DMagazine

Xung đột Nga - Ukraine và 4 bài học về công nghệ trong chiến tranh hiện đại

(Dân trí) - Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã để lại nhiều bài học quý báu về nghệ thuật tác chiến và sử dụng công nghệ quân sự trong chiến tranh hiện đại.

XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE VÀ 4 BÀI HỌC VỀ CÔNG NGHỆ TRONG CHIẾN TRANH HIỆN ĐẠI

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã để lại nhiều bài học quý báu về nghệ thuật tác chiến và sử dụng công nghệ quân sự trong chiến tranh hiện đại.

Ngày 24/2/2022, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã mở một chiến dịch quân sự nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Gần một năm trôi qua, thế trận giằng co vẫn đang diễn ra giữa 2 bên, khiến xung đột vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Với quy mô lớn cùng thời gian tham chiến kéo dài, cuộc xung đột giữa 2 quốc gia láng giềng tại châu Âu đã để lại nhiều bài học về nghệ thuật tác chiến và sử dụng vũ khí trong chiến tranh hiện đại.

Vai trò không thể phủ nhận của máy bay không người lái

Xung đột Nga - Ukraine có thể được coi là một minh chứng rõ ràng về vai trò của các máy bay không người lái (UAV) trong chiến tranh hiện đại.

Xung đột Nga - Ukraine và 4 bài học về công nghệ trong chiến tranh hiện đại - 1

Một UAV Bayraktar TB2 trong biên chế quân đội Ukraine (Ảnh: Getty).

Ngay từ trước khi xung đột nổ ra, chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đầu tư trang bị cho quân đội nước này nhiều máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh các UAV hạng nhẹ được sản xuất trong nước và viện trợ từ nước ngoài, loại UAV này đã cho thấy hiệu quả đáng kinh ngạc trên chiến trường.

Vai trò của các UAV Ukraine đã góp phần rất quan trọng trong việc ghìm bước tiến của quân đội Nga ở giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, đặc biệt là khi khả năng đánh nhanh thắng nhanh của Nga phụ thuộc rất lớn vào sự cơ động và sức mạnh của các xe tăng và xe chiến đấu bộ binh hạng nặng.

Không chỉ chỉ điểm cho pháo binh và vũ khí chống tăng của Ukraine khai hỏa vào các vị trí tập kết của quân đội Nga, UAV của Ukraine đã nhiều lần thực hiện những phi vụ tấn công và trực tiếp tiêu diệt nhiều xe quân sự của Nga. Không chỉ có vậy, giới chức Ukraine còn khẳng định các UAV của nước này đã góp phần đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen cũng như tham gia vào chiến dịch giành lại đảo Rắn từ tay lực lượng phòng thủ Nga.

Nhận rõ được tầm quan trọng của máy bay không người lái trong việc chống lại các vũ khí hạng nặng của Nga, bên cạnh kêu gọi viện trợ từ các đồng minh phương Tây, Ukraine cũng đã phát triển UAV tấn công nội địa do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Ukroboronprom sản xuất.

Theo đó, một UAV tự sát có khả năng mang theo đầu đạn nặng 75kg, đạt tầm bay đạt 1.000km và trang bị nhiều thiết bị với khả năng chống chọi với các hệ thống tác chiến điện tử nhất đã được Ukroboronprom thử nghiệm thành công và dự kiến sẽ sớm được đưa vào trang bị trong biên chế quân đội Nga.

Ngoài ra, vào đầu năm 2023, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyi đã phê chuẩn quyết định thành lập một biệt đội tấn công sử dụng UAV cảm tử đầu tiên của quân đội Ukraine. Đây cũng được cho là đơn vị UAV cảm tử đầu tiên được thành lập bởi một quân đội chính quy trên thế giới.

Về phía Nga, quân đội nước này cũng tích cực trang bị cho mình những UAV hiện đại với nhiệm vụ trinh sát cảnh giới, gây rối loạn hệ thống phòng không cũng như tấn công các mục tiêu của Ukraine. Một số mẫu UAV đời mới nhất của Nga như Merlin-VR, Orlan-30 hay Orlan-10 phiên bản tấn công đã được cho ra mắt và tham gia thực chiến tại Ukraine.

Theo một số chuyên gia, các UAV của Nga hiện vẫn còn một số nhược điểm so với các vũ khí cùng loại được phương Tây viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, với giá thành rẻ cùng khả năng sản xuất hàng loạt, các máy bay không người lái của Moscow cùng với những UAV do Iran sản xuất trong biên chế Iran vẫn gây ra nhiều tổn thất cho phía Ukraine trong mỗi lần xuất trận.

Cuộc đua làm chủ công nghệ liên lạc vệ tinh

Theo chuyên gia quân sự Michael Clarke, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đánh dấu bước khởi đầu của kỷ nguyên chiến tranh vũ trụ, nhất là trên phương diện cung cấp thông tin liên lạc trên chiến trường. Điều đặc biệt của loại hình tác chiến này là ngoài các tổ chức chính phủ, những công ty công nghệ tư nhân cũng thể đóng một vai trò quan trọng.

