Lấn chiếm đất rừng Sóc Sơn: Sai phạm cũ, hậu quả mới
(Dân trí) - GS Đặng Hùng Võ nhận định sai phạm liên quan đất rừng Sóc Sơn có từ lâu nhưng gần đây, sạt lở mới gây ra ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đây chính là hệ quả của cả một quá trình buông lỏng quản lý.
4 năm sau kết luận của Thanh tra Hà Nội về hàng nghìn trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, chủ yếu là vi phạm đất rừng ở huyện Sóc Sơn, việc lấn chiếm đất rừng để xây dựng khu nghỉ dưỡng và nhà ở tiếp tục diễn ra tại địa phương này.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ rõ "lợi ích riêng mọc lên bao nhiêu, thì lợi ích chung của toàn dân mất đi bấy nhiêu".
Theo GS Võ, vụ sạt lở vừa qua ở ven hồ Ban Tiện (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) chính là hệ quả của cả một quá trình chính quyền buông lỏng quản lý. Nhìn rộng hơn, ông đề cập đến hệ quả của việc phát triển khu nghỉ dưỡng ồ ạt trên đất rừng phòng hộ và vai trò của rừng Sóc Sơn đối với Hà Nội.
Huyện Sóc Sơn có trách nhiệm khi để sai phạm tiếp diễn
Vi phạm trật tự xây dựng liên quan việc lấn chiếm đất rừng Sóc Sơn để xây nhà ở, khu nghỉ dưỡng không phải vấn đề mới. Gần nhất là năm 2019, Thanh tra Hà Nội đã ra kết luận các công trình sai phạm và đề nghị xử lý. Theo ông, vì sao sau 4 năm, các sai phạm mới vẫn tiếp diễn còn sai phạm cũ chưa được giải quyết triệt để?
- Tôi cho rằng Hà Nội có nhiều chuyện giải quyết chưa triệt để, chứ không chỉ riêng sai phạm trong lấn chiếm đất rừng Sóc Sơn. Về nguyên nhân các sai phạm ở đây vẫn tiếp diễn, tôi không có chứng cứ trực tiếp để đưa ra lời giải thích chính xác.
Chỉ có điều, trong khi quyền lực nằm trong tay chính quyền, tư nhân vẫn lấn chiếm hoặc tìm cách làm trái pháp luật. Thế thì chỉ có một giải thích hợp lý, là có thể xuất hiện hình ảnh "phong bì" trong câu chuyện này. Chỉ có vậy thôi, còn tôi không nghĩ ra được lý do nào khác.
Nhìn rộng hơn, đây là tình trạng quản lý không đúng pháp luật. Những người cũ gây ra, không chịu quản lý thì người mới đang nắm quyền lực phải xử lý. Thế thôi, nhưng để suốt bao nhiêu năm qua không làm được.
Nhiều ý kiến cho rằng vụ việc sạt lở ở Sóc Sơn như vừa qua là "lời cảnh báo" đối với những sai phạm trên. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Câu chuyện ở Sóc Sơn đã xuất hiện từ lâu nhưng đến nay, sạt lở mới gây ra những ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đây chẳng qua là hệ quả của cả một quá trình chúng ta không quản lý. Sai phạm không mới, nhưng hệ quả là mới.
Việc lấn chiếm đất rừng Sóc Sơn thực ra đã xảy ra lâu lắm rồi. Trong đó, tôi vẫn phải nhắc đến hai trường hợp là nhà ca sĩ Mỹ Linh và khu Việt phủ Thành Chương. Hai công trình này chiếm cứ đất rừng rất lớn, nhưng có người lại tán tụng đây là công trình nghệ thuật.
Tôi chỉ nói rằng dù nó có đẹp đến đâu, cũng không thể phủ nhận hai công trình này đều đang lấn chiếm đất rừng. Lợi ích riêng mọc lên bao nhiêu, thì lợi ích chung của toàn dân mất đi bấy nhiêu.
Còn việc xử lý ở đây là câu chuyện của chính quyền. Khi đã có pháp luật, nếu chính quyền không thực thi đúng thì ai sẽ là người thực thi?
Khi trao đổi với báo chí về việc quản lý xây dựng trên địa bàn, lãnh đạo huyện Sóc Sơn nói có trường hợp sai phạm nhưng xã giấu nên huyện không biết. Ông đánh giá thế nào về vai trò của cấp huyện trong trường hợp này?
- Tôi cho rằng lãnh đạo huyện nói như thế cũng không đúng. Vì ngoài nhiệm vụ quản lý, cấp huyện còn có một nhiệm vụ nữa là thanh tra, kiểm tra. Cứ cho rằng xã "làm bậy" hoặc giấu giếm, thì chẳng lẽ huyện không nghe ý kiến người dân phản ánh và để cho kiểm tra ngay những phản ánh ấy?
Trong khi đó, mối liên kết mật thiết giữa huyện và xã là cực kỳ lớn. Nếu nói không biết, thì huyện cũng đang mắc phải khuyết điểm rất lớn là bỏ quên chức năng thanh tra, kiểm tra của mình. Huyện có trách nhiệm, chứ không thể đổ cho xã được.
Sau kết luận của Thanh tra Hà Nội năm 2019, hiện vẫn còn 36 công trình vi phạm trật tự xây dựng của huyện Sóc Sơn chưa được giải quyết. Nguyên nhân là huyện đang điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ. Theo ông, quá trình điều chỉnh quy hoạch này có thể tạo ra "cơ hội" để các tư nhân lót tay cho chính quyền, biến các sai phạm trở thành hợp pháp?
