DMagazine

Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt

(Dân trí) - Nhìn qua, nhiều người nghĩ nghề gác chắn đường sắt là một công việc nhẹ nhàng, đơn giản, dễ thực hiện. Nhưng với những người trong cuộc, họ phải đối mặt với nguy hiểm, sự vất vả, cơ cực trăm bề,...

Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt - 1
Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt - 3

5h30, sau khi hoàn tất thủ tục nhận ban, chị Nguyễn Thị Đào (39 tuổi), nhân viên trạm chắn đường sắt km17+650, Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh bắt đầu ca làm việc trong ngày với vai trò tổ trưởng.

Nhiệm vụ gác chắn của chị Đào và đồng nghiệp mỗi ngày chia 2 ca, mỗi ca 4 nhân viên, thời gian làm việc kéo dài từ 6h đến 18h và từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau với gần 50 chuyến tàu qua lại.

Đây là đoạn đường nối trung tâm huyện Thường Tín (TP Hà Nội) với quốc lộ 1A cũ và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nên lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Do đó, dù nắng hay mưa, bất kể đêm hay ngày nhân viên gác chắn đều phải trực đủ 12 tiếng/ca, không được phép nghỉ ngơi, sao nhãng. Căn phòng rộng chừng 10m2 là nơi làm việc của kíp trực 4 người.

Trong trạm gác chắn tàu không có điều hòa, chỉ được trang bị một chiếc quạt trần, xếp đủ thứ từ máy móc, bảng phân công, bàn làm việc, mấy chiếc ghế gỗ,… còn góc hẹp trong cùng, vừa đủ một người đứng được tận dụng làm nơi nấu ăn.

Không gian chật hẹp, lại nằm trơ trọi cạnh ngã ba đường, trạm gác luôn trong tình trạng nóng bức vào mùa hè, còn mùa đông rét buốt.

"Cho dù có nắng như rang vào mùa hè hay rét buốt vào mùa đông chúng tôi vẫn phải bám gác. Không ít lần vào giờ trưa, chị em vừa bưng bát cơm lại phải vội vàng buông đũa để đón một chuyến tàu khác đang đến không theo lịch", chị Đào tâm sự.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt - 5

Chị luôn tâm niệm đã là nhân viên gác chắn phải tuân thủ những nguyên tắc bất di bất dịch của ngành đường sắt. Bởi tàu có thể lưu thông với tốc độ 80km/h, nên chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể xảy ra hậu quả khôn lường.

Mỗi ca gác phải đảm bảo đủ quân số, nếu ai có lịch nghỉ phép hoặc ốm đau phải phân công bổ sung ngay, khi đã vào ca không ai được bỏ vị trí vì bất cứ lý do gì.

Đặc biệt, mọi người phải luôn giữ trạng thái tỉnh táo, không được chợp mắt dù chỉ trong giây lát. Tất cả nhân viên gác chắn đều phải nghỉ ngơi ít nhất 2 tiếng trước khi vào ca, tuyệt đối không được uống rượu, bia trước khi lên ca và trong thời gian làm việc để tránh những sai sót.

Vừa nói, chị Đào vừa chỉ tay về ấm trà mới pha vui vẻ nói: "Đây là chất "kích thích" duy nhất chúng tôi được sử dụng. Đã làm nghề này ai cũng phải biết thưởng trà và chỉ có nó mới có thể bỏ qua giấc ngủ trưa hay chống chọi với cơn buồn ngủ ban đêm".

Gắn bó với nghề đã được 18 năm, quãng thời gian đủ dài để chị Đào nếm trải những khó khăn, vất vả của nghề. Với chị, khoảng thời gian dài và buồn nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Vì đặc thù của ngành vận tải, càng vào dịp này, cường độ tàu chạy càng dày đặc hơn. Đứng bên đường, chứng kiến những đoàn tàu đưa khách về quê, trên đường phố nhà nhà bắt đầu sắm Tết khiến chị và đồng nghiệp không khỏi chạnh lòng.

"Không ít lần tôi nhận nhiệm vụ vào đúng đêm giao thừa, thấy nhiều gia đình cùng nhau đi ngắm pháo hoa, lễ chùa, chúc Tết mà tủi thân, chờ tàu đi qua vào đến trạm mới khóc nức nở. Lúc đấy, thực sự tôi chỉ muốn về với chồng con nhưng nghĩ đến an toàn của đoàn tàu và những người khác tôi đành tự an ủi bản thân, phải tiếp tục công việc", chị tâm sự.

May mắn, chị được chồng và gia đình thấu hiểu tính chất công việc của mình nên rất thông cảm.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt - 7

Đồng hồ vừa chỉ 10h50, điện thoại bàn bỗng đổ chuông báo có đoàn tàu đang đến gần, tổ trưởng Nguyễn Thị Đào nghiêm giọng yêu cầu thành viên kíp trực nhanh chóng vào vị trí làm việc. Ngay lập tức, 4 nhân viên tỏa ra 2 hướng tại khu vực ngã ba, vừa thổi còi, vừa phất cờ lệnh điều tiết giao thông.

Khoảng 3 phút sau, phương tiện dần ổn định, nhường không gian an toàn cho đường sắt. Hai hàng rào chắn dần đóng lại, tiếng còi tàu đã rất gần, nhưng một số người điều khiển xe máy vẫn cố tình lách qua khiến nhân viên gác chắn lẫn người đi đường được phen tái mặt.

Chỉ khi tàu an toàn chạy qua, rào chắn được mở để các phương tiện khác lưu thông, chị và các đồng nghiệp mới thở phào nhẹ nhõm.

"Công việc của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho đoàn tàu và những người tham gia giao thông khác. Thế nhưng, đâu phải lúc nào người đi đường cũng thấu hiểu cho mình. Họ bất chấp can ngăn vẫn cố tình lao qua, có người còn leo qua khi thanh chắn đã đóng hết", chị bộc bạch.

Với nhân viên gác chắn, việc bị người dân quát, chửi mắng xảy ra như cơm bữa. Nhiều người đi đường khi được nhắc nhở dừng đỗ xe đúng khoảng cách quy định để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt liền văng tục, không thấy nhân viên phản ứng, họ được đà lấn tới, chửi to hơn, thậm chí là đe dọa.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt - 9

Với những phụ nữ làm công việc gác chắn đường sắt, ca trực đêm cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Họ sợ gặp phải những trường hợp nghiện, say xỉn và cũng đã không ít lần bị "xin đểu" và thậm chí bị đe dọa tính mạng.

Nhớ lại sự việc xảy ra vào những ngày cuối năm 2023, chị Đào kể, khoảng 22h, một ngày trung tuần tháng 12, khi chị cùng 3 đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ bất ngờ một người đàn ông trong trạng thái say rượu xuất hiện trước cửa phòng, yêu cầu được vào trong.

Dự có điều chẳng lành, người tổ trưởng vội khóa trái cửa, 4 người cố thủ bên trong. Thấy không đạt được ý đồ, người đàn ông lớn tiếng đe dọa, rồi lấy đá đập vỡ cửa sổ phòng trực. Lúc này, chị Đào phải đe dọa báo công an người đàn ông say xỉn mới chịu bỏ đi.

"Khi đó chỉ có mấy chị em trong phòng nên mọi người rất sợ. May mắn, khi tôi dọa báo công an người đàn ông cũng biết sợ mà bỏ đi", chị kể.

Quá giờ trưa, khi tàu đã thưa dần, cả kíp trực mới có thời gian thảnh thơi và chuẩn bị cơm trưa. Chị Đào dẫn phóng viên ra ngắm vườn hoa nhỏ của trạm, đó là thành quả của hơn 3 tháng cuốc đất, trồng trọt, chăm bẵm và hưởng ứng phong trào "đường tàu - đường hoa" do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phát động.

Ngắm nhìn những cây hoa đang phát triển xanh tốt, chị chia sẻ: "Sau ca trực, chúng tôi rủ nhau ra cuốc đất trồng hoa, trồng thêm một vài khóm rau nhỏ để tăng gia cho bữa ăn. Công việc dù có vất vả, áp lực vẫn phải lạc quan, yêu đời, yêu nghề, như vậy mới có thể gắn bó lâu dài với ngành đường sắt".

Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt - 11
Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt - 13

Là em út trong ca trực, Khổng Thị Thùy Dương (26 tuổi) mới vào nghề được một năm nhưng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc điều tiết giao thông, đảm bảo hàng lang an toàn khi tàu đi qua.

Dương tâm sự, làm nghề gác chắn sẽ liên tục đổi ca làm việc, một tuần làm ca ngày, một tuần làm ca đêm; mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng khiến nhịp sống bị đảo lộn.

Những ngày đầu đi làm, cả ngày Dương trong trạng thái mệt mỏi, uể oải vì thiếu ngủ. Nhưng làm dần cũng quen, được anh chị đi trước truyền đạt kinh nghiệm nên sau hơn 3 tháng cô đã bắt nhịp được với công việc.

Khi được yêu cầu đánh giá công việc bản thân đang làm, Dương nhanh chóng khẳng định: "Người ngoài nhìn vào thoạt nhiên thấy nhàn, chỉ việc ngồi trong phòng mát, chờ tàu đến gần đóng chắn nhưng vào làm mới tỏ, nghề này phải giỏi phơi nắng, hít bụi và giỏi cả nghe chửi, trong khi đồng lương lại ít ỏi".

Vất vả nhất trong nghề có lẽ là khi các chị có con nhỏ, công việc nhà hầu như phó thác cho chồng hay nhờ ông bà nội, ngoại trông nom. Tội hơn là những đứa trẻ mới chỉ 6 tháng tuổi đã phải tập ngủ không có mẹ, khi đói phải uống thêm sữa ngoài.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt - 15

Được biết, Thùy Dương mới kết hôn và có con đầu lòng được một năm. Sau 6 tháng nghỉ sinh, chị trở lại ban nhận nhiệm vụ và luân phiên theo ca. Thời gian đầu, do chưa quen, cứ đến giờ đi làm là con khóc đòi mẹ, rồi mẹ cũng khóc theo vì thương con.

"Tuy trạm gác cách nhà không xa, nhưng tôi không dám về vì phải đảm bảo cho ca trực. Mỗi khi có thời gian rảnh tôi lại tranh thủ gọi về nhà nói chuyện với em bé. Nghe tiếng con cười bản thân cảm thấy yên tâm, vui vẻ, nhanh chóng lấy lại tinh thần để tiếp tục công việc", Thùy Dương chia sẻ.

Với Dương, kỷ niệm có lẽ không thể quên đó là ca trực đúng lúc bão Yagi đổ bộ. Hôm đó, cô trực ca đêm kéo dài từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau.

Do ảnh hưởng của bão, gió giật mạnh liên hồi hất văng mái tôn, cửa kính xuống đường, hàng loạt cây xanh bị quật đổ vắt ngang đường ray. Mưa lớn cũng làm nước ngập đỉnh đường ray tại một số vị trí. Nhiều chuyến tàu từ Bắc vào Nam và ngược lại phải tạm hoãn.

"Chưa bao giờ tôi chứng kiến cơn bão mạnh đến vậy. Gió to, cây đổ la liệt nhưng vì đảm bảo an toàn cho đường ray và tàu đi qua, tôi phải liên tục nhìn ngó kiểm tra. Thời điểm mưa to, gió lớn các đoàn tàu cũng được lệnh ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn", chị kể.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt - 17

Khi mưa ngớt, gió nhẹ, chị cùng các đồng nghiệp ra ngoài kiểm tra đường ray, trạm gác thì khung cảnh trước mắt vô cùng tan hoang.

Hàng chục cây đổ, mái tôn nằm chắn ngang đường tàu. Ngay trong đêm, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã huy động toàn bộ nhân viên gác chắn, tuần đường, duy tu… ra kiểm tra đường ray, khắc phục sự cố để tàu sớm hoạt động.

Sau hơn 6 tiếng dọn dẹp liên tục, đường sắt qua khu vực huyện Thường Tín đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu lưu thông. Chỉ khi thấy đoàn tàu chạy qua an toàn, chị và các đồng nghiệp mới cảm thấy nhẹ nhõm.

"Không ai có thể lường trước được mức độ nguy hiểm của cơn bão kinh khủng như thế. Thời điểm bão về gió to, rít mạnh liên

hồi như muốn xô đổ mọi thứ. Khi bão đã đi qua, khung cảnh còn lại rất hoang tàn, cây cối nằm la liệt.

Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh bão hoành hành tại Hà Nội gây ra thiệt hại nặng nề như vậy", Thùy Dương kể.

Mới bước vào nghề không lâu, trải qua không ít khó khăn nhưng cô gái GenZ chưa một chút nản lòng. Chị quan niệm, nghề nào cũng có cái khó, cái vất vả riêng, mình đã chọn nghề phải chấp nhận cả cái "nghiệp".

Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt - 19

Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng mức lương của nhân viên gác chắn lại chưa cao. Thu nhập trung bình của người làm nghề này ở mức 6-8 triệu đồng/tháng.

Gắn bó với ngành đường sắt đã 30 năm, anh Trần Văn Phương, nhân viên Trạm chắn km17+650, Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh, cho biết, mỗi tháng nhận về khoảng 7,5 triệu đồng sau khi đã trừ tiền phí đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đoàn thể công đoàn,... với điều kiện làm đủ 21 ca trong tháng.

Anh chia sẻ, nếu đem so sánh với công nhân tại các khu công nghiệp lân cận, bằng thời gian làm việc tương ứng, mức lương của nhân viên tuần đường, gác chắn thấp hơn rất nhiều.

"Vừa trang trải học phí cho con, vừa chi tiêu sinh hoạt gia đình, còn lại tiết kiệm cũng chẳng được bao. Nếu chẳng may xảy ra ốm đau có khi lương tháng chẳng đủ, thôi thì khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", anh Phương tâm sự.

Theo anh, với những đồng nghiệp ở xa, tốn thêm chi phí thuê nhà cuộc sống sẽ rất vất vả. Nhất là với những người trẻ mới vào nghề, việc lập gia đình, sinh con rồi xây nhà nhiều người chẳng dám nghĩ tới.

Để bám trụ lấy nghề, cải thiện sinh hoạt chốn Thủ đô không ít người phải kiếm việc làm thêm, gái làm thợ may, bán hàng; trai đi phụ hồ, sơn bả, chạy xe ôm,… làm gì cũng được, miễn có tiền và không trái pháp luật.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt - 21

Nói đến đây, giọng anh bỗng trùng xuống: "Đồng lương chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống nhưng trách nhiệm, áp lực công việc lại cao. Đã lên ca, bản thân mỗi nhân viên phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn tàu, hành khách và người đi đường, bất kỳ một sai sót nhỏ nào cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng".

Dẫu khó khăn, vất vả nhưng những nhân viên gác chắn như anh Phương, chị Đào, Thùy Dương vẫn cần mẫn bám gác, gắn bó với đường ray.

Tuy có những lúc vì hoàn cảnh, muốn tìm một công việc thu nhập tốt hơn nhưng lại không thể, bởi họ đã quen với công việc, với những chuyến tàu qua lại và hơn cả là tình yêu nghề, niềm tự hào khi được phục vụ cho ngành đường sắt.

"Công việc có khó khăn về cuộc sống nhưng đem lại cho mình niềm vui, bây giờ công việc trở thành một thói quen không thể bỏ, nhiều hôm ở nhà nhớ đến lịch tàu chạy lại tưởng tượng ra cảnh cầm cờ phân luồng, đảm bảo giao thông", chị Nguyễn Thị Đào tâm sự.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 3: Cơ cực nghề gác chắn đường sắt - 23

Ông Nguyễn Văn Đặng, Đội trưởng Đội đường sắt 101 cho biết, công việc gác chắn đường sắt mang tính chất đặc thù, đòi hỏi mỗi nhân viên phải đáp ứng các điều kiện về an toàn lao động, an toàn giao thông.

Mặc dù đã thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, đúng quy trình thao tác đóng, mở rào chắn nhưng nhân viên vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị tai nạn do các phương tiện giao thông đường bộ, người dân vô ý gây ra.

Bên cạnh đó, thu nhập của nhân viên gác chắn chưa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người bỏ việc, doanh nghiệp khó khăn tìm kiếm nhân sự bổ sung.

Ông Đặng mong muốn, trong thời gian tới, ngành đường sắt được Nhà nước quan tâm hơn, đầu tư về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

"Khi có đông hành khách đi tàu, mức thu nhập của nhân viên ngành đường sắt cũng ổn định hơn, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Những năm qua, hầu hết nhân viên ngành đường sắt đều phải tiết kiệm chi tiêu mới có thể ổn định cuộc sống", ông Đặng nói.

Nội dung: Nguyễn Hải, Trần Văn

Thiết kế: Thủy Tiên