Nữ đại gia bỏ thụ tinh nhân tạo, nhận nuôi trẻ mồ côi: Cục Trẻ em lên tiếng
(Dân trí) - Sau thông tin nữ doanh nhân có tiếng tại TPHCM từ bỏ ý định thụ tinh nhân tạo để xin con nuôi là trẻ mồ côi vì Covid-19, đại diện Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu quan điểm ủng hộ.
"Nhận con nuôi là nhận trách nhiệm tuyệt đối với trẻ"
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định: Cục Trẻ em và cá nhân ông Nam bày tỏ sự ủng hộ việc nhận con nuôi ở quy mô gia đình và đánh giá cao quyết định của nữ doanh nhân tại TPHCM.
Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nói: "Chúng tôi không bình luận gì việc nữ doanh nhân này từ bỏ ý định thụ tinh nhân tạo để có thêm con, bởi đây là quyền, sự lựa chọn của cá nhân, gia đình. Còn với việc nhận nuôi trẻ mồ côi, chúng tôi ủng hộ và đánh giá cao hành động nhân văn như vậy".
Ông Nam giải thích thêm: "Với những người có điều kiện, họ sẵn sàng hỗ trợ chi phí để xã hội cùng chung tay nuôi dạy các em nhưng để nhận đứa bé mồ côi làm con nuôi, đưa về nuôi dạy trong gia đình, cùng với con đẻ của mình thì không nhiều gia đình làm được".
Lãnh đạo Cục trẻ em phân tích, việc nhận con nuôi là phải tính trước nhiều bài toán về quyền lợi chung, riêng, bù đắp thiếu thốn cho các con để làm chỗ dựa cho các con. Nhận con nuôi là nhận trách nhiệm tuyệt đối với đứa trẻ. "Đó là bổn phận, là trách nhiệm, đôi khi nó cũng là thách thức mà người nhận nuôi phải vượt qua. Chính vì vậy, chúng tôi đánh giá rất cao nghĩa cử của các gia đình nhận trẻ mồ côi vì Covid-19 làm con nuôi" - ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, từ khi thông tin hơn 1.000 trẻ mồ côi cha mẹ tại TPHCM vì Covid-19, rất nhiều nơi muốn hỗ trợ trẻ em mồ côi và có nhiều hình thức khác nhau.
Tuy nhiên, có nguyên tắc là làm sao phải công bằng và tốt nhất cho các trẻ em. Chăm lo, nuôi dưỡng cho các trẻ lâu dài, từ lúc bé thơ đến khi trưởng thành, đỡ đầu cho các em chứ không phải chỉ ở thời điểm, thời gian nhất định.
Đại diện Cục trẻ em cũng chỉ rõ, điều kiện, thủ tục nhận con nuôi theo trình tự đã được pháp luật quy định. Tinh thần chung, cơ quan Nhà nước phải tạo điều kiện tối đa, cũng phải đảm bảo việc này thực hiện một cách chặt chẽ, đúng quy định, bảo vệ lợi ích của các em.
"Chúng tôi ủng hộ việc nhận các trẻ mồ côi cả cha, mẹ về làm con nuôi trong một gia đình, đây là giải pháp tốt nhất cho sự trưởng thành về tâm, sinh lý của đứa trẻ và nên khuyến khích", ông Nam giãi bày.
Ông Trương Gia Bình xây trường nuôi trẻ mồ côi: Hướng tới học sinh cấp 3 trước!
Thông tin thêm về trường hợp doanh nhân Trương Gia Bình công bố nhận nuôi trẻ mồ côi vì Covid-19, ông Nam cho biết, vị doanh nhân đang hướng vào việc ưu tiên nhận các trẻ trong độ tuổi học sinh cấp ba trước.
Ở độ tuổi này, các cháu đã lớn, tự lo được việc học hành, sinh hoạt của bản thân, có thể học, rèn luyện được nhiều kỹ năng ở môi trường như trường FPT.
Về hướng giải quyết các trường hợp hơn 1.000 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ vì Covid-19, chia sẻ với PV Dân trí ngày 15/1, đại diện Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, trong sáng cùng ngày, đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM cùng với Sở LĐ-TB&XH ký kết biên bản thỏa thuận nhận đỡ đầu của tổ chức này cho hơn 20 trẻ mồ côi cha, mẹ vì Covid-19.
Theo đại diện của Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, hiện có rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đứng ra nhận đỡ đầu, hỗ trợ tiền, chu cấp cho các trẻ mồ côi hoặc nhận nuôi các trẻ em. Về thủ tục, cơ quan chức năng có trách nhiệm hoàn tất sớm nhất, thuận tiện và tốt nhất để bảo vệ lợi ích cao nhất cho các trẻ.