10 dấu ấn kinh tế nổi bật năm 2023
(Dân trí) - Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 có nhiều dấu ấn nổi bật như giá vàng liên tục phá đỉnh, gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành, VinFast niêm yết tại Mỹ, quy hoạch VIII, tăng giá điện...
Giá vàng miếng liên tục phá đỉnh
Trong tháng 12, giá vàng liên tục phá đỉnh lịch sử. Từ đầu năm, mỗi lượng vàng miếng tăng hơn 13 triệu đồng, tương đương mức tăng 20% - gấp 4 lần gửi tiết kiệm ngân hàng. Giá vàng vượt 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Nhiều phiên giao dịch vàng miếng tăng tới 2 triệu đồng/lượng, với 10-15 lần được các "nhà vàng" điều chỉnh giá.
Vàng nhẫn cũng không kém vàng miếng khi mức tăng khoảng 19-20%.
Giá vàng thế giới hiện vẫn neo quanh 2.050 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, vàng quốc tế thấp hơn gần 20 triệu đồng so với vàng miếng và kém 3,5 triệu đồng so với vàng nhẫn.
Vàng miếng SJC vốn là thị trường đặc biệt khi nguồn cung độc quyền bởi nhà nước và nguồn cung không đổi trong suốt chục năm qua. Sự biến động giá vàng miếng phụ thuộc nhiều vào lực mua bán của các nhóm nhà đầu tư và không có sự liên thông với thế giới.
Công bố liên danh trúng gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành
Tháng 8 năm nay, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3 Cảng Hàng không quốc tế sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Liên danh nhà thầu Vietur trúng thầu với giá trúng gần 27.814 tỷ đồng và gần 339 triệu USD (tương đương khoảng 8.130 tỷ đồng). Tổng giá trị quy đổi là khoảng 35.000 tỷ đồng. Đây là loại hợp đồng theo giá kết hợp.
Thời gian thực hiện hợp đồng là 1.170 ngày, tương đương 39 tháng đã bao gồm cả các ngày nghỉ lễ tết theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày ký hợp đồng. Thời gian diễn ra lễ ký kết hợp đồng dự kiến từ ngày 25/8 đến ngày 30/8.
Liên danh nhà thầu Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu. Các nhà thầu thành viên khác là những đơn vị trong nước, như Ricons, Newtecons, SOL E&C, Vinaconex, ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp.
Đến ngày 31/8, gói thầu này đã được khởi công. Nhà ga hành khách được xây dựng trên diện tích 376.000m2, thiết kế 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 1 tầng trệt và 3 tầng lầu, cách điệu hình ảnh hoa sen.
Hãng xe điện VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ
Tối 15/8 (giờ Việt Nam), hãng xe VinFast chính thức niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ. Sự kiện này thu hút gần 8.000 người theo dõi trực tiếp.
Sự kiện rung chuông trên Nasdaq diễn ra ngay sau khi VinFast hoàn tất thành công giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade. Theo đó, VinFast đã chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, và là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến thời điểm trên.
Ngay khi mở phiên giao dịch, VFS đã tăng lên mức 23,11 USD/cổ phiếu, từ mức 22 USD/cổ phiếu và tiếp tục tăng phi mã những phiên giao dịch sau đó, có thời điểm cán mốc 93 USD/cổ phiếu.
Sau khi có chuỗi giao dịch ấn tượng sau thời điểm chào sàn, cổ phiếu VFS có sự điều chỉnh. Giá cổ phiếu này trên sàn Nasdaq hiện ở mức 7,99 USD (đóng cửa phiên 22/12) tương ứng giá trị vốn hóa của VinFast đạt 18,43 tỷ USD.
Tiếp theo sau động thái lên sàn, VinFast công bố ký kết thỏa thuận với quỹ YA II PN (Yorkville) - một quỹ quản lý đầu tư của Mỹ có hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư vào các công ty niêm yết - về việc mua cổ phiếu VFS. Theo thỏa thuận, VinFast sẽ có quyền yêu cầu Yorkville mua tới 1 tỷ USD cổ phiếu phổ thông VFS, vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn 36 tháng của thỏa thuận.
Nhiều chuyên gia tại Việt Nam đánh giá việc VinFast niêm yết lên sàn chứng khoán Mỹ là một điều tích cực với kinh tế Việt Nam, đồng thời có thể mở ra thêm một hướng huy động vốn khác cho các doanh nghiệp Việt.
Chính thức phê duyệt Quy hoạch điện 8
Ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 500 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8).
Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch điện 8 đã xác định các phương án phát triển nguồn điện, phương án phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, và nhu cầu vốn đầu tư.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD.
Định hướng giai đoạn 2031-2050, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2-523,1 tỷ USD. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.