- Tôi cho rằng quy hoạch này sau khi điều chỉnh sẽ phải được các cấp phê duyệt, trong đó có Thành ủy Hà Nội. Vì công tác phòng chống tham nhũng hiện nay trực thuộc các cơ sở Đảng. Do đó, khi ra quyết định, các cấp sẽ phải cân nhắc xem lợi ích thuộc về tư nhân hay thuộc về Nhà nước.
Còn tất nhiên, sai phạm lúc nào thì phải xử lý theo hiện trạng lúc đó. Không thể để sai phạm tồn tại một thời gian dài rồi điều chỉnh quy hoạch và xử lý sai phạm theo quy hoạch mới. Nếu điều này xảy ra, đây cũng là một tội trạng tham nhũng.
Về phía Hà Nội, tôi cho rằng không có cách giải quyết nào khác, Thành ủy phải vào cuộc. Việc điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa sai phạm là sai về cả nguyên tắc và quy định pháp luật.
Hệ quả của việc phá rừng, xây khu nghỉ dưỡng
Do nhu cầu nghỉ dưỡng của nhiều người dân, không chỉ riêng Sóc Sơn, nhiều địa phương khác cũng đang phát triển ồ ạt mô hình homestay, farmstay (mô hình nông trại kết hợp lưu trú tại chỗ) bằng cách chiếm dụng đất rừng. Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng này?
- Trong mọi trường hợp, quản lý đất đai bắt buộc phải theo quy hoạch. Huyện Sóc Sơn cần làm rõ xem quy hoạch ở địa phương mình có đang quá bừa bãi, cơ sở homestay và farmstay có đang phát triển quá ồ ạt hay không.
Còn tôi thấy việc phát triển farmstay để làm du lịch là trái pháp luật. Thực chất, mô hình này phải là trang trại, nông trại sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tích hợp thêm chức năng phụ là thu hút du lịch thông qua việc thiết kế chỗ nghỉ, lưu trú.
Như ở Pháp, có những nông trại sản xuất dầu oliu, rượu vang, chăn nuôi ngỗng để làm pate gan ngỗng... Họ triển khai mô hình này để chủ yếu làm nông nghiệp, sau đó mới đến thu hút người dân đến trải nghiệm, tham gia vào các công đoạn sản xuất những thực phẩm ấy.
Trong khi đó, Sóc Sơn và nhiều địa phương khác đang coi farmstay là địa điểm du lịch, để xây dựng chỗ lưu trú xong rồi mới trồng thêm vài cái cây, nuôi vài con vật. Quan niệm đó sai hoàn toàn.
Theo ông, xu hướng trên có thể gây ra những hệ quả gì?
- Việc xây dựng các khu lưu trú, nghỉ dưỡng trong rừng tương đương việc xây dựng các thủy điện vừa và nhỏ. Đều là những động tác xâm phạm đất rừng. Kể cả việc làm những tuyến đường giao thông không theo quy luật thủy văn cũng có thể gây ra tác động rất lớn như lũ lụt, sạt lở.
Chúng ta phát triển kinh tế phi nông nghiệp nhưng không dựa vào nguyên tắc thuận thiên. Trong khi đó, chỉ khi bảo vệ được các khu vực rừng tự nhiên và đảm bảo tăng cường rừng, chúng ta mới có thể "khống chế" lũ lụt.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đưa nguyên tắc quy hoạch thuận thiên là dựa vào các quy luật của trời đất làm gốc. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta vẫn đang quy hoạch lấy lợi ích của con người làm gốc. Đó chính là sự khác biệt và cũng chính là lý do thiên tai, lũ lụt, sạt lở xuất hiện ngày càng nhiều trong suốt những năm qua.
Năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất đã đưa ra một kết luận: Con người là nguyên nhân chính gây ra các thảm họa thiên nhiên. Tôi cho rằng điều đó đang thể hiện ở Việt Nam khá gay gắt.
Vậy ông đánh giá thế nào về vai trò của rừng Sóc Sơn nói riêng và của địa phương này nói chung đối với Hà Nội?
- Cả Hà Nội mới có một huyện có rừng như Sóc Sơn. Tôi đã lên đấy và thấy cảnh quan rất ngoạn mục. Nếu tô vẽ, đây sẽ là một địa bàn rất quý vì có hồ nước, có rừng, và nhiều người cũng lăm le chiếm cứ rừng Sóc Sơn lắm.
Đây cũng là thời điểm Hà Nội đang lên kế hoạch thành lập một thành phố phía Bắc bao gồm Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Ở góc nhìn của mình, tôi thấy kế hoạch đó tuyệt vời.
Nhưng trước khi thành phố ấy "ra đời", với vai trò địa phương có tiềm năng cực kỳ lớn của Hà Nội, Sóc Sơn phải ổn định lại hiện trạng quản lý. Đừng để đến khi sáp nhập rồi, các lợi ích rơi vào tay tư nhân mà chưa được giải quyết.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trong công điện ban hành ngày 8/8 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét, Thủ tướng Phạm Minh Chính nghiêm cấm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Ông yêu cầu địa phương xử lý nghiêm những sai phạm này.
Lãnh đạo Chính phủ giao các địa phương rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất và quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, có hoạt động xây dựng, nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của người dân.