"Bán rau sạch giá 80.000 đồng/kg, tôi vẫn không có lãi"
Giá bán của chúng tôi là 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với rau hữu cơ của các doanh nghiệp khác. Tôi chẳng biết nên giải thích thế nào? Lẽ nào lại bảo với họ, tôi bán rau sạch với giá đó mà Vinamit không hề có lãi ở mảng này, chỉ may là chưa bỏ tiền túi ra mà thôi. Hay tôi nên nói với họ, tôi không có năng lực để làm ra loại rau sạch mà ra thị trường giá chỉ 30-50 nghìn đồng/kg…
Tôi bắt đầu đầu tư cho trang trại trồng rau hữu cơ rộng 200 ha ở Bình Dương cách đây 7 năm, vào thời điểm mà bác sĩ đang báo động về tình trạng sức khỏe của tôi. Khi làm trang trại rau hữu cơ, tôi nuôi hy vọng có thể tạo ra những loại thực phẩm giảm đi tất cả những yếu tố đe dọa sức khỏe của tôi, gia đình tôi và sau đó là cộng đồng. Cho nên, ngay từ đầu, Vinamit đã không đặt mục tiêu lợi nhuận ở mảng này lên hàng đầu. Thay vì đó, chúng tôi chọn chất lượng.
Sự việc xảy ra ở một số siêu thị những ngày gần đây, khi báo chí phát hiện ra nhiều loại rau được dán nhãn VietGAP thực chất là rau nhập từ Trung Quốc, thú thực không khiến tôi ngạc nhiên. Vì là người trong nghề, tôi hiểu những góc tối của ngành này, càng hiểu rằng việc bị phanh phui này chỉ là chuyện sớm muộn.
Sau 7 năm làm rau hữu cơ, với quy mô thị trường vài tấn mỗi ngày, tôi có thể khẳng định, không thể làm rau hữu cơ đúng nghĩa với giá thành dưới 80 nghìn đồng.
Và tôi sẽ giải thích vì sao tôi lại khẳng định chắc nịch như vậy!
Ở trang trại của chúng tôi, để cho ra đời những sản phẩm rau hữu cơ hoàn toàn không có chất hóa học, không có phân bón, đầu tiên chúng tôi phải nuôi đất để cho độ phì của đất và hàm lượng vi sinh vật trong đất phải có đủ, vì nếu không cây rau sẽ bị sâu bệnh. Quy trình đó nếu để tự nhiên thì phải mất nhiều năm trời, nhưng chúng tôi dùng công nghệ sinh học để tạo ra vùng đất đó trong thời gian ngắn nhất có thể.
Đầu tư cho đất đai là một chuyện, nhưng chúng tôi còn phải đầu tư về con người và cơ sở hạ tầng. Không như mọi người nghĩ, rau hữu cơ không chỉ đơn giản là xây dựng một khu vực cách ly, có mái che là xong.
Trang trại của chúng tôi có một đội kĩ sư hơn 30 người, được đào tạo bài bản về cách làm nông nghiệp hữu cơ. Ở mỗi trang trại, chúng tôi lại xây dựng một trung tâm sinh học với phòng lab hiện đại để tiến hành nghiên cứu các loại vi khuẩn, nấm bệnh trong đất gây hại cho rau ở khu vực đó.
Khi phát hiện cây rau bị sâu bệnh, các kỹ sư nông nghiệp của chúng tôi phải vào phòng lab nghiên cứu, nuôi cấy và tìm ra phương pháp chữa bệnh bằng các loại vi sinh vật tự nhiên. Nghiên cứu trong phòng lab thành công thì chúng tôi mới mang ra ngoài để chữa bệnh cho cây trồng. Nói tóm lại, đó không chỉ là sản xuất và canh tác, mà còn là sự gắn kết giữa nhà khoa học và nông dân ngay trên cánh đồng.
Nông dân làm việc trong trang trại rau của chúng tôi được dạy không chỉ cách chăm sóc rau, tưới rau, mà còn cả cách cắt rau. Ví dụ, trong quy trình thu hoạch rau, chúng tôi yêu cầu rất rõ về cách cắt rau sao cho đúng kỹ thuật. Cây rau sau khi cắt phải lập tức đưa vào phòng lạnh 15 độ trong vòng 20 phút. Ở khâu đóng gói, với mỗi gói rau, chúng tôi đều sử dụng hệ thống đóng gói theo tiêu chuẩn riêng, vì đặc thù của rau hữu cơ là rất dễ tổn thương. Mỗi gói rau trước khi đưa từ trang trại tới siêu thị đều được bơm phồng bằng khí sinh học giúp rau tươi ngon, vừa tránh cho cây rau bị va đập trong quá trình vận chuyển.
Rau của chúng tôi có giá 80.000-100.000 đồng là vì như thế!
Nhưng dù bán rau với giá đó, hiện giờ chúng tôi không có lãi, chỉ không lỗ là mừng rồi.
Thị trường của rau hữu cơ Vinamit hiện giờ chỉ khoảng 3-4 tấn mỗi ngày, nên chi phí cho quá trình nghiên cứu sâu bệnh và sơ chế, đóng gói bị đội giá lên vì chưa hoạt động hết công suất. Theo tính toán của tôi, chỉ khi nào thị trường của chúng tôi có thể tiêu thụ được 10 tấn rau mỗi ngày, thì mảng kinh doanh rau sạch của Vinamit mới có lãi.
Giá thành các loại rau được dán nhãn rau sạch trên thị trường bây giờ chênh lệch nhau khá nhiều, nhưng để có thể khẳng định có bao nhiêu trong đó thực sự là rau sạch thì lại một lời khó nói hết. Là người trong nghề, tôi biết, những doanh nghiệp thực sự trồng rau sạch ở Việt Nam còn trụ lại được rất ít, do không cạnh tranh nổi về giá cả với nhiều doanh nghiệp khác.
Có một số doanh nghiệp đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích hình thức, mẫu mã đẹp, nên chọn cách đóng gói đẹp và dùng chất bảo vệ thực vật để giúp rau tươi lâu - điều mà rau hữu cơ thực sự không bằng. Thế là người tiêu dùng bỏ tiền ra mua rau, mà không hề biết nó chẳng hề đáp ứng kỳ vọng rau sạch của mình.
Sự việc những ngày qua có thể gây hoang mang cho nhiều bà nội trợ, nhưng tôi nhìn thấy ở đó những điểm tích cực, vì hy vọng vụ việc lần này sẽ là một cơ hội để làm trong sạch thị trường rau sạch Việt Nam, để "rau sạch" thực sự là rau sạch và người tiêu dùng có thể mua được đúng thứ họ cần.
Tác giả: Ông Nguyễn Lâm Viên từng làm việc ở Nông trường Sông Ray Đồng Nai và lĩnh vực xuất khẩu mỹ nghệ, sau đó ông khởi nghiệp chế biến trái cây sấy khô, nổi tiếng với hành trình "đổi đời" cho mít và chuối. Hiện ông Nguyễn Lâm Viên là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc CTCP Vinamit.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!