PhotoStory

Hình ảnh người đàn ông chở tro cốt vợ vượt hàng trăm km lay động lòng người

(Dân trí) - Chồng chở tro cốt vợ từ Bình Dương về quê, Thiếu tá làm cha nuôi bé 4 tuổi "một mình nhận tro cốt mẹ", "chồng thất nghiệp, vợ ăn đòn"… là những thông tin an sinh thu hút bạn đọc trên Dân trí tuần qua.

"Đừng vin vào thủ tục, làm đi, tôi chịu trách nhiệm!" 

Sốt ruột khi các địa phương trình bày vướng mắc khi giải quyết hỗ trợ cho người lao động, Bộ trưởng LĐ-TB&XH khẳng định: "Thủ tục đã thông suốt, tập trung làm để người dân được thụ hưởng chính sách".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quán triệt quan điểm này tại hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 và Nghị quyết 116, tổ chức chiều 15/10.

Hình ảnh người đàn ông chở tro cốt vợ vượt hàng trăm km lay động lòng người - 1

Đánh giá về  những khó khăn mà một số địa phương nêu ra tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Nghị quyết 68 đã được sửa rất căn bản. Chậm nhất trong đầu tuần tới, Chính phủ sẽ sửa nốt Quyết định 23 đi kèm để đảm bảo việc triển khai chính sách thông thoáng nhất…

"Từ Bình Dương về mấy trăm cây số, vợ ngay sau lưng mà không nói câu nào!"

Đưa tro cốt vợ vừa mới mất do Covid-19 từ Bình Dương về quê ở Hậu Giang, người đàn ông ghé chân cầu Cần Thơ xin cơm ăn và cơm chay cúng. Người đàn ông dáng vẻ chân chất, mệt mỏi và đôi mắt đỏ hoe .

Hình ảnh người đàn ông chở tro cốt vợ vượt hàng trăm km lay động lòng người - 2

Anh cất giọng khản đặc: "Anh chị có cơm cho tui xin với". Vừa nhận hộp cơm xong, anh lại nói: "Mọi người có cơm chay không cho tui xin thêm một suất cho vợ, vợ tui chưa ăn mặn được"…

Anh đã được báo Dân trí và mọi người giúp đỡ.

Hình ảnh người đàn ông chở tro cốt vợ vượt hàng trăm km lay động lòng người - 3

Nữ đại gia bỏ thụ tinh nhân tạo, nhận nuôi trẻ mồ côi: Cục Trẻ em lên tiếng

Nhận xét về thông tin liên quan tới việc một nữ doanh nhân có tiếng tại TPHCM từ bỏ ý định thụ tinh nhân tạo để xin con nuôi là trẻ mồ côi vì Covid-19, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) ủng hộ việc nhận con nuôi ở quy mô gia đình.

Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nói: "Chúng tôi không bình luận gì việc nữ doanh nhân này từ bỏ ý định thụ tinh nhân tạo để có thêm con, bởi đây là quyền, sự lựa chọn của cá nhân, gia đình. Còn với việc nhận nuôi trẻ mồ côi, chúng tôi ủng hộ và đánh giá cao hành động nhân văn như vậy"…

Hình ảnh người đàn ông chở tro cốt vợ vượt hàng trăm km lay động lòng người - 4

Thiếu tá đỡ đầu cho anh chị của bé 4 tuổi "một mình nhận tro cốt mẹ"

Trong lần đến xóm trọ nghèo trao tro cốt của một người phụ nữ vào ngày đầu tháng 8, Thiếu tá Kiên gặp cháu bé 4 tuổi Phạm Thị Bảo Châu (TPHCM). Chỉ một mình bé ra nhận tro cốt rồi đứng vái lạy mẹ bên chiếc bàn thờ đơn sơ trong phòng trọ trống không.

Người cha đã bỏ bé đi khi cháu vừa chào đời. Không đành lòng, ngay lúc đó, anh Kiên nhận cháu làm con đỡ đầu, hỗ trợ chăm lo việc điều trị Covid-19 cho cháu và đi tìm người thân…

Hình ảnh người đàn ông chở tro cốt vợ vượt hàng trăm km lay động lòng người - 5

Gói 26.000 tỷ đồng: Thêm mức hỗ trợ một triệu đồng, bỏ quy định nợ xấu...

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Với những điều chỉnh mới này, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng đã có nhiều điều chỉnh thuận lợi hơn tới đối tượng điều chỉnh, theo hướng: Bỏ điều kiện hộ kinh doanh có đăng ký thuế, bỏ điều kiện về nợ xấu tín dụng khi xét duyệt, bổ sung quy định hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người, giảm điều kiện được nhận hỗ trợ…

Hình ảnh người đàn ông chở tro cốt vợ vượt hàng trăm km lay động lòng người - 6

Nhiều băn khoăn khi hỗ trợ tiền tới người lao động tự do

Theo bà Cao Thị Hiền - cán bộ lao động, chính sách xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu, Nghệ An) - phạm vi hành nghề của lao động thợ xây rộng, không bó hẹp trên địa bàn. Do vậy, việc xác nhận đây là công việc đưa lại thu nhập chính cho gia đình không hề đơn giản.

Còn bà Phan Thị An, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành, băn khoăn: "Theo các quy định tại Luật Lao động thì độ tuổi lao động được quy định từ 15-60 tuổi. Trên thực tế nhiều lao động tự do đang hành nghề để nuôi sống bản thân và gia đình lại đang vượt quá 60 tuổi. Vậy họ có thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 hay không?"…

Hình ảnh người đàn ông chở tro cốt vợ vượt hàng trăm km lay động lòng người - 7

Chuyến hồi hương đặc biệt và bé trai mang tên "Ku Rớt"

Trên chuyến tàu hồi hương sau giãn cách do Covid-19, chị Nguyễn Thị Nhâm (SN 1992, quê ở Quảng Bình) đã chuyển dạ và hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Cùng với niềm vui "mẹ tròn con vuông" thì đây là lần vượt cạn không thể quên của nữ sản phụ sinh năm 1992.

Trước đây 2 vợ chồng có ý định đặt tên gọi ở nhà của cháu bé là "King". Nhưng vì chào đời ngay trên chuyến tàu đặc biệt, cháu được các cô, chú gọi cái tên thân thương là "Ku Rớt"  . Vợ chồng chị cũng đã quyết định lấy cái tên với nhiều kỷ niệm này để đặt cho con trai…

Hình ảnh người đàn ông chở tro cốt vợ vượt hàng trăm km lay động lòng người - 8

Chồng thất nghiệp, vợ... ăn đòn

Nhắc đến câu chuyện của cô bạn thân cùng tuổi, chị Hoàng Thị Nga, 36 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM vừa giận vừa lo. Dạo gần đây, cứ vài ngày một lần, chị lại nghe Th. nhắn tin, gọi điện về việc vợ chồng cãi vã rồi bị chồng chửi bới, đánh đập... 

Nhiều lần bị tát, đánh nhưng trong mức chịu đựng, Th. vẫn tự an ủi: "Kệ ổng, ổng thất nghiệp, không làm ra tiền nên trở chứng". Khi uất ức quá, Th. cũng chỉ biết gọi điện cho bạn, như thể trút uất ức.

Từ đầu mùa đầu dịch đến nay, Th. đã 2 lần ôm con qua nhà bạn "tạm lánh" sau những trận đòn để lại vết tích trên người, lần nào cũng quyết tâm: "Bỏ thôi, chịu không nổi nữa rồi!". Lần gần đây nhất, gò má cô sưng phù, có một đường cắt trên mí khi bị anh chồng xô đập vào cửa kính, tai bị chảy máu nhẹ…

Hình ảnh người đàn ông chở tro cốt vợ vượt hàng trăm km lay động lòng người - 9

"Nhận tiền từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tôi không lo thiếu học phí cho con rồi!"

Chị Thân Thị Nhung (sinh năm 1971, trú tại thôn Câu Nhi, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) từng là công nhân may tại một công ty tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty không có đơn hàng, chị phải nghỉ việc .

Chỉ thời gian ngắn sau khi đăng ký đề nghị nhận hỗ trợ, chị đã nhận được tin nhắn hồ sơ hợp lệ và chỉ cần chờ ngày tiền về tài khoản nữa thôi. "Đang lo thiếu tiền đóng học phí cho con, vì cháu học năm cuối đại học rồi, nay thì nhẹ nhõm hẳn", chị Nhung phấn khởi chia sẻ…