Xung đột Nga - Ukraine và 4 bài học về công nghệ trong chiến tranh hiện đại - 2

Thiết bị kết nối internet vệ tinh Starlink được chuyển đến Ukraine (Ảnh: Reuters).

Trong những tuần đầu của cuộc xung đột, quân đội Nga đã liên tục thực hiện những nhiệm vụ bị Ukraine cáo buộc là "tác chiến không gian mạng" nhằm vào hệ thống viễn thông của Ukraine. Các nhiệm vụ này đã đạt được những thành công đáng kể khi làm gián đoạn đường dây liên lạc của các đơn vị vũ trang Ukraine.

Để đối phó với chiến thuật trên của Nga, chính quyền Ukraine đã kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp về liên lạc vệ tinh từ các quốc gia đồng minh. Lời kêu gọi này đã không được đáp ứng như kỳ vọng do kết nối vệ tinh liên lạc quân sự là một bí mật mà các quốc gia không thể dễ dàng chia sẻ lẫn nhau.

Tưởng chừng đã hết hy vọng, vào cuối tháng 2/2022, SpaceX, công ty của tỷ phú Mỹ Elon Musk đã vào cuộc và chuyển hàng chục nghìn bộ kết nối vệ tinh Starlink cho quân đội Ukraine.

Kết nối Starlink cho phép quân đội Ukraine sở hữu một hệ thống thông tin đáng tin cậy và mạnh mẽ. Bằng cách sử dụng hệ thống Internet dựa trên vệ tinh, kết nối với mạng lưới hàng nghìn tàu vũ trụ nhỏ vòng quanh trái đất ở quỹ đạo thấp, các đơn vị Ukraine có thể duy trì liên lạc nhằm phối hợp tác chiến một cách nhanh chóng và bảo mật. Quân nhân Ukraine sử dụng các hệ thống này để phối hợp các nhiệm vụ phản công hoặc yêu cầu hỗ trợ pháo binh. Trong khi đó, dân thường Ukraine dùng Starlink để giữ liên lạc với thân nhân ở trong và ngoài nước.

Xung đột Nga - Ukraine và 4 bài học về công nghệ trong chiến tranh hiện đại - 3

Binh sĩ Ukraine sử dụng thiết bị Starlink trên chiến trường (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, mối quan hệ tốt đẹp giữa tỷ phú Elon Musk và chính quyền Ukraine đã nhiều lần gặp trục trặc bởi tính cách được cho là "khó đoán" của ông chủ SpaceX.

Hồi tháng 10/2022, ông Musk đã gây "bão" dư luận khi yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ hỗ trợ hoàn trả chi phí cung cấp dịch vụ internet vệ tinh cho Ukraine. Đến đầu năm 2023, một số nguồn tin cho rằng khoảng 1.300 thiết bị thu phát tín hiệu vệ tinh Starlink tại Ukraine đã dừng hoạt động do Ukraine chưa trả phí. Việc này gây nên nhiều rắc rối cho hoạt động tác chiến của quân đội Ukraine. Nhiều UAV cùng một số loại vũ khí hiện đại khác của quân đội nước này đã không thể hoạt động do thiếu tín hiệu kết nối với trung tâm chỉ huy.

Chính vì những rắc rối không đáng có nêu trên, chính quyền và quân đội Ukraine hiện đang phải khẩn trương tìm những thiết bị và hệ thống thay thế cho hệ thống liên lạc vệ tinh Starlink của SpaceX.

Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra rằng nhiều quốc gia đang tập trung nguồn lực khổng lồ cho việc nghiên cứu các công nghệ liên quan đến vệ tinh nhằm đảm bảo kết nối thông tin an toàn và liên tục trong trường hợp hệ thống viễn thông thông thường bị đối phương chế áp. Việc tự chủ công nghệ cũng sẽ giúp các quốc gia này không phải phụ thuộc vào các công ty tư nhân như trong trường hợp của Ukraine.

Hành trình xác lập vị thế của vũ khí chính xác

Gần một năm xung đột Nga - Ukraine đã khẳng định vai trò làm chủ cuộc chơi của các loại vũ khí chính xác. Kể từ giữa năm 2022, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã rất tích cực trong việc viện trợ những loại vũ khí có độ chính xác cao cho quân đội Ukraine.

Xung đột Nga - Ukraine và 4 bài học về công nghệ trong chiến tranh hiện đại - 4

Pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất được đánh giá là loại vũ khí thay đổi cuộc chơi tại Ukraine (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS, lựu pháo được nâng cấp tính năng điện tử M777A2, đạn pháo thông minh M982 Excalibur hay tên lửa chống hạm Harpoon được trang bị thêm tính năng dẫn đường đã và đang có những màn thể hiện xuất sắc và hỗ trợ các lực lượng Ukraine trong việc chống lại sức mạnh vượt trội của quân đội Nga.

