(Dân trí) - Tây Ban Nha và phong cách tiki-taka một thời là quả bom nguyên tử cuốn phăng mọi sự sống trên thế giới bóng đá. Chất liệu tiki-takanium đang trở lại cùng Gavi và Pedri.
Tây Ban Nha và phong cách tiki-taka một thời là quả bom nguyên tử cuốn phăng mọi sự sống trên thế giới bóng đá. Chất liệu tiki-takanium đang trở lại cùng Gavi và Pedri.
Đánh bại Costa Rica với tỷ số 7-0, tung 1.045 đường chuyền với tỷ lệ chính xác 94%, qua đó kiểm soát bóng 82% và cả trận không phải nhận bất cứ pha dứt điểm nào, tuyển Tây Ban Nha đã khởi đầu chiến dịch chinh phục World Cup 2022 theo cách không thể đặc trưng hơn. Dù bị Đức cầm hòa 1-1 phút cuối ở trận thứ hai, nhưng Tây Ban Nha vẫn kiểm soát bóng vượt trội và tung ra hơn 800 đường chuyền. Như HLV Luis Enrique đắc ý phát biểu sau trận đấu: "Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là liên tục kiểm soát trận đấu".
Thật vậy! Costa Rica chẳng có chút mảy may cơ hội phản kháng. Không chỉ bị xoay như chong chóng bởi những pha ban bật tí tách và mạch lạc của các cầu thủ áo đỏ, đại diện đến từ Trung Mỹ còn không thể có bóng chứ đừng nói sút bóng. Thay vì sức xuyên phá của hàng công hay sự chắc chắn của hàng thủ, sự tàn nhẫn trong phong cách của tuyển Tây Ban Nha là không cho đối phương chơi bóng. Phong cách ấy được gọi là tiki-taka (tiqui-taca).
Bóng đá Tây Ban Nha cực kỳ thành công ở cấp câu lạc bộ (CLB). Real Madrid là đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ 20. Barcelona được ca tụng là gã khổng lồ. Valencia, Athletic Bilbao, Deportivo hay Atletico Madrid đều là những đội bóng đặc sắc và có số má. Xứ sở bò tót cũng sản sinh ra không ít tài năng kiệt xuất, từ Quả bóng vàng Luis Suarez đến "Chúa nhẫn" Raul Gonzalez.
Tuy nhiên, nghịch lý là đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Tây Ban Nha không hề được đánh giá cao. Cho đến khi bước sang thế kỷ 21, La Furia Roja vẫn bị gọi với cái biệt danh đầy châm biếm là Vua vòng loại. Đi sâu vào nội tình của tuyển Tây Ban Nha, tuy sản sinh không ít tài năng, nhưng tình trạng chia rẽ bè phái vô cùng nghiêm trọng.
Hiện tượng này không khó để lý giải khi quốc gia trên bán đảo Iberia này được hợp thành từ các cộng đồng tự trị, và không ít xứ tự trị luôn giương cao ngọn cờ đòi độc lập. Tiêu biểu là xứ Catalonia và xứ Basque. Lòng người tản mát và những xung đột địa lý sâu sắc như vậy chính là nguyên nhân khiến đội tuyển Tây Ban Nha lép vế so với các cường quốc bóng đá lân bang.
Bước ngoặt chỉ đến dưới triều đại HLV Luis Aragones. Nhà hiền triết xứ Hortaleza tiếp quản La Furia Roja sau đại bại tại Euro 2004. Ông tiến hành cải tổ nhân sự và thải loại một số công thần cựu trào, tiểu biểu là Raul, đồng thời áp dụng lối chơi chuyền bóng ngắn đang mang lại thành công cho Barcelona.
Và thuật ngữ tiki-taka để miêu tả lối chơi bóng ngắn của tuyển Tây Ban Nha lần đầu được phổ biến bởi Andres Montes, phát thanh viên nổi tiếng với biệt tài phối ngẫu từ ngữ. Trong buổi bình luận World Cup 2006 trên đài LaSexta, chứng kiến màn phối hợp tí tách từ các học trò của HLV Aragones, Montes hứng chí thốt lên: "Estamos tocando tiki-taka tiki-taka" (Chúng ta đang chơi tiki-taka tiki-taka).
Tiki-taka ở đây là tên món đồ chơi tung hứng dựa trên nguyên lý dao động trọng trường tương tự đồng hồ quả lắc. Vì vậy cách chơi bóng của các cầu thủ Tây Ban Nha dưới thời Luis Aragones đã được bình luận viên Andres Montes miêu tả cả tượng thanh lẫn tượng hình một cách quá tài tình. Định nghĩa khái quát, tiki-taka là phong cách chơi bóng tập thể, các cầu thủ sẽ ban chuyền và di chuyển liên tục nhằm duy trì quyền kiểm soát bóng.
