DMagazine

Bình Định: Đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế

(Dân trí) - Xác định hạ tầng giao thông là "chìa khóa" trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa Bình Định từ một tỉnh nghèo vươn lên vị trí thứ 6 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, nhấn mạnh rằng hạ tầng giao thông là yếu tố tiên quyết để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối biển được xem là "chìa khóa" mở ra giá trị mới cho địa phương.

Bình Định: Đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - 1

Là một trong những người chứng kiến đổi thay của thành phố Quy Nhơn, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói rằng, trước đây Quy Nhơn nằm thế biệt lập, mặt trước là biển, hai bên là núi, đầm vịnh. Cả thành phố chỉ có con đường độc đạo ra vào, việc đi lại rất khó khăn, quỹ đất hẹp khó để phát triển.

Theo ông Dũng, cuộc cách mạng khơi thông đô thị Quy Nhơn đầu tiên phải kể đến quốc lộ 1D, còn gọi là tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu (nối liền 2 tỉnh Bình Ðịnh - Phú Yên) dài hơn 33km, hoàn thành năm 2001.

"Đây là tuyến đường huyết mạch, phá thế độc đạo, mở ra không gian phát triển mới cho Quy Nhơn. Về sau, trên tuyến đường này, hình thành hàng loạt khu resort đẳng cấp quốc tế, kết nối với thị xã Sông Cầu cũng như các tỉnh phía Nam trở nên thuận lợi hơn", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói.

Ông Phạm Hoàng, Bí thư Chi bộ khu vực 5, phường Ghềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn), cho hay, quốc lộ 1D đưa vào sử dụng không chỉ phá thế độc đạo ra vào thành phố Quy Nhơn, mà còn vì sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất giáp ranh giữa Bình Ðịnh và Phú Yên.

Bình Định: Đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - 3

"Trước đây, người dân muốn đi Phú Yên, hay TPHCM, phải ngược lại ngã ba Phú Tài, đi quốc lộ 1A qua đèo Cù Mông, tiềm ẩn nguy hiểm tai nạn giao thông. Từ ngày có quốc lộ 1D, việc đi lại giao thương giữa 2 địa phương rất thuận tiện, rút ngắn 15km cho quãng đường từ Quy Nhơn đi Phú Yên và các tỉnh phía Nam", ông Hoàng nói.

Điểm nhấn hạ tầng giao thông ở Quy Nhơn còn phải kể đến công trình cầu Thị Nại được xây dựng năm 2002. Cầu Thị Nại từng là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Đây không chỉ là một công trình giao thông quan trọng mà còn là biểu tượng của thành phố Quy Nhơn.

Cầu Thị Nại nối liền thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai, Khu kinh tế Nhơn Hội. Đặc biệt, từ khi có cây cầu này, giao thông thông suốt nên không còn cảnh người dân di chuyển bằng thuyền, đò vượt đầm Thị Nại.

Không chỉ vậy, những tiềm năng, triển vọng về Khu kinh tế Nhơn Hội được "đánh thức", thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Quy Nhơn "thay da đổi thịt", nhiều người biết đến thành phố biển này hơn. Năm 2013, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam do Giáo sư Trần Thanh Vân, tại Pháp sáng lập, đã chọn thung lũng Quy Hòa (thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn) nằm ven tuyến đường biển Quy Nhơn - Sông Cầu làm nơi tọa lạc của Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE).

Bình Định: Đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - 5

Từ đó đến nay, thung lũng Quy Hòa đã đón hàng nghìn nhà khoa học trên 40 quốc gia đến giao lưu, chia sẻ kiến thức, lan tỏa tinh thần khoa học vào giới trẻ, công chúng Việt Nam.

Đặc biệt, đến nay có hơn 10 giáo sư đoạt giải Nobel thế giới về đây để tham dự các hội nghị quốc tế, giao lưu với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học.

Quy Nhơn - Bình Định còn được biết là nơi duy nhất chứng kiến cuộc chia tay lịch sử đầy ý nghĩa của Bác Hồ với cha mình là cụ Nguyễn Sinh Sắc trong những năm đầu của thế kỷ XX, để lên đường thực hiện hoài bão cao cả cứu dân, cứu nước.

Từ câu chuyện ý nghĩa, Bình Định quyết định đầu tư quảng trường biển Quy Nhơn, đặt pho tượng lớn về hai cha con cụ Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành để kỷ niệm sự kiện lịch sử, cuộc gặp gỡ cha con Bác tại Quy Nhơn.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Nguyễn Tấn Hiểu, chia sẻ: "Đô thị Quy Nhơn ghi dấu ấn với nhiều quy hoạch rất khoa học, được kế thừa qua các nhiệm kỳ. Đến nay, toàn thành phố phát triển hàng loạt tuyến đường ven biển, trong đó dành phần lớn diện tích ven biển để làm công viên cây xanh, quảng trường biển phục vụ cộng đồng".

Bình Định: Đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - 7
Bình Định: Đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - 9

Hồi đầu năm nay, trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) năm 2024 diễn ra ngày 26/1 tại thành phố Viêng Chăn (Lào), thành phố Quy Nhơn (Bình Định) vinh dự nhận giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN 2024.

