Hàng trăm tàu thuyền chở cát neo đậu kín mặt sông ngã ba Bạch Hạc
(Dân trí) - Bạch Hạc là nơi hội tụ của sông Hồng và sông Lô thuộc địa phận 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Mật độ tàu thuyền tại đây thuộc diện đông đúc bậc nhất đường sông miền Bắc.
Tại ngã ba Bạch Hạc thường xuyên có hàng trăm tàu thuyền neo đậu, qua lại. Ảnh chụp vị trí sông Hồng và sông Lô hợp lưu thành sông Hồng. Bên trái là sông Hồng, bên phải sông Lô thuộc phường Bạch Hạc.
Đây là nơi giáp ranh 3 tỉnh này thuộc địa phận các xã Tản Hồng, Châu Sơn (Hà Nội), Bạch Hạc (Phú Thọ) và Cao Đại (Vĩnh Phúc).
Phần lớn các tàu thuyền neo đậu tại đây để vận chuyển cát. Vị trí này có nhiều mỏ cát, trong đó có Châu Sơn (Ba Vì, Hà Nội) vừa được đưa đấu giá, và trúng thầu với giá cao bất thường, gấp 137 lần giá khởi điểm.
Hình ảnh san, chuyển cát giữa các tàu trên sông.
Khu vực có các bãi cát, sỏi ven bờ tả sông Hồng thuộc phường Bạch Hạc (Phú Thọ).
Người dân tại xã Tản Hồng cho biết, hoạt động khai thác cát tại đây diễn ra rầm rộ về đêm, máy móc ầm ì vang vọng cả một khu vực rộng lớn.
Các tàu thuyền thường neo đậu liên kết với nhau, mỗi nhóm 7-10 chiếc. Chỉ dành một luồng giao thông ở chính giữa dòng sông.
Một tàu chở cát trên đoạn sông Hồng.
Người dân thường gọi nơi đây là ngã 3 sông, gồm sông Đà, sông Lô, sông Hồng. Quan niệm xưa cho rằng đây là nơi hội tụ của linh khí sông núi, đất trời. Từ lâu đã tồn tại tục lấy nước thiêng ở ngã ba sông để thờ cúng. Ảnh chụp tại ngã 3 Bạch Hạc chỉ có sông Hồng (trái) và sông Lô (phải) hợp lưu thành sông Hồng.
Dày đặc tàu thuyền kết bè, neo đậu trên sông Hồng.
Mỏm đất là giao điểm của sông Hồng và sông Lô. Sông Đà và sông Hồng hợp lưu cách đó 13km về phía thượng nguồn, tại điểm giáp ranh giữa Hà Nội và Phú Thọ.
Đối nghịch với sự ồn ào, tấp nập ở giữa dòng của hàng trăm tàu thuyền là sự hoang sơ, tĩnh lặng của một bãi bồi rộng lớn bên bờ hữu sông Hồng, kéo dài qua nhiều xã thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội).
Góc nhìn từ Bạch Hạc xuôi về phía hạ lưu sông Hồng.