(Dân trí) - Theo Luyện và người trong nhóm nấu cao hổ trái phép của anh ta, họ pha rất nhiều xương vật nuôi (mà thường người ta ăn thịt xong vứt bỏ) như xương chó, xương lợn, xương trâu, bò vào nồi "cao hổ cốt".
Theo Luyện và người trong nhóm nấu cao hổ trái phép của anh ta, họ pha rất nhiều xương vật nuôi (mà thường người ta ăn thịt xong vứt bỏ) như xương chó, xương lợn, xương trâu, bò vào nồi "cao hổ cốt".
Theo cách hiểu dân gian lâu nay và theo những lời đường mật của con buôn hiện nay, cao hổ cốt được nấu 7 ngày đêm từ xương hổ khô và bổ sung thêm ít mai rùa, xương khỉ và sơn dương để "thủy hỏa âm dương" tương hỗ, tăng thêm sức mạnh cho "thần dược".
Lời đồn thổi này bản thân nó đã không dựa theo bất cứ căn cứ khoa học nào nhưng bao năm vẫn được áp dụng để cho ra cho những mẻ cao hổ "chữa bách bệnh".
Cộng với những mánh khóe nhẫn tâm của các đường dây buôn lậu hổ ("treo đầu dê bán thịt chó", thả nhiều phụ gia, hóa chất độc hại vào nồi cao), cao hổ cứ thế đến với tay những người tiêu dùng nhẹ dạ, đẩy họ vào cảnh tiền mất tật mang.
Từ các lời rao bán cao hổ và các sản phẩm từ hổ trên mạng xã hội, thông qua các mối quan hệ khác nhau, sau thời gian dài điều tra, nhóm phóng viên đã tiếp cận với nhiều trùm buôn cao hổ, da hổ, tiêu bản hổ khét tiếng.
Đầu năm 2022, tại huyện miền núi giáp biên giới Việt - Lào của tỉnh Hà Tĩnh, người đàn ông tên Nguyễn Văn Tám đưa chúng tôi vào thăm "tư gia" hoành tráng của anh ta.
Cao hổ được cất trong tủ gỗ khóa kĩ, Tám đem ra bày la liệt trên bàn. Bộ da hổ giá "chợ đen" 150 triệu đồng được Tám treo trên tường. "Chúa sơn lâm" lè lưỡi, nhe nanh, vuốt sắc nhọn, "bò" từ trên trần nhà xuống sát bàn uống nước.
Tám tâm đắc: "Nhà tôi có trang trại hổ bên Lào, hàng trăm con, cao này chúng tôi tự nấu, 35 triệu đồng/lạng".
Anh ta bảo mình nấu cao hổ liên tục. Từ khi gặp đến nay, nhiều lần Tám đã nhắn tin rằng đang nấu nồi mới và giục chúng tôi mua hàng.
Tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, giữa năm 2021, đối tượng Nguyễn Văn M. dẫn chúng tôi vào thăm cả một gậm giường giấu ngà voi, sừng tê giác. Nanh vuốt hổ để đầy trong tủ đông. Anh ta tiết lộ chuyện chuyên nấu cao cho "người giàu", để họ làm quà biếu.
Người dẫn đường, các chân rết buôn hổ ở ngôi làng này thì khoe: Hổ con nhập từ Lào về, họ nuôi, đồng thời đem cho các chủ hộ nuôi rồi bao tiêu sản phẩm cho họ theo kiểu "hợp tác xã".
Hình ảnh các nồi "cao hổ", la liệt các miếng "cao hổ cốt" mà nhóm người này cho chúng tôi xem đều khá… đẹp đẽ, có khi đóng thành hộp gỗ vuông vức có khắc chữ "cao hổ cốt" rất chuyên nghiệp bắt mắt.
Tại xã Đô Thành này, các video, ghi âm của chúng tôi đã ghi nhận nhiều câu chuyện "kinh hoàng" liên quan đến nuôi hổ trái phép, buôn hổ và giết hổ.
Đầu tháng 8/2021, Công an tỉnh Nghệ An huy động hàng trăm cán bộ chiến sỹ bất ngờ ập vào, giải cứu 17 cá thể hổ trưởng thành (mỗi con 2-3 tạ) đang bị nuôi nhốt trái phép trong hai hộ dân tại đây.
Hiện tại, các đối tượng đều đã lĩnh án tù. "Phần nổi của tảng băng" này cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ và thuyết phục hơn về nạn buôn lậu hổ.
Hầu hết các đối tượng chúng tôi tiếp xúc đều có "cao hổ cốt" trưng ra để bán và đặc biệt, họ lưu hình ảnh giết hổ nấu cao ở trong điện thoại, máy tính. Cá biệt, như "trùm" Sơn ở Gia Lâm, Hà Nội, còn đưa ra nhiều "hàng" có vẻ rất thuyết phục như các chai rượu ngâm cao hổ cốt.
Để thuyết phục chúng tôi "chung tiền" nấu cao một con hổ, Sơn (dù tự nhận đã "giải nghệ") nhưng vẫn liên tục gửi ảnh anh ta và đồng bọn giết hổ nguyên con ra sao.
Anh ta cũng cho chúng tôi tiếp xúc với một số người là "nhân viên nấu cao" nhiều năm cho anh ta, với các câu chuyện không thể sinh động hơn.
Tất nhiên, họ có nấu cao hổ thật không hay chỉ lấy "cao" từ chủ nấu khác về để bán kiếm lời, đó còn là một bí ẩn.
