(Dân trí) - Trên "chợ đen", nuôi một cá thể hổ trưởng thành đi bán, người ta có thể thu lợi cả tỷ đồng. Giá sản phẩm phi pháp này bị thổi lên cao ngất để phục vụ tầng lớp "đại gia", "dân sành".
Trên "chợ đen", nuôi một cá thể hổ trưởng thành đi bán, người ta có thể thu lợi cả tỷ đồng. Giá sản phẩm phi pháp này bị thổi lên cao ngất để phục vụ tầng lớp "đại gia", "dân sành".
Luật của Việt Nam về lĩnh vực bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm như loài hổ ngày càng nghiêm minh. Thời gian qua, nhiều đối tượng nuôi nhốt, mua bán, giết hổ, nấu cao hổ bị bắt giữ, có vụ, mức án lên tới gần chục năm tù giam. Tuy nhiên, vì lợi ích, nhiều kẻ vẫn liều mình mổ bụng "ông cọp" đưa lên vạc lửa.
Trên "chợ đen", nuôi một cá thể hổ trưởng thành đi bán, người ta có thể thu lợi cả tỷ đồng. Một lạng cao hổ giá từ 10 đến 40 triệu đồng, tùy "chất lượng".
Giá sản phẩm phi pháp này bị thổi lên cao ngất để phục vụ tầng lớp "đại gia", "dân sành". Các trùm nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép bất chấp lời kêu gọi của đạo đức, bất chấp các án phạt, cứ lao vào như thiêu thân.
Mấy năm nay, đại dịch Covid-19 hoành hành, các đối tượng hoạt động mạnh trên không gian internet, mạng xã hội. Nhiều kẻ tự "nâng tầm" mình lên với các thủ đoạn tinh vi chưa từng thấy.
Trước thực trạng trên, PV Dân trí xin gửi tới độc giả loạt bài phản ánh thế giới ngầm của những kẻ buôn hổ và các sản phẩm từ hổ tại Việt Nam.
Ngày 21/12/1999, bẫy ảnh ở Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) đã chụp được một cá thể hổ rừng. Đây là bức ảnh duy nhất chụp được hổ trong trạng thái hoàn toàn hoang dã ở Việt Nam.
Từ đó đến nay, thông tin về hổ ngoài tự nhiên ở nước ta rất "mịt mù". Nhiều nghiên cứu quốc tế uy tín cho rằng, hổ ở Việt Nam không còn hiện diện ngoài tự nhiên nữa.
Song không vì thế mà thị trường buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ bớt sôi động. Các sản phẩm từ hổ như cao hổ, da hổ, móng vuốt hổ… từ lâu luôn được giới nhà giàu và những kẻ sành điệu săn đón.
Mặc dù biết rõ các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển tàng trữ các sản phẩm từ hổ là vi phạm pháp luật nhưng bằng nhiều cách khác nhau, những kẻ tàn sát "chúa sơn lâm" và những "tín đồ" của hổ vẫn bắt sóng, kết nối được với nhau.
Theo tìm hiểu, trước đây, khi Facebook chưa "quét" mạnh các hình ảnh chết chóc, phơi xác, xả thịt, các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, những trùm buôn sẽ bày bán tràn lan trên mạng xã hội, Zalo.
Sau này, khi các mạng xã hội đề ra "tiêu chuẩn cộng đồng", các đối tượng bắt đầu nghĩ cách "lách luật". Chúng chui vào hoạt động âm thầm trong các hội nhóm.
Những người này chỉ rao bán hàng "đặc sản", "đồ ngâm rượu", "đồ bảo tồn", "hàng rừng", "thịt rừng" trên mạng, bởi đây là những mặt hàng ít bị "điều tra", lên án. Các nền tảng mạng xã hội cũng ít "quét". Những mặt hàng "gợi nhớ" đến thế giới động vật hoang dã này được các trùm đăng tải nhằm dẫn dụ người mua.
Đầu tháng 7/2022, truy cập vào nhóm "Hội mua bán thịt rừng P. Y", sau khi xem và đọc các bài viết về thịt nai rừng, lợn rừng, mật ong rừng… mà tài khoản có tên L.S đăng tải, PV Dân trí đã kết nối với chủ tài khoản này.
Truy cập vào trang cá nhân của L.S, không khó để tìm thấy các mặt hàng liên quan đến hổ như móng hổ, cao hổ cốt ngâm rượu. L. S khéo léo lách luật bằng cách chỉ đăng giá tiền và hình ảnh. Người xem nếu có nhu cầu sẽ "inbox" - trò chuyện riêng trong tin nhắn để ngã giá.
Khi đã lôi được khách vào "inbox", L.S thoải mái quảng cáo những sản phẩm liên quan đến "chúa sơn lâm" mà mình đang có.
L. S "tiếp thị" từ chiếc móng hổ "loại thường" giá 2-3 triệu đồng đến móng hổ mạ vàng, đính đá 25 triệu đồng "cho dân anh chị". Người này còn gửi liên tiếp các mặt hàng gồm bộ da hổ phong thủy (có giá 25 triệu đồng) hay ví da hổ, túi da hổ nhiều kiểu…
Khi phóng viên hỏi mua cao hổ và đôi bình rượu cao hổ cốt thì L.S cho hay, rượu hiện đang "cháy hàng" vì vừa có một vị khách Hải Phòng mua liền một lúc 20 chai; cao hổ thì vẫn sẵn hàng giá 10 triệu đồng/lạng.
Có lẽ là một trùm buôn sành sỏi nên L. S thừa biết rao bán công khai các sản phẩm về hổ sẽ vi phạm pháp luật và bị mạng xã hội khóa tài khoản.
L. S cho hay mình sinh sống ở Gia Lai và khẳng định: "Em chỉ dám đăng mấy cái móng thôi. Đăng như thế kia chết ngay… Anh cứ tham khảo, cần gì hú em.
Món gì em cũng có. Các loại đắt tiền như sâm hay cao hổ anh cần cứ đi giám định phân tích thành phần cho yên tâm. Người sành họ chỉ cần cắt 1gr bỏ vào rượu nó ra màu đục nước gạo hoặc liếm cái biết ngay".
Để "bảo hành" cho "hàng xịn" của mình, L. S không ngần ngại gửi cho phóng viên đoạn clip một nhóm 5 người đang xúm vào mổ bụng một con hổ. Hình ảnh trong đoạn clip cho thấy, một "ông hổ" to lớn đang được đặt nằm ngửa trên nền nhà trải tấm bạt màu xanh.
Những người xung quanh, người giữ chân, người giữ đầu, người cầm dao rạch bụng lộ ra những lớp mỡ lều phều… Bên ngoài xen lẫn những tiếng í ới gọi nhau. Không khí vô cùng khẩn trương, bận rộn.
Không tiếp thị ngay như Lâm S., một số kẻ sẽ chỉ để lại số điện thoại trên Facebook rồi từ đó dẫn dụ khách kết bạn Zalo. Ở nền tảng này, có vẻ như, họ tự do hơn, ít bị kiểm soát hơn. Và các giao dịch bắt đầu trắng trợn hơn nhiều.
Một trùm buôn tự đặt cho mình biệt danh mang đậm tình yêu thiên nhiên "Tây Nguyên xanh" quảng cáo: "Hàng bên em đảm bảo chuẩn. Nhận hàng, anh kiểm tra thoải mái rồi thanh toán. Cao hổ 15 triệu đồng/lạng, giá thị trường đang từ 23-25 triệu đồng/lạng, mật gấu chuẩn hàng rừng 10 triệu đồng/cái".
Trên mạng hiện tồn tại khá nhiều những trùm buôn hổ ngầm như vậy. "Chợ ảo" nhưng chết chóc mà hổ và nhiều loài thú quý hiếm gánh chịu là rất thật.
Tại Quảng Bình, phóng viên đã đi theo "giao dịch trên mạng" rồi tiếp cận với một số người bán các sản phẩm liên quan đến hổ. Những người này cho xem hộ chiếu xuất cảnh, xem cả bộ da hổ, nanh hổ, vuốt hổ sau quá trình họ sang các nước Đông Nam Á săn trộm thú quý hiếm về bán.
