Bị Covid-19 "đánh" tơi tả, ngành mỹ phẩm, đồ làm đẹp xoay xỏa tự cứu mình
(Dân trí) - Sau thời gian giãn cách kéo dài, các điểm kinh doanh làm đẹp tại TPHCM cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn như bao ngành nghề khác. Thế nhưng, trong biến cố họ đã tìm ra cách tự cứu mình.
Chị Trần Thanh Hương - chủ một điểm kinh doanh mỹ phẩm tại quận 3, TPHCM - cho biết, dịch bệnh khiến lượng người mua mỹ phẩm giảm mạnh. Các sản phẩm đắt tiền đều khó bán hơn trước. Điểm kinh doanh mỹ phẩm nhỏ lẻ như của chị phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh khi hàng loạt hệ thống bán mỹ phẩm lớn ra đời. "Từ tháng 7 đến tháng 9, doanh thu cửa hàng của tôi giảm gần 90% so với bình thường" - chị Hương nói.
Theo chị Hương, chị đã vượt qua khó khăn của dịch bệnh bằng cách thương lượng giá thuê mặt bằng với chủ nhà, may mắn là số tiền thuê đã giảm đến 50% trong 3 tháng "chật vật" nhất.
Ngoài ra, chị cũng yêu cầu các đối tác cung cấp sản phẩm giảm giá, tăng khuyến mại hàng hóa để vượt qua giai đoạn này. Kể từ đầu tháng 10 đến nay, doanh thu của tiệm đã đạt khoảng 70% so với bình thường nhờ việc chăm sóc khách hàng thân thiết và đẩy mạnh bán hàng online.
Bà Mã Đào Ngọc Bích, đại diện một hệ thống bán lẻ mỹ phẩm tại TPHCM, cho biết, giữa muôn vàn khó khăn của dịch bệnh thì vẫn có những cơ hội. Điển hình như việc tìm kiếm mặt bằng lớn, vị trí đẹp ở thời điểm này rất dễ dàng, những mặt bằng từ 350 - 500 m2 vô cùng phong phú.
Bà Bích kể, công ty bà thuê được những mặt bằng rất rộng để kinh doanh, điển hình như cửa hàng có diện tích 1.000 m2 trên đường Pasteur, quận 3 hay mặt bằng rộng 700 m2 tại quận 7.
Đại diện hệ thống mỹ phẩm cho rằng việc mở ra những cửa hàng lớn giữa đại dịch là một sự liều lĩnh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi các đối tác nước ngoài nhìn vào những điểm kinh doanh này thì họ rất yên tâm hợp tác và đưa ra những ưu đãi tốt dành cho công ty.
Theo bà Bích, cách lôi kéo khách hàng mùa dịch của bà chính là việc tạo cho người tiêu dùng sự thoải mái, thư giãn khi đến mua sắm.
Khách đến cửa hàng không chỉ xem sản phẩm mà còn có thể thử son, nghe nhạc, thử nước hoa, kiểm tra da miễn phí… Ngoài ra, khách hàng cũng có thể đổi trả sản phẩm thoải mái nếu không hài lòng hoặc chưa phù hợp.
"Chúng tôi muốn phụ nữ Việt Nam có một nơi mua mỹ phẩm an toàn và tin cậy nên mới dám đầu tư mạnh mẽ giữa đại dịch. Công ty chúng tôi chỉ hưởng hoa hồng từ nhà cung cấp nên sẽ không bán phá giá hay bán rẻ được" - bà Bích nói.
Ông Ngô Viết Lợi - đại diện một doanh nghiệp cung cấp mỹ phẩm lớn nhận định, Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ mỹ phẩm hàng đầu Đông Nam Á. Tuy nhiên, mỹ phẩm xách tay tràn lan với chất lượng không rõ ràng đang khiến người tiêu dùng e ngại. Họ bắt đầu đến các siêu thị, điểm bán uy tín để mua hàng chính hãng nhiều hơn, bởi mỹ phẩm liên quan đến sức khỏe của người dùng.
Ghi nhận của Dân trí tại TPHCM, các cơ sở kinh doanh sản phẩm làm đẹp đang dần hồi phục sau quãng thời gian bị "vùi dập" bởi dịch bệnh. Việc người dân, doanh nghiệp tự vươn lên giữa đại dịch là tín hiệu đáng mừng cho thành phố sau hàng loạt chỉ số phát triển kinh tế bị giảm sâu.
Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Cục Thống kê TPHCM, 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại thành phố đạt hơn 363.300 tỷ đồng, giảm 17,4% so cùng kỳ. Trong tháng 7,8,9 tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống người dân.
Chia sẻ tại hội nghị tiếp xúc cử tri doanh nghiệp của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhận định, "sức khỏe" của doanh nghiệp và nền kinh tế thành phố đang gặp nhiều khó khăn. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều giảm sâu, đặc biệt là các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ thu ngân sách khả năng không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Hoan dẫn chứng, 6 tháng đầu năm, bình quân TPHCM thu ngân sách 1.400 tỷ đồng/ngày, đến tháng 7-8 chỉ còn 700 tỷ đồng/ngày và tháng 9 giảm còn 600 tỷ đồng/ngày.