Nhà cửa nứt toác trong đêm ở TPHCM
(Dân trí) - Hơn chục căn nhà cạnh dự án mở rộng đường Lương Định Của (phường An Khánh, TP Thủ Đức) chỉ trong vài ngày đã sụt lún vài cm, tường nhà toác ra đến nỗi ánh sáng bên ngoài lọt qua khe nứt vào trong.
Đêm 23/9, tiếng "rạc rạc" phát ra từ tầng dưới xưởng ô tô trên đường số 18 (phường An Khánh, TP Thủ Đức), được nhóm nhân viên nghe thấy. Cùng thời điểm, người trong nhà số 7 và 9 (đối diện nhau trên đường này) cũng nghe tiếng động tương tự.
Trải qua một đêm, sáng hôm sau, người dân phát hiện nhiều căn nhà trên tuyến đường có hiện tượng nứt tường, vỡ gạch, hai nhà liền kề tách toạc, nghiêng ngả.
Họ phỏng đoán, nguyên nhân gây ra sự cố trên đến từ việc thi công công trình ngầm bên dưới con đường. Lãnh đạo phường An Khánh, đại diện đơn vị thầu và chủ đầu tư đã xác nhận nguyên nhân này.
Nứt lún hơn 1cm trong một đêm
Sáng 24/9, chị Thanh (người dân đường 18) bỗng dưng không mở được cổng để đi chợ, khớp khóa ở hai cánh cổng kẹt khít vào nhau, phải thuê thợ thay ổ khóa. Nhưng đến sáng 25/9, người nhà chị Thanh tiếp tục không mở được cổng. Lúc này, một cánh cổng bị xệ xuống, lệch so với cánh còn lại. Và vợ chồng chị Thanh phát hiện vết nứt trên tường nơi gắn cánh cổng.
Khoảng 22h tối 25/9, gia đình chị Thanh đang nằm trên giường coi ti vi thì có cảm giác chao nhẹ. Hôm sau chị này hỏi các hàng xóm, họ đều kể lại cảm giác giống nhau. "Nghi ngờ có động đất, chúng tôi quyết định báo sự việc lên chính quyền", chị Thanh thuật lại.
Trong hai ngày này, có 3 căn nhà trên đường 18 cũng không mở được cổng như tình trạng trên. "Tối thứ 7 (23/9) đã thấy kẹt, sáng chủ nhật tôi ra phải đạp mạnh vào cổng mới mở được, lúc mở ra kêu két két và cánh xệ xuống, trong khi hôm trước vẫn mở ra đóng vào trơn tru", gia chủ cách nhà chị Thanh 2 căn phản ánh.
"Nhà tôi thiết kế cho nước chảy vào ống cống bên trong nhà, sau khi xảy ra nứt lún, nước chảy ngược ra ngoài đường", chủ nhà bán cơm ở đây mô tả sự dịch chuyển "nghiêng ngả" của công trình nhà ở trên đường 18.
Ông Trần Quang Liêm (người dân) là kiến trúc sư xây dựng có thâm niên hơn 40 năm, sinh sống lâu năm tại con đường này. Ông Liêm cho biết, ngôi nhà 4 tầng của ông được xây chưa đầy 3 năm và kiên cố, thế nhưng người trong nhà cũng cảm nhận được sự rung và nứt gãy tối 23/9.
"Trước đây tôi đã yêu cầu đặt móng bê tông đến 28m, nhưng chỉ đóng được hết nấc 24m. Nhà tôi kiên cố nên không bị nứt vỡ như hàng xóm, nhưng căn nhà liền kề bị tách khỏi nhà tôi, mỗi ngày nghiêng ra một chút", ông Liêm chia sẻ với phóng viên.
Với kinh nghiệm nghề nghiệp, ngay khi nhìn thấy vết tách rời giữa hai căn nhà, ông Liêm đã đánh dấu lên tường để theo dõi mức độ xô xệch.
Kiến trúc sư này cũng thông tin thêm, trong cả quá trình xây dựng một công trình nhà ở dân dụng có thể xảy ra độ lún 8cm.
"Nhưng nếu mỗi ngày lún 1cm thế này thì quả thật tôi rất hoang mang. Theo tôi tính toán toàn bộ nhà có khả năng bị lún đến 5cm trong vài ngày. Thực sự nguy hiểm", chủ căn nhà 4 tầng lên tiếng.
Trong khi đó, phóng viên Dân trí hỏi các hộ dân về thời gian tồn tại của các căn nhà, được biết nhà ở đây đều có nền móng được xây dựng cách đây vài chục năm, khi đó đều dùng móng cừ tràm, sâu dưới đất đến khoảng 5m, không kiên cố như nhà ông Liêm. Do đó, sự nứt gãy trong vài ngày qua trở thành nỗi lo "mất ăn mất ngủ" của người dân trên con đường.
Đơn vị thầu và chủ đầu tư sáng 26/9 đã cho đặt mốc để quan trắc kiểm tra. Đến chiều 27/9 ghi nhận độ lún trung bình 1,2-1,3cm. Sáng 28/9, mức độ lún tăng thêm với con số trung bình 0,6cm trên đường 18.
"Sợ nếu còn tiếp tục nứt gãy, khéo tính đến việc phải bỏ nhà bỏ cửa", những người dân đều lên tiếng.
Họ bày tỏ, những căn nhà đều là nơi gắn bó mấy chục năm nay, từ lúc nhà cấp 4 ẩm thấp, tích lũy bao năm mới xây khang trang như hiện tại. Đây cũng là những tài sản "truyền đời" để lại cho con cháu, do đó họ lo lắng nếu một ngày nhà sập xuống.
