Thiếu tá đỡ đầu cho anh chị của bé 4 tuổi "một mình nhận tro cốt mẹ"
(Dân trí) - Đi tìm người thân cho bé 4 tuổi "một mình nhận tro cốt mẹ", Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên biết bé còn có anh chị ruột. Trong lần qua thăm, các cháu hỏi: "Chú Kiên ơi, cho con gọi chú là ba Kiên nha?".
Thông tin được Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên - người nhận làm cha đỡ đầu cho bé gái 4 tuổi một mình nhận tro cốt mẹ gây xúc động - chia sẻ tại buổi "Tôn vinh, tập thể, cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống dịch Covid-19" do Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 tổ chức sáng 14/10.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên là một trong những cá nhân tiêu biểu được tôn vinh vì những kết quả trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên trải lòng: "Nghĩa tử là nghĩa tận", bằng tình cảm cùng tinh thần trách nhiệm cao nhất, anh cùng đồng đội khi làm nhiệm vụ trao nhận và giao tro cốt của người mất vì Covid-19 về lại với gia đình luôn cố gắng nhanh nhất, chu toàn nhất.
Trong lần đến xóm trọ nghèo trao tro cốt của một người phụ nữ vào ngày đầu tháng 8, Thiếu tá Kiên gặp cháu bé 4 tuổi Phạm Thị Bảo Châu. Chỉ một mình bé ra nhận tro cốt rồi đứng bên bàn thờ mẹ đơn sơ trong phòng trọ trống không. Người cha đã bỏ bé đi khi cháu vừa chào đời.
Không đành lòng, ngay lúc đó, anh Kiên nhận cháu làm con đỡ đầu, hỗ trợ chăm lo việc điều trị Covid-19 cho cháu và đi tìm người thân.
"Mồ côi cha ăn cơm với cá/Mồ côi mẹ lót lá mà nằm; Mồ côi tội lắm ai ơi/Đói cơm khát nước biết người nào lo". Bé Phạm Thị Bảo Châu, đứa trẻ tôi nhận đỡ đầu chỉ là một trong hàng ngàn đứa trẻ mồ côi vì dịch Covid-19", anh Kiên nói đến hệ lụy đau lòng của dịch bệnh và quyết định của mình.
Trong quá trình đi tìm người thân cho Châu, mới đây anh Kiên biết cháu còn có anh chị ruột đang sống cùng bà ngoại gần 90 tuổi ở quận 4, TPHCM. Anh trai là cháu N.Đ.H (10 tuổi), chị gái là cháu N.T.B.N (8 tuổi). (Anh chị khác họ với bé Châu do mẹ bé Châu lấy giấy tờ của người mợ làm khai sinh cho cháu -PV)
"Trong một lần qua thăm, các cháu hỏi: Chú Kiên ơi cho con gọi chú là ba Kiên nha?/Con không có ba, con muốn có ba để được ba quan tâm. Tim tôi nhói đau...", anh Kiên kể lại.
Mặc dù biết sẽ rất khó khăn trong kinh tế, công việc, gia đình và giải quyết các mối quan hệ, nhưng thấu hiểu về hoàn cảnh gia đình và cảm thông trước những mất mát của các cháu khi còn quá nhỏ, anh Kiên ra thêm một quyết định: Nhận đỡ đầu cho 2 cháu.
Từ khi nhận đỡ đầu cho các cháu, hằng ngày anh Kiên dành thời gian để điện thoại hỏi thăm. Hằng tuần, anh nhờ bạn bè, người thân mua lương thực, đồ dùng cần thiết gửi đến các cháu trong đợt dịch.
Khi biết 2 cháu N.Đ.H và cháu N.T.B.N học online mà không thiết bị và sách vở, anh đã xin các máy cũ, mua tập, sách cũng như vật dụng cần thiết trong học tập gửi đến các cháu.
Đồng thời, anh cũng thường xuyên gọi điện cho cô giáo để trao đổi về tình hình học tập của các cháu.
Về bé Châu, anh Nguyễn Trung Kiên cho biết, dự tính, khi dịch bệnh được kiểm soát, anh sẽ đưa cháu về Tiền Giang sống với một người cô ruột khác theo nguyện vọng của gia đình để bé được chăm sóc tốt hơn.
Người bố đỡ đầu cho ba đứa trẻ bộc bạch: "Tôi tâm niệm dù các cháu ở đâu và ở với ai, tôi cũng sẽ thường xuyên theo dõi việc ăn học, chăm sóc, dạy bảo để các cháu trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội".
Tôn vinh 42 tập thể, 84 cá nhân
Tại buổi lễ, có 42 tập thể, 84 cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch Covid-19 được ban tổ chức tôn vinh, khen thưởng.
Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 thông tin, ở giai đoạn cao điểm nhất, lực lượng vũ trang Quân khu 7 có 102.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ, tổ chức gần 16.800 tổ, trạm, chốt dân quân trên biên giới đất liền, biên giới biển và trong các vùng dịch, cùng tổ chức lực lượng chốt chặn tại các nút giao thông, tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự vùng dịch tại TPHCM và các địa phương lân cận.
Đồng thời, lực lượng vũ trang quân khu tham gia vận chuyển hơn 5,2 triệu túi an sinh, túi y tế, lương thực, nhu yếu phẩm, vật tư y tế, thuốc điều trị tới từng nhà dân, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách.
Cùng với đó, họ tiếp nhận, vận chuyển xử lý thi hài, quản lý, bàn giao tro cốt của nạn nhân tử vong do Covid-19 cho thân nhân gia đình bảo đảm chu đáo, nghĩa tình.
Lực lượng vũ trang quân khu huy động tối đa tiềm lực vật chất, tinh thần với sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, mạnh thường quân, các địa phương, đơn vị quân đội ủng hộ trị giá gần 400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang quân khu đã điều động gần 2.000 y, bác sĩ, nhân viên, phương tiện trang bị vật tư y tế, thành lập 3 bệnh viện dã chiến (số 5, 5B, 5C), chuyển đổi công năng Bệnh viện Quân dân y miền Đông, thành lập khoa điều trị Covid-19 Bệnh viện 7A, 7B với tổng số 2.070 giường.
Đồng thời, lực lượng tham gia hoạt động bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D, 5G (Tổng cục Hậu cần), tiếp nhận điều trị, trực tiếp thu dung điều trị hơn 16.200 ca, tổ chức 1.052 điểm cách ly với gần 193.900 giường, cử 23 tổ hồi sức cấp cứu, 601 tổ y tế cộng đồng chăm sóc người dân bị mắc Covid-19 điều trị tại nhà, phối hợp lấy hàng trăm nghìn mẫu xét nghiệm..