DMagazine

Văn Hậu chia tay Heerenveen: Khi một cánh cửa trời Âu khép lại...

(Dân trí) - Cánh cửa ở trời Âu khép lại với Văn Hậu. Nhưng không có nghĩa rằng mọi cánh cửa khác cũng đóng lại với tuyển thủ Việt Nam.

Văn Hậu chia tay Heerenveen: Khi một cánh cửa trời Âu khép lại...

Một cánh cửa ở trời Âu đã khép lại với Văn Hậu để lại bao sự tiếc nuối. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng mọi cánh cửa khác cũng đóng lại với tuyển thủ Việt Nam. Chỉ cần “cánh cửa niềm tin” của Văn Hậu vẫn còn mở thì chẳng có thất bại nào là quá lớn.

Cuộc phiêu lưu của Văn Hậu ở Heerenveen đã chính thức khép lại sau một mùa giải. Chẳng hề có câu chuyện cổ tích nào xảy ra. Dấu ấn của Văn Hậu trong 1 năm qua không có gì đáng kể. Nó chỉ gói gọn trong 4 phút ra sân ngắn ngủi ở cúp quốc gia Hà Lan (không ra sân phút nào ở giải VĐQG Hà Lan). Một cánh cửa đã khép lại với Văn Hậu với bao sự tiếc nuối. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng những cánh cửa tiếp theo sẽ đóng lại. Chẳng có thất bại nào quá lớn nếu như “cánh cửa niềm tin” của Văn Hậu vẫn còn rộng mở...

Giấc mơ vụt tắt trên đất Hà Lan

Ngày 17/9/2019, trước khi tiễn Văn Hậu vào phòng chờ sân bay, ông Đoàn Quốc Thắng và bà Vũ Thị Nụ (bố mẹ Văn Hậu) đều không thể kìm được những giọt nước mắt. Họ ôm đứa con “bé bỏng” vào lòng với biết bao nỗi niềm, dù cho trước đó hai ông bà đã thống nhất với nhau trước rằng không được khóc khi tạm biệt cậu con trai.

Đó là ngày Văn Hậu sang ký hợp đồng với Heerenveen, khởi đầu cho giấc mơ chinh phục châu Âu của mình. Và hơn ai hết, ông Thắng và bà Nụ hiểu rằng họ không thể níu giữ giấc mơ bóng đá đỉnh cao của cậu con trai. Họ khóc vì hạnh phúc nhưng đi kèm với đó cũng là những âu lo về chân trời mới của Văn Hậu.

Văn Hậu chia tay Heerenveen: Khi một cánh cửa trời Âu khép lại... - 1

Giấc mơ chinh phục trời Âu của Văn Hậu vẫn chưa trở thành hiện thực

Văn Hậu không phải là cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu ở châu Âu (trước đó Công Vinh từng thi đấu ở Bồ Đào Nha, Công Phượng từng đá ở Bỉ) nhưng là cầu thủ trẻ nhất làm điều này. Ở tuổi 19, cái tuổi mà nhiều cậu bé vẫn cần tới sự chăm sóc của cha mẹ thì Văn Hậu đã làm được một điều to lớn với trách nhiệm nặng nề, đó là chinh phục trời Âu.

“Bố mẹ sẽ rất hãnh diện khi tôi được thi đấu ở Hà Lan” - trước khi sang đất Hà Lan, Văn Hậu đã nhắn nhủ như vậy. Và đương nhiên, anh cũng hiểu rằng, tất cả những người hâm mộ Việt Nam cũng có chung niềm hãnh diện như thế.

Có chi tiết đáng chú ý ở thời điểm ấy, trang Facebook của Heerenveen đã tăng vọt từ 70.000 lượt thích lên 250.000 lượt thích chỉ trong vòng 1 ngày khi Văn Hậu chuyển tới. Và sau đó, con số này còn tăng lên hơn 400.000 lượt. Điều đó chứng tỏ, Văn Hậu đã tạo ra hiệu ứng lớn chưa từng có ở Heerenveen.

Thế nhưng, không phải câu chuyện cổ tích nào cũng kết thúc có hậu. Không phải mong ước nào cũng có thể trở thành hiện thực. Đáng buồn là, câu chuyện cổ tích của Văn Hậu đã rơi vào kịch bản này. Mảnh đất Heerenveen không phải là nơi nuôi dưỡng giấc mơ của tài năng trẻ người Việt Nam.

Có một sự thật khắc nghiệt nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận, đó là việc cầu thủ Việt Nam (có thể tài năng) chưa thể gây dấu ấn trên đấu trước quốc tế. Câu chuyện của Văn Hậu ở Heerenveen chỉ gói gọn lại trong 4 phút ngắn ngủi ra sân ở Cúp quốc gia Hà Lan và phải nhận... 1 thẻ vàng. Ngoài ra, tuyển thủ Việt Nam chưa ra sân 1 phút nào ở giải vô địch quốc gia Hà Lan. Hầu hết thời gian Văn Hậu gắn bó với đội trẻ Jong Heerenveen.