Hai thành phố của Việt Nam cùng đạt giải này là thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) và thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đây là lần thứ hai, thành phố Quy Nhơn nhận giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN (lần thứ nhất vào ngày 16/1/2020 tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2020 tại Brunei).

Thành phố Du lịch sạch ASEAN là giải thưởng cao quý của ASEAN, góp phần tôn vinh và phát triển thương hiệu của những thành phố có chất lượng dịch vụ du lịch cao, là dịp để các đơn vị quảng bá, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch Việt Nam và thương hiệu điểm đến quốc gia "Vietnam Timeless Charm".

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định kỳ vọng, việc đạt danh hiệu Thành phố du lịch sạch ASEAN là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, qua đó khích lệ người dân tích cực tham gia cùng chính quyền thành phố trong xây dựng, gìn giữ thương hiệu, hình ảnh du lịch Quy Nhơn. Từ đó, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch chung của Việt Nam.

Bình Định: Đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - 11

Đón nhận niềm vui đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định xem đó là kỳ tích và yêu cầu lãnh đạo thành phố không chỉ phải giữ được danh hiệu này mà còn phải tiếp tục phát huy hơn nữa.

"Phải giữ và xây dựng Quy Nhơn trở thành thành phố thanh bình, đáng sống, hạnh phúc. Làm sao để du khách sáng, chiều dạo biển không có ăn xin, trộm cắp, chèo kéo khách", ông Hồ Quốc Dũng mong muốn.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói thêm, Bình Định từ tỉnh nghèo, rất khó khăn vươn lên quy mô kinh tế xấp xỉ 118.000 tỷ đồng, đứng 6/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, thứ 2/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung Bộ…

"Từ lúc Quy Nhơn chỉ có con đường độc đạo từ Phú Tài xuống thành phố. Tuyến đường Hùng Vương - Trần Hưng Đạo ngày xưa là niềm tự hào của Quy Nhơn, đến nay có 5 con đường vào thành phố. Mỗi công trình, dự án có biết bao nhiêu khó khăn, mồ hôi nước mắt.

Từ việc mở đường Nguyễn Tất Thành nối dài, 500 hộ dân bị ảnh hưởng phải họp ngày, họp đêm. Đến quốc lộ 1D từ Phú Tài xuống, rồi nút giao thông Đống Đa - Hoa Lư có hàng trăm hộ dân sống chằng chịt… Bây giờ có hình hài Quy Nhơn đẹp như vậy, ai cũng khen nhưng nếu không có sự quyết tâm, trăn trở của lãnh đạo thành phố Quy Nhơn và tỉnh thì không có thành phố như hôm nay", ông Dũng bày tỏ.

Bình Định: Đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - 13

Tuần lễ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch Amazing Bình Định Fest 2024 với loạt lễ hội ẩm thực, văn hóa, thể thao, ca nhạc, mời gọi xúc tiến đầu tư… Trong đó, Giải đua mô tô nước UIM - APB AQUABIKE và Giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế UIM F1H2O là điểm nhấn đặc biệt của tuần lễ.

Đây là các giải đua thể thao dưới nước hàng đầu thế giới, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và Bình Định vinh dự được Liên đoàn thuyền máy thế giới (UIM) lựa chọn là nơi đăng cai tổ chức. Không chỉ lần đầu tiên tổ chức, Việt Nam có đội đua thuyền máy F1H2O mang tên Bình Định - Việt Nam tranh tài giải đấu này.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhấn mạnh, giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế UIM F1H2O và UIM-ABP AQUABIKE là giải thể thao lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ thể thao trên thế giới, là sự kiện có quy mô lớn ở tầm quốc tế lần đầu tiên tỉnh Bình Định tổ chức.

Ngoài ra, điểm nhấn trong chuỗi sự kiện tuần lễ thể thao - văn hóa - du lịch Amazing Bình Định Fest 2024, lần đầu tiên thành phố biển Quy Nhơn đón nhiều tỷ phú đến từ nhiều quốc gia đến Bình Định tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Bình Định: Đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - 15

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, ông Trần Văn Thanh, cho biết, trong 10 ngày diễn ra Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (Amazing Binh Dinh Fest 2024), thu hút khoảng 710.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5.000 lượt, ước đạt trên 2.100 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm nay, doanh thu du lịch Bình Định ước đạt 25.500 tỷ đồng, tăng 55,4% so với năm 2023, mức cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2025, Bình Định đặt mục tiêu 10 triệu lượt khách, trong đó 110.000 lượt khách quốc tế; doanh thu kỳ vọng khoảng 26.000 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Thành ủy Quy Nhơn, để thành phố mang tầm vóc lớn như hôm nay, công tác lập quy hoạch đô thị và xây dựng đạt được những bước tiến quan trọng, tạo cơ sở cho sự phát triển đồng bộ, trong đó hạ tầng giao thông rất quan trọng.

Nội dung: Doãn Công

Thiết kế: Thủy Tiên