Đơn vị thi công nhận trách nhiệm
Ngay khi nhận được phản ánh của người dân, UBND phường An Khánh đã mời đơn vị thầu công trình (Công ty CP xây dựng đê kè và PTNT Hải Dương) và chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM đến kiểm tra.
Theo chủ đầu tư, công trình khoan ngầm thuộc Dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2. Hoạt động khoan bắt đầu từ ngày 22/9, đến đêm 27 rạng 28/9 thì khoan đến đường Trần Não, đi dưới đường số 18 nối đường Lương Định Của và Trần Não.
"Chúng tôi sử dụng robot khoan dưới lòng đất ở độ sâu 25m, thực hiện vừa bơm hút bùn đất đồng thời bơm chất gia cố làm cứng thành vách tránh sụt lún. Hoạt động của máy khoan tạo ra sự xung chấn cho nền đất khu vực", đại diện chủ đầu tư giải thích.
Vị này nói thêm, đơn vị đã khảo sát địa chất khu vực trước khi thi công, nhưng tại một số vị trí địa chất có thể không ổn định, do đó dẫn đến tác động trên.
"Hiện công trình tại vị trí nhà dân nói trên đã thi công xong. Giờ đây robot khoan không hoạt động, sự xung chấn mạnh đã không còn, tình trạng không còn nguy kịch", đại diện chủ đầu tư nói.
Đại diện cư dân, kiến trúc sư xây dựng Trần Quang Liêm, nêu phản hồi: Đất quận 2 (cũ, nay là TP Thủ Đức) là "đất không chân" (nền đất yếu), kể cả thi công đã bơm chất gia cố làm cứng thành vách, công nghệ thi công có hiện đại cỡ nào thì vẫn tác động đến địa chất và có khả năng xảy ra rủi ro tụt đất.
Do đó, người dân muốn mời một đơn vị kiểm định quan trắc công trình để đo lún, lệch mỗi ngày, ghi nhận nếu có sự chuyển vị thì phải khắc phục ngay.
"Chúng tôi cần một bên thứ ba không phải đơn vị thi công và chủ đầu tư đến kiểm định cho khách quan. Từ kết quả đó, các vị cùng nhau tính toán khắc phục toàn bộ công trình trên tuyến đường gồm đường đi, hệ thống cống rãnh, nhà ở để đảm bảo an toàn lâu dài cho người dân", chủ nhà số 10 đề nghị.
Với quyền hạn của mình, chủ đầu tư và nhà thầu thi công cam kết trách nhiệm, mong muốn khắc phục từng nhà, mặt đường, ống cống bị ảnh hưởng do thi công dự án và trấn an người dân.
Trước hết, đơn vị sẽ hỗ trợ ngay việc sửa chữa những cánh cổng, cửa không mở được ở từng nhà để đảm bảo an ninh cho người dân.
Kể từ buổi làm việc với người dân tại UBND phường An Khánh ngày 28/9, đơn vị vẫn theo dõi, quan trắc và trực tiếp xử lý những điểm nứt gãy trên con đường. Chậm nhất đến ngày 2/10 sẽ có kết quả quan trắc. Sau đó, đơn vị thầu đề xuất theo dõi thêm 1-2 tháng cho đến khi ổn định không còn nứt gãy.
Bên cạnh đó, người dân lo sợ xe lớn chạy trên đường 18 cộng hưởng với sự sụt lún mấy ngày qua sẽ càng làm nền đất yếu nên đã kiến nghị UBND phường An Khánh có biện pháp chặn xe. Sáng 28/9, một thanh chắn khống chế chiều cao xe tải hơn 2,5 tấn đã được dựng lên.
Đường 18 cấm xe tải hơn 2,5 tấn do Sở Giao thông Vận tải TPHCM đặt biển báo từ lâu. Tuy nhiên, người dân phản ánh, mỗi đêm nhiều xe tải lớn vẫn cố tình "đi tắt" vào con đường này để rút ngắn vài chục mét.
Lãnh đạo phường An Khánh khuyến cáo, trong khi chờ đơn vị thầu và chủ đầu tư công trình kiểm tra và đưa ra kết quả quan trắc, bà con nên tạm di dời để tránh rủi ro và bất an.
Đơn vị thi công và chủ đầu tư cũng đồng ý hỗ trợ kinh phí cho bà con di dời đến nơi ở khác trong vài ngày thực hiện kiểm tra (từ 28/9 đến hết 1/10).
Đại diện nhà thầu và chủ đầu tư cũng nói thêm, đây là sự cố không mong muốn. Công trình lớn của TPHCM này sau khi hoàn thành sẽ được nghiệm thu và bảo hành 2 năm nữa, rồi giao Trung tâm Hạ tầng đô thị TP Thủ Đức quản lý.
"Chúng tôi vẫn có trách nhiệm với dự án tại khu vực này trong thời gian nói trên. Trước mắt công tác theo dõi quan trắc khắc phục sẽ do chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện. Sau khi chủ đầu tư kiểm định xong, từ kết quả mới sẽ tính toán mời đơn vị kiểm định thứ ba đến làm việc theo đề nghị của người dân", đại diện chủ đầu tư khẳng định với người dân và chính quyền địa phương.
UBND phường An Khánh đã ghi nhận gần 15 căn hộ trên đường 18 bị ảnh hưởng để hỗ trợ sửa chữa.
Hồi giữa tháng 8, ở quận 8 cũng xảy ra trường hợp nhà nứt toác do thi công đóng cọc bờ kè ở bến Phú Định, khiến hơn 50 nhà dân bị nứt, đứt gãy, sụp lún do rung chấn.