

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5,667 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,3%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 50,5%.

Tính riêng tháng 11, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, GDP quý III ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm nay cũng tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 cũng đạt 524.600 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4,56 triệu tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của lao động trong quý III là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 146.000 đồng so với quý II và tăng 359.000 đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng, thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, tiêu dùng của hộ gia đình mặc dù không sôi động như thời kỳ trước dịch Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo mức tăng ổn định do quý III có nhiều hoạt động, sự kiện mà người dân có nhu cầu tăng tiêu dùng như mùa du lịch, khai giảng năm học mới, tết Trung Thu…

Mặc dù vậy, 9 tháng đầu năm nay vẫn còn một số khó khăn, thách thức khiến tăng trưởng GDP không cao như kỳ vọng như nhu cầu thế giới phục hồi yếu; lạm phát vẫn ở mức cao; chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định đều dẫn tới năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp giảm sút.

Bên cạnh đó, động lực từ khu vực sản xuất tuy đã có cải thiện so với 6 tháng đầu năm nhưng còn khá yếu do thiếu hụt đơn hàng; thị trường xuất khẩu thu hẹp… Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm.

Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn.

Tín hiệu từ chuyện không dám nhập hàng Tết, xoay xỏa sống của tiểu thương - 13

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng tín hiệu gia tăng về bán lẻ và tiêu dùng là những tín hiệu tốt vì người dân sẵn sàng gia tăng tiêu dùng vào cuối năm.

Chuyên gia hy vọng các chỉ số này còn tăng lên vào dịp Lễ Tết khi các hộ gia đình tăng chi tiêu và đi du lịch giúp nhiều ngành khởi sắc. "Chúng ta đang cải thiện từng bước nên không thể hi vọng có sự khởi sắc nhảy vọt khi tình hình việc làm còn nhiều vấn đề và sản xuất công nghiệp chưa tăng trưởng như kỳ vọng", ông Doanh nói.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc phân tích đầu tư FIDT, cũng cho rằng kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Tốc độ phục hồi năm nay có thể không đạt được mức như dự báo. Tuy nhiên, chuyên gia kỳ vọng rằng năm 2024 sẽ có dấu hiệu tăng trưởng tốt.

Chuyên gia cho rằng các quý gần đây nền kinh tế đã có nhiều điểm sáng trong tất cả các cấu phần từ tiêu dùng cho tới sản xuất, xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó nhiều nhóm ngành đã có dấu hiệu cải thiện, các doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi đơn hàng và sản xuất trong ngắn hạn. Các chính sách điều hành của Chính phủ vẫn sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 nhưng cần thời gian để có thể "ngấm" vào nền kinh tế.

"Để xác định đợt phục hồi này có bền vững hay không thì vẫn phải chờ thêm. Tuy nhiên, những con số tích cực về sản xuất, tiêu dùng vẫn là tiền đề tốt để kỳ vọng vào năm sau", ông Phương nhấn mạnh.

Tín hiệu từ chuyện không dám nhập hàng Tết, xoay xỏa sống của tiểu thương - 15

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, từ đầu năm, kinh tế Việt Nam ghi nhận những đóng góp tích cực của nông nghiệp và xuất khẩu nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Và để tăng trưởng bền vững cần có sự cải thiện về chỉ số sản xuất, sự gia tăng bền vững của công nghiệp, dịch vụ.

Theo ông, cần chuyển đổi mạnh hơn nữa sang kinh tế số, Chính phủ điện tử, giảm bớt thủ tục, chi phí, thời gian tiền bạc cho doanh nghiệp. Tranh thủ cơ hội tại các thị trường xuất khẩu mà hiện nay chúng ta chưa chiếm lĩnh được nhiều như ở Trung Đông, Nam Mỹ hay Châu Phi. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Cùng chương trình chung của Chính phủ nhưng có địa phương ghi nhận các chỉ số tăng trưởng cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương tiến bộ chậm hơn hẳn. Do vậy, tiềm năng phát triển còn rất lớn. Chính vì vậy, các địa phương phải tận dụng lợi thế của mình phân tích và phát huy mạnh mẽ khả năng cũng như đặc thù của mình, chuyên gia bày tỏ. 

Nội dung: Phương Liên

Ảnh: Thành Đông

Thiết kế: Tuấn Huy

Dòng sự kiện: Kinh tế Việt Nam 2023