Rưng rưng cảnh "lão Hạc" đạp xe chở "cậu Vàng" từ TPHCM về quê Bến Tre
(Dân trí) - Hơn bốn tháng thất nghiệp, ông Chiến phải bán đi hai khoen vàng phòng thân để có cái ăn. Nhưng nay kiệt quệ, ông cột chiếc túi chở chú chó là tài sản cuối cùng lên xe đạp cũ về quê.
Trên quốc lộ 1A, đoạn qua khu vực giáp ranh TPHCM và tỉnh Long An, hòa với dòng người về quê do thất nghiệp kéo dài bởi dịch Covid-19, hình ảnh ông lão đạp xe từ TPHCM về quê Bến Tre, chở theo chú chó phía sau khiến nhiều người xúc động.
Đó là hoàn cảnh của ông Lê Văn Chiến (75 tuổi, quê huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Ông đạp xe từ huyện Nhà Bè (TPHCM) lúc 6h sáng, vượt quãng đường gần 40km mới đến khu vực cầu vượt cao tốc Bến Lức - Long Thành đã hơn 11h trưa.
Ông Chiến cho biết, ông được một người bạn rủ lên TPHCM làm bảo vệ cho một trung tâm dạy lái xe ở huyện Nhà Bè đã 9 tháng qua nhưng thu nhập không ổn định do dịch Covid-19 bùng phát.
"Tôi có mang theo hai khoen vàng lúc lên đây đi làm, giờ chẳng còn chiếc nào, bán hết rồi. Làm bảo vệ người ta trả sáu triệu đồng một tháng, sau khi dịch bùng lên thì chỉ còn bốn triệu nhưng mấy tháng rồi không có đồng lương nào", ông Chiến bộc bạch.
Ông Chiến nói thêm: "Làm nông dưới quê không kiếm được bao nhiêu hết, nên mới lên thành phố, vậy mà... Giờ đến vàng tôi tích cóp để phòng ốm đau cũng xài hết, coi như trắng tay".
Con ông Chiến cũng khuyên cha nên về quê vì hiện tại không thể lo được cho ông. "Nó biết tôi đạp xe về quê chứ, nhưng nó cũng bất lực, về quê có cháo ăn cháo, có rau ăn rau", ông Chiến chán nản.
Được một người dân tặng ít tiền làm "lộ phí đường xa", ông Chiến mừng rỡ: "Chú tốt quá, tôi cám ơn nhiều. Lúc sáng, tôi bị một người chạy xe ôm lừa mất 70.000 đồng. Có 70.000 đồng mà người ta cũng lừa thì chắc người ta khổ lắm rồi, tui cũng không giận. Tôi chạy dọc đường gặp nhiều người cho đồ ăn nên cũng không lo", ông Chiến nói giọng lạc quan.
Một người đi đường gửi thêm cho ông và chú chó mấy chai nước uống dọc đường.
"Chú giữ mấy chai nước, mệt thì dừng lại cho chú chó này uống", người đi đường nói với ông Chiến khi cho chú chó uống nước.
"Bình thường nó dữ lắm nên tôi phải cột túi khá kỹ, sợ đi dọc đường nó cắn người ta, không biết sau giờ nó hiền khô, chắc cũng mệt lắm rồi", ông Chiến nói về chú chó đã gắn bó với mình nhiều năm nay.
"Với mấy gói mì này là có thể lót dạ về đến cầu Rạch Miễu (tỉnh Bến Tre), nước uống thì chắc xin dọc đường", ông Chiến nói khi chuẩn bị tiếp tục hành trình.
Hơn 12h, ông Chiến đã qua đến địa phận huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Từ đây về đến nhà ông còn hơn 60km.
"Từ từ rồi cũng tới nhà, không có gì phải vội, quê tôi có 100 km thôi mà, nhiều người còn đi xa cả nghìn cây số. Giờ chạy xem có chỗ nào sửa xe đạp, nhờ người ta làm giúp cái thắng và cây chống xe, cái xe nó cũng già như tôi rồi", ông Chiến chia sẻ.
Kể từ ngày TPHCM nới lỏng giãn cách và quy định ra vào thành phố, người dân đổ về quê không còn ồ ạt như trước, một số đội thiện nguyện vẫn duy trì hỗ trợ thức ăn, nước uống, xăng... dọc đường cho người hồi hương.
Một nhóm thiện nguyện ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An hỗ trợ phiếu xăng cho mỗi phương tiện trị giá 70.000 đồng.
Tuy nhiên, chủ cây xăng đều cho nhân viên đổ đầy bình cho người dân. "Chiều giờ toàn gần tràn bình không, chiếc xe này dựng chống đứng lên cũng được 110.000 đồng", nhân viên bán xăng vui vẻ nói.
Anh Nguyễn Văn Tân đang ràng buộc lại đồ đạc trên xe, chuẩn bị hướng về TP Cần Thơ. "Chạy từ Bình Dương đến giờ mới đổ xăng, chú nhân viên đổ cho đầy bình. Mấy tháng nay không làm ăn được gì hết, gom đồ về quê thôi", anh Tân chia sẻ.