(Dân trí) - Kỳ Euro lần thứ 17 trong lịch sử sẽ diễn ra tại Đức từ ngày 15/6 đến 15/7. Đây là giải đấu người Anh khát khao một lần lên ngôi ở châu lục, đồng thời nhiều lão tướng có cơ hội cuối cùng để tỏa sáng.
Giải vô địch bóng đá châu Âu (UEFA European Football Championship), thường được gọi ngắn gọn Euro hoặc Euro Cup, là giải bóng đá cấp đội tuyển quốc gia cho các thành viên Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA).
Giải đấu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960, diễn ra định kỳ 4 năm một lần, ngoại trừ Euro 2020 bị hoãn vì đại dịch và dời sang năm 2021.
Euro 2024 là lần thứ 17 giải đấu được tổ chức. Trong 16 lần tổ chức trước đây đã chứng kiến 10 đội đăng quang. Đức và Tây Ban Nha giàu thành tích nhất với 3 chức vô địch, Pháp và Italy có 2 lần, các đội Liên Xô, Tiệp Khắc, Hà Lan, Đan Mạch, Hy Lạp và Bồ Đào Nha mỗi đội đều một lần lên ngôi. Tuyển Italy hiện là nhà đương kim vô địch.
Kỳ Euro 2024 được tổ chức tại nước Đức, từ ngày 14/6 đến 14/7. 10 sân vận động trên 10 thành phố khắp quốc gia phát triển hàng đầu châu Âu này đã được chọn làm nơi diễn ra các trận đấu.
10 sân vận động tổ chức Euro 2024 gồm Olympic (tại thủ đô Berlin), Allianz Arena (Munich), Signal Iduna Park (Dortmund), MHP Arena (Stuttgart), Veltins-Arena (Gelsenkirchen), Volksparkstadion (Hamburg), Merkur Spiel-Arena (Dusseldorf), Sân vận động RheinEnergie (Cologne), Red Bull Arena (Leipzig) và Deutsche Bank Park (Frankfurt Main).
Ngoại trừ sân bóng ở Dusseldorf, 9 sân vận động còn lại từng được sử dụng tại World Cup 2006. Sân bóng có sức chứa lớn nhất là sân Olympic tại Berlin, với sức chứa 74.461 chỗ ngồi. Đây sẽ là nơi diễn ra trận chung kết.
Trận khai mạc giữa Đức và Scotland được tổ chức tại Allianz Arena, sân nhà của gã khổng lồ Bayern Munich, cũng có sức chứa lên tới hơn 70.000 khán giả.
Logo của Euro 2024 được lấy cảm hứng từ 55 lá cờ của các thành viên UEFA và màu sắc của chúng, được thiết kế bo tròn thành hình sân vận động Olympic Berlin. Chiếc cúp vô địch có tên Henri Delaunay được đặt ở trung tâm logo, 24 mảng màu xung quanh cúp tượng trưng cho 24 đội tranh tài.
Khẩu hiệu của giải đấu lần này là: "United by Football. Vereint im Herzen Europas" (tạm dịch: Đoàn kết bằng bóng đá. Kết nối mọi con tim của châu Âu) tiếp tục củng cố thông điệp về sự đoàn kết, gắn bó và hòa nhập giữa các quốc gia châu Âu.
Trái bóng được sử dụng tại Euro 2024 cũng được đặt tên dựa trên tình yêu bóng đá, có tên là Fussballliebe. Trái bóng này là phiên bản nâng cấp của trái bóng được sử dụng tại World Cup 2022.
Theo nhà sản xuất, Fussballliebe được gắn vi mạch có thể nhận biết 500 chuyển động mỗi giây, giúp trọng tài VAR xử lý chính xác các tình huống chạm tay hay công nghệ bắt việt vị bán tự động.
Bài hát chính thức của giải đấu có tên Fire (Lửa), do nhóm DJ người Ý Meduza, ban nhạc pop-rock Mỹ OneRepublic và biểu tượng pop Đức Kim Petras phối hợp sáng tác.
Theo ban tổ chức, bài hát này là sự kết hợp sản xuất nhạc house đầy sôi động của Meduza, âm thanh cuốn hút của OneRepublic và sự tinh tế trong nhạc pop của Leony, tạo nên một bản nhạc thể hiện trọn vẹn nhiệt huyết và tinh thần của người hâm mộ bóng đá và âm nhạc.
Euro 2024 là vòng chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu thứ ba liên tiếp có quy mô 24 đội tham dự. Thể thức thi đấu chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, các đội được chia làm 6 bảng thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm. Hai đội dẫn đầu mỗi bảng và 4 đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất sẽ giành vé có mặt ở vòng trong.
Giai đoạn thứ hai là vòng đấu loại trực tiếp (knock-out) bắt đầu từ vòng 1/8 (16 đội). Các cặp đấu phân định thắng thua trong 90 phút, nếu hòa sẽ thi đấu hiệp phụ rồi đá luân lưu.
Bảng A: Đức, Thụy Sĩ, Scotland, Hungary
Phân tích sâu hơn từng bảng đấu, bảng A là sự hiện diện của chủ nhà Đức, Scotland, Hungary và Thụy Sĩ. Đây là bảng đấu tương đối dễ thở cho đội chủ nhà. Siêu máy tính của Opta dự đoán Die Mannschaft có tới 88,5% cơ hội để vượt qua vòng bảng.
Tin tốt cho thầy trò HLV Julian Nagelsmann là tuyển Đức thường thi đấu tốt tại các giải đấu lớn được tổ chức trên sân nhà. Tại World Cup 1974, Euro 1988 và World Cup 2006, Đức (Tây Đức trước đây) đều lọt vào tới bán kết.
Tuy nhiên, tiếng vọng quá khứ khó lòng khiến giới mộ điệu an tâm, khi bóng đá Đức đang trải qua giai đoạn sa sút thê thảm. Đáng chú ý, Die Mannschaft chưa thắng nổi trận đấu loại trực tiếp nào kể từ Euro 2016 đến nay, bao gồm việc bị loại ngay từ vòng bảng 2 kỳ World Cup gần nhất.
Trong khi đó, cơ hội được chia khá đều cho 3 đội còn lại của bảng A, Thụy Sĩ (61%), Hungary (59,3%) và Scotland (58,9%). Trình độ cả ba đội bóng này đều khá cân bằng và đều được đánh giá có khả năng trở thành ngựa ô tại Euro 2024.
Bảng B: Italy, Tây Ban Nha, Croatia, Albania
Chuyển sang bảng B, bảng đấu "tử thần" của giải, với sự hiện diện của Tây Ban Nha, Croatia, Italy và Albania. Tây Ban Nha là đội được đánh giá cao nhất, với xác suất vượt qua vòng bảng là 89,1%.
Thống kê chỉ ra, La Roja chỉ thua 2 trong 22 trận gần nhất tại Euro (thắng 13, hòa 7 trong 90 phút). Tuy nhiên, hai thất bại hiếm hoi của Tây Ban Nha lại trước chính Croatia và Italy tại Euro 2016.
Như thường lệ, La Roja sẽ đem đến ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu lối chơi tiqui-taca đã trở thành bản sắc. Những đường chuyền tí tách đưa bóng đến sát khung thành vẫn là nét đặc trưng của "Những đấu sĩ bò tót".
Tuy nhiên để đa dạng hóa khả năng công phá, Tây Ban Nha cần cải thiện khả năng dứt điểm từ xa. 45 bàn thắng gần nhất của đội bóng này tại các vòng chung kết Euro đều được ghi trong vòng cấm. Bàn thắng "từ xa" gần nhất là cú sút của Raul vào lưới Slovenia tại Euro 2000.
Đối nghịch với lối chơi kiểm soát bóng của người Tây Ban Nha là hệ thống phòng ngự đổ bê-tông của người Ý. 45 trận đấu gần nhất của đoàn quân thiên thanh tại Euro chỉ có 83 bàn thắng được ghi, trung bình 1,84 bàn mỗi trận. Italy có 80,3% cơ hội đi tiếp để bảo vệ thành công chức vô địch, qua đó cân bằng thành tích vô địch 2 lần liên tục của La Roja.
Croatia cũng là cái tên được đánh giá cao, với 67,8% cơ hội đi tiếp. Đội bóng áo sọc ca-rô đỏ trắng tiếp tục được dẫn dắt bởi nhạc trưởng Luka Modric. Tuy nhiên, tiền vệ tài hoa này đã 38 tuổi và Croatia thường gặt hái thành tích tốt tại World Cup hơn là Euro.
Ba lần dự giải gần nhất, Croatia đều không thể lọt vào tứ kết. Trong khi đó, Albania chỉ được xem là đội lót đường. Trong số 24 đội tham dự, Albania có thứ hạng thấp thứ hai trên bảng xếp hạng FIFA, hiện đứng thứ 66.
Bảng C: Anh, Đan Mạch, Serbia, Slovenia
Bảng C là sự hiện diện của tuyển Anh, Đan Mạch, Serbia và Slovenia. Tuyển Anh được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu của giải đấu, với dàn hảo thủ trải đều cả 3 tuyến.
Đặc biệt hàng công "Tam sư" có sự hiện diện của Harry Kane, chủ công của Bayern Munich, Jude Bellingham, nhạc trưởng của Real Madrid cũng như Phil Foden và Bukayo Saka, hai nguồn cảm hứng của Man City và Arsenal.
Đội bóng này cũng là đương kim á quân châu Âu và thành tích thi đấu tại các giải đấu lớn ngày càng ấn tượng. Theo Opta, "Tam sư" có đến 95,4% cơ hội đi tiếp vào vòng đấu loại trực tiếp và 19,9% cơ hội đăng quang, cao nhất giải.
Những tấm vé còn lại là cuộc cạnh tranh giữa Đan Mạch, Serbia và Slovenia. Trong đó, Đan Mạch và Serbia đều là những chú ngựa ô tiềm tàng. Tại Euro 2020, Những chú lính chì đã thi đấu rất ấn tượng và chỉ chịu dừng chân tại bán kết trước tuyển Anh.
Serbia là đội sở hữu hàng công khá ấn tượng, với sự hiện diện của bộ đôi Aleksandar Mitrovic và Dusan Vlahovic.
Tất nhiên, Slovenia cũng chẳng hề dễ bị bắt nạt. Lần duy nhất tham dự Euro trước đây vào năm 2000, đội bóng này đã gây ra vô vàn khó khăn cho các đối thủ cùng bảng đấu. Tại vòng loại, Slovenia cũng thi đấu ấn tượng với 7 chiến thắng và giành 22 điểm sau 10 trận, đứng thứ hai bảng H sau chính Đan Mạch.
Bảng D: Pháp, Hà Lan, Ba Lan, Áo
Tại bảng D có sự hiện diện của ứng cử viên số hai của giải. Đó là đội tuyển Pháp, đương kim á quân thế giới. Les Bleus có 92,9% cơ hội vượt qua vòng bảng và 19,1% cơ hội đăng quang.
Trong tay HLV Didier Deschamps vẫn là lứa cầu thủ xuất sắc đã vô địch World Cup 2018. Nổi bật nhất dĩ nhiên là tiền đạo Kylian Mbappe, cầu thủ vừa đầu quân cho Real Madrid. Tại vòng loại, tiền đạo này đã ghi 9 bàn thắng và thực hiện 5 pha kiến tạo cho đồng đội ghi bàn.
Antoine Grizmann cũng là cái tên thường xuyên tỏa sáng tại các giải đấu lớn. Từ Euro 2016 đến nay, tiền đạo này đã in dấu giày vào 18 bàn sau 25 trận tại các vòng chung kết Euro và World Cup. Không một cầu thủ châu Âu nào ghi bàn và kiến tạo nhiều hơn thế.
Đối thủ của Pháp tại bảng D là Hà Lan, Ba Lan và Áo. Lần duy nhất tuyển Hà Lan vô địch châu Âu chính là vòng chung kết Euro 1988 được tổ chức tại Đức. Ronald Koeman, đương kim HLV của Hà Lan chính là thành viên đội bóng bước lên bục đăng quang năm ấy.
Tại kỳ Euro trước mắt, Hà Lan vẫn phụ thuộc nhiều vào tuyến sau, với những ngôi sao kỳ cựu như Van Dijk, De Ligt hay De Jong.
Trong khi đó, Áo và Ba Lan bị đánh giá thấp hơn, cơ hội đi tiếp lần lượt chỉ có 32,5% và 30,9%. Tuyển áo đang được dẫn dắt bởi HLV Ralf Rangnick, cựu HLV Man Utd.
Nhà cầm quân được xem là cha đẻ của "Gegen-pressing" (gây áp lực liên tục, giành lại bóng sau khi mất bóng) đang thổi hồn lối chơi này vào đội tuyển Áo, với cách thi đấu mạnh mẽ, căng tràn năng lượng. Về phần Ba Lan, đội bóng này vẫn trông chờ chủ yếu vào tài săn bàn của Robert Lewandowski.
Bảng E: Bỉ, Ukraine, Slovakia, Romania
Bảng E tương đối dễ thở cho đội tuyển Bỉ, khi chỉ phải gặp các đối thủ Slovakia, Romania và Ukraine. Đây là cơ hội để "Quỷ đỏ" vãn hồi danh dự sau kỳ World Cup 2022 thất bại thê thảm. Theo Opta, tuyển Bỉ có tới 90% cơ hội vượt qua vòng bảng.
Tuy vậy, cơ hội để đội bóng này vô địch châu Âu lại không được đánh giá cao, chỉ 4%. Bên cạnh yếu tố lịch sử, thế hệ vàng của tuyển Bỉ cũng đã qua giai đoạn đỉnh cao phong độ trong khi lứa cầu thủ mới như Jeremy Doku (Man City), Bakayoko (PSV) chưa thật trưởng thành.
Nếu như tuyển Bỉ lép vế so với các ứng cử viên vô địch ở các bảng đấu khác thì các đại diện của bảng E cũng không được đánh giá cao ở khả năng tạo bất ngờ. Cả ba cái tên còn lại đều chưa từng hoặc từ rất lâu không tạo được tiếng vang trên trường quốc tế. Ấn tượng nhất cũng chỉ là thành tích vào tới tứ kết Euro 2020 của Ukraine.
Bảng F: Bồ Đào Nha, CH Séc, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia
Cái tên nổi bật nhất tại bảng đấu này dĩ nhiên là Bồ Đào Nha. Hàng công Seleccao sở hữu dàn hảo thủ đáng gờm, với những cái tên Cristiano Ronaldo, Rafael Leao, Bernardo Silva, Diogo Jota, Goncalo Ramos, Joao Felix và Pedro Neto.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Roberto Martinez, Bồ Đào Nha cũng chuyển từ lối chơi phòng ngự sang tấn công biến hóa. Tại vòng loại, Seleccao là đội duy nhất toàn thắng, đồng thời ghi nhiều bàn thắng nhất (36) và nhận ít bàn thua nhất. Trong 7 kỳ EURO gần nhất, Bồ Đào Nha cũng là đội duy nhất luôn vượt qua vòng bảng.
Tuy nhiên, vấn đề của Bồ Đào Nha là… Cristiano Ronaldo. Tại World Cup 2022, đội bóng này trở nên đáng gờm hơn khi siêu sao lão tướng này ra ngoài sân. Bất chấp thành tích ấn tượng trong màu áo CLB và đội tuyển quốc gia thời gian gần đây, 39 tuổi không phải là độ tuổi phù hợp cho những trận đấu sống còn đỉnh cao.
Trong khi đó, các đối thủ của Bồ Đào Nha tại bảng F không dễ gì bắt nạt. Đó là Thổ Nhĩ Kỳ, đội đã vượt qua vòng loại Euro 3 kỳ liên tiếp và CH Séc, đội bóng đã 11 lần tham dự giải vô địch bóng đá châu Âu. Duy chỉ có Georgia khó tạo ra bất ngờ.
Đầu tiên, cần nhấn mạnh, Euro là sân chơi khốc liệt hơn cả World Cup. Tại giải thế giới, nhiều anh tài lục địa già vắng mặt đáng tiếc do "cơ chế". Ở cấp châu Âu, mọi đội bóng số má của lục địa phát triển bóng đá nhất hành tinh đều góp mặt.
Dẫn chứng cụ thể, trên bảng xếp hạng FIFA hiện tại, trong top 10 đội dẫn đầu thì 8 đội đến từ châu Âu. Hai đội còn lại là Argentina và Brazil. Thực tế nhiều kỳ World Cup qua, cũng chỉ có hai ông lớn Nam Mỹ này đủ sức tranh giành chức vô địch thế giới cùng các thế lực tại Âu châu. Thế mới thấy Euro "đỉnh" như thế nào về chuyên môn.
Thêm vào đó, bóng đá đỉnh cao có sức đào thải khủng khiếp. Không phải ngẫu nhiên các nhà chuyên môn lại chọn 4 năm tổ chức một kỳ EuroO hay World Cup. 4 năm chính là khoảng cách trung bình để sản sinh ra thế hệ mới cho một nền bóng đá. Quãng thời gian ấy phù hợp với cái gọi là "đến kỳ lại lên" hay "tan lâu lại hợp, hợp lâu lại tan".
Thế nhưng, Euro 2024 lại chứng kiến nghịch lý từ những ông già. Ví dụ, HLV Julian Nagelsmann của chủ nhà Đức trẻ tuổi hơn không ít cầu thủ dự giải. Đơn cử ngay tại Die Mannschaft, nhà cầm quân 36 tuổi này nhỏ hơn thủ thành Manuel Neuer tới 2 tuổi.
Hoặc như tại tuyển Tây Ban Nha, lão tướng Navas (38 tuổi) đáng tuổi cha người đồng đội Lamine Yamal (16 tuổi).
Đáng nói, tuổi 38 của Neuer hay Navas còn "thanh niên" chán nếu so với Ronaldo (39) hay trung vệ Pepe hoặc thủ thành Craig Gordon của Scotland, những người đều 41 tuổi. Ngoài ra, Luka Modric (38) hay Lewandowski (35) cũng là những cầu thủ luống tuổi nhưng vẫn giữ vai trò dẫn dắt toàn đội.
Không có tầm ảnh hưởng lớn như vậy nhưng Olivier Giroud (37), Kasper Schmeichel (37), Jan Vertonghen (37), Rui Patricio (36), Kamil Grosicki (35), Dusan Tadic (35), Yann Sommer (35), Ivan Perisic (35), Domagoj Vida (35) và Simon Kjaer (35) đều là cầu thủ quan trọng tại đội tuyển quốc gia.
Không ít những cái tên nêu trên đã góp mặt từ Euro 2008, riêng Cristiano Ronaldo là từ Euro 2004. 20 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy…