Từ chuyện "rau sạch" nghĩ đến trách nhiệm xã hội của doanh nhân
Tôi vừa đọc trên báo Dân trí bài viết của anh Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit, về hành trình gian khó của anh khi đầu tư trang trại, trồng rau hữu cơ. Rau sạch của anh giá 80.000-100.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với rau ở chợ. Nhưng dù bán rau với giá đó, hiện giờ Vinamit không có lãi, chỉ không lỗ là mừng rồi!
Trong kinh doanh, đầu tư bài bản và làm ăn tử tế bao giờ cũng vất vả hơn. Nhưng tôi tin nếu doanh nghiệp chọn đúng hướng đi và có một triết lý vì cộng đồng thì trước sau sẽ đón nhận quả ngọt.
Không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới, tôi chưa thấy ở đâu doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chụp giật mà phát triển bền vững. Đặc biệt là các thương hiệu lớn thì triết lý kinh doanh và niềm tin với khách hàng, với xã hội là điều quan trọng nhất. Gần đây chúng ta nói nhiều về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhưng với các tập đoàn trên thế giới đã có truyền thống cả trăm năm, họ xác định trách nhiệm xã hội ngay từ khi thành lập chứ không chỉ chạy theo sự phát triển về quy mô, tối đa hóa lợi nhuận.
Đức là một trong những quốc gia có hàng loạt thương hiệu hàng đầu thế giới, nếu hỏi tôi ai là doanh nhân Đức mà tôi ngưỡng mộ nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời người đó là ông Robert Bosch - một "người chỉ học nghề, không tốt nghiệp đại học ", đã sáng lập công ty Robert Bosch và thành tỷ phú.
Được thành lập từ 136 năm trước, tập đoàn Bosch hiện nay có hơn 400.000 cộng sự, có trụ sở, nhà máy hay các trung tâm kinh doanh tại hơn 120 điểm trên toàn cầu, đã đạt doanh thu trên 80 tỷ USD trong năm 2021. Hiếm hoi trên thế giới, Tập đoàn Bosch với độ lớn như thế, nhưng mãi mãi sẽ là một công ty trách nhiệm hữu hạn. Vì sao? Vì đây là ý nguyện của ông Robert Bosch ghi trong di chúc. Ông không cho phép chuyển doanh nghiệp thành công ty đại chúng tham gia thị trường chứng khoán, vì ông không muốn công ty mất độc lập về tài chính.
Điểm thứ hai quan trọng trong di chúc của ông, thể hiện sự kiên định của doanh nhân Robert Bosch với lý tưởng xã hội mà ông đã chọn. Trên thế giới, công ty Bosch là nơi đầu tiên áp dụng qui chế làm việc 8 giờ/ngày để giúp người đi làm có thời giờ nghỉ và sinh hoạt gia đình.
Công đoàn có quyền tham gia vào các quyết định của công ty, tối thiểu là trong các quyết định về giờ làm việc, số ngày nghỉ trong năm và quyền lợi người lao động.
Đấy chỉ là vài điểm nổi bật tôi nêu ra đây để nói về doanh nhân có tinh thần xã hội cao Robert Bosch. Quan trọng và nổi bật nhất là quyết định về tài sản - điểm thứ 2 trong di chúc: Gia đình chỉ được hưởng 7% tài sản mà ông để lại. 92% tài sản thuộc về một Quỹ Thiện nguyện nay mang tên Quỹ Robert Bosch. 1% còn lại thuộc về công ty TNHH Robert Bosch.
Trên thế giới từ xưa đến nay, chắc ông là người chủ giàu tiền duy nhất đã đi đến một quyết định về chuyển giao tài sản như thế. Chắc có bạn sẽ bất ngờ khi đọc thông tin trên, từ đây biết "ông chủ" của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Bosch là một quỹ thiện nguyện. Vốn và tiền lời của công ty đi vào các hoạt động giúp xã hội và giúp con người. Nhưng công ty thì hoạt động độc lập, được quản lý theo cơ chế kinh tế thị trường như tất cả các công ty phương Tây khác.
Nhưng trên mọi điều, ông Robert Bosch là một doanh nhân có tinh thần dân tộc thể hiện trách nhiệm xã hội cao. Sau đệ nhất thế chiến, ông đã quyết định tham gia một cách tích cực vào việc xây dựng nền dân chủ thứ nhất cho nước Đức. Rồi trong giai đoạn 1940 - 1945, ban lãnh đạo công ty Bosch đã ngấm ngầm giúp đỡ tài chính, cứu nhiều người gốc Do Thái bị áp bức và đưa nhiều người vào công ty làm việc để lánh nạn.
Triết lý kinh doanh nổi bật nhất của ông là "Thà mất tiền chứ không để mất lòng tin". Là CEO thành lập công ty Bosch tại Việt Nam và 11 năm làm cho Bosch, tôi có thể khẳng định triết lý này là kim chỉ nam làm việc của những cộng sự nghiêm túc tại Tập đoàn Bosch, từ trên xuống dưới.
Trong những ngày này với những lừa đảo tăng lợi nhuận hại người như rau thối, thịt thối, thức ăn độc hại, những sản phẩm không chất lượng và bao nhiêu lừa đảo khác vì tham tiền trong xã hội ta hiện nay, tôi càng trân quý triết lý này.
Tôi vẫn mong sao nước ta có những doanh nhân lớn với tinh thần dân tộc góp phần xây dựng kinh tế nước nhà phát triển nhanh và bền vững.
Theo tôi, nước ta rất cần những tỷ phú, triệu phú đô la giỏi, giàu lòng yêu nước và biết thương đồng bào.
Tác giả: Ông Võ Quang Huệ từng giữ chức Tổng giám đốc (CEO) Bosch Việt Nam, sau đó gia nhập Vingroup và đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, giám sát dự án sản xuất ô tô Vinfast. Hiện ông Huệ là cố vấn cấp cao Tập đoàn Vingroup.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!