Trong lần đầu tiên đến nhà anh Đ., người huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được người đàn ông mang ra một cái tay gấu đen kịt, một bộ da hổ với phần mặt hổ có thể khiến bất cứ ai phải… ám ảnh.
Đó là thành quả của quá trình anh trực tiếp cùng các thợ săn giết hổ, gấu, thông qua bẫy dây loại to. Anh kể, hổ hoang, to và khỏe đến mức cả nhóm 7 người (họ đi rừng bao giờ cũng theo từng toán khoảng ngần đó người) vác dao, gậy "oánh" cật lực mới giết được một "ông hổ" đã dính bẫy bị trói một bên chân.
Chỉ cách đây ít hôm, khi chúng tôi liên lạc lại hỏi mua bộ da hổ thì Đ. tỏ ra tiếc nuối vì bộ da đã bị chuột cắn phải bỏ đi, nanh hổ đã bán hết. Hiện anh vẫn còn xương bánh chè của hổ.
Theo tìm hiểu, bánh chè vốn là phần đắt nhất, là "linh hồn" của bộ xương hổ. Nếu không có bánh chè thì không chứng minh được bộ xương đó là xương của hổ.
Trên bánh chè có "mắt phượng" (chấm nhỏ màu đỏ) để nhận diện. Nhiều người quan niệm, trong bánh chè có những vi chất đặc biệt mà chỉ có hổ mới có. Vì vậy, nhiều khi chỉ cần có trong tay bánh chè thì đã đủ biến hóa xương sư tử hay các loại xương khác thành xương hổ.
Người đi rừng nào cũng cảm thấy "tự hào" vì giết được hổ và họ luôn giữ nanh, móng, xương, cao, da hổ, bánh chè làm kỉ niệm hoặc bán. Đó là nguồn thu lâm sản đắt đỏ cùng với đời "ngậm ngải tìm trầm" gian khó và liều lĩnh của những người như anh Đ.
Đ. và nhiều người trong làng đã đi khắp Thái Lan, Lào, Indonesia, Malaysia để tìm trầm hương. Họ ăn ở trong rừng, gặp hổ là bẫy, giết, tuồn cao hổ, nanh, vuốt, da hổ về.
Nhiều người bị lực lượng bảo vệ rừng nước bạn bắt giữ và cũng có nhiều người giàu lên nhờ cái "nghề" suốt ngày "xuất ngoại" ngoài làm ăn trong rừng già xứ người đó. Nhìn các cuốn hộ chiếu đóng dấu xuất nhập cảnh chi chít của các lão nông này, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ.
Giá "chợ đen", loại xương hổ này bán tới hơn 500 triệu đồng/bộ. Một thợ săn tiết lộ, hàng thú rừng của họ thường được giấu trong các lô hàng trầm hương được "móc ngoặc" tốn kém khi mang về Việt Nam.
Họ bao giờ cũng quay lại cảnh nấu cao hổ, làm các hộp gỗ quý sơn son mà ở các nắp của hộp có khắc hình "chúa sơn lâm", ghi rõ tiếng Việt "Cao Hổ Cốt" để làm quà biếu, để trưng bày.
Họ làm rất bài bản, và bán hàng cấm rất cao tay. Những miếng cao ấy, bằng nhiều cách khác nhau đã đến tay của những tín đồ ưa chuộng các mặt hàng từ hổ, đặc biệt là cao hổ - loại hàng hóa có giá "chợ đen" rất cao.
Niềm tin mù quáng vào công dụng thần thánh của những miếng cao hổ đã tiếp tay cho những trùm buôn tàn sát loài động vật quý hiếm này. Chưa rõ thực hư chất lượng các miếng cao hổ ra sao, pha chế các loại xương tạp nham hay những chất gì, những người giàu có, thậm chí cả những người có tri thức vẫn sẵn sàng rút ví hàng chục triệu đồng để mua cao hổ.
Họ thật đáng thương mà cũng thật đáng trách khi đã tiếp tay tàn sát "chúa sơn lâm".
Kỳ 2: Thủ thuật phù phép cao hổ, thu lời tiền tỷ qua tiết lộ của một trùm buôn
Nội dung: Trần Quân - Hồng Anh
Thiết kế: Thủy Tiên