Lối thoát hiểm và câu hỏi đặt ra từ vụ cháy quán karaoke
Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương tối 6/9 làm thiệt mạng 33 người. Thật quá đau lòng! Lại thêm một lần cảnh báo về rủi ro hỏa hoạn với hậu quả khôn lường ở các cơ sở kinh doanh có đông khách, nhất là ở các quán karaoke với vật liệu cách âm dễ cháy và cách bố trí phòng kín.
Sự việc này làm tôi nhớ đến câu chuyện đã gặp về PCCC (phòng cháy chữa cháy) khi làm Tổng Giám Đốc công ty Bosch Việt Nam vào thời gian đầu thành lập công ty.
Lúc ấy, Công ty thuê một tầng tại cao ốc ở Bình Thạnh (TPHCM) làm trụ sở chính. Ở giữa tầng, bước ra thang máy là có cửa chính đi vào khu đón - tiếp khách, và phòng họp chính. Hai bên có vách ngăn và cửa đi vào hai khu văn phòng.
Khi thiết kế văn phòng, tôi đặc biệt quan tâm PCCC và tuân thủ 100% các quy định ở Việt Nam. Vì thế, bố trí của hai khu văn phòng này thoáng với không gian mở và các vách ngăn phòng riêng đều là kính.
Phòng khi xảy ra hỏa hoạn, tôi ra ngay quyết định mua cho mỗi nhân viên một mặt nạ phòng ngạt do khói khi cháy (nhập từ nước ngoài với giá hơn 100 USD mỗi chiếc). Tôi còn nhớ các bạn cộng sự đã ngạc nhiên khi nhận được mặt nạ. Có người cho rằng tôi đúng là "người Đức" nên kỹ tính quá! Có thể nói tôi rất tự tin về các biện pháp PCCC của công ty.
Ấy thế mà tôi đã không qua nổi cuộc kiểm tra nội bộ lần đầu tiên của tập đoàn vào năm 2009. Bộ phận thanh tra nội bộ do tập đoàn bên Đức gửi sang đã phát hiện ra một vi phạm nghiêm trọng. Gọi là vi phạm nghiêm trọng nếu vi phạm có thể dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho Tập đoàn về (1) pháp luật; (2) uy tín, thương hiệu; (3) gây thiệt hại tài chính, ví dụ như gian lận hoặc (4) khả năng thiệt hại về nhân mạng.
Qui trình xử lý vi phạm nghiêm trọng rất nghiêm khắc và bảo mật tuyệt đối. Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thì đoàn thanh tra lập tức báo cáo đến văn phòng của Ban giám đốc Tập đoàn ở bên Đức mà không cần thông tin cho ai khác biết. Thế là vài tiếng sau, tôi đã được nhận thông tin từ bên Đức và với trách nhiệm là Tổng giám đốc công ty đang có vi phạm, tôi phải báo cáo sang văn phòng Ban giám đốc Tập đoàn trong vòng 24 tiếng đồng hồ về giải pháp và thời gian (khẩn cấp) khắc phục vi phạm.
Lỗi vi phạm của chúng tôi là do văn phòng chỉ có một cửa ra vào. Nên với số lượng trên 50 nhân viên trong diện tích khoảng 500m2 là rủi ro quá lớn và có thể có người bị kẹt lại; ví dụ như khi khu vực cửa ra vào bị cháy.
Biện pháp mua mặt nạ là tốt nhưng chưa đủ. Thế là ngay trong vòng vài ngày sau đó, chúng tôi đã phải xếp đặt lại, bố trí văn phòng để có thêm cửa thứ hai dùng để thoát thân cho nhân viên khi văn phòng không may xảy ra hỏa hoạn.
Đây là một bài học khó quên cho tôi về tư duy phòng ngừa thiệt hại nhất là về nhân mạng thì phải dư chứ không được thiếu". Tôi đã thiếu sót khi bỏ qua khả năng bị cháy ngay tại khu vực cửa ra vào "độc đạo". Và điều chắc chắn là qui định nội bộ của Tập đoàn Bosch về PCCC và bảo vệ môi trường cao hơn các qui định theo luật ở Việt Nam. Đấy là văn hóa của một công ty toàn cầu "Global Citizen" đáng để các công ty Việt Nam ta tham khảo và học hỏi.
Trở lại câu chuyện Bình Dương. Báo chí dẫn phát ngôn của đại diện cơ quan chức năng cho hay cơ sở karaoke đã qua 3 lần kiểm tra an toàn PCCC. Sao lại như thế? An toàn gì mà khi bị cháy thì 33 người thiệt mạng và một số người khác bị thương?
Vậy phải chăng nội dung kiểm tra chưa bao gồm hết các tình huống cháy và các đường chạy thoát thân? Hay là những người đi kiểm tra không đủ năng lực thực hiện hoặc chỉ kiểm tra sơ sài? Có vấn đề gì ở đây không?
Hy vọng kết quả điều tra trong thời gian tới sẽ giúp trả lời được các câu hỏi nêu trên, và quan trọng hơn là cơ quan có chức năng tại các địa phương, Trung ương sẽ rút ra được bài học; triệt để thực hiện các thay đổi cần thiết và mạnh mẽ để sẽ không còn tai nạn gây thiệt hại về nhân mạng lớn như ở Bình Dương vừa qua - một vụ cháy gây sốc mà không chỉ truyền thông trong nước, cả báo chí nước ngoài cũng đưa tin.
Tác giả: Ông Võ Quang Huệ từng giữ chức Tổng giám đốc (CEO) Bosch Việt Nam, sau đó gia nhập Vingroup và đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, giám sát dự án sản xuất ô tô Vinfast. Hiện ông Huệ là cố vấn cấp cao Tập đoàn Vingroup.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!