Nghệ An:

Nhiều băn khoăn trong thực hiện hỗ trợ nhóm lao động tự do

Hoàng Lam

(Dân trí) - Tỉnh Nghệ An đã trích gần 6 tỷ đồng hỗ trợ cho nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc hỗ trợ nhóm lao động này.

Gần 4.000 lao động tự do được hỗ trợ

Tính đến ngày 14/10, tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ cho 3.964 lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 22 của UBND tỉnh Nghệ An.

Tỉnh này đã tạm ứng ngân sách cấp tỉnh và nguồn kinh phí dự phòng ngân sách cấp huyện, cấp xã số tiền 5 tỷ 946 triệu đồng để chi trả hỗ trợ cho các lao động nói trên.

Nhiều băn khoăn trong thực hiện hỗ trợ nhóm lao động tự do - 1

Tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định hỗ trợ cho gần 4.000 lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP (Ảnh: Hoàng Lam).

Trong đó thành phố Vinh là địa phương có số lao động tự do được hỗ trợ nhiều nhất với 2.227 người, số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Tiếp đó là các huyện Thanh Chương (535 lao động), Yên Thành (385 lao động), Anh Sơn (147 lao động)... Một số địa phương như: Thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu đang tiếp tục được soát xét, thẩm định để trình UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ.

Những lao động không có giao kết hợp đồng lao động được hỗ trợ gồm: Người làm công việc thu gom rác, phế liệu; bốc vác; vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ, môtô 2 bánh, xe xích lô, xe ba gác, xe đẩy tại các chợ, nhà ga, cảng sông, cảng biển, cảng hàng không, bến xe; xe ôm, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; bán báo lưu động, đánh giày.

Nhiều băn khoăn trong thực hiện hỗ trợ nhóm lao động tự do - 2

Bà Phan Thị An băn khoăn lao động trên 60 tuổi có được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 hay không?

Người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (xoa bóp y học, châm cứu), cơ sở làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, nail); bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; lái ôtô dịch vụ, phụ ôtô chở khách; thợ hồ, thợ xây.

Ngoài ra người làm công việc thuộc một số dịch vụ gồm: Quán bar, karaoke, vũ trường, xông hơi, massage, spa, phòng tập gym, yoga, bi-a, dịch vụ trò chơi điện tử, điểm truy cập Internet… cũng thuộc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh Nghệ An.

Còn nhiều băn khoăn

Tiêu chí, đối tượng, nhóm ngành nghề được hỗ trợ đã quy định cụ thể tại Quyết định 22 của UBND tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thẩm định các điều kiện.

Theo bà Cao Thị Hiền - cán bộ lao động, chính sách xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu), trên địa bàn có nhiều lao động hành nghề thợ xây. Tuy nhiên, phạm vi hành nghề của họ rộng, không bó hẹp trên địa bàn. Do vậy, việc xác nhận đây là công việc đưa lại thu nhập chính cho gia đình không hề đơn giản.

Nhiều băn khoăn trong thực hiện hỗ trợ nhóm lao động tự do - 3

Ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An: Sở đã nhận được các ý kiến, đề xuất từ các địa phương về một số nhóm lao động tự do không có trong Quyết định 22 của UBND tỉnh (Ảnh: Hoàng Lam).

"Chúng tôi không thể đến từng địa điểm để xác nhận tính chính xác về thông tin lao động kê khai trong đơn đề nghị hỗ trợ, trong khi đó, theo quy định không được đưa ra các "giấy phép con" gây khó khăn cho lao động. Để đảm bảo tính chính xác, tránh hành vi trục lợi nên chăng phải có thêm một bước xác thực từ chủ thầu hoặc người đứng đầu nhóm thợ về thời gian, địa điểm làm việc của thợ xây, thợ hồ?", bà Hiền đề xuất.

Bà Phan Thị An, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành, băn khoăn: "Theo các quy định tại Luật Lao động thì độ tuổi lao động được quy định từ 15-60 tuổi. Trên thực tế nhiều lao động tự do đang hành nghề để nuôi sống bản thân và gia đình lại đang vượt quá 60 tuổi. Vậy họ có thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 hay không?".

Nhiều băn khoăn trong thực hiện hỗ trợ nhóm lao động tự do - 4

Nhóm tài xế lái xe điện phục vụ khách du lịch tại thị xã Cửa Lò bị dừng hoạt động, mất thu nhập nhưng không được hỗ trợ (Ảnh: Đ.Anh).

Tại thị xã Cửa Lò có khoảng 600 người hành nghề lái xe điện phục vụ khách du lịch. Khi dịch Covid-19 xảy ra, nhóm lao động này bị ảnh hưởng đầu tiên do ngành du lịch bị "đóng băng", thời gian bị mất thu nhập kéo dài trong khi đó đây là thu nhập chính của gia đình khi đã đầu tư số tiền không nhỏ để mua xe.

"Những người lái xe điện không thuộc nhóm lao động ngành du lịch được hỗ trợ theo Nghị quyết 68, cũng không có trong nhóm đối tượng được quy định tại Quyết định 22 của UBND tỉnh Nghệ An. Nhóm người làm nghề thợ ảnh cũng tương tự. Chúng tôi đã đề xuất đưa nhóm lao động này vào diện được nhận hỗ trợ", ông Phan Văn Minh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Cửa Lò, cho biết.

Nhiều băn khoăn trong thực hiện hỗ trợ nhóm lao động tự do - 5

Thợ hồ, thợ xây được hỗ trợ nhưng nhóm thợ cơ khí cũng bị ảnh hưởng do dịch Covidd-19 lại không được hỗ trợ khiến nhiều người băn khoăn, chạnh lòng (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đánh giá Nghị quyết 68 và Quyết định 22 so với các quy định trước đó đã bao quát hơn về số lao động và nhóm ngành nghề được hỗ trợ. Cụ thể, có 9 nhóm ngành tương ứng với 36 nhóm công việc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hỗ trợ. Trong khi đó, các quy định cũ chỉ có 5 nhóm ngành và 15 nhóm công việc được hỗ trợ.

"Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa bao quát hết đối tượng, một số nhóm ngành không được đưa vào. Sở đã nhận được nhiều ý kiến, đề xuất từ các địa phương và đang tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nhóm đối tượng lao động tự do được hỗ trợ khi Chính phủ có sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68", ông Bùi Văn Hưng thông tin.