1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Xẻ thịt" đất rừng ở Sóc Sơn: Quy hoạch chồng lấn, khó xử lý?

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - "Khi người dân tiến hành xây dựng sai phạm, lực lượng kiểm lâm đến lập hồ sơ thì dân phản đối và nói đây là đất khai hoang, không có bản đồ địa chính", Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sóc Sơn nói.

Những năm gần đây, câu chuyện về việc "xẻ thịt" đất rừng tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù chính quyền có vào cuộc nhưng tình trạng xâm phạm đất rừng vẫn diễn ra phổ biến ở một số xã như Minh Trí, Minh Phú...

Nhiều cán bộ cấp xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã bị tạm đình chỉ, kỷ luật vì để địa bàn xảy ra nhiều vi phạm.

Đơn cử như vào tháng 6/2023, huyện Sóc Sơn đã tạm đình chỉ 3 Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí, Nam Sơn, Mai Đình để tập trung vào công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. 

Không xác định được đất chồng lấn, đất rừng

Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm đất rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Văn Hải, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sóc Sơn cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 37 vụ xây dựng vi phạm (bao gồm cả xây tường bao). 

Theo ông Hải, tồn tại thực tế, cốt lõi nhất hiện nay ở Sóc Sơn là năm 2008, toàn bộ khu vực hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí) được quy hoạch là đất rừng phòng hộ. Mặc dù người dân đến khai hoang, sinh sống từ năm 1985.

Xẻ thịt đất rừng ở Sóc Sơn: Quy hoạch chồng lấn, khó xử lý? - 1

Năm 2008, toàn bộ khu vực hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí) được quy hoạch là đất rừng phòng hộ. Mặc dù người dân đến khai hoang, sinh sống từ năm 1985 (Ảnh: Thành Đông).

Hiện toàn bộ thôn Minh Tân là đất rừng phòng hộ và không có bản đồ địa chính từng thửa đất.

"Khi người dân tiến hành xây dựng sai phạm, lực lượng kiểm lâm đến lập hồ sơ thì dân phản đối và nói đây là đất khai hoang, không có bản đồ địa chính", ông Hải nói và chia sẻ, dân tại thôn Minh Tân đã khai hoang đất đai từ lâu nhưng lại không có quyền lợi vì quy hoạch năm 2008, tất cả là rừng phòng hộ. 

Quá trình kiểm tra, xử lý lập biên bản xử phạt các trường hợp vi phạm đất rừng tại thôn Minh Tân gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, có nhiều trường hợp vi phạm không xác định được chủ đất, chủ công trình là ai để lập biên bản xử lý.

Thậm chí, có công trình đơn vị lập biên bản xử lý 4-5 lần nhưng vẫn cố tình vi phạm và lấy lý do đây là đất "chồng lấn".

"Trường hợp như vậy chúng tôi cũng chịu, không xác định được đâu là đất chồng lấn, đâu là đất rừng, đất của dân vì không có bản đồ địa chính. 

Nếu có bản đồ địa chính chúng tôi sẽ kết luận được ngay nhưng không có đành chịu, không biết dân khai hoang ở đâu", Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sóc Sơn giãi bày và cho biết, nhiều trường hợp vi phạm rất tinh vi, khiến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn vì diện tích lớn, lực lượng mỏng. 

Xẻ thịt đất rừng ở Sóc Sơn: Quy hoạch chồng lấn, khó xử lý? - 2

Công trình "xẻ thịt" rừng phòng hộ nghiêm trọng tại thôn Minh Tân. Công trình này có lưng tựa núi, mặt hướng hồ Đồng Đò (Ảnh: Thành Đông).

Sau khi có kết luận của Thanh tra Hà Nội năm 2019 xác định khu vực hồ Đồng Đò có nhiều công trình vi phạm. Sau đó các ban ngành địa phương ra quân xử lý, cưỡng chế.

Tại khu vực hồ Đồng Đò hiện có cả công trình cũ và mới xâm phạm đất rừng. 