Lựa chọn phong cách tiki-taka của Luis Aragones đem đến cho tuyển Tây Ban Nha thành công ngoài sức tưởng tượng. La Furia Roja vô địch Euro 2008, đăng quang World Cup 2010 và bảo vệ thành công chức vô địch tại Euro 2012, trở thành một trong những đế chế vĩ đại nhất lịch sử bóng đá. Còn tiki-taka trở thành biểu tượng, được ví như quốc bảo của bóng đá Tây Ban Nha, sánh vai với những trường phái hay chiến thuật trứ danh như Joga Bonito của người Brazil, Catenaccio của người Italy hay Total Football của người Hà Lan.
Người Tây Ban Nha phải mất hơn 100 năm để tìm thấy phong cách đặc trưng cho đội tuyển quốc gia, điều các nước khác chỉ mất vài mươi năm, chính bởi đặc điểm địa chính trị không đồng nhất trong nước. Tiki-taka trước khi là tiki-taka như ngày nay, thực ra đã từng xuất hiện trong ngôn ngữ bóng đá xứ sở đầu bò, nhưng theo cách chế giễu.
Đó là trong thập niên 1980, HLV Javier Clemente đã cười nhạo lối chơi ban chuyền của Barcelona là: "Bọn chúng đang chơi tiki-taka hay sao ấy nhỉ?!". Ngụ ý của nhà cầm quân này là Barca chơi bóng hèn đớn, các cầu thủ chỉ chuyền bóng chứ không dám cầm bóng tả xung hữu đột. Thế cho nên Pep Guardiola mới từng tự ái và gọi tiki-taka là… rác rưởi.
Javier Clemente là người xứ Basque, cả sự nghiệp cầu thủ lẫn HLV gắn bó lâu dài với Athletic Bilbao. Đây là xứ sở của những người khổng lồ. Các cầu thủ xứ Basque cao lớn, dũng mãnh, chẳng hạn như Javi Martinez, nên lối chơi của các đội bóng xứ sở này mang nặng tính va đập.
Biệt danh La Furia Roja (Cơn cuồng nộ đỏ) của đội tuyển Tây Ban Nha cũng bắt nguồn từ lối chơi mạnh mẽ, hiếu chiến và trực diện của người xứ Basque. Đó là tại Thế vận hội Antwerp 1920. Phong cách của tuyển Tây Ban Nha được gói gọn trong cách José María Belauste, một cầu thủ xứ Basque, hét vào mặt đồng đội: "Sabia, đưa trái bóng đây! Tao sẽ cuốn phăng hết bọn chúng!".
Tuy nhiên, xứ Basque cho đến ngày nay chỉ có chừng 2,5 triệu dân, chiếm tỷ lệ quá nhỏ trong gần 50 triệu người Tây Ban Nha, thế nên không thể đại diện cho cả nền bóng đá nước này. Hơn nữa các đội bóng xứ Basque, bao gồm cả Athletic Bilbao, ngày càng sa sút vì chậm thích ứng với thời đại. Ngược lại, Barca ngày càng thành công rực rỡ nhờ nguồn lực lớn của trung tâm kinh tế số một đất nước và sự hiệu quả trong việc áp dụng mô hình của Ajax, với sự tư vấn của huyền thoại Johan Cruyff.
Thiên thời, địa lợi đã đủ, nhưng yếu tố để biến tiki-taka trở thành quốc bảo của bóng đá Tây Ban Nha là "nhân hòa". Hóa ra xứ sở này luôn sản sinh ra vô vàn tiền vệ tài năng và sáng tạo. Cuối thập niên 1990 đầu 2000 đã xuất hiện một loạt đạo diễn tài ba giữa sân, như Pep Guardiola, Ivan de la Pena, Gaizka Mendieta, Ruben Baraja hay Juan Valeron.
Đến thời đại tiki-taka lại càng phát triển rực rỡ với một loạt tiền vệ đẳng cấp thế giới là Xavi, Xabi Alonso, Andres Iniesta, Santi Cazorla, David Silva, Cesc Fabregas và Sergio Busquets. Ở bất kỳ CLB hàng đầu nào, những cái tên vừa nêu đều cầm chắc suất đá chính, thậm chí sắm vai cầm trịch trung tuyến. Và tất cả đều là tuyển thủ Tây Ban Nha. Bởi vậy, có thể ví von tiki-taka là tiki-takanium, nguồn năng lượng nguyên tử để quả bom La Furia Roja phát nổ.
Sau thành công rực rỡ của thế hệ được đại diện bởi "cặp sen đầm trung tuyến" Xavi-Iniesta, đội tuyển Tây Ban Nha và tiki-taka thoái trào. World Cup 2014, La Roja bị loại ngay từ vòng bảng. World Cup 2018, họ dừng chân ở vòng 1/8 trước chủ nhà Nga sau trận đấu được ví là màn trình diễn thảm hại nhất lịch sử của phong cách tiki-taka, khi các cầu thủ ngoài cầm bóng chẳng biết làm gì khác.
Tây Ban Nha và tiki-taka chỉ hồi sinh khi Luis Enrique xuất hiện. Vị chiến lược gia từng dẫn dắt Barca giành cú "ăn ba" vào năm 2015 này mới là người đủ trải nghiệm và kiến thức để thấm nhuần phong cách tiki-taka và phương pháp để xây dựng lối chơi phù hợp. Thành tích lọt vào bán kết Euro 2020 năm ngoái là hồi chuông báo hiệu sự trở lại của La Furia Roja.