Tất nhiên, cũng có nhiều yếu tố tác động, khiến thương vụ này thất bại. Nhưng nói qua cũng nói lại, những gì Văn Hậu chứng minh chưa đủ để lấy được sự tin tưởng của HLV Johnny Jansen. Ngay cả khi hậu vệ trái Lucas Woudenberg mất phong độ và chấn thương thì HLV Johnny Jansen vẫn sẵn sàng kéo hậu vệ phải Sherel Floranus “trám” vào vị trí này, thay vì tin tưởng Văn Hậu. Phải chăng ông không dám mạo hiểm?

Và thêm một câu chuyện khác, đó là khi Văn Hậu đã hết hạn hợp đồng vào ngày 30/6, Heerenveen cũng không quá chú trọng tới việc đàm phán với tuyển thủ Việt Nam. Họ cho thấy rõ động thái muốn chờ đợi “tài trợ” từ phía CLB Hà Nội. Theo tiết lộ của Chủ tịch CLB Hà Nội, Đỗ Vinh Quang, Heerenveen thậm chí không cần gặp mặt trực tiếp để đàm phán, dù cho CLB thủ đô đã liên tục hối thúc. Bởi lẽ đó, người ta hiểu rằng, việc Văn Hậu phải trở lại Việt Nam (khi Heerenveen không được đáp ứng yêu cầu tài chính) cũng là điều dễ hiểu.

Cái kết quá đắng cho một giấc mơ...

Văn Hậu thi đấu 4 phút ở Heerenveen

Tham vọng hóa rồng chưa thành của bóng đá Việt Nam

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, người ta đã thấy không ít cầu thủ xuất ngoại. Đó là trường hợp của Huỳnh Đức (sang Chongqing Lifan), Công Vinh (sang Leixoes S.C, Consadole Sapporo), rồi sau này thế hệ kế cận có lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh cũng nhiều lần được thử sức ở môi trường nước ngoài. Và mới nhất là trường hợp Văn Hậu sang Hà Lan. Họ đều có kết quả chung, đó là thất bại.

Cần nói thêm rằng những cầu thủ nói trên đều là những con người ưu tú của bóng đá Việt Nam ở thế hệ của họ. Trong giai đoạn họ thi đấu, bóng đá Việt Nam cũng có dấu ấn nhất định ở Đông Nam Á hay xa hơn là châu Á. Thậm chí, lứa Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu còn gây tiếng vang tới tầm thế giới nhờ thành công rực rỡ cùng HLV Park Hang Seo. Và câu hỏi đặt ra là tại sao họ không thể vươn lên ở nước ngoài, dù cũng có tài năng?

Ai cũng hiểu bóng đá là môn thể thao ở tập thể. Một cá nhân dù xuất sắc nhưng cũng chưa chắc thể hiện được mình nếu không hòa mình vào tập thể ấy. Do đó, để tồn tại ở môi trường mới, các cầu thủ cần phải học cách thích nghi. Vấn đề lớn nhất của các cầu thủ Việt Nam từ trước tới nay chính là thích nghi với môi trường mới, xa lạ so với bóng đá Việt Nam. Nhìn chung, các ngôi sao của Việt Nam trước nay trưởng thành và thi đấu chỉ gói gọn ở môi trường V-League. Do đó, việc thích nghi không phải là điều dễ dàng.

So với giải V-League, các giải Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Thái Lan chơi thứ bóng đá nhanh hơn và đòi hỏi thể lực, kỹ thuật khá nhiều. Vì vậy, họ đòi hỏi nhiều tố chất hơn từ các cầu thủ (hơn là môi trường V-League). Điều này cũng tương đồng với việc nhiều cầu thủ châu Á thường không thành công ở môi trường châu Âu, nơi đòi hỏi nhiều tố chất hơn nữa.

Không chỉ các cầu thủ Việt Nam mắc điểm yếu này, mà ngay cả những cầu thủ châu Á cũng gặp khó khăn. Vấn đề ở chỗ, để thành công, họ cần phải vượt qua khó khăn này. Hãy nghe Park Ji Sung tiết lộ về thời gian đầu chơi bóng ở PSV tại Hà Lan. “HLV Guus Hiddink làm việc ở Hà Lan khác hẳn so với khi ông ấy đã làm ở Hàn Quốc. Tôi và Lee Young Pyo bị đối xử khác hẳn. Nếu như ở Hàn Quốc, ông ấy như ông già hiền từ thì sự đối xử ở Hà Lan khiến tôi thực sự sợ hãi. Tôi đã phải tự điều chỉnh mình nhiều lần” - Park Ji Sung chia sẻ.

Văn Hậu chia tay Heerenveen: Khi một cánh cửa trời Âu khép lại... - 2

Vấn đề lớn của các cầu thủ Việt Nam là thích nghi với môi trường ở nước ngoài

Cha của Park Ji Sung hồi tưởng về quãng thời gian ác mộng của cậu con trai: “Mọi thứ quá khác biệt ở châu Âu. Người ta có thể ném mọi thứ vào nó, rồi xúc phạm. Điều đó khiến cho nó bị tổn thương”.

Có thực tế không thể phủ nhận rằng các cầu thủ châu Á (đặc biệt là Đông Nam Á) luôn nhận sự nghi ngờ nhất định từ các HLV ở châu Âu. Tất nhiên, Park Ji Sung may mắn hơn Văn Hậu do được làm việc với HLV Guus Hiddink từ trước. Còn Văn Hậu gần như bước vào môi trường hoàn toàn mới lạ.

Chân sút người Thái Lan, Teerasil Dangda, người từng có thời gian thi đấu cho Atletico Madrid (2 tuần) và Almeria từng tâm sự: “Bóng đá Tây Ban Nha quá nhanh, khiến tôi hoàn toàn choáng ngợp. Đẳng cấp giữa họ và khu vực Đông Nam Á là quá chênh lệch”.

Một rào cản khác không thể không nhắc tới, đó chính là vấn đề bất đồng ngôn ngữ. HLV Johnny Jansen từng nhận xét Văn Hậu là người cần cù, thông minh. Nhưng có trở ngại lớn nhất của tuyển thủ Việt Nam chính là vấn đề ngôn ngữ. Điều đó khiến cho anh khó giao tiếp với đồng đội cũng như hiểu được vấn đề chiến thuật của HLV trưởng. Đó là lý do mà ông vẫn ngần ngại chưa sử dụng Văn Hậu.

Tất nhiên, đây chỉ là yếu tố tiên quyết với những cầu thủ Việt Nam muốn xuất ngoại nhưng đó chưa hẳn là yếu tố quyết định. Bởi lẽ, lứa Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng đều có ngoại ngữ tốt nhưng họ vẫn gặp vấn đề thích nghi nhất định khi thi đấu nước ngoài.

Bóng đá Thái Lan đã xây dựng lộ trình tốt hơn Việt Nam ở vấn đề này. Họ đã “mở đường” sang thi đấu ở Nhật Bản và thành công nhờ lộ trình phù hợp. Có thống kê rằng tính tới thời điểm này, có tới 23 cầu thủ Thái Lan đã thi đấu ở giải Nhật Bản. Với thế hệ nối tiếp thế hệ, bóng đá Thái Lan đã không còn quá xa lạ với môi trường ở xứ Hoa Anh Đào. Đó hoàn toàn có thể là bài học cho bóng đá Việt Nam

Kẻ đi săn giấc mơ

Trên đôi giày của Văn Hậu có thêu dòng chữ “Dream Chaser” (tạm dịch: Kẻ đi săn giấc mơ). Đôi giầy ấy đã đi theo Văn Hậu trong suốt thời gian chinh phục những giấc mơ trong sự nghiệp và nó cũng chính là lời tuyên ngôn cho khát vọng Văn Hậu.

Bao nhiêu giấc mơ, hoài bão của Văn Hậu có lẽ đã đặt vào từ “Dream Chaser” ấy. Nó như lời thúc giục để Văn Hậu vươn lên, chinh phục những giấc mơ của mình.

Văn Hậu chia tay Heerenveen: Khi một cánh cửa trời Âu khép lại... - 3

Văn Hậu luôn muốn săn giấc mơ điên rồ nhất

Trước khi trở về Việt Nam, Văn Hậu từng đăng tải thông điệp đầy ẩn ý: “I wish someone understood my wish, because it was my dream” (tạm dịch là: Tôi ước ai đó hiểu được mong ước của mình bởi đó là giấc mơ của tôi”).

Cánh cửa ở châu Âu đã khép lại với Văn Hậu nhưng điều đó không có nghĩa rằng mọi cánh cửa khác cũng đóng lại với tuyển thủ Việt Nam. Chỉ cần “cánh cửa niềm tin” của Văn Hậu vẫn còn mở thì chẳng có thất bại nào là quá lớn.

Với Văn Hậu, những người hâm mộ Việt Nam luôn đặt trọn niềm tin. Ở tuổi 20, Văn Hậu vẫn còn cả tương lai ở phía trước. Điều quan trọng với tuyển thủ Việt Nam là cải thiện những tố chất còn thiếu, để có hành trang tốt hơn trong tương lai.

Ít nhất, trong chuyến xuất ngoại lần này, Văn Hậu cũng thu hoạch không ít bài học tốt. Đó là được học hỏi tư duy chơi bóng ở châu Âu, tiếp xúc với nền bóng đá đỉnh cao và đặc biệt, thân hình của Văn Hậu đã được cải thiện trông thấy.

Dù thất bại nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu với Văn Hậu...

H.Long