(Dân trí) - Từ Pháp, GS Nguyễn Đức Khương - Giám đốc điều hành Trường EMLV Business School Pháp; Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) gửi bài tới Dân trí.
Năm 2024, Chính phủ tiếp tục đặt ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tăng trưởng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%.
Các mục tiêu này được đưa ra với sự đồng thuận cao, dựa trên những nền tảng mà Việt Nam đạt được trong những năm qua và kỳ vọng điểm tầm nhìn cho sự tiến bộ trong năm 2024 để tạo định hướng.
Một số dự báo từ các tổ chức quốc tế như ADB, IMF, WB cũng có những nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam giao động trong khoảng 5,5-6%. Tuy nhiên, các con số dự báo này sẽ phải được cập nhật thường xuyên căn cứ vào sự thay đổi liên tục của môi trường quốc tế.
Tính khả thi của những chỉ tiêu này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến môi trường và động lực kinh tế toàn cầu (ổn định địa chính trị, các xung đột có tác động đến Việt Nam), năng lực giải quyết các thách thức trong nước (nút thắt hạ tầng, đào tạo nguồn lực lao động chất lượng cao, tích hợp các yêu cầu bền vững môi trường và xã hội trong mô hình tăng trưởng) và nhất là chất lượng thực thi - điều hành chính sách, khả năng thích ứng linh hoạt và bám sát sự biến động trên thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh này, Việt Nam chắc chắn vẫn phải kiên trì thực hiện 3 đột phá chiến lược bao gồm thể chế, nguồn lực con người, hạ tầng.
Sự cải thiện 3 đột phá này một cách đồng bộ sẽ giúp chúng ta đạt được các lợi thế cạnh tranh quốc gia trong trung hạn và dài hạn. Có thể coi đây là đầu tư cho tương lai và cần những chương trình, dự án cụ thể để huy động nguồn lực.
Ở góc độ điều hành năm 2024, các mục tiêu kinh tế có thể đạt được dựa trên 3 mũi nhọn về đầu tư công, xây dựng thị trường xuất nhập khẩu, và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ cho cải tiến quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Một số lĩnh vực các tác động tích cực cho tăng trưởng bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu cùng cần có sự ưu tiên, ví dụ như công nghệ chế biến lương thực thực phẩm, công nghệ số và kinh doanh số, công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng...
Nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở, dựa trên xuất nhập khẩu, có mức độ phụ thuộc cao vào các yếu tố bên ngoài. Từ nhiều năm nay, kinh tế Việt Nam có mức độ phụ thuộc khá cao vào tăng trưởng, nhu cầu và biến động các yếu tố sản xuất đầu vào trên thị trường thế giới, những diễn biến địa chính trị khu vực và toàn cầu.
Khó ai đoán trước được các xung đột và đối đầu hiện tại ở Ukraina, dải Gaza, châu Phi, châu Á… sẽ đi về đâu và đây chính là biến số lớn nhất cho các thích ứng về chiến lược thương mại quốc gia.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF (tháng 10/2023), áp lực lạm phát toàn cầu suy giảm trong năm 2024 (5,8% so với 6,9% năm 2023) và không kéo theo gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Điều này đưa đến khả năng các ngân hàng trung ương sẽ có không gian chính sách rộng hơn và có thể tiến hành giảm lãi suất để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, các nền kinh tế cả phát triển và đang phát triển vẫn sẽ ở trong tình trạng dễ bị tổn thương đến từ suy giảm nhu cầu, suy giảm sản xuất do chi phí tăng (tiền lương, năng lượng, nguyên vật liệu, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát), và gia tăng tổng nợ của các nền kinh tế (cả nợ khu vực công và tư lần lượt tăng gấp 3 lần so với đầu những năm 70 và 60).
Như vậy một "cuộc hạ cánh" nhẹ nhàng sau khủng hoảng Covid và lạm phát gia tăng sẽ không dễ dàng. Việt Nam cần theo dõi sát các diễn biến quốc tế và có những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý, đặc biệt đảm bảo sự hài hòa giữa nâng cao hiệu quả, kỷ luật thị trường vốn và điều chỉnh tăng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Mô hình kinh tế Việt Nam hiện nay vận hành theo 3 động lực chính: Đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Ngoại trừ một số mặt hàng xuất khẩu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm của Việt Nam còn thấp, nhiều mặt hàng gia công, và còn xa các tiêu chuẩn cam kết về biến đổi khí hậu.
Chính phủ đã quan tâm đổi mới mô hình tăng trưởng từ nhiều năm nay. Bên cạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và con người có kỹ năng cao, mô hình hướng đến cần có năng lực thích ứng cao với biến động khó lường của kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, các xu thế xanh và số.
Theo đó, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng cần khuyến khích được trách nhiệm xã hội của các chủ thể kinh tế, ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững về môi trường và xã hội, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, đồng thời tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở định vị cao hơn.
Hiện nay, đầu tư công là một động lực và nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh yêu cầu nâng cấp và xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng chiến lược như giao thông đường bộ, đường sắt, cầu cảng, sân bay, và kho bãi logistics, đầu tư công còn đóng vai trò "đầu tư tương lai" vào giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, và an sinh xã hội.
Đầu tư tạo các động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới như công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng rất quan trọng.
Thời gian tới, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý, quy trình thủ tục rõ ràng cho đầu tư công để tăng hiệu quả nguồn lực chiến lược này, tập trung vào các đầu tư tạo bước ngoặt và đột phá cho tương lai như đào tạo kỹ sư, nhân sự cho kinh tế số...
Từ cuối thập niên 70, Việt Nam đã tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Một số tập đoàn trong nước như FPT Semiconductor, CMC và Viettel cũng đang tham gia sản xuất và có những thành tựu đáng kể.
Năm 2023 đánh dấu cơ hội để Việt Nam tham gia sâu vào thị trường này, trở thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn của thế giới khi hàng loạt các công ty lớn của Mỹ và Hàn Quốc quan tâm đầu tư, đặc biệt sau khi quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Việt Nam cũng đang có nhiều lợi thế trong phát triển ngành bán dẫn là đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm - nguyên liệu chính để sản xuất chất bán dẫn, có nguồn nhân lực năng động có tiềm năng đào tạo lên chuyên gia kỹ năng bậc cao, và những thời cơ hợp tác với các tập đoàn hàng đầu trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ một số nhà sản xuất chip bán dẫn lớn như TSMC Đài Loan.
Muốn tận dụng cơ hội từ ngành bán dẫn, Việt Nam cần xác định rõ mình nên ở đâu trong chuỗi giá trị (thiết kế, sản xuất, hay lắp ráp), loại chip và lĩnh vực ứng dụng nhắm đến…để từ đó đánh giá được các yêu cầu trong phát triển nguồn nhân lực, xây dựng khung pháp lý, và đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết.
Ví dụ việc nhắm đến kết hợp AI & chip bán dẫn cũng là một mục tiêu tham vọng và nhiều hứa hẹn có tác động lớn đến sự phát triển của xã hội. Là quốc gia đi sau thì Việt Nam rất cần tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo lực lượng lao động, đầu tư cho công nghệ nhằm tăng năng lực sản xuất thông qua các hợp tác cấp nhà nước và trực tiếp với các tập đoàn.