Bởi, theo Luyện, một "trùm" vừa săn thú khét tiếng, vừa buôn cao hổ ở Phú Thọ mà chúng tôi đã theo sát nhiều năm, thì các bức ảnh, video mà người bán "cao hổ cốt" đem ra chào mời người tiêu dùng, có thể chỉ là hình ảnh cắt ghép, photoshop tinh vi.
Hình ảnh đó, có thể các đối tượng lấy của ai đó, ở đâu đó rồi nhận xằng là "con hổ tôi vừa giết, nồi cao tôi vừa nấu".
Hoặc, họ chỉ nấu một nồi cao hổ bằng một con hổ nuôi nhốt trái phép trong "địa ngục trong lòng đất" (hổ được sinh sản cận huyết, ăn những thứ bẩn thỉu, độc hại, cả đời hổ hầu như không nhìn thấy ánh sáng) rồi quay video, chụp ảnh lại, bán cao… trâu bò chó lợn quanh năm với giá cao ngất ngưởng.
Tức là: Hình ảnh sàn nhà toàn xác hổ, các nồi cao hổ sôi xình xịch có thể chỉ là bình phong để họ bán cao… rởm.
Theo Luyện, các hình ảnh giết hổ luôn được y đem làm bình phong tạo niềm tin với các loại khách hàng. Anh ta và nhiều người buôn khác, khi đã "thân tình" với nhóm phóng viên, đều thừa nhận, họ thậm chí dùng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, thuốc phiện (chất kích thích) để thả vào nồi cao hổ, nhằm tạo sự hưng phấn và cảm giác "hiệu nghiệm" giả cho "thần dược".
"Đang đau xương, uống cao hổ có chứa thuốc Tây giảm đau, kháng viêm và lại thêm thuốc phiện vào nữa là giảm đau ngay. Đang mệt mỏi, có chất kích thích (chứa trong cao hổ) là thấy "có vẻ hưng phấn" ngay", Luyện nói.
Thứ hai, theo Luyện và một vài người trong nhóm nấu cao hổ trái phép của anh ta, họ pha rất nhiều xương vật nuôi (mà thường thì người ta ăn thịt xong vứt bỏ) như xương chó, xương lợn, xương trâu, bò vào nồi "cao hổ cốt".
Người đàn ông "chuyên nấu cao" tên là Tính (ở Phú Thọ) khoe: "Khi họ xem tận mắt cảnh lóc thịt, nấu xương, luyện cao một lần rồi, thì lần sau bán hàng… rởm cực dễ".
Khi có "uy", có hình ảnh nồi cao gửi qua mạng xã hội cho người tiêu dùng rồi, thì lúc đó các đối tượng thoải mái bán đủ loại hàng.
Luyện thẳng thắn: "Lúc đó bán cao gì mà nói bừa là cao hổ thì dân cũng dễ tin hơn. Hình ảnh video, chúng tôi còn cắt ghép, để mặt mình có trong hiện trường vụ nấu cao (của người khác chụp, ở bối ảnh khác), thế là "rỉ tai" nhau, bán hàng tơi tới".
Một phép tính đơn giản, ai cũng biết, hổ hoang dã ở Việt Nam không ai dám chắc là có còn cá thể nào không. Từ năm 1999 đến nay, chưa một nhà khoa học nào ghi nhận dấu tích hổ hoang dã ở nước ta, các nước lân cận cũng hiếm dần và việc bảo vệ hổ của họ hết sức nghiêm ngặt.
Vậy, lấy đâu ra nhiều hổ như vậy để các nồi cao hổ cốt liên tục "sôi sùng sục", "đỏ lửa" trên mạng xã hội và ở nhiều khu dân cư (mà công an liên tục bắt giữ)?
Vậy nên, như các đối tượng nấu cao thừa nhận, một là, cao chó mèo, giả danh cao hổ, video là hình ảnh cũ hay cắt ghép để chào mời. Hai là, hổ nuôi nhốt trái phép với nhiều sự độc hại và chắc chắn không có tí tác dụng nào cho sức khỏe con người.
Ba là, họ bán cao hổ bừa bãi trên mạng xã hội, bán kiểu "rỉ tai" trong dân gian, thì tội gì các đối tượng bán cao… xịn? Giá một lạng cao hổ cốt nấu bằng xương hổ (hổ nuôi trái phép đi nữa) cũng vài chục triệu đồng. Vậy, lấy đâu ra hổ để các đối tượng bán 7 triệu rồi 10 triệu đồng/lạng?
Theo nhiều chuyên gia, thứ nhất, hổ nuôi nhốt trái phép được cho ăn các loại thịt ôi thiu, thức ăn bẩn thỉu, lúc giết mổ cấp đông, lại tiếp tục tẩm hóa chất bảo quản nguy hiểm nên ngay cả nồi cao nấu bằng xương các con hổ kể trên thì cũng rất độc hại.
Đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã bắt quả tang ông Ngô Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên giết hổ nấu cao tại nhà. Trước đó, các đối tượng chích điện giết hổ nấu cao tại nhà ở Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cũng bị xử lý nghiêm khắc.
Các đối tượng vận chuyển, nấu cao hổ ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cũng sa lưới pháp luật. Đặc biệt là sự kiện kỷ lục Việt Nam: TAND tỉnh Nghệ An xử các đối tượng nuôi trái phép 17 cá thể hổ trưởng thành và vận chuyển trái phép 7 hổ con mức án gần 20 năm tù…
Đó là những bằng chứng đau lòng về nạn buôn bán, nuôi nhốt, nấu cao tàn sát "chúa sơn lâm", thủ thuật phù phép các nồi cao hổ lốn lừa gạt người tiêu dùng đang âm thầm diễn ra từng ngày.
Nội dung: Trần Quân - Hồng Anh
Thiết kế: Thủy Tiên