Thời gian gần đây, đạn pháo M982 Excalibur đã liên tục được sử dụng những màn tấn công chính xác cao nhằm vào các thiết bị quân sự hiếm gặp của Nga. Tên lửa phòng không Tor-M2DT, tổ hợp tác chiến điện tử thế hệ mới Palantin cùng nhiều xe tăng và xe thiết giáp của Moscow đã bị loại đạn pháo này tiêu diệt chỉ sau một lần khai hỏa. Điều này cho thấy độ chính xác rất cao của đạn pháo thông minh M982 Excalibur trong biên chế quân đội Ukraine.

Trong một phát biểu hồi giữa tháng 1, một sĩ quan thuộc lực lượng dân quân ly khai ở miền Đông Ukraine đã gọi đạn pháo Excalibur là "vũ khí nguy hiểm nhất" được Washington viện trợ cho Kiev.

Tổ hợp tên lửa "Quái thú Bắc Cực" của Nga bị bắn cháy bởi đạn pháo thông minh ở Ukraine

Thời gian tới, nhằm tiếp sức cho đà phản công của Ukraine, quân đội Mỹ được cho là sẽ gửi thêm cho Kiev nhiều vũ khí thông minh có độ chính xác rất cao, trong đó bao gồm bom bay GLSDB.

Là một loại bom đường kính nhỏ được phát triển bởi tập đoàn Boeing của Mỹ và Saab của Thụy Điển, GLSDB gồm 2 thành phần chính, trong đó, đóng vai trò đầu đạn là loại bom đường kính nhỏ GBU-39 được lắp trong một quả rocket M26 để phóng từ trên bộ. Với chiều dài 3,9m, đường kính 0,24m và nặng khoảng 272kg, loại bom này có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 130km.

Khi được động cơ đưa lên đủ độ cao và đạt tốc độ cần thiết, đôi cánh được gấp gọn sẽ mở ra và cho phép GLSDB lượn tới mục tiêu nhờ đầu dò laser bán chủ động. Ngoài ra, với trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS, bom GLSDB có thể vượt qua các hệ thống gây nhiễu và chế áp điện tử của đối phương. Loại vũ khí này cũng có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện địa hình và thời tiết.

Trong một phát biểu hôm 31/1, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Denis Pushilin đã cảnh báo về sự nguy hiểm của bom GLSDB, đồng thời kêu gọi quân đội Nga cung cấp thêm nhiều tổ hợp phòng không để chống lại loại vũ khí này.

Màn thể hiện vượt trội của các vũ khí này tại Ukraine cho thấy chiến thuật tác chiến trong kỷ nguyên hiện đại đã chuyển mình. Giờ đây, thay vì những cuộc tập kích dồn dập dựa vào hỏa lực mạnh, quân đội các quốc gia trên thế giới sẽ chú trọng hơn tới các màn "tấn công phẫu thuật" nhằm vào mục tiêu cụ thể của đối phương.

Với độ chính xác cao, những màn tấn công này không chỉ gây hoang mang cho đối phương mà còn đảm bảo sự an toàn cho dân thường cùng những công trình hạ tầng dân sự. Ngoài ra, với khả năng tấn công từ xa, các loại vũ khí này sẽ tạo ra một vùng đệm an toàn nhằm bảo vệ sinh mạng của binh sĩ.

Thời đại của robot chiến đấu?

Theo giới quan sát, xung đột Nga - Ukraine sẽ trở thành tiền đề cho sự phát triển của các robot chiến đấu hoàn toàn tự động trên chiến trường.

Xung đột Nga - Ukraine và 4 bài học về công nghệ trong chiến tranh hiện đại - 5

Robot chiến đấu Uran-9 của Nga (Ảnh: Kalashnikov).

Một số loại robot chiến đấu đã được quân đội Nga và Ukraine đưa vào tham chiến trong xung đột tại Ukraine. Trong đó, nổi bật nhất là robot Uran-9 của Nga. Với thiết kế giống với một xe tăng loại nhỏ với trang bị pháo cỡ nòng 30mm, súng phun lửa và tên lửa chống tăng, Uran-9 được cho là hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ trinh sát và yểm trợ hỏa lực cho bộ binh.

Về phía Ukraine, quân đội nước này cũng đã hoàn thành quá trình nghiên cứu và sẽ sớm đưa vào sử dụng các robot trinh sát GNOM để hỗ trợ bộ binh trên chiến trường.

Trong thời gian tới, các chuyên gia quân sự nhận định những loại phương tiện hoàn toàn tự động sẽ được đưa vào tham chiến. Với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), các robot này sẽ có thể vận hành hoàn toàn tự động mà không cần sự trợ giúp của con người.

Việc đưa robot vào chiến đấu sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại về người cho cả 2 phe, đồng thời cho phép tiến hành những hoạt động tác chiến mà con người không thể thực hiện.

Theo nhà phân tích Zachary Kallenborn từ Đại học George Mason, Mỹ, những thiệt hại nặng nề của cả 2 phe tại Ukraine sẽ thúc đẩy nhiều quốc gia tập trung chế tạo robot chiến đấu nhằm chuẩn bị cho các cuộc xung đột trong tương lai.

Tùng Nguyễn 

Tổng hợp