Tăng giá điện, thiếu điện, phải cắt điện luân phiên
Năm 2023, giá điện tăng tới hai lần: một lần vào đầu tháng 5, một lần vào giữa tháng 11. Ở lần tăng đầu tiên, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 3%, từ 1.864,44 đồng/kWh lên 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Sang lần hai, giá điện tăng tiếp lên 2.006,79 đồng/kWh, tức tăng 4,5%.
Giá điện tăng kéo theo mặt bằng hóa đơn tiền điện của người dân tăng. Theo lý giải từ cơ quan quản lý và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chi phí mua điện và giá thành sản xuất điện hiện cao hơn giá bán do giá nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện tăng và duy trì ở mức cao.
Cũng trong năm qua, cụ thể ở giai đoạn cuối tháng 5 đến nửa đầu tháng 6, trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc liên tục xảy ra tình trạng thiếu điện, phải cắt điện luân phiên. Việc gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ sau đó chỉ đạo và đã xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều chỉnh giá xăng vào thứ 5 hàng tuần
Sau nhiều thời gian nhận đề xuất và lấy ý kiến, ngày 17/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Nghị định 80 có nhiều điểm mới, được kỳ vọng làm minh bạch hóa thị trường xăng dầu, đảm bảo quyền lợi giữa các bên tham gia.
Một điểm đáng chú ý tại nghị định mới là thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu được rút ngắn từ 10 ngày xuống 7 ngày, cố định vào ngày thứ 5 hàng tuần. Kể từ khi thay đổi, giá xăng trong nước không còn những lần tăng sốc hay giảm sốc, bám sát hơn với giá thế giới.
Theo nghị định mới, đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ tối đa 3 nguồn, nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Nghị định 80 cũng bãi bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ xăng. Nghị định 80 bổ sung quy định về điều kiện kho chứa khi cấp giấy phép thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu.
Giảm 2% thuế VAT từ 1/7
Quốc hội đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% từ ngày 1/7 đến cuối năm 2023. Thuế VAT được giảm về 8%, từ mức 10%, nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Quá trình thảo luận trước đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế VAT, tức áp dụng với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Một số ý kiến khác muốn nâng mức giảm thuế lên 3-5% và kéo dài thời gian thực hiện chính sách này đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói đây là biện pháp tức thời và giảm trong 6 tháng là phù hợp, cân đối với ngân sách. Do đó, không mở rộng giảm thuế VAT với tất cả hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10%.
Ước tính, ngân sách năm nay sẽ hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế VAT về 8% trong nửa cuối năm.
Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành liên tục 4 lần, mỗi lần từ 0,5-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
Theo NHNN, giảm trần lãi suất huy động và điều hành là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường". Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay.
Ngày 15/3, NHNN lần đầu giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND ở một số lĩnh vực, ngành kinh tế; lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay liên ngân hàng giảm 1%. Tiếp đó, NHNN giảm lãi suất điều hành thêm 3 lần nữa vào các ngày 3/4, 25/5 và ngày 19/6.
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Sau mỗi lần giảm lãi suất điều hành của NHNN, các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh giảm dần lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, phù hợp với điều kiện thực tế.
Nghị quyết 41, điểm tựa phát triển của doanh nghiệp
Ngày 10/10, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đây 12 năm.
Tuy nhiên, Nghị quyết 41 xây dựng trên cơ sở căn cứ khảo sát tình hình doanh nghiệp hiện tại và các điều kiện, tình hình thay đổi, từ đó có các điểm mới đáng chú ý.
Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm "Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Điểm đáng chú ý là Nghị quyết 41 nêu rõ hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi
Luật Nhà ở sửa đổi được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng ngày 27/11 với đa số đại biểu tán thành.
Luật Nhà ở sửa đổi có nhiều điểm mới đáng chú ý như cơ quan quản lý sẽ siết lại việc đầu tư xây dựng chung cư mini. Cũng theo Luật Nhà ở (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê.
Luật Nhà ở sửa đổi cũng không quy định thời hạn sở hữu mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư trên cơ sở kế thừa Luật Nhà ở hiện hành.
Ngay sau đó, Quốc hội cũng thông qua Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi với nhiều quy định chặt chẽ hơn trong kinh doanh bất động sản để bảo vệ người mua nhà, đất.
Trong đó, về đặt cọc trong kinh doanh bất động sản, luật quy định chủ đầu tư dự án chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng khi đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua...
Về cơ chế ngăn ngừa hành vi kinh doanh khi chưa đủ điều kiện, luật có quy định nghiêm cấm kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định, quy định về thủ tục kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước trước khi đưa nhà ở hình thành trong tương lai vào kinh doanh. 2 luật mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.