Và khi chứng kiến cái cách Tây Ban Nha mở màn chiến dịch World Cup 2022, giới quan sát không khỏi sởn gai góc bởi sự áp đảo tuyệt đối của tiki-takanium. Trước Costa Rica, La Roja thao túng hoàn toàn trận đấu. Các học trò của Luis Enrique không chỉ cầm bóng để tấn công ghi bàn mà còn cầm bóng để không cho đối phương tấn công, bằng chứng là Costa Rica cả trận không sút nổi một quả.
Nổi bật lên trong màn trình diễn hủy diệt ấy là bộ đôi Gavi và Pedri. Hai tài năng trẻ của Barca này kết hợp với Busquets tạo thành bộ ba cầm trịch trung tuyến cho đội tuyển Tây Ban Nha. Chỉ giữa ba tiền vệ này, 162 đường chuyền được thực hiện, với tỷ lệ chính xác 94%.
Pedri chơi lệch sang trái, liên tục bẻ cong tuyến phòng ngự đối phương bằng những pha xử lý tinh tế. Gavi lệch phải, miệt mài kết nối các vị trí như chú ong thợ và thi thoảng bất thần dâng cao dứt điểm. Trong một tình huống như vậy, chàng trai 18 tuổi 110 ngày này đã trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn tại World Cup kể từ Pele tại World Cup 1958.
Bởi vậy, dù không muốn so sánh đi chăng nữa, từ không gian đến thời gian, Gavi-Pedri luôn khiến người xem liên tưởng tới bộ đôi huyền thoại Xavi-Iniesta. Cả hai không chỉ được "tắm" trong hệ tư tưởng tiki-taka mà còn tạo cảm giác được tạo hóa "đo ni đóng giày" để kế thừa hai bậc tiền bối vĩ đại từ vị trí đến vai trò.
Giống như tiền bối Iniesta, giá trị của Pedri là cầm bóng. Anh không giỏi tắc bóng, cũng chẳng sở hữu những số liệu kiến tạo hay ghi bàn ấn tượng. Tuy nhiên, nhờ sự uyển chuyền và sáng tạo, trung tâm gây đột biến của La Roja là Pedri. Thống kê chỉ ra, tiền vệ này tung ra 22 đường chuyền xuyên tuyến và cả 22 đều đi trúng đích. Gavi dù đá trọn 90 phút nhưng chỉ tung ra 11 đường chuyền xuyên tuyến và 8 đi trúng đích.
Ngược lại, Gavi luôn tư duy chọn vị trí và phương án chuyền bóng phù hợp ở phía đối diện. Giống như Xavi, Gavi cả ngày đi tìm không gian. Thống kê chỉ ra, ở trận gặp Costa Rica, Gavi có 23 lần thả trái bóng ra sau lưng hàng hậu vệ đối phương cho Ferran Torres băng xuống. Pedri ở phía đối diện chỉ một lần làm điều này.
Ngoài phẩm chất gợi nhớ Xavi, Gavi còn đầy cá tính và tràn trề năng lượng. Chàng trai trẻ này như quả lắc đốt lửa dao động không ngừng trên sân. Cái cách cầu thủ trẻ này đá lưỡi vào má cho dù không ảnh hưởng đến thế trận trên sân nhưng trông thật ngầu và giúp anh không bị rập khuôn tiền bối. Nói cách khác, Gavi là phiên bản Xavi võ sĩ giác đấu (Gladiator).
Pedri cũng không hề sao chép toàn bộ Iniesta để thành ra một phiên bản kém hơn. So với Iniesta, Pedri chăm chỉ và cầu toàn hơn. Chàng trai đến từ xứ đảo Canary, nơi từng sản sinh ra David Silva và Juan Carlos Valeron này có sự bền bỉ của một chàng trai vùng biển để di chuyển cả trận không biết mệt. Trong các trận đấu Pedri thi đấu trọn 90 phút, khó ai tranh được vị trí cầu thủ di chuyển nhiều nhất trận với cầu thủ này. Cách Pedri di chuyển cũng hơi khác Iniesta. Anh không lao vào vùng hành lang trong ngay lập tức mà thường xuyên lùi về "lót" cho Jordi Alba dâng cao rồi mới từ từ thâm nhập phần sân đối phương.
HLV Luis Enrique nắm rất rõ đặc điểm của từng học trò. Bên cạnh đó là sự xuyên suốt từ phong cách, con người cho đến sơ đồ chiến thuật giúp vị chiến lược gia này dễ dàng tìm ra sự hòa hợp và thống nhất cho đội tuyển Tây Ban Nha. Suy cho cùng, La Roja vẫn đi tìm khoảng trống. Pedri tìm khoảng trống để chuyền hoặc rê bóng. Gavi tìm khoảng trống để khai thác, xuyên phá hoặc tạo ra khoảng trống mới.
Điều quan trọng là bộ đôi tiếp nối Xavi-Iniesta này luôn biết khoảng trống ở đâu. Đó là yếu tố căn bản của tiki-takanium.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Tuấn Huy