DNews

Rừng Sóc Sơn bị "xẻ thịt": Có vụ từ trước năm 2000 giờ đã xử lý được đâu!

Hà Mỹ

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã 6 lần đề nghị UBND huyện Sóc Sơn xử lý dứt điểm các vi phạm trên đất rừng. Nhưng 6 tháng qua, địa phương vẫn phát sinh 59 vi phạm.

Rừng Sóc Sơn bị "xẻ thịt": Có vụ từ trước năm 2000 giờ đã xử lý được đâu!

Trao đổi với phóng viên Dân trí về những bất cập xung quanh việc quản lý đất rừng phòng hộ và đặc dụng ở địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội), ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, khẳng định việc vi phạm trật tự xây dựng là chắc chắn có. Khi phát hiện, Chi cục phối hợp với xã lập biên bản, sau đó trình lên huyện để xử lý.

Từ đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã ban hành 6 văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, xã xử lý dứt điểm các vi phạm. Nhưng trong 6 tháng qua, Chi cục Kiểm lâm vẫn phải lập biên bản với 59 vụ vi phạm phát sinh. 

Ủi đất ra tận giữa hồ để làm công trình

Về các sai phạm liên quan đất rừng, ông Tuyên cho rằng một số người dân ở Sóc Sơn đang hiểu lầm về nguyên tắc. Đó là Nhà nước giao đất cho các tổ chức, cá nhân để sản xuất lâm nghiệp và trồng rừng thì người dân bắt buộc phải làm công tác này. Nếu không trồng rừng nữa, người dân phải trả lại cho Nhà nước, không được phép sử dụng trái mục đích.

"Nếu người dân không trồng rừng mà lại chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc mua bán đất được giao, thì giao dịch này là bất hợp pháp. Vì người dân không được mua bán đất, mà chỉ được mua bán tài sản trên đất. Người bán nhầm, người mua cũng nhầm, còn chính quyền làm sai thì phải chịu", ông Tuyên nói.

Rừng Sóc Sơn bị xẻ thịt: Có vụ từ trước năm 2000 giờ đã xử lý được đâu! - 1

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết còn nhiều vướng mắc xoay quanh những vi phạm về trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn (Ảnh: Hà Mỹ).

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng cho biết, theo quy hoạch, xã Minh Trí và Minh Phú nằm trong diện tích rừng phòng hộ. Sau khi thành phố giao cho huyện rà soát và đặc biệt là sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, chính quyền mới phát hiện có quy hoạch trùng lên phần đất ở của một số thôn.

Về trách nhiệm quản lý, ông Tuyên thông tin trước đó, huyện Sóc Sơn quản lý 2.300ha rừng. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, huyện phải bàn giao toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ của thành phố.

Nhưng đến nay, địa phương mới bàn giao 1.150ha, còn lại 1.200ha huyện chưa xử lý được các tồn tại về đất đai, trật tự xây dựng nên chưa thể bàn giao.

Về các vi phạm xung quanh hồ Đồng Đò và hồ Ban Tiện, ông Tuyên cho biết hầu hết diện tích đất ở đây do huyện quản lý; chỉ một phần thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; một phần nhỏ khác là đất thủy lợi.

"Quanh dẻo đất ở hồ Đồng Đò đang xây dựng trái phép rất nhiều, có cả công trình người dân ủi đất ra giữa hồ, mọc lù lù lên đó nhưng phần đất này do thủy lợi quản lý. Vì vậy, phải rà soát để cắm mốc giới các khu vực này", ông Tuyên nói. 

Rừng Sóc Sơn bị xẻ thịt: Có vụ từ trước năm 2000 giờ đã xử lý được đâu! - 3

Nhiều công trình đồ sộ như tòa lâu đài mọc lên giữa rừng Sóc Sơn (Ảnh: Thành Đông)

Lý giải về những sai phạm trật tự xây dựng trên đất rừng Sóc Sơn, ông Tuyên cho rằng nhiều sai phạm do lịch sử để lại.

Trước năm 2000, địa phương từng giao cho mỗi hộ 5-10km2 để làm kinh tế hộ gia đình, chăn nuôi, trồng trọt, đào ao, thả cá… Những hộ này cũng được cấp thêm phần đất để làm nhà tạm, trông coi khu đất. Sau này, người dân đã lợi dụng quy định để xây dựng công trình kiên cố.

"Ở góc độ quản lý, kiểm lâm đã lập biên bản hết với những công trình xây trái phép. Tôi khẳng định như vậy. Kể cả hoạt động san ủi, chúng tôi cũng lập biên bản và đề nghị chính quyền xã xử lý. Vừa qua, chúng tôi tập hợp mấy chục biên bản để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị huyện xử lý các công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp", ông Tuyên nói.

Theo ông, có nhiều trường hợp khi kiểm lâm đến lập biên bản thì bị phản ứng vì người dân cho rằng "không đúng thẩm quyền". Nhưng theo quy định, bất kỳ hoạt động xâm phạm đất lâm nghiệp nào kiểm lâm cũng phải lập biên bản, đề nghị chính quyền địa phương xử lý.

Có người dân đốt rừng khi công trình bị cưỡng chế

Để giải quyết tồn tại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho rằng khó thu hồi những diện tích đất đã vi phạm vì các sai phạm này đều do lịch sử để lại.

Vì vậy, ông đề xuất sau khi có quy hoạch điều chỉnh đất rừng phòng hộ, những hộ vẫn nằm trong quy hoạch rừng sẽ đưa ra đấu giá vì đây được coi là tài sản công hoặc cho thuê môi trường rừng.

Đối với khu vực đất lâm nghiệp, ông Tuyên nêu quan điểm người dân vẫn phải trồng rừng và phát triển du lịch sinh thái theo hướng không được phá vỡ môi trường. Trong đó, ưu tiên người dân có sẵn công trình ở đó, người dân tiếp tục kinh doanh và Nhà nước thu tiền kinh doanh dịch vụ. Nếu không đồng ý, người dân buộc phải dỡ bỏ công trình.

"Không có bài toán nào không có lời giải cả", ông Tuyên khẳng định.

Rừng Sóc Sơn bị xẻ thịt: Có vụ từ trước năm 2000 giờ đã xử lý được đâu! - 5

Ven hồ Đồng Đò mọc lên hàng loạt khu nghỉ dưỡng, trong đó một số công trình lấn ra tận mép hồ (Ảnh: Thành Đông).

Với những khu vực có diện tích lớn thuộc đất rừng như khu vực thôn Minh Tân (xã Minh Phú), ông Tuyên cho biết không có cơ sở khẳng định 100% công trình ở đây sai phạm. Do đó, chính quyền cần rà soát kỹ, phân định phần đất ở và đất rừng để bóc tách, từ đó đưa ra phương án xử lý.

Ông Tuyên cũng mong muốn UBND huyện Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ rà soát để cắm mốc ranh giới và xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép trên đất rừng theo đúng quy định.

"Không giải quyết được mấu chốt này thì muôn thuở không bao giờ xử lý dứt điểm được, mệt cả người dân và mệt cả chính quyền. Có những việc xảy ra trước năm 2000 nhưng đến giờ đã giải quyết được đâu. Chúng tôi rất vất vả", ông Tuyên nói.

Theo ông, hoạt động xây dựng trên khu vực huyện Sóc Sơn hầu hết là tự phát, tiền vào túi tư nhân trong khi kinh doanh du lịch nhưng Nhà nước không quản lý. Trong khi đó, nếu có quy hoạch phân định các khu vực làm sinh thái, phát triển nông lâm nghiệp kết hợp thì sẽ rõ ràng hơn, "chính quyền cũng sẽ nhàn không bị sai phạm nữa".

Ở góc độ chuyên môn, ông Tuyên khuyến cáo người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ trên phần đất rừng được giao, không để hiện tượng phá rừng, mất rừng hoặc cháy rừng. Ông nêu thực tế nhiều người dân coi phần đất đó như tài sản của mình nên đã có hành động đốt rừng khi bị cưỡng chế.

"Tôi đang đề nghị công an lập chuyên án. Qua các năm theo dõi, không thể có chuyện một buổi tối cháy 3 điểm, đó là điều bất thường. Khi hỏi thì hóa ra người dân phản ứng vì công trình sai phạm bị cưỡng chế", Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thông tin.