DMagazine

Chuyên gia Scotland: Chỉ trích HLV Troussier, hãy hỏi vì sao ông Park ra đi

(Dân trí) - Trả lời Dân trí, chuyên gia Richard Harcus đưa ra góc nhìn khác về thất bại của HLV Troussier ở đội tuyển Việt Nam. Bóng đá Việt Nam cũng nhìn lại những vấn đề tồn tại sau khi HLV Park Hang Seo ra đi.

Chuyên gia Scotland: Chỉ trích HLV Troussier, hãy hỏi vì sao ông Park ra đi - 1

Đội tuyển Việt Nam đã để thua trong cả hai trận đấu với Indonesia khiến HLV Troussier phải ra đi. Giới truyền thông phân tích, mổ xẻ hay thậm chí chỉ trích vị HLV người Pháp trên mọi góc độ. Là một chuyên gia đến từ nền bóng đá phát triển như Scotland, ông đánh giá như thế nào về tư duy, thể hình, thể lực, trình độ của bóng đá Việt Nam ở thời kỳ chuyển giao?

- Tôi nghĩ bạn đã đưa ra được những vấn đề của đội tuyển Việt Nam và tôi không thể không đồng thuận. Bạn nói đúng nhưng tôi nghĩ còn những vấn đề khác như tôi đã đề cập trong các cuộc phỏng vấn trước đây. Đến bây giờ, những vấn đề ấy vẫn chưa bao giờ được xử lý.

Tôi không cần có khả năng tiên tri nhưng ngay từ thời điểm HLV Park Hang Seo còn tại vị, tôi đã nói về việc rồi sẽ một ngày đội tuyển Việt Nam phải nhận thất bại. Bất kỳ ai hiểu về quy luật phát triển của bóng đá đều biết điều này sẽ xảy ra và thực tế không quan trọng HLV trưởng là ai.

Kết cục ấy vẫn sẽ đến dù ông Park vẫn là HLV trưởng. Nhưng những vấn đề này luôn hiện hữu, vì chưa bao giờ được giải quyết.

Chuyên gia Scotland: Chỉ trích HLV Troussier, hãy hỏi vì sao ông Park ra đi - 3

Bạn cũng chẳng cần là một chuyên gia về bóng đá mới nhận thấy nhiều vấn đề tồn đọng trong nền bóng đá Việt Nam và tôi dám chắc hầu hết người hâm mộ khi đọc bài phỏng vấn này đều biết rõ nguyên nhân. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam không hề kém hiểu biết, nhiều người làm trong lĩnh vực bóng đá cũng như vậy.

Xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đề tồn đọng này?

- Đây là nguồn cơn của mọi vấn đề! Kỳ vọng của người hâm mộ đã thay đổi, xã hội đã thay đổi, con người đã thay đổi, bóng đá đã thay đổi… Tuy nhiên, những người điều hành bóng đá Việt Nam vẫn chưa thay đổi, thậm chí dường như không có động cơ để thay đổi. Đây là vấn đề lớn.

Tôi đã rất nhiều lần chia sẻ, những người trẻ được đặt vào các vị trí có khả năng tạo ra thay đổi tích cực càng sớm càng tốt. Hãy hình dung như thế này, dù bạn có che lấp vết nứt bằng cách quét thêm lớp sơn mới thì vết nứt vẫn tồn tại. Đó chỉ là biện pháp tạm thời và sau một thời gian, vết nứt lại lộ ra.

Chuyên gia Scotland: Chỉ trích HLV Troussier, hãy hỏi vì sao ông Park ra đi - 4

Bạn đang phỏng vấn tôi nhưng tôi cũng muốn đặt ngược câu hỏi cho độc giả là: Tại sao HLV Park Hang Seo ra đi? Mọi người có biết vì sao không? Tại sao chúng ta ngồi đây nói về HLV Troussier? Và trong vài tháng tới, chúng ta sẽ nói về ai khi chu trình này lặp lại? Tôi không phải là người Việt nhưng rất buồn khi nghĩ về sự chán chường ấy.

Bỏ qua vấn đề thượng tầng và đi vào tình huống cụ thể của HLV Troussier. Liệu ông Troussier có thể làm được nhiều hơn cho bóng đá Việt Nam không? Có, tôi nghĩ vậy! Liệu ông Troussier có nên được trao thêm thời gian và cơ hội không? Có, tôi nghĩ vậy!

Liệu bổ nhiệm ông Troussier có phải là quyết định đúng đắn không? Không, tôi không nghĩ như thế! Liệu ông Troussier có bị đối xử bất công không? Có, tôi nghĩ vậy! Liệu ông Troussier có nhận được đầy đủ sự hỗ trợ không? Tuyệt đối không! Liệu ông Troussier đã hiểu hết về nhân viên và các trợ lý của mình chưa? Chưa! Chưa bao giờ.

Vì thế, với những gì tôi vừa nêu, tôi hiểu tại sao nhiều người muốn Troussier ra đi. Nhưng ngược lại, với tư cách một người quan sát, bạn cũng có thể hiểu tại sao nhiều nhà chuyên môn tại Việt Nam lại ủng hộ ông Troussier. Họ thiếu đi những thủ lĩnh sẵn sàng dẫn dắt. Tôi chỉ thấy mọi người tuân theo mệnh lệnh. Tất cả nhợt nhạt, thiếu cá tính.

Tất nhiên đây chỉ là quan điểm cá nhân, nhưng tôi cảm thấy không có sự kết nối đúng đắn đến các cầu thủ, cũng như sự kết nối đến người hâm mộ cũng sai cách. Tôi nghĩ những gì HLV Troussier cố gắng truyền đạt là đúng, nhưng cách thực thi của cả ban huấn luyện đội tuyển không thật hiệu quả.

Chuyên gia Scotland: Chỉ trích HLV Troussier, hãy hỏi vì sao ông Park ra đi - 6

Dường như ông cho rằng có khoảng cách quá lớn giữa HLV Troussier và các tuyển thủ?

- Rõ ràng có sự mất kết nối giữa các cầu thủ và nhiều thành viên ban huấn luyện. Không còn sự hòa hợp và gắn kết như từng thấy dưới thời ông Park. Cũng không có những gương mặt dám đứng ra ứng phó với truyền thông và người hâm mộ.

Tôi nghĩ bóng đá đương đại cần những trợ lý HLV không chỉ biết tuân theo mệnh lệnh mà phải biết phản biện. Tôi không hề thấy điều đó ở ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam dưới thời Troussier. Tôi không thấy đủ khao khát từ những người tôi kỳ vọng cũng như chẳng thấy những ý kiến cố vấn có giá trị từ các trợ lý chuyên môn.

Về mặt con người, ông đánh giá về HLV Troussier như thế nào? Liệu ông ấy có bảo thủ và cực đoan như đã thể hiện thời gian qua?

- Thú thực với bạn và độc giả, tôi không muốn bị bất kỳ ai bêu rếu trong tương lai. Trước đây tôi từng nói chuyện với nhóm tuyển dụng của HLV Park Hang Seo và có một cuộc thảo luận về việc tôi tham gia vào ban huấn luyện của ông ấy. Tôi nhận thấy một vài vấn đề nhưng xin phép được giữ kín, vì không nên bàn luận vấn đề của người khác.

Chuyên gia Scotland: Chỉ trích HLV Troussier, hãy hỏi vì sao ông Park ra đi - 8

Khi HLV Troussier được bổ nhiệm, tôi cũng liên lạc với ông ấy để đề xuất được tham gia hỗ trợ. Chúng tôi có một vài tin nhắn qua lại, nhưng mọi chuyện chẳng đi đến đâu. Điều này khiến tôi rất buồn, vì tôi rất yêu đất nước, con người và bóng đá Việt Nam.

Nhưng với tư cách chuyên gia, tôi trả lời những câu hỏi của bạn hoàn toàn chuyên nghiệp, không hề bị ảnh hưởng bởi cảm xúc cá nhân.

Ông Troussier là cũng là người rất chuyên nghiệp nên tôi tôn trọng ông ấy. Cách ứng xử này, theo tôi, là cách một HLV trưởng nên thực hiện với các thuộc cấp: Nhìn nhận mọi chuyện trung thực, thẳng thắn và không để cảm tính hay tư thù ảnh hưởng đến các quyết định.

Nhìn vào đội tuyển Việt Nam, tôi lại thấy có quá nhiều cảm tính và tư thù, hoặc thiếu đi những người kết nối, hỗ trợ giữa HLV trưởng và các cầu thủ.

Tôi cũng nghĩ rằng các cầu thủ không nhận được sự chăm sóc đầy đủ cũng như thiếu kiến thức về dinh dưỡng. Và một lần nữa đây không phải là lỗi của HLV trưởng mà có thể do cầu thủ không lắng nghe hoặc tiếp nhận thông tin chưa đầy đủ.

Vấn đề nghiêm trọng ở đây là dường như không phải tất cả đều đi chung về một hướng. Dù tôi có thể chỉ trích thành viên đội bóng nhưng việc đó chẳng để làm gì. Chúng ta cần phát hiện và giải quyết vấn đề, không phải đổ lỗi.

Chuyên gia Scotland: Chỉ trích HLV Troussier, hãy hỏi vì sao ông Park ra đi - 11

Cầu thủ Việt Nam đã đủ trình độ để kiểm soát bóng hay chưa? Và trong tương lai, bóng đá Việt Nam cần làm gì để nâng cao kỹ năng lẫn tư duy chơi bóng? Tương tự là vấn đề thể hình, thể chất của các cầu thủ, thưa ông?

- Tôi từng nhiều lần nhấn mạnh về vấn đề chất lượng mặt sân bóng ở Việt Nam. Giáo dục và đào tạo các cầu thủ theo triết lý kiểm soát bóng nhưng trên những bề mặt không thể kiểm soát bóng là điều bất khả. Nhiều sân bóng trẻ nhỏ đang chơi không đảm bảo chất lượng, từ diện tích đến độ an toàn.

Đây là vấn đề cần được giải quyết trước khi đào tạo cầu thủ trẻ theo phương pháp mới. Cần những mặt sân rộng hơn, chất lượng hơn. Tại Việt Nam đang ngập tràn những mặt sân cỏ nhân tạo chất lượng kém, chật hẹp và thậm chí kể cả những sân cỏ tự nhiên cũng quá tệ để có thể thi đấu. Ngay cả giải đấu V-League cũng gặp vấn đề này.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần phát triển cơ sở vật chất tốt hơn, hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng từ bóng đá địa phương và thu hút được nguồn lực xã hội hóa hiệu quả hơn. Tôi đã nghe khá nhiều về chuyện kinh phí hạn hẹp, nhưng đó không phải cách giải quyết vấn đề.

Đôi khi chúng ta quá tập trung vào vấn đề mà không tìm hướng giải quyết. Không khó để tạo ra sự thay đổi, nhưng điều khiến mọi thứ trở nên khó khăn là nhận thức và sự cầu thị.

Về mặt thể lực và thể chất, đầu tiên cần cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, xây dựng chương trình phát triển thể chất tốt hơn, đào tạo và tuyển dụng những HLV trẻ chất lượng hơn. Mọi thứ xuất phát từ việc giáo dục tốt hơn và khát khao thay đổi.

Cũng cần sự hiểu biết về văn hóa và phát huy nguồn lực nội sinh này thay vì bị biến thành trở lực. Ví dụ, HLV ngoại quốc có thể không biết gì về văn hóa địa phương và ẩm thực, rồi cố áp đặt thứ gì đó từ quê nhà của họ hoặc thứ gì đó từ trường lớp và thiếu thực tế.

Chuyên gia Scotland: Chỉ trích HLV Troussier, hãy hỏi vì sao ông Park ra đi - 12

Người nước ngoài cũng cần thừa nhận rằng họ cũng cần học hỏi và không thể đến Việt Nam theo kiểu cái gì cũng biết. Đó là lý do tại sao sự đa dạng lại quan trọng, giao tiếp càng quan trọng và giáo dục là ưu tiên hàng đầu.

Một câu hỏi mang tầm vĩ mô hơn, bóng đá Việt Nam cần bao nhiêu học viện bóng đá để đảm bảo cả chất lẫn lượng?

- Trước nhất, hãy xác định "học viện bóng đá" là gì. Nhiều lò đào tạo hay lớp dạy bóng đá tự nhận là "học viện" nhưng thực tế không phải. Cách đơn giản để phân biệt là con bạn có phải đóng học phí hay không. Nếu là có thì đó không phải học viện.

Bây giờ, để trả lời câu hỏi của bạn, mỗi đội tại V-League 1 lẫn V-League 2 đều nên có một học viện bóng đá. Mọi CLB cần đáp ứng quy định của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) về giấy phép hoạt động, ngay cả với những đội bóng ở hạng thấp nhất.

Tất nhiên, tất cả cần có một kế hoạch và mục tiêu để phát triển, được hỗ trợ từ VFF và VPF cũng như những tổ chức liên quan. Một lần nữa, điều này liên quan đến giáo dục và đào tạo, đòi hỏi nhận thức về sự cần thiết của việc thay đổi tư duy làm bóng đá.

Làn sóng chỉ trích triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier rất dữ dội. Từ những tiếng la ó trên sân Mỹ Đình, liệu còn HLV nào dám bước đi trên con đường canh tân triết lý bóng đá ở Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào về việc này? Liệu bóng đá Việt Nam, từ cấp CLB đến ĐTQG vẫn cứ duy trì chiến thuật bóng đá sơ khai hay mạnh dạn canh tân để hướng tới lối chơi hiện đại hơn?

- Tôi thực sự tin tưởng rằng nếu có đủ thời gian, HLV Troussier sẽ chứng minh ông ấy lựa chọn đúng. Ông ấy đúng khi cố gắng thay đổi lối chơi bóng mà cả nước đang áp dụng. Nhưng ông ấy không nhận được nhiều sự hậu thuẫn từ CLB, V-League và VFF.

Chuyên gia Scotland: Chỉ trích HLV Troussier, hãy hỏi vì sao ông Park ra đi - 14

Ngay từ đầu, ông ấy luôn phải tranh đấu trong cuộc chiến không thể thắng. Không quan trọng HLV là ai, dù là Pep Guardiola hay ông Mai Đức Chung, cũng không thể thắng.

Nếu có một điểm phải phê bình HLV Troussier thì đó là ông ấy đã cố gắng thay đổi quá nhiều và quá nhanh. Điều tương tự đã xảy ra ở Man Utd thời David Moyes. Điều đó cho thấy nếu không có đủ người xung quanh để hỗ trợ và phản biện, thay vào đó chỉ là những người ăn theo, kết quả luôn luôn là phát sinh vấn đề.

Câu hỏi cuối cùng, ai sẽ là người phù hợp để dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong tương lai?

- Một người đủ hiểu về Việt Nam, hiểu về mọi vấn đề, từ bộ máy vận hành, những thách thức và đủ khả năng xử lý mọi vấn đề này. Đồng thời, ông ta phải dám chịu trách nhiệm trước kỳ vọng của người hâm mộ, thân thiện với giới truyền thông và nắm được chỉ tiêu từ VFF.

Việc này không dễ đâu. Nhưng vấn đề khác là bóng đá Việt Nam đang có ai trong bộ phận tuyển dụng, họ có đủ năng lực để tuyển dụng không? Đối với bóng đá Việt Nam, mọi vấn đề đều ẩn sâu dưới bề mặt.

Một lưu ý khác, Việt Nam và các nước Đông Nam Á thường tuyển dụng HLV theo quốc tịch thay vì dựa trên thành tích cá nhân. Quan niệm HLV đến từ đâu thay vì họ là ai này hoàn toàn sai.

Tottenham sẽ chẳng bao giờ bổ nhiệm Ange (Postecoglou) từ Celtic nếu họ cũng suy nghĩ như vậy. Ange là một người Australia, và có lẽ ông ấy không có cơ hội ở Việt Nam hay bất kỳ nước Đông Nam Á nào!

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nội dung: Ngọc Trung

Thiết kế: Patrick Nguyễn