Bên cạnh đó, nhiều nhà dân ở thôn Minh Tân (xã Minh Trí) đã xây dựng từ khi vào khai hoang, lập vùng kinh tế mới (năm 1985) đến nay xuống cấp nghiêm trọng nhưng không thể sửa chữa, làm lại vì nằm trong diện tích đất rừng phòng hộ.

"Người dân làm đơn ra xã để sửa chữa, xây mới nhưng xã không dám xác nhận vì đây là đất rừng phòng hộ, nếu xác nhận là sai.

Cái gì của rừng thì trả lại rừng

Hạt kiểm lâm Sóc Sơn mong sớm cấp bản đồ địa chính tại thôn Minh Tân và điều chỉnh lại quy hoạch rừng từ năm 2008, nếu để như hiện tại rất "nguy hiểm", có thể tiếp tục xảy ra sai phạm.

Khi đã quy hoạch lại rừng phòng hộ, chính quyền sẽ đề xuất giao đất, giao rừng cho từng hộ, người nào vi phạm thì xử lý nghiêm, đây là cách bảo vệ rừng, chống xây dựng vi phạm tốt nhất.

Xẻ thịt đất rừng ở Sóc Sơn: Quy hoạch chồng lấn, khó xử lý? - 3

Hạt kiểm lâm Sóc Sơn mong sớm cấp bản đồ địa chính tại thôn Minh Tân và điều chỉnh lại quy hoạch rừng từ năm 2008 (Ảnh: Thành Đông).

"Chúng tôi muốn làm sao phải quy hoạch rõ ràng rừng là rừng để quản lý minh bạch, thuận tiện. Cái gì của rừng thì trả lại rừng, cái gì của dân thì trả lại dân hoặc Nhà nước lấy tất cả và trả tiền đền bù cho dân", Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sóc Sơn bày tỏ.

Ông Hải nhận định, mặc dù diện tích đất rừng Sóc Sơn không lớn nhưng nhiều phức tạp. 

Hạt kiểm lâm Sóc Sơn đang phối hợp cùng UBND huyện Sóc Sơn rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp của thành phố làm cơ sở tiến hành giao đất gắn với giao rừng và cắm mốc phân ranh giới 3 loại rừng.

Khi đã quy hoạch xong sẽ tính đến phương án giao đất, giao rừng, đời sống người dân dần ổn định còn như thực trạng hiện nay sẽ khó tránh khỏi việc chồng lấn giữa đất rừng với đất sản xuất, đất ở.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sóc Sơn tin rằng, việc xây dựng lại quy hoạch rừng phòng hộ tới đây sẽ làm bài bản, kỹ càng hơn, chỗ nào ra chỗ đấy, không để chồng lấn như hiện nay gây khó khăn cho công tác quản lý.

Ông Hải nhận xét hầu hết các xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn có bất cập về đất rừng, không chỉ riêng xã Minh Trí, Minh Phú.

Hạt kiểm lâm Sóc Sơn hiện có tổng số 16 cán bộ, chiến sỹ (11 người công chức), trong đó có 6 kiểm lâm địa bàn quản lý 11 xã, thị trấn nên gặp nhiều khó khăn. Sóc Sơn hiện có hơn 4.500ha đất rừng, trải dài trên 11 xã, thị trấn. 

Ngày 21/3/2019, UBND TP Hà Nội ra thông báo kết luận thanh tra đất rừng tại hai xã Minh Trí, Minh Phú (huyện Sóc Sơn) từ 2008 và việc thực hiện các kết luận thanh tra trước đó.

Theo kết luận, UBND huyện Sóc Sơn không kiên quyết chỉ đạo khắc phục vi phạm theo các Kết luận của Thanh tra và ý kiến chỉ đạo các cấp. UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai, mua bán chuyển nhượng, vi phạm trật tự xây dựng.

"Chỉ riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm", kết luận nêu.

Thanh tra đề nghị tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn hai xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ, trả lại nguyên trạng ban đầu. Các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006-2018, thanh tra đề nghị lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích.