(Dân trí) - Ông Park Jong Il - CEO Woori Bank Việt Nam - nói môi trường đầu tư tại Việt Nam rất tốt. Người dân Việt Nam chăm chỉ và thân thiện. Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, ông Park Jong Il - Tổng giám đốc Woori Việt Nam - kể ông hay chơi thể thao cùng và học hỏi được nhiều điều từ HLV Park Hang Seo. Vị CEO người Hàn Quốc hy vọng trong tương lai, ngân hàng mình có thể gặt hái được những thành tựu to lớn như những gì ông Park đạt được với đội tuyển Việt Nam.
Ông Park Jong Il mới nhậm chức và sang Việt Nam làm việc từ tháng 6/2023. Ông chia sẻ nhiều góc nhìn thú vị về cuộc sống, con người, môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
Trước khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, ông từng đến Việt Nam chưa?
- Lần đầu tôi đến Việt Nam vào năm 2007, trong một chuyến đi công tác. Tôi đã đến Hà Nội và TPHCM. Vào thời điểm đó, Hà Nội chưa rực rỡ như TPHCM. Năm 2015, tôi trở lại Hà Nội và vô cùng bất ngờ với sự phát triển của thành phố.
Khi hay tin mình sẽ sang Việt Nam làm việc, cảm xúc của ông lúc đó là gì? Tôi được biết ông cùng cả vợ đến Việt Nam, vợ ông chia sẻ gì khi sống ở đây?
- Ban đầu, khi biết được sang Việt Nam làm việc, tôi cảm thấy chưa sẵn sàng cho lắm. Tuy nhiên, khi sang và thấy con người Việt Nam, sự phát triển của Việt Nam và tìm hiểu lịch sử Việt Nam, tôi đã thay đổi cảm nhận rất nhiều. Tôi nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc chúng tôi.
Mỗi buổi sáng khi đi làm, thấy dòng xe máy tấp nập đi lại trên đường, tôi cảm nhận được sự năng động của Việt Nam.
Cuối tuần, tôi thường đi thăm các di tích của Việt Nam như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò, hồ Gươm, bảo tàng chiến tranh… Tôi cũng đã đến TPHCM và Nghệ An. Tôi cảm thấy rất thích thú trong việc tìm hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam, do đó mà 6 tháng qua tôi thấy vô cùng thú vị khi ở Việt Nam.
Còn về vợ tôi, ban đầu bà ấy phải vất vả để thích nghi với mùa hè Việt Nam. Mùa hè ở Việt Nam rất nóng, nhưng đến hiện tại thì chúng tôi vô cùng hài lòng với cuộc sống ở Việt Nam.
Ông thích món ăn Việt Nam chứ, bún chả chẳng hạn? Điều gì trong cuộc sống thường ngày tại Việt Nam khiến ông cảm thấy khó để thích nghi?
- Ban đầu tôi không ăn được rau mùi, nhưng giờ tôi lại cảm thấy rất ngon. Phở, bún chả tôi rất thích, hương vị đều rất ngon. Tôi rất thích ăn thịt lợn nên tôi có thể ăn được nhiều món ở Việt Nam.
Khi ăn uống nhẹ nhàng, tôi thường chọn phở hoặc bún chả. Tôi cũng hay đưa khách Hàn Quốc đến các nhà hàng ăn thử món Huế của Việt Nam, thỉnh thoảng cũng sẽ là những quán ăn Hàn Quốc.
Trên phương diện cá nhân, tôi thấy chất lượng không khí ở Việt Nam chưa được tốt lắm. Ở Hàn Quốc, tôi rất thích leo núi, nhưng ở gần Hà Nội không có nhiều núi lắm nên tôi thấy hơi đáng tiếc. Bù lại, tôi có thể bơi hàng ngày.
Tại buổi khai trương một chi nhánh của Woori Bank Việt Nam, tôi thấy có sự xuất hiện của HLV Park Hang Seo. Ông và ông Park có thường xuyên nói chuyện không? Ông Park giúp ông như thế nào khi mới sang Việt Nam?
- Thực ra phải sau khi sang Việt Nam tôi mới được gặp ông Park. Ông Park được coi như một người hùng trong lòng người dân Việt Nam. Và khi sang Việt Nam, tôi đã tìm gặp ông Park.
Ông Park chia sẻ với tôi khoảng thời gian đầu khi ông sang Việt Nam nhậm chức và làm thế nào để hòa nhập được với các cầu thủ Việt Nam. Ông Park rất yêu thương và thân thiết với các cầu thủ. Đội tuyển giống như một gia đình vậy. Hiện tại, chúng tôi hay chơi thể thao cùng nhau và tôi học hỏi được nhiều từ ông Park.
HLV Park Hang Seo chia sẻ với tôi khi mới dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, các cầu thủ có khao khát chiến thắng rất mãnh liệt và đã đạt được những chiến tích nhất định. Trong tương lai, ngân hàng chúng tôi cũng muốn cố gắng hết mình để có thể gặt hái được những thành tựu to lớn như những gì ông Park đạt được với đội tuyển Việt Nam.
Với việc nhiều doanh nghiệp lớn đổ về Việt Nam, dưới góc nhìn của một doanh nhân ngoại, ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam, về sự ổn định và tiềm năng phát triển của Việt Nam?
- Theo đánh giá của tôi, môi trường đầu tư tại Việt Nam rất tốt. Người dân Việt Nam vô cùng chăm chỉ và thân thiện. Việt Nam cũng có đầy đủ tiềm năng để thu hút nguồn đầu tư FDI.
Bên cạnh đó, Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam luôn có chính sách quyết liệt để thu hút doanh nghiệp ngoại đến đầu tư. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển của Việt Nam và tiền đề để thu hút doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, biến động địa chính trị trên thế giới đang đem đến những ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế. Việt Nam cần vượt qua được giai đoạn này để phát triển mạnh mẽ về sau.
Ông từng có thời gian làm việc ở cả Hàn Quốc và Việt Nam. Bằng trải nghiệm của mình, theo ông, khách hàng Việt Nam và khách hàng Hàn Quốc khác nhau như thế nào?
- Người Việt Nam vẫn có thói quen giữ tiền mặt, vì vậy khi so sánh với Hàn Quốc, lượng tiền gửi trong ngân hàng vẫn còn ít. Ngày tôi còn bé, vào khoảng những năm 1985, khi đó Hàn Quốc đã có văn hóa rất phổ biến là con lợn tiết kiệm. Khi bạn được bố mẹ cho tiền, bạn sẽ nhét tiền vào con lợn đó. Khi được một khoản, bạn sẽ dùng tiền đi gửi ngân hàng.
Hiện nay, bố mẹ tại Hàn Quốc khi sinh con sẽ tạo cho con một tài khoản. Ngay từ bé, người dân Hàn Quốc đã có văn hóa tiết kiệm tiền ở trong ngân hàng.
Ông nói chuyện tài khoản ngân hàng, một phần nào đó liên quan tới câu chuyện công nghệ, chuyển đổi số. Ông thấy sao về sự chuyển dịch của công nghệ trong ngân hàng, từ chuyện các bên ồ ạt phát hành thẻ vật lý rồi cạnh tranh trên mặt bằng thẻ online? Ở Hàn Quốc có còn thẻ vật lý không?
- Ở Hàn Quốc, thẻ vật lý vẫn còn. Còn ở Việt Nam, sự phát triển của ngành thẻ đang rất sôi động. Việt Nam là quốc gia có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Dương.
Hiện nay, hình thức thanh toán QR Code phổ biến tại Việt Nam, dân số trẻ nên khả năng thích nghi rất nhanh. Khi người dân đã thích nghi rồi, ngành thẻ sẽ càng có triển vọng phát triển.
Tại Woori Bank, chúng tôi tập trung đẩy mạnh những ưu đãi về thẻ để khách hàng khi sử dụng có thêm trải nghiệm thú vị. Tôi tin rằng tiềm năng mở rộng khách hàng của chúng tôi là rất lớn.
Khi mới sang Việt Nam nhậm chức, ông thấy điều gì đang tồn tại tại doanh nghiệp?
- Một trong những khó khăn của chúng tôi là tiền gửi khách hàng Việt Nam tại Woori Bank còn thấp. Trong suốt 26 năm hiện diện tại Việt Nam, chúng tôi chủ yếu làm về tín dụng doanh nghiệp Hàn Quốc.
Vậy bước đi của ngân hàng với bán lẻ ra sao, có những thách thức gì?
- Thực ra chúng tôi không chuyển đổi từ tín dụng doanh nghiệp sang cá nhân. Chúng tôi đã làm rất tốt tín dụng doanh nghiệp, giờ chúng tôi muốn đẩy mạnh mảng bán lẻ.
Trước đó, nhờ hệ thống tín dụng bên ngân hàng mẹ, cộng với việc Việt Nam thu hút rất nhiều vốn đầu tư từ Hàn Quốc, chúng tôi có cơ hội triển khai những dịch vụ về tư vấn pháp chế, đầu tư, tín dụng… cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam.
Sở dĩ chúng tôi muốn đẩy mạnh bán lẻ vì chúng tôi còn thiếu, nên cần phải đầu tư và quảng bá thêm về ngân hàng. Đây là mảng phát triển chưa xứng với tiềm năng.
Trong 6 tháng qua, lượng khách hàng cá nhân của chúng tôi tăng thêm 100.000 khách hàng.
Nói về những con số, kết quả tạm thời sau thời gian ông nhậm chức tại Việt Nam ra sao?
- Mặc dù tình hình chung đang không thuận lợi nhưng các chỉ số tại ngân hàng đang ở chiều đi lên. Sự tự tin của nhân viên tại ngân hàng cũng tăng lên đáng kể. Điều này khiến tôi tin vào sức mạnh của ngân hàng. Đến năm sau, số lượng nhân viên của ngân hàng dự kiến tăng lên 900 nhân viên.
Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng của chúng tôi là 115 triệu USD, tức tăng 15% so với năm 2022. Đầu năm nay, chúng tôi sẽ tăng vốn thêm 200 triệu USD, từ đó đẩy mạnh về digital, IT, thẻ và nhân sự.
Năm 2025, Woori Bank Việt Nam đặt mục tiêu lợi nhuận kinh doanh đạt 200 triệu USD. Khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng khách hàng, tôi cho rằng kế hoạch trên là khả thi. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tốc độ hồi phục của nền kinh tế.
Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện.