(Dân trí) - Trả lời Dân trí, chuyên gia Steve Darby bình luận về những vấn đề của bóng đá Việt Nam thời hậu HLV Troussier, đồng thời ông chỉ ra những ứng cử viên phù hợp dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.
HLV Troussier đã chia tay đội tuyển quốc gia Việt Nam chỉ sau hơn một năm gắn bó, mặc dù hợp đồng của ông ấy có thời hạn tới 3 năm. Ngoài thành tích thi đấu kém cỏi, hình ảnh của ông Troussier trong mắt người hâm mộ rất kém thân thiện. Quan điểm của ông như thế nào về trường hợp này?
- Ở cấp đội tuyển quốc gia (ĐTQG), thành công hay thất bại của huấn luyện viên (HLV) trưởng được quyết định bởi kết quả. Đó mới là bóng đá chuyên nghiệp. Về phần chỉ trích, đa số các HLV chọn cách bỏ qua vì họ không thể kiểm soát được. Vậy nên, tại sao phải lo lắng về điều mà bạn không thể làm gì được?!
Tuy nhiên, một số chỉ trích thật ngớ ngẩn. Khi tôi dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam, chúng tôi không thua trận nào và còn giành huy chương vàng SEA Games, tôi vẫn bị một số phương tiện truyền thông và quan chức Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chỉ trích.
Một cán bộ nói với tôi rằng chiến thuật của tôi không đúng, người khác nói rằng tôi sử dụng sai cầu thủ, dù thực tế chúng tôi không thua bất kỳ trận nào.
Thứ hai, sự chỉ trích đã ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây bởi yếu tố bùng nổ của mạng xã hội. Thời đại này bất kỳ ai cũng có thể bàn luận về bóng đá, những thứ họ nói có thể rất linh tinh nhưng nhiều người vẫn nghe và tin.
Thường thì những người chỉ trích hoặc thậm chí mạt sát cầu thủ hoặc huấn luyện viên thực ra chưa hề chơi bóng thực thụ. Có thể họ chỉ đá bóng phong trào hoặc học đường mà thôi.
Đáng tiếc, hiện nay có nhiều kẻ ngổ ngáo ưa nói những điều cay nghiệt để thu hút người theo dõi thông qua mạng xã hội. Thế nên, tôi hoài nghi rằng liệu ông Troussier có bị ảnh hưởng bởi những chỉ trích ấy không.
Tôi chỉ mong rằng ông Troussier được chấm dứt hợp đồng theo đúng thỏa thuận. Việc bồi thường sau khi dừng hợp đồng trước thời hạn là điều rất bình thường. Ngoài ra, những người chọn ông Troussier có phải chịu trách nhiệm nào không?
Một nguyên nhân khiến HLV Troussier chia tay đội tuyển Việt Nam là nỗ lực trẻ hóa đội hình thất bại. Hy vọng dự World Cup của bóng đá Việt Nam cũng dần tan biến theo. Phải chăng bóng đá Việt Nam đã vươn tới đỉnh cao cùng lứa cầu thủ dưới thời HLV Park Hang Seo và bây giờ là chu kỳ thoái trào? Nói cách khác, đội tuyển Việt Nam dường như đang tụt lại so với Thái Lan hoặc Indonesia về trình độ?
- Lý do khiến HLV Troussier ra đi chỉ là kết quả, không còn lý do nào khác. World Cup 2026 là cơ hội tốt nhất để đội tuyển Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết vì suất tham dự của Liên đoàn bóng đá châu Á được tăng lên.
Nhưng việc lập kế hoạch cho vòng loại World Cup 2026 cần bắt đầu ít nhất từ năm 2018. Liệu bóng đá Việt Nam có lập kế hoạch từ năm 2018 không, hay chỉ quan tâm tới thành công ở SEA Games và AFF Cup?
Thành tích của một ĐTQG có thể thay đổi theo chu kỳ, vì thế ngay cả khi tuyển Việt Nam dường như đang kém hơn so với Thái Lan và Indonesia, mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng với vài kết quả tích cực.
Nếu bóng đá Việt Nam tụt lại so với các quốc gia Đông Nam Á thì cần xem xét nhiều yếu tố, chẳng hạn chất lượng V-League, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch và thậm chí cả sự hỗ trợ kinh tế cho ĐTQG. Tất cả các yếu tố cần được xem xét để tìm ra nguyên nhân. Việc chỉ trích một HLV thôi là không đủ.
Về câu chuyện nhập tịch cầu thủ, theo ông việc nhập tịch cầu thủ ồ ạt như đội tuyển Indonesia liệu có phải chiến lược đúng đắn? Đội tuyển Việt Nam cần làm gì để tận dụng tối ưu nguồn lực cầu thủ nhập tịch?
- Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc nhập tịch và sử dụng những cầu thủ mang trong mình dòng máu Việt Nam, chẳng hạn như có bố mẹ hoặc ông bà là người Việt. Những cầu thủ này khoác lên mình chiếc áo ĐTQG là hoàn toàn hợp lý.
Ngược lại, tôi phản đối việc sử dụng những cầu thủ không có gốc gác Việt Nam mà chỉ nhập tịch theo diện đủ thời gian cư trú. Lý do là việc sử dụng những cầu thủ như vậy sẽ tạo ra hệ quả những cầu thủ chơi bóng vì tiền chứ không phải tình yêu tổ quốc.
Nhưng nếu VFF muốn đi theo con đường nhập tịch các cầu thủ có nguồn gốc Việt Nam, họ phải bắt đầu triển khai các mạng lưới tìm kiếm chuyên nghiệp ở những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống đông đúc như Mỹ, Australia hay Đông Âu. Có nhiều cầu thủ tài năng, cả nam lẫn nữ, đang thi đấu tại các quốc gia này.
VFF cần tích cực tìm kiếm và chú ý đến nguồn nhân lực này. Tôi từng giới thiệu một cầu thủ bóng đá nữ người Australia gốc Việt cho VFF, cô ấy từng khoác áo đội tuyển trẻ Australia, nhưng cuối cùng mọi việc không đi đến đâu.
V-League là nguồn cung cấp nhân sự chủ lực cho đội tuyển quốc gia. Tuyển Việt Nam thiếu tiền đạo vì các CLB tại V-League chỉ sử dụng tiền đạo ngoại. Đội tuyển chưa thể áp dụng lối chơi kiểm soát bóng như ông Troussier mong muốn vì các CLB tại V-League chủ yếu chơi bóng dài. Giải bóng đá số một Việt Nam cần làm gì để cải thiện chất lượng thưa ông?
- Câu trả lời rất đơn giản. Thứ nhất là cải thiện cơ sở vật chất tập luyện lẫn thi đấu. Thứ hai là nâng cấp khoa học thể thao, đặc biệt là khâu điều trị và phục hồi sau chấn thương. Thứ ba là dập tắt nạn dàn xếp ở mọi cấp độ và góc độ.
Một vấn đề nổi cộm của V-League là các CLB sử dụng quá nhiều cầu thủ nước ngoài. Ông có kiến giải nào để giải quyết vấn đề này?
- Đúng thế! Câu trả lời nằm ở chất lượng ngoại binh chứ không phải số lượng ngoại binh. Hai ngoại binh đắt tiền và chất lượng còn hiệu quả cho CLB và nền bóng đá hơn 5 ngoại binh rẻ tiền và kém chất lượng. Có thể có những ngoại binh còn được trả mức lương thấp hơn cả nội binh!
Tôi từng đọc được việc tuyển chọn cầu thủ nước ngoài dựa trên thể hình. Điều đó thật ngớ ngẩn. Tiêu chí tuyển chọn ngoại binh phải là thu hút người hâm mộ, trình độ cao hơn nội binh và là hình mẫu về sự chuyên nghiệp cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Để làm được như vậy, việc đặt mức lương sàn cho cầu thủ nước ngoài là điều cần thiết. Việc này sẽ khiến các CLB không thể chi tiền cho việc tuyển mộ ngoại binh rẻ tiền.
Mạng lưới tìm kiếm ngoại binh tài năng cũng cần được cải thiện, không thể chỉ dựa vào vài cái băng ghi hình đăng trên YouTube hoặc ý kiến của môi giới cầu thủ. Ngoài ra, lãnh đội cũng không được nhận tiền "lót tay" từ các tay môi giới cầu thủ. Hành động này cũng làm tổn hại nặng nề tới nền bóng đá.
Nhiệm vụ cấp thiết trước mắt sẽ là tìm ra HLV trưởng mới cho đội tuyển Việt Nam. Theo ông, đâu là những tiêu chí quan trọng để tuyển chọn HLV, bao gồm vấn đề mức lương, kinh nghiệm, trình độ, tuổi tác cho đến sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Liệu đội tuyển Việt Nam có nên sử dụng một HLV người Việt Nam hoặc một HLV đang làm việc tại V-League?
- Việc trả lương luôn quan trọng. Bóng đá Việt Nam không đủ khả năng trả lương cho những HLV tầm cỡ như Mourinho, Klopp, Ancelotti. Vì thế, cần phải thực tế. Kinh nghiệm dẫn dắt ĐTQG rất quan trọng. Kinh nghiệm làm việc tại châu Á theo tôi cũng quan trọng, vì sự khác biệt văn hóa có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Mục tiêu phù hợp là có một HLV người Việt dẫn dắt ĐTQG trong tương lai. Muốn vậy VFF cần chọn ra nhóm HLV tiềm năng và cho họ làm trợ lý cho ông Park rồi ông Troussier. Sau đó, giao cho họ dẫn dắt các đội tuyển trẻ.
Mặc khác, các HLV Việt Nam cũng cần đầu tư phát triển sự nghiệp và sẵn sàng ra nước ngoài làm việc. Điều đó đồng nghĩa phải học tiếng Anh và giống như các cầu thủ, phải bước ra khỏi vùng an toàn.
Còn hiện tại, nếu VFF chọn HLV nước ngoài, tôi nghĩ có hai ứng cử viên xuất sắc phù hợp tiêu chí là Mano Polking và Kiatisuk, những người có kinh nghiệm dẫn dắt ĐTQG tại Đông Nam Á và có thời gian làm việc tại Việt Nam.
Câu hỏi cuối cùng, những người nào xứng đáng để chọn ra HLV trưởng ĐTQG Việt Nam? Từng làm việc nhiều nơi trên thế giới, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm về "hội đồng tuyển chọn HLV trưởng ĐTQG"?
- Đây chính là câu hỏi quan trọng nhất. Ai đang làm việc tuyển chọn HLV trưởng tiếp theo? Công việc tương tự ở cấp CLB thuộc về ai? Họ nghiên cứu như thế nào? Họ có bằng cấp gì? Quy trình tuyển dụng có đủ công bằng và minh bạch không?
Chẳng có gì phải giấu giếm khi nhiều HLV Nhật Bản được hưởng lợi qua việc Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) hỗ trợ nhiều Liên đoàn khác, do đó họ có cơ hội làm việc ở nhiều nơi tại châu Á.
Thường thì năng lực của các HLV Nhật Bản rất tốt nhưng phải dựa trên năng lực chứ không phải sự hỗ trợ tài chính. Chọn HLV là vấn đề hệ trọng. Trên lý thuyết, Giám đốc kỹ thuật phải tham gia. Nếu không thì thật khó hiểu.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!