Sẽ cưỡng chế 5 công trình vi phạm gần khu sạt lở tại Sóc Sơn
(Dân trí) - 5 công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng phòng hộ ở khu vực đồi Dõng Chum (xã Minh Phú), sẽ bị UBND huyện Sóc Sơn tiến hành cưỡng chế trong tháng 8 và tháng 9 tới đây.
Khiếu nại cả quyết định cưỡng chế
Ngày 11/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, liên quan tới các công trình xây dựng sai phạm "mọc" hai bên đường bê tông - nơi xảy ra vụ vùi lấp loạt ô tô (ở khu vực đồi Dõng Chum, xã Minh Phú), chính quyền sẽ tiến hành cưỡng chế 5 công trình.
Theo vị lãnh đạo, trong số 5 công trình sẽ tiến hành cưỡng chế, có một trường hợp đang khiếu nại chính quyền.
Về thời gian thực hiện, lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết, kế hoạch cưỡng chế các công trình này đã có từ tháng 7 vừa qua, dự kiến huyện Sóc Sơn sẽ tiến hành việc cưỡng chế trong tháng 8, tháng 9/2023.
"Trong tháng 8 tới đây, chính quyền sẽ cưỡng chế 2/5 công trình xây dựng vi phạm. Tuy nhiên đang có một trường hợp khiếu nại quyết định cưỡng chế, nên trong tháng 8, chúng tôi sẽ cưỡng chế được ít nhất một công trình. Còn 3 trường hợp khác, đã lập hồ sơ cưỡng chế đầy đủ, dự kiến sẽ cưỡng chế vào tháng 9 tới đây", vị lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn thông tin.
Gần 200 hộ, diện tích hơn 800ha nhưng chưa hộ nào có sổ đỏ
Trao đổi với phóng viên về việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm đất rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Văn Hải, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sóc Sơn cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 37 vụ xây dựng vi phạm (bao gồm cả xây tường bao).
Theo ông Hải, tồn tại thực tế, cốt lõi nhất hiện nay ở Sóc Sơn là năm 2008, toàn bộ khu vực hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí) được quy hoạch là đất rừng phòng hộ. Mặc dù người dân đến khai hoang, sinh sống từ năm 1985.
Thông tin về việc đất rừng tại hồ Đồng Đò bị "xẻ thịt", ông Đinh Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn cho biết, khi phát sinh vi phạm trật tự xây dựng mới xã sẽ lập hồ sơ.
Nếu thuộc thẩm quyền của xã, xã sẽ xử lý còn thuộc huyện thì địa phương đề xuất trên cơ sở đánh giá, áp dụng theo các quy định một cách thận trọng.
Ông Bảo chia sẻ, thôn Minh Tân có lịch sử rất khác biệt so với nơi khác. Năm 1985 huyện Sóc Sơn và TP Hà Nội vận động những hộ khó khăn của một số xã như Xuân Thu, Kim Lũ, Bắc Phú... (huyện Sóc Sơn) đến xây dựng vùng kinh tế mới ở hồ Đồng Đò.
Khi người dân đến rừng ở thôn Minh Tân chỉ là những cây hoang, cỏ dại. Sau đó, mọi người tiến hành khai hoang, trồng rừng vào những năm 90. Đến năm 2008, toàn bộ thôn Minh Tân được quy hoạch là rừng phòng hộ, kể cả nhà văn hóa, trạm điện, nhà dân, lớp học...
Do cả thôn nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ nên hầu hết các công trình xây dựng tại đây đều vi phạm.
Theo Chủ tịch UBND xã Minh Trí, hiện thôn Minh Tân có gần 200 hộ, diện tích hơn 800ha nhưng chưa hộ nào có sổ đỏ.
Do thôn đang nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ nên việc lập hồ sơ xử lý các công trình xây dựng vi phạm đều trên cơ sở áp dụng các quy định về rừng phòng hộ để xử lý.
Song việc này gặp nhiều khó khăn khi người dân cho rằng thôn không có bản đồ địa chính, diện tích đất mà họ sử dụng là đi khai hoang từ năm 1985. Điều này đã dẫn đến những khiếu nại, khiếu kiện khi Chủ tịch UBND xã Minh Trí ra quyết định xử phạt, cưỡng chế công trình vi phạm.
Trước đó, ngày 21/3/2019, UBND TP Hà Nội ra thông báo kết luận thanh tra đất rừng tại hai xã Minh Trí, Minh Phú (huyện Sóc Sơn) từ 2008 và việc thực hiện các kết luận thanh tra trước đó.
Theo kết luận, UBND huyện Sóc Sơn không kiên quyết chỉ đạo khắc phục vi phạm theo các Kết luận của Thanh tra và ý kiến chỉ đạo các cấp. UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai, mua bán chuyển nhượng, vi phạm trật tự xây dựng.
"Chỉ riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm", kết luận nêu.
Thanh tra đề nghị tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn hai xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ, trả lại nguyên trạng ban đầu. Các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006-2018, thanh tra đề nghị lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích.