1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xử lý các công trình lấn chiếm đất rừng Sóc Sơn như thế nào?

Hà Mỹ

(Dân trí) - Theo UBND huyện Sóc Sơn, các công trình vi phạm lấn chiếm đất rừng sẽ bị phá dỡ. Riêng với 36 vi phạm tồn đọng từ năm 2019 đến nay, địa phương sẽ xem xét sau khi điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ.

Gần một tuần sau khi xảy ra sự cố sạt lở ở ven hồ Ban Tiện (thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khiến nhiều ô tô bị vùi trong đất đá, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết quanh khu vực này tồn tại các công trình vi phạm trật tự xây dựng vì nằm trong quy hoạch đất rừng.

Nhưng không chỉ riêng điểm sạt này, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã phát sinh hàng chục công trình vi phạm khác trên đất rừng, kể từ sau khi có kết luận của Thanh tra Hà Nội năm 2019. 

Xử lý các công trình lấn chiếm đất rừng Sóc Sơn như thế nào? - 1

Xung quanh điểm sạt lở ở hồ Ban Tiện hôm 4/8 có nhiều khu nghỉ dưỡng, homestay đã hoàn thiện và đi vào hoạt động (Ảnh: Thành Đông).

Theo thống kê của UBND huyện Sóc Sơn, trong 6 tháng đầu năm, địa phương ghi nhận 159 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng phát sinh và phải lập hồ sơ xử lý. 

Trong số này, 25 công trình vi phạm khi xây dựng trên đất lâm nghiệp và 14 vi phạm đất đai liên quan đất rừng. Còn lại là các vi phạm xây không phép, sai phép hoặc sai mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất công...

Chính quyền huyện Sóc Sơn đã xử lý 109 trường hợp liên quan các vi phạm trên. Với 40 công trình khác, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết đang tiếp tục xử lý. 

Theo đó, các công trình vi phạm lấn chiếm đất rừng sẽ bị phá dỡ. Trong hai năm (2022-2023), riêng địa bàn xã Minh Trí đã xử lý gần 30 trường hợp. Huyện Sóc Sơn cũng đã chỉ đạo ra quân phá dỡ gần 270 lều nhỏ nằm trong rừng. 

Xử lý các công trình lấn chiếm đất rừng Sóc Sơn như thế nào? - 2

Bên trái đoạn dốc bị sạt lở nhận diện được nhiều khoảng đất phân lô, trơ trọi, có thể đang được cải tạo để xây dựng tiếp (Ảnh: Thành Đông).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc, trong 6 tháng qua, 3 phó chủ tịch xã Minh Trí, Nam Sơn và Mai Đình đã bị tạm đình chỉ do liên quan đến công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Địa phương đang tiếp tục rà soát các vi phạm này. 

"Việc phát hiện vi phạm phải đi từ cơ sở cấp xã, vì vẫn có những trường hợp vi phạm nhưng xã giấu, huyện không biết. Việc này cũng phức tạp nên cần làm từng bước", lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết.

Trước đó vào năm 2019, Thanh tra Hà Nội ban hành hai kết luận thanh tra về đất rừng ở huyện Sóc Sơn và chỉ ra hàng nghìn trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, chủ yếu là vi phạm đất rừng. Riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven các hồ lớn tồn tại gần 800 công trình vi phạm. 

Trong số đó, 76 trường hợp vi phạm đất rừng ở ven hồ quanh xã Minh Phú và Minh Trí bị đề nghị phá dỡ. Tháng 8/2020, sau khi địa phương xử lý được 40 trường hợp, Thanh tra Chính phủ yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để địa phương tập trung điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ. Do đó, các trường hợp còn lại chưa xử lý. 

Hiện, Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện được giao chủ trì rà soát, điều tra hiện trạng đất rừng, làm cơ sở để báo cáo thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch. 

Theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn, sau khi đã có quy hoạch điều chỉnh, công trình nào phù hợp sẽ được giữ lại và chính quyền sẽ cấp giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho người dân. Còn lại, trường hợp nào không phù hợp sẽ bị xử lý. 

Trước đó, khoảng 10h30 ngày 4/8, khoảng 10 chiếc ô tô đỗ ở tuyến đường bê tông tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, bị bùn đất vùi lấp. Thời điểm xảy ra sự việc, trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài. Nước mưa kéo theo bùn đất chảy từ trên cao xuống theo dọc con đường, vùi lấp hàng loạt ô tô.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc, quanh khu vực điểm sạt lở có các công trình vi phạm trật tự xây dựng vì nằm trong quy hoạch đất rừng, nhưng một số chỗ vẫn thuộc đất ở. Huyện đang rà soát để xác định rõ ranh giới đất ở và đất rừng, từ đó lập hồ sơ xử lý các hạng mục vi phạm.