Hàng nghìn bó rau nghĩa tình gửi tặng người dân vùng dịch ở TPHCM
(Dân trí) - Những ngày TPHCM siết chặt giãn cách xã hội, nhiều chủ ruộng đã gửi tặng rau miễn phí hoặc bán bằng giá vốn cho các nhóm thiện nguyện, góp phần giúp bữa ăn người dân vùng dịch thêm phong phú.
Ngày nào có lịch giao rau muống cho các đơn vị từ thiện, bà Bùi Thị Ngọc Hương (phường Thạnh Xuân, Quận 12) sẽ dậy từ lúc 21h tối hôm trước, ra đồng chong đèn thu hoạch rau đến sáng sớm ngày hôm sau mới về.
Hai vợ chồng bà Hương phải cố gắng cắt đủ 600 bó rau. Việc nhiều nhưng khó kiếm người phụ, có lúc vợ chồng bà Hương thấy đuối sức muốn từ chối đơn hàng nhưng nghĩ đến việc bà con thiếu rau thì có động lực ra đồng.
TPHCM đang vào mùa mưa nên ruộng rau khá tươi tốt. Mỗi bó rau bà Hương ước chừng khoảng nửa ký, sau đó dùng dây buộc lại. Cách chia rau từng bó tại ruộng như thế giúp các đội từ thiện không phải mất thời gian phân lại và giảm nguy cơ làm dập nát rau tươi.
"Mình còn ra đồng, trồng rau được thì cố gắng. Mình ăn cá thịt hai ba ngày là ngán, thèm rau. Tôi xót ruột khi nghe bà con dưới thành phố thiếu rau. Cầu mong dịch Covid qua mau để cuộc sống trở lại bình thường, người dân sẽ như thế nào nếu cứ kéo dài thế này. Rau đầy ruộng mà không có người làm, bà con thì không có rau ăn, xót thiệt là xót", bà Hương xúc động.
Vợ chồng bà Hương trồng khoảng 5.000 m2 rau muống thu hoạch luân phiên. Ngày thường, nếu thương lái xuống thu tại đồng giá trên 10.000 đồng/ký. Những ngày giãn cách, vợ chồng bà Hương bán cho chỗ từ thiện chỉ 4.000 đồng/ký để bù lại phân bón, công chăm sóc... Tính ra mỗi mớ rau chỉ khoảng 2.000 đồng, chỉ bằng 1/5 giá bán ngoài chợ.
"Ở đây nhiều rau nhưng ngoài kia thiếu lắm. Tôi được bà Hương gọi đến cắt rau về cho hai dãy nhà trọ ăn miễn phí. Lúc rau về, bà con đứng xếp hàng dài chờ nhận, nhìn thương lắm" chị Trần Thị Hoa (một người thuê trọ gần ruộng rau muống) chia sẻ.
Ông Lê Văn Long (bên phải), chồng bà Hương cùng một người dân ở ruộng rau gần đó chất rau muống lên xe để chuyển từ ruộng ra bãi tập kết.
"Tìm người phụ không ra nên tự tôi làm luôn. Ngày thường kiếm đã khó, dịch bệnh, thành phố đang giãn cách không thuê được nhân công", ông Long nói.
Phía bên xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, nhóm thu gom rau của chị Cát Anh (mặc mặc bảo hộ) cũng chuẩn bị nhận rau ngổ, rau rút (còn gọi là rau nhút) mang về điểm tập kết phát cho người dân khu vực phong tỏa.
Theo chị Cát Anh, bà con ở đây tặng rau không lấy tiền, chỉ xin lại bao gạo vì giãn cách không ra chợ mua được.
"Từ ngày Sài Gòn siết chặt giãn cách ruộng rau xanh mơn mởn mà không cắt bán được. Tôi định đẩy xe rau mang cho bà con trong xóm nhưng sợ bị phạt. Nhờ mấy cô chú làm từ thiện vào đây lấy rau nên tôi chỉ xin mang giúp cho ít gạo", bà Nguyễn Thị Hợp (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) kể.
Điểm tập kết rau từ thiện của nhóm bạn Trần Đoàn Giang nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường số 8, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân luôn tất bật chở đến từng khu vực người dân đang cần.
Các loại rau như: Rau muống, rau lang, rau thơm... từ các tỉnh lân cận, các huyện vùng ven TPHCM được tập kết về để phân loại, chia thành bó chuẩn bị phát tận nhà dân.
Đang dò lại địa chỉ các chỉ nhà dân để đến trao rau, anh Đặng Thanh Bình (một thành viên trong nhóm thiện nguyện) tâm sự: "Hiện giấy đi đường cũng khó nên rau củ cũng không đến tay người dân một số nơi trong quận được. Bà con không đi chợ nên có được bó rau là quý lắm".
"Lúc này có tiền muốn mua đồ ăn cũng khó, cho tôi rau thì biết nói gì đây, nếu được cám ơn, tôi xin nói một ngàn lần", ông Nguyễn Văn Tâm (quận Bình Tân) xúc động khi nhận bó rau muống.
Em Nguyễn Khánh Vy (11 tuổi), ở trọ cùng mẹ nói: "Con cám ơn các cô chú đã mang rau đến đây. Lâu rồi nhà không có ăn rau. Nghe có tặng rau, mẹ bận nấu mì nên bảo con ra nhận".
Bạn Nguyễn Thùy Linh, nhà trong hẻm chợ Bình Thành đang bị phong tỏa cho biết: "Một cọng rau với mình lúc này là vô giá, đừng nói chi được một bó như thế này, nó quý lắm. Thành phố giãn cách, mình thì trong khu vực cách ly nữa nên khó mua thực phẩm".
Gần 22h, cả nhóm của anh Giang (áo xanh) mới được ngồi vào bàn ăn cơm sau một ngày giao rau vất vả. Theo anh Giang, sau khi cơm nước xong, nhóm sẽ gọi điện thoại cũng như trả lời các cuộc gọi đến của F0.
"Mình nghe các F0 nhắc lại các quy định uống từng loại thuốc, thăm hỏi sức khỏe để đánh giá tình trạng bệnh. Nếu có vấn đề mình sẽ báo ngay cho y tế địa phương cũng như đội bác sĩ tư vấn đang kết nối với nhóm. Ngoài ra nhóm còn nhận giao các túi thuốc, giao một túi thuốc có khi đi mất hai, ba tiếng vì vướng chốt nhưng vì sức khỏe của bà con nên nhóm sẽ cố gắng" Giang chia sẻ.