Vụ nhà nứt ở TPHCM: Có người định mang xi măng trám, không cần biết lún nứt
(Dân trí) - Chuyên gia Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TPHCM nhận định, việc thi công đã ảnh hưởng đến kết cấu nền móng nhà dân, dù đã ngừng thi công nhưng vẫn có thể gây ra sự đứt gãy đất và nhà.
Theo lịch hẹn của chủ đầu tư và nhà thầu Dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 thi công bên dưới đường 18 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) làm nứt nhà dân, ngày 2/10 sẽ có đoàn đi kiểm tra hiện trạng, ghi nhận và đề xuất biện pháp.
Chiều cùng ngày, hai công nhân đã đến xem xét sửa chữa. Tuy nhiên, các hộ dân không tiếp, vì không đúng thành phần đoàn kiểm tra đã thống nhất trong buổi làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu và lãnh đạo UBND phường An Khánh ngày 28/9.
"Và nhất là khi biết họ định mang xi măng để trám các vết nứt, không cần biết nhà lún nứt ra sao, kết cấu bị biến dạng thế nào, chúng tôi hoàn toàn không đồng ý phương án khắc phục đó của đơn vị thi công", đại diện người dân đường 18 thuật lại với phóng viên Dân trí.
Hiện nay, nhà dân bị đã bị lún 5-7cm, vết nứt ngày càng xuất hiện nhiều vị trí hơn, gạch ngói rơi xuống, khung nhà bị biến dạng.
Nguyên nhân sụt lún từ đâu?
Một kiến trúc sư xây dựng từ Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TPHCM cho biết, phương án trám các vết nứt mà đơn vị thi công định làm cho nhà dân chiều 2/10, là "không có ý nghĩa" gì.
Vì sự đứt gãy đã ảnh hưởng toàn bộ phần móng đỡ ngôi nhà, không khắc phục chỗ đó thì có trám bao nhiêu ở bên ngoài thì vẫn sẽ nứt tiếp.
Chủ đầu tư dự án đào cống ngầm cho biết, đơn vị đã khảo sát địa chất khu vực trước khi thi công, nhưng tại một số vị trí địa chất có thể không ổn định, do đó dẫn đến tác động trên.
"Vậy sau khi khảo sát thăm dò, liệu họ đã xem xét toàn bộ hiện trạng nhà ở của người dân (loại móng gì, kết cấu thế nào…) không chỉ dưới đất nơi thi công, rồi đó lập ra được phương án thi công phù hợp?", vị kiến trúc sư đặt câu hỏi.
Theo giải thích của chuyên gia, khi khoét đào làm rỗng một khoảng dưới đất, kể cả đã bơm chất làm cứng thành vách, thì trong quá trình thi công có những phần đất xung quanh vẫn có thể bị mất áp suất mà tụt xuống ít nhiều, kéo theo nhà cửa xung quanh.
"Nhà làm móng bê tông cốt thép mới trụ nổi. Còn móng cừ tràm của đa số nhà trên đường 18 đó, với khối lượng đất đá bị hút lên sâu cả đoạn đường dài, cùng xung lực do robot đào đường phát ra, thì khó tránh khỏi bị siêu vẹo, chuyển vị", vị KTS nhận định.
KTS nói thêm, hệ thống giằng móng, đà kiềng có tác dụng đỡ toàn bộ khối công trình, nó hoạt động dạng như con lật đật dù có bị xô dịch thì vẫn tạo thăng bằng để giữ công trình ở trên liền khối.
Khi có hiện tượng nứt đổ, chứng tỏ hệ thống móng đã bị ảnh hưởng, có phần đứng được, phần đứng không được sẽ gây ra hiện tượng xé, đứt, gãy. Nhìn hiện trạng các căn nhà nứt toác, chuyên gia khẳng định "nhìn vết nứt là biết độ lún đang không đều nhau".
Chuyên gia nêu một giải pháp cần làm trước khi đào đường: Với hiện trạng nhà cửa nền móng yếu, cần thiết phải đóng kè gia cố dọc 2 bên tuyến đường thi công, để giữ vững phần đất của khu vực móng nhà trong quá trình thi công.
"Đất quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức) là một trong những khu vực nền đất yếu của thành phố, ngay cả trong một quận cũng có chỗ yếu chỗ chắc, kết cấu khác nhau. Cộng với tác động môi trường xung quanh, rung chấn của máy móc, nếu khảo sát không kỹ thì rủi ro vẫn xảy ra", chuyên gia khẳng định.
Bên cạnh đó, sau khi thi công, đơn vị kỹ thuật cần theo dõi hiện trạng, xem chất làm cứng thành vách đã đủ cứng hay chưa. Vì khi mới hoàn thành có khả năng chất đó chưa đủ cứng, chưa đáp ứng chịu được áp lực địa chất ở nơi đó, thì vẫn có khả năng xảy ra sụt lún. Và nếu chất đó đã cứng rồi, thì chủ đầu tư và đơn vị thầu phải khắc phục cho các công trình nhà dân.
Chuyên gia nhìn nhận sự cố trên đến từ việc chủ đầu tư và nhà thầu chưa khảo sát tổng thể, thể hiện mức độ chưa được quan tâm đúng mức đối với dự án hạ tầng này và môi trường xung quanh.
"Dù là dự án lớn của thành phố, ít nhất vẫn phải thông báo cho người dân, để họ chuẩn bị sẵn tình huống xảy ra. Nhưng đúng ra, đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm với cả nhà dân chứ không chỉ riêng công trình phụ trách", chuyên gia Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TPHCM nhấn mạnh.
Tạm ngưng thi công
Theo chủ đầu tư, công trình khoan ngầm thuộc Dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2. Hoạt động khoan bắt đầu từ ngày 22/9, đến đêm 27 rạng 28/9 thì khoan đến đường Trần Não, đi dưới đường số 18 nối đường Lương Định Của và Trần Não.
Hệ thống cống được đặt sâu dưới lòng đất 10-19m, đường kính cống 3,2m, mỗi đốt cống dày 36cm và nặng khoảng 35 tấn. Các đốt cống được làm từ xi măng bền sunfat (chống bị ăn mòn) và bêtông mác cao (khả năng chịu nén cao). Bên trong cống sơn nhựa PE chống thấm màu đen.
Các đốt cống được đưa xuống lòng đất thông qua các giếng "khổng lồ" có đường kính 11m, sâu 19-27m, kết cấu thành giếng bằng xi măng sunfat. Sau khi hoàn thành dự án, các giếng được đậy lại trả mặt bằng như ban đầu. Toàn bộ dự án có 21 giếng.
Việc khoan kích ngầm dưới lòng đường được đơn vị thi công sử dụng robot khoan, vừa thực hiện vừa bơm hút bùn đất đồng thời bơm chất gia cố làm cứng thành vách tránh sụt lún. "Hoạt động của máy khoan đã tạo ra sự xung chấn cho nền đất khu vực", đại diện chủ đầu tư giải thích thêm.
Hình ảnh bên trong đường cống ngầm và miệng giếng đưa các đốt cống xuống, thuộc Dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 (Ảnh tư liệu).
Dự án từng là mang đến sự phấn khởi cho người dân thành phố, vì có mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và TP Thủ Đức; cải thiện chỉnh trang đô thị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe người dân TPHCM, khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và hạ lưu sông Đồng Nai. Nhưng trong quá trình thi công dự án đã xảy ra sự cố trên.
Sáng 3/10, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã có công văn gửi Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức, Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (Ban Hạ tầng - chủ đầu tư) về việc tạm ngưng thi công gói thầu XL-07 thuộc Dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2.
Theo đó, Sở GTVT đề nghị Ban Hạ tầng tạm ngưng thi công trong phạm vi toàn bộ khu vực nhà người dân bị ảnh hưởng trên đường số 18 cho đến khi xác định cụ thể nguyên nhân gây ra nứt lún.
Đồng thời, chủ đầu tư cần chỉ đạo nhà thầu thu hẹp phạm vi rào chắn tại các hố khoan trên đường Trần Não và đường Lương Định Của. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí rào chắn trên hai đường này.
Sở GTVT đề nghị Ban Hạ tầng phải chủ động báo cáo Sở Xây dựng để rà soát, đánh giá cụ thể quá trình triển khai thi công khoan kích ngầm dưới lòng đường số 18 nhằm xác định rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng hư hỏng nhà dân; từ đó phối hợp UBND TP Thủ Đức tiến hành sửa chữa, khắc phục các hư hỏng kết cấu nhà dân.
Sở GTVT cũng đề nghị UBND TP Thủ Đức chính thức lắp đặt khung sắt hạn chế chiều cao nhằm hạn chế các loại xe có tải trọng lớn lưu thông qua đường số 18. Trước đó, UBND phường An Khánh đã lắp đặt khung chắn này vào ngày 28/9 sau phản ánh của người dân.
Dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 có kế hoạch thực hiện từ 2015 đến tháng 6/2024, với tổng vốn đầu tư hơn 11.114 tỷ đồng. Với chiều dài gần 8km, đây là tuyến cống ngầm lớn nhất TPHCM tính đến hiện tại.
Dự án gồm 2 hạng mục chính: Thi công tuyến cống bao nhằm chuyển nước thải từ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và TP Thủ Đức (khu quận 2 cũ) tới khu vực dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải; Thi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) với công suất 480.